Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 10-05-2020] Ông Quan Xương Phú, một cư dân thành phố Thập Yển, tỉnh Hồ Bắc bị thương tật trong khi đang phục vụ trong quân đội. Bởi sức khỏe rất yếu, ông đã phải nghỉ hưu sớm ở Công ty Xe máy Đông Phong.

Sau khi ông và vợ bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân vào năm 1996, cả hai vợ chồng ông thấy rằng rất nhiều bệnh của họ đã được trị khỏi.

Nhưng từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, ông Quan đã nhiều lần bị giam giữ, bị đưa tới trung tâm tẩy não hai lần và một lần bị kết án lao động cưỡng bức một năm. Ông từng bị đánh đập tới mức suy sụp tinh thần.

Vợ ông cũng không thoát khỏi cuộc bức hại. Bà bị giam giữ bà lần và bị tra tấn cả về thể xác cũng như cưỡng bức về tinh thần. Năm 2014, bà đã qua đời vì lo lắng và áp lực mà bà đã phải đối mặt trong cuộc bức hại.

Bị đánh đập tới suy sụp tinh thần

Ngày 16 tháng 12 năm 2000, ông Quan tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện phản đối cuộc bức hại Pháp Luân Công. Ông bị bắt giữ tại Quảng trường Thiên An Môn và bị đưa tới Đồn Công an Môn Đầu Câu.

Tại đồn công an, tám cảnh sát nam đánh đập ông hơn 20 phút vì ông dám nói chuyện với các học viên khác. Quần áo và giày của ông bị rách nát trong khi ông bị đánh đập.

Khi ông cố gắng giúp đỡ hai học viên nữ lau sàn nhà trong Trại tạm giam, một trưởng khu giam đã tức giận và kéo ông ra ngoài. Trưởng khu giam giữ và vài cảnh sát khác sử dụng dùi cui cao su để đánh đập ông trong một giờ đồng hồ, khiến ông đã bị suy sụp tinh thần và không ngừng la hét. Người ông dính đầy máu và bầm tím.

Buổi tối cùng ngày, ông được đưa tới bệnh viện và bị tiêm những loại thuốc không rõ nguồn gốc. Sau đó tình trạng của ông tồi tệ hơn; tinh thần ông trở nên hoàn toàn thất thường, ông reo hò và la hét trong trạng thái cuồng loạn.

Tối ngày 20 tháng 12 năm 2000, một vài nhân viên của Công ty Xe máy Đông Phong nơi ông làm việc đã áp giải ông về nhà bằng tàu hỏa. Ông vẫn không thể kiểm soát bản thân và liên tục la hét ở trên tàu.

Họ còng tay ông ra sau lưng và đẩy ông vào chỗ ngồi, úp mặt xuống. Một người trong số họ đã ngồi sau ông suốt cả đêm. Còng tay cắt vào da thịt khiến xương của ông lộ ra ngoài; cho đến hôm nay những vết sẹo trên cổ tay của ông vẫn còn rõ nét.

Sáng hôm sau, khi họ tới Thập Yển, ông Quan bị đưa tới trại tạm giam Số 2 Thành phố Thập Yển. Trong mấy ngày đầu, ông bị chứng cuồng loạn vào ban đêm và không ngừng la hét. Ông bị đưa ra ngoài và treo lên một thanh sắt. Lính canh ra lệnh cho tù nhân mỗi đêm đánh đập ông tới 7 giờ sáng.

Sau đó, ông bị giam ở phòng tử tù trong khi đang đeo xiềng xích nặng 30kg cả ngày mà không có nước uống và thức ăn. Ông reo hò và la hét. Cuối cùng, khi ông được thả ra khỏi phòng tử tù, quần áo của ông ướt đẫm mồ hôi và nước tiểu.

Một tháng sau, ông Quan bị đưa tới trung tâm tẩy não theo sự sắp xếp của đơn vị công tác. Ông bị giam giữ ở đó bảy tháng. Lính canh thường đấm, đá ông và buộc ông phải đứng quay mặt vào tường nhiều giờ liên tiếp.

