Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 16-06-2020] Chính quyền ở huyện Lai Thuỷ, tỉnh Hà Bắc đã nhiều lần bắt giam một phụ nữ tại địa phương và tra tấn cô trong trại lao động cưỡng bức đến khi cô hôn mê và không thể tự chăm sóc bản thân. Họ buộc cô phải tham gia nhiều buổi tẩy não và lục soát nhà cô hết lần này đến lần khác trong suốt 21 năm qua.

Những hành động tàn bạo này xảy ra bởi vì cô Mạnh Khánh Liên là một học viên Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp), một môn tu luyện thiền định đang bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc đàn áp từ năm 1999. Chồng cô, ông Tào Kế Vỹ cũng là một học viên Pháp Luân Công, nhiều lần bị giam giữ và tra tấn. Mẹ ông vì liên tục lo lắng cho an toàn của hai vợ chồng nên đã bị cảnh sát quấy rối và đe dọa. Việc tổn thương tinh thần đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà, bà đã qua đời vào năm 2012.

Tham gia tu luyện Pháp Luân Công

Cô Mạnh và chồng đã tham gia tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996. Trước đó, cô thường bị cảm lạnh và ho, đôi khi ho dữ dội đến mức cô không thể ngủ vào ban đêm. Sức khỏe yếu cũng khiến cô liên tục rơi vào tâm trạng tồi tệ. Sau khi tu luyện Pháp Luân Công, sức khỏe của cô được phụ hồi và cô trở nên vui vẻ và biết nghĩ đến người khác.

Mười tám năm bị bắt giữ, giam cầm và tra tấn nhiều lần

Sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu, các quan chức ở thị trấn Triệu Các Trang đã đưa cô Mạnh vào một trại tẩy não ba lần và tống tiền cô 200 nhân dân tệ. Họ lục soát nhà cô nhiều lần, tịch thu sách về Pháp Luân Công của cô, cũng như quấy rối cô và gia đình.

Tháng 10 năm 1999, các quan chức đã nhốt cô trong bảy ngày. Khi chồng cô đi làm ngoài thị trấn, con gái họ bị bỏ lại ở nhà một mình mà không có ai chăm sóc.

Cảnh sát đã bắt cô Mạnh bốn lần vào năm 2000. Lần đầu xảy ra vào mùa xuân, khi cảnh sát bắt cả hai vợ chồng cô vì họ nói chuyện với người dân về cuộc bức hại Pháp Luân Công của chính quyền. Họ bị giam tại Nhà tù quận Lai Thuỷ, nơi cô Mạnh buộc phải xem các video nói xấu Pháp Luân Công.

Lính canh trói cô chặt đến nỗi sợi dây cắt vào da thịt cô và hai vai của cô bị kéo căng gây đau đớn tột cùng. Ngoài ra, họ còn đánh cô bằng xẻng, dùi cui và giày. Không chỉ đánh đập, lính canh còn buộc cô Mạnh phải đứng, chạy hoặc quỳ trên bề mặt không bằng phẳng trong thời gian dài. Tra tấn kéo dài sáu tháng cho đến khi gia đình cô vay được 6.600 nhân dân tệ để gửi tiền bảo lãnh cho hai vợ chồng cô. Sau đó hai vợ chồng cô sống trong nợ nần vì chính quyền thường xuyên tống tiền họ.

Lần bắt giữ thứ hai và thứ ba diễn ra vào ngày 20 tháng 7 và ngày 1 tháng 10. Cả hai lần đó, cô đều bị tạm giam trong nhiều ngày.

Vào cuối tháng 11, cảnh sát trưởng ở địa phương đã bắt giữ cô Mạnh một lần nữa và đưa cô đến một trại tạm giam vào ngày 27 tháng 12 năm 2000. Cảnh sát trói cô lại và dán băng keo vào miệng cô. Họ buộc cô và một số học viên khác phải đi bộ dọc trên phố để bị làm nhục, trước khi tuyên bố giam cầm cô trước hơn 1.000 người.

Tại trại tạm giam, cô Mạnh bị còng tay và cùm chân trong bốn ngày. Mọi di chuyển của cô, bao gồm cả việc đi vệ sinh, đều được lính canh nam theo dõi chặt chẽ. Họ cho cô ít thức ăn và cô không bao giờ nhận được tiền gia đình gửi cho. Lính canh cũng ra lệnh cho cô làm hoa nhân tạo không lương.

Để phản đối việc lạm dụng, cô Mạnh đã tuyệt thực vào tháng 4 năm 2001. Một tuần sau, chính quyền đã cho anh trai đến đưa cô về nhà.

Ngay ngày hôm sau, các viên chức ở thị trấn đã đưa cô Mạnh đi giam cầm và tự ý giam cô trong tòa thị chính. Họ còn đưa mẹ chồng và con gái cô tới để gây áp lực cho cô, “Cô muốn ai, gia đình hay Pháp Luân Công?” Cô Mạnh từ chối trả lời.

Các viên chức đã tống tiền 2.400 nhân dân tệ, bao gồm học phí 2.000 nhân dân tệ và 400 nhân dân tệ cho thực phẩm, từ gia đình tài chính khó khăn của cô. Tuy vậy, cô Mạnh vẫn không từ bỏ đức tin và tuyệt thực. Các viên chức đã đưa cô đến bệnh viện Bách Kiện để bức thực cô Mạnh sau đó ba ngày. Ngoài ra, họ còn đá và đánh cô trong lúc bức thực. Trên người cô có đầy các vết thương và bị chấn thương ở đầu và ngực. Cô được đưa trở lại toà thị chính, nơi cô tiếp tục bị ngược đãi cho đến khi cô trốn thoát được vào sáu tháng sau.

Một số viên chức và cảnh sát đã đột nhập vào nhà cô Mạnh vào ngày 27 tháng 12 năm 2001. Họ lại đưa cô đến tòa thị chính, nơi họ đánh đập và dùng đầu thuốc lá gây bỏng da đầu và tai của cô Mạnh. Cô đã được thả ra sau đó vài ngày, nhưng từ đó sức khoẻ cô quá yếu để tự chăm sóc bản thân.

Một viên chức địa phương đi cùng hai chục sĩ quan để hai vợ chồng cô ngay tại nhà vào ngày 23 tháng 4 năm 2002. Họ đánh chồng cô Mạnh, khiến ông bị đứt gân chân. Họ chọc đầu thuốc lá vào mặt và cổ ông Tào. Đến bây giờ, những vết sẹo vẫn còn nhìn thấy rõ.

Sau khi hai vợ chồng cô được thả sau vài ngày, bí thư thôn đã đến nhà họ quấy rối họ mỗi ngày, cũng như ra lệnh cho họ từ bỏ và nói xấu Pháp Luân Công. Ông ta còn đe dọa sẽ gửi hai vợ chồng đến một trung tâm tẩy não nếu họ không tuân thủ. Cuối cùng họ quyết định rời khỏi nhà để tránh bức hại trong tương lai, để lại con nhỏ cho người thân.

Cảnh sát đã bắt giữ cô Mạnh vào tháng 5 năm 2004. Nơi cư trú tạm thời của cô bị lục soát, và các vật dụng cá nhân trị giá hơn 50.000 nhân dân tệ đã bị tịch thu. Cảnh sát thẩm vấn cô trong ba ngày liên tục.

Sau đó, cảnh sát đã chuyển cô Mạnh đến trại tạm giam Bảo Định, nơi cô phải làm những việc thủ công như làm bao bảo vệ ngón tay. Cô đã tuyệt thực để phản đối bức hại và bị bức thực rồi chuyển đến Trại lao động cưỡng bức Bát Lý Trang, nơi cô bị đối xử tệ hơn. Cô đã mất rất nhiều máu khi một bác sĩ nhà tù dùng kim đâm vào chân, mặt và lòng bàn tay trong một lần bức thực tàn bạo.

Có lần, lính canh đã sốc điện cô Mạnh bằng dùi cui điện vì cô không chịu mặc đồng phục trại giam. Họ cũng đánh vào đỉnh đầu của cô, khi cô bảo vệ đức tin của mình.

