Bài viết của đệ tử Đại Pháp Đại lục

[MINH HUỆ 10-08-2020] Nhóm học Pháp nhỏ nơi địa phương chúng tôi vẫn luôn tồn tại một vấn đề: vừa ăn uống vừa chia sẻ về những sai kém trong tu luyện, có khi thời gian học Pháp kéo dài thì mọi người nấu cơm cùng ăn với nhau.Trong lúc chia sẻ những chỗ còn thiếu sót với đồng tu A, đột nhiên chúng tôi ý thức được một chủng nhận thức sai lầm trong tư tưởng của bản thân mình: Tuy chúng tôi cho rằng hành vi của một số đồng tu không phù hợp với Pháp nhưng họ vẫn chưa xuất hiện vấn đề gì, cho nên chúng tôi nghĩ có thể là do bản thân mình quá “cẩn trọng”, hoặc tình huống kia chỉ là biểu hiện trạng thái tu luyện khác nhau của từng người. Tôi và đồng tu A ngộ ra chủng loại tư tưởng này chính là biểu hiện của việc không dùng Pháp để làm tiêu chuẩn đo lường. Phàm là bất cứ việc gì cũng cần phải lấy Pháp làm tiêu chuẩn, chứ không phải là lấy nhân tố khác làm tiêu chuẩn.

Ở nơi bản địa có nhóm nhỏ sau khi học Pháp xong, các đồng tu sẽ mang đồ ăn nhẹ và trái cây ra vừa ăn vừa chia sẻ về những thiếu sót của mình. Họ kể những chuyện trong tu luyện, có lúc còn khen ngợi đồ ăn ngon. Có một lần tôi nhớ như in là: Hai vị đồng tu trước đó vẫn còn đang chia sẻ những việc trong tu luyện, nhưng cuối cùng họ lại bắt đầu thảo luận về “trứng vịt của nhà đó ăn rất thơm”. Lúc đó, tôi và đồng tu A ý thức được đây chính là hành vi sai sót, và chúng tôi cũng đã chia sẻ sai kém này trong nhóm học Pháp của chúng tôi. Nhưng hiện tượng này vẫn tồn tại và không có chuyển biến gì, thông thường mỗi lần có đồng tu nhiệt tình đưa cho tôi bánh quy và trái cây thì tôi sẽ từ chối hết, dù cho có bị mất mặt thì tôi cũng từ chối không nhận. Thế nhưng thời gian lâu dần thì tôi cũng vừa ăn uống vừa chia sẻ giống như các đồng tu ở trong nhóm học Pháp, thậm chí có lúc tôi còn không biết là mình có khoa trương quá hay không, tôi không ý thức được tính nghiêm túc của tu luyện.

Về sau có một nhóm học Pháp nọ, bởi vì học Pháp cả ngày cho nên các đồng tu giải quyết vấn đề ăn uống cá nhân ngay tại nhóm học. Lúc mới bắt đầu, mọi người đều tự mình mang theo đồ ăn thật đơn giản; nhưng về sau có đồng tu làm cơm cho mọi người dùng. Bởi vì cơm rau rất hợp khẩu vị nên mọi người đều khen đồng tu này nấu ăn ngon; sau đó thì đồng tu bắt đầu truy cầu về mùi vị cũng như chất lượng của bữa cơm rau và cố gắng nấu ăn sao cho giống với chất lượng của các bữa ăn ở nhà hàng. Không chỉ đồng tu làm cơm và mua thực phẩm hao tốn rất nhiều thời gian và tinh lực, mà các đồng tu dùng bữa cũng ăn uống rất vui vẻ. Mọi người xem một phần thời gian dành cho nhóm học Pháp thành như thời gian để tụ tập ăn uống trong người thường, và cũng chẳng có ai nhớ đến lời Sư phụ giảng:

“Thực nhi bất vị, khẩu đoạn chấp trước” (Đạo Trung, Hồng Ngâm)

Có đồng tu có thể cho rằng: Cả nhóm học Pháp nhỏ cần phải ăn cơm, mỗi người hay vài người trong nhóm cũng cần phải ăn nên sẽ không tồn tại vấn đề chấp trước. Vốn dĩ chúng ta có thể giải quyết nhanh chóng vấn đề ăn uống của mình, nhưng mọi người lại hao phí quá nhiều thời gian và tinh lực không cần thiết vào việc này. Hơn nữa, trong quá trình làm như vậy, chúng ta dần dần sẽ hoàn toàn không thể quan sát thấy việc dẫn khởi chấp trước của các đồng tu: đồng tu làm cơm sẽ khởi tâm hoan hỷ không tự biết khi đối diện với sự khen ngợi của các đồng tu khác, các đồng tu dùng cơm cũng bắt đầu chấp trước vào khẩu vị. Hình thức học Pháp tập thể này là do Sư phụ lưu lại cho chúng ta. Sư phụ giảng:

“Hết thảy những gì chư vị làm hôm nay đều là thực tiễn mà tương lai sẽ tham chiếu.” (Giảng Pháp vào Tết Nguyên Tiêu năm 2003)

Từ lúc mới bắt đầu mang theo đồ ăn nhẹ thì chúng ta đã không ý thức được lớp học Pháp là hoàn cảnh tu luyện thuần chính và nghiêm túc. Chúng ta tuyệt đối không thể lẫn lộn cùng với hội tám chuyện trong người thường. Nếu như chúng ta đi chệch con đường này thì sự việc sẽ trở nên nguy hiểm đến nhường nào!

Trước đó, tuy tôi và đồng tu A đã ý thức được tính nghiệm trọng của vấn đề nêu trên nhưng chúng tôi vẫn chưa dùng tiêu chuẩn của Pháp để đo lường sự việc này rốt cuộc là đúng hay sai. Cũng giống như hiện tượng dùng WeChat để liên lạc giữa các đồng tu trong nhóm học Pháp nhỏ, chúng ta đều biết việc này là sai, và mọi người cũng đã chia sẻ về sai kém này mấy lần rồi. Nhưng các đồng tu vẫn luôn giữ nguyên trạng thái ấy, hơn nữa họ còn nói là mình chưa xuất hiện nguy hiểm gì. Cho nên tôi và đồng tu A đã sinh ra chủng tư tưởng cảm thấy bó tay hết cách, thậm chí có lúc chúng tôi còn cho rằng “có thể họ làm vậy cũng được thôi”. Tuy nhiên, thông qua chia sẻ về những điểm thiếu sót, chúng tôi càng ý thức được chủng loại tư tưởng này của mình không đúng, “xuất hiện hay không xuất hiện việc gì” hoàn toàn không phải là tiêu chuẩn đo lường sự việc đúng hay sai. Đại Pháp mới là tiêu chuẩn đo lường duy nhất.

Có chỗ nào chưa thỏa đáng, kính mong đồng tu từ bi chỉ rõ.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2020/8/10/410218.html

Đăng ngày 12-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share