Cơ quan ông đã giữ 9.810 nhân dân tệ tiền lương của ông làm “học phí” của đợt tẩy não.

Tra tấn dã man trong hai trại tạm giam

Sau khi ông được trả tự do, ông Quan đã hồi phục sức khỏe nhờ luyện các bài công pháp Pháp Luân Công. Ông cũng bắt đầu nâng cao nhận thức của người dân về cuộc bức hại. Nột năm sau, vào tháng 1 năm 2002, ông bị bắt giữ trong khi đang giảng chân tướng Pháp Luân Công và bị đưa tới trại tạm giam Số 1 Thành phố Thập Yển.

Bởi ông từ chối học thuộc những quy định của trại tạm giam để phản đối, lính canh đã còng tay ông vào một cái cột trong nhà vệ sinh và chế nhạo ông. Tù nhân cũng được lính canh khích lệ tra tấn ông. Họ sử dụng tàn thuốc để đốt mặt của ông và dẫm lên chân của ông.

Sau đó, ông bị xích bằng xiềng nặng 30kg trong hai ngày. Trong giờ nghỉ, các tù nhân sử dụng chăn để trùm lên đầu ông, sau đó đấm và đá ông. Ông gần như bất tỉnh.

Ông Quan đã tuyệt thực 20 ngày để phản đối sự ngược đãi. Ông đã bị bức thực tàn bạo và trói vào giường trong tư thế “đại bàng sải cánh” (hai chân tay bị kéo dang rộng ra).

Một tháng sau ông được trả tự dọ.

Năm 2004, ông Quan bị đưa tới một trung tâm tẩy não. Lần này, thay vì đánh đập ông, lính canh không cho ông ngủ. Khi đầu óc của ông bị rối loạn vì thiếu ngủ trầm trọng, các cộng tác viên đã lừa ông ký vào biên bản từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Ngày hôm sau, khi ông nhìn thấy biên bản, ông đã không thừa nhận và xé nó. Giáo đạo viên của đợt tẩy não rất tức giận và treo cổ tay lên và trói vào các thanh cửa sổ trong nhiều giờ.

Ông bị đưa tới trại tạm giam sau đợt tẩy não; một tháng sau, ông bị kết án một năm lao động cưỡng bức.

Người vợ qua đời vì lo lắng và áp lực tinh thần to lớn

Cũng giống ông Quan, vợ ông, bà Trâu Thiệu Lộc cũng bị bức hại. Vào ngày 18 tháng 12 năm 2000, bà cũng bước ra và đi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Bà bị bắt giữ trên tàu và giam giữ tại trại tạm giam Số 1 Thành phố Thập Yển. Ở đó, bà bị tra tấn; lính canh cũng buộc bà phải tắm bằng nước đá lạnh.

Chỉ hai ngày sau khi bà được trả thả vào ngày 18 tháng 1 năm 2001, bà bị bắt trở lại vào tù và giam giữ trong cùng một trung tẩm tẩy não với chồng bảy tháng. Bà cũng bị tra tấn và cấm ngủ.

Ngày 6 tháng 1 năm 2008, bà Trâu và ông Quan bị tố cáo với nhà chức trách vì chia sẻ sự thật về Pháp Luân Công trong khi họ đang ở trên tàu. Họ bị giam giữ cả ngày tại trại tạm giam Đường sắt Ngân Xuyên. Sau khi được trả tự do, họ bị buộc phải sống trội dạt suốt một năm để tránh bị bức hại.

Bởi trường kỳ lo lắng và áp lực to lớn, sức khỏe của bà Trâu đã bị tàn phá nghiêm trọng. Cuối cùng, bà đã qua đời vào tháng 4 năm 2014.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/5/10/405129.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/5/28/185250.html

Đăng ngày 02-06-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share