Để bức thực, lính canh đã nhét một ống vào dạ dày qua mũi của cô và để nó trong 19 ngày. Mỗi lần có lượng thức ăn lớn được truyền vào bụng cô. Tra tấn đau đớn này đã khiến cô bất tỉnh. Ngoài ra, cô còn được tiêm tĩnh mạch và nó được làm một thô bạo đến nỗi trong 9 ngày trôi qua, cánh tay của cô có đầy những vết kim tiêm. Cô được thả vào cuối tháng 8 năm 2004, sau ba tháng bị tra tấn.

Khi cô Mạnh chuyển đến thành phố Trác Châu để tránh bức hại, cảnh sát đã tìm thấy và bắt cô vào tháng 8 năm 2005. Cô tiếp tục tuyệt thực trong trại tạm giam Trác Châu. Trong lúc bức thực, lính canh liên tục nhét ống cho ăn và rút nó ra khỏi lỗ mũi và khí quản của cô. Kết quả là, máu chảy ra từ miệng, mũi và ống bức thực dính đầy máu.

Một bác sĩ của nhà tù đã đâm vào chân cô Mạnh khiến cô thét lên vì đau đớn. Cảnh sát đã trói cô trên giường bằng còng tay và cùm chân khi cô nhập viện. Một cảnh sát trẻ còn hay chọc vào lỗ mũi và tai cô bằng gậy khi anh ta trực ban.

Lo sợ rằng cô sẽ chết trong bệnh viện, chính quyền đã cho cô Mạnh thở oxy và gửi cô về nhà. Cô nằm liệt giường trong hai tháng và không thể tự chăm sóc bản thân trong hai năm.

Khi cảnh sát ở Lai Thuỷ bắt người chồng, ông Tào vào ngày 21 tháng 2 năm 2007, cô Mạnh và người nhà đã đến đồn cảnh sát để yêu cầu thả ông. Cảnh sát đe dọa sẽ bắt giữ họ, vì vậy cô Mạnh đã quyết định đến nhà gặp cảnh sát trưởng. Trên đường đến đó, một số sĩ quan mặc thường phục đã đuổi kịp và đánh cô ngã xuống đất. Hai chị em cô Mạnh bị giam trong hai tuần.

Cảnh sát đã lục soát nhà của cô Mạnh và mẹ chồng của cô vào tháng 4 năm 2008 và bắt mẹ chồng cô. Sách về Pháp Luân Công, TV và các vật dụng cá nhân khác của họ đều bị tịch thu. Hai vợ chồng cô Mạnh phải rời khỏi nhà thêm lần nữa và trốn trong ba tháng, trong thời gian đó, chính quyền đã quấy rối bố mẹ ruột và bố mẹ chồng cô gần như mỗi ngày.

Cảnh sát vũ trang đã xông vào nhà bà Mạnh, ngày 12 tháng 6 năm 2010, khi không có ai ở nhà. Họ lục soát và bắt giữ một người hàng xóm tình cờ ghé qua. Người hàng xóm bị thẩm vấn và nhà của cô cũng bị lục soát. Cảnh sát còn lục soát nhà cha mẹ cô Mạnh, và thẩm vấn cha cô trong nhiều giờ. Ngày hôm sau, cảnh sát đã bắt giữ một người bạn của cha mẹ cô, và quấy rối một người bạn của chủ nhà. Vì liên tục bị sách nhiễu nên hai vợ chồng cô Mạnh buộc phải rời nhà để tránh bị bức hại về sau.

Ba cảnh sát đã quấy rối cô Mạnh tại nhà thêm một lần nữa vào ngày 6 tháng 9 năm 2017.

Báo cáo liên quan:

Ông Tào Kế Vỹ ở huyện Lai Thuỷ, tỉnh Hà Bắc bị bắt; Cảnh sát sách nhiễu người nhà trong lúc truy bắt ông

Tỉnh Hà Bắc: Học viên Pháp Luân Đại Pháp bị tra tấn đến chấn thương – Vợ bị tạm giam


Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/16/407743.html

Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2020/7/19/185936.html

Đăng ngày 13-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share