Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp trẻ ở Latvia

[MINH HUỆ 09-06-2020] Con xin kính chào Sư phụ! Chào các bạn đồng tu!

Tôi là một học viên 27 tuổi đến từ Latvia, tôi đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được sáu năm. Trước tiên, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với Sư phụ Lý Hồng Chí vì đã từ bi dẫn dắt tôi và chăm sóc tôi vô điều kiện.

Quyết định và quyết tâm

Khi bắt đầu tu luyện, tôi quyết tâm ngồi đả tọa với tư thế song bàn và tĩnh lại. Khi đến nhóm học Pháp địa phương và thấy một học viên luôn ngồi song bàn trong khi đọc các bài giảng, tôi đã được truyền cảm hứng. Lưng của anh luôn thẳng. Bất kể chúng tôi đọc bao lâu, anh cũng không bỏ chân xuống. Anh đã khích lệ tôi và tôi cảm thấy mình phải đạt được tiêu chuẩn đó.

Nhưng đây chỉ là khởi đầu của hành trình ngồi song bàn của tôi. Mong muốn lớn nhất của tôi là có thể ngồi song bàn khi luyện công trong một giờ đồng hồ. Giữ mong muốn đó trong tâm, tôi bắt đầu ma luyện ý chí. Và tất nhiên, hành trình thật không dễ dàng, vì trong bốn năm tu luyện đầu tiên, tôi lúc làm được lúc không – nhẫn, rồi lại bỏ cuộc vì đau đớn…

Sư phụ giảng:

“Tôi nói rằng thống khổ trên thân thể là dễ chịu đựng nhất, cắn răng là vượt qua được.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Tôi cũng bắt đầu nhìn vấn đề theo cách đó. Ban đầu khi ngồi đả tọa, tôi sẽ vô thức lo lắng về việc khi nào cơn đau sẽ đến và nó sẽ kéo dài bao lâu. Tôi bắt đầu sợ đau.

Nhưng thông qua học Pháp, tôi hiểu rằng mình phải nhẫn nại, tĩnh tâm và luyện công một cách vô vi, không lo lắng về cơn đau hay độ dài thời gian. Tôi phải toàn tâm ngồi đả tọa, tĩnh lại và loại bỏ những chấp trước này. Tôi ghi nhớ Pháp của Sư phụ:

“Tu luyện tôn giáo trong quá khứ, Phật gia giảng ‘không’, cái gì cũng không mong nghĩ, nhập ‘không môn’; Đạo gia giảng ‘vô’, cái gì cũng không có, cũng chẳng muốn, cũng chẳng truy cầu. Người luyện công giảng: ‘hữu tâm luyện công, vô tâm đắc công’. Ôm giữ một chủng tu luyện trạng thái ‘vô vi’…” (Bài giảng thứ hai, Chuyển Pháp Luân)

Tôi đã đọc nhẩm đoạn Pháp này mỗi lần trước khi bắt đầu đả tọa, và nó giúp thanh lý tư tưởng của tôi.

Cách đây hai năm tôi quyết định rằng mình sẽ ngồi đả tọa một giờ đồng hồ mỗi ngày, bất kể đau đớn như thế nào. Sau tuần đầu tiên, tôi quyết định đặt mục tiêu thực hiện được nó trong 30 ngày, sau đó 60 ngày, và sau đó 100 ngày cho đến một năm. Lúc đầu, tôi có thể thực hiện được trong 10 ngày, nhưng sau đó lại bỏ vài ngày. Tôi quyết định ngồi đả tọa trong một giờ đồng hồ và không cho phép bất cứ thứ gì can nhiễu.

Mỗi lần ngồi đả tọa, tôi thực hiện trong một giờ đồng hồ. Tất nhiên, điều đó không dễ dàng, vì chân tôi bắt đầu đau dữ dội khi được khoảng 40 phút. Trước đây, đây là điểm thất bại lớn nhất của tôi. Lần này, tôi tự nhủ rằng bất kể thế nào mình cũng sẽ không bỏ chân xuống . Khi cơn đau đến, tôi học cách mặc kệ nó và không nghĩ đến nó. Trong 90 ngày đầu tiên, cơn đau vô cùng dữ dội mỗi lần tôi ngồi đả tọa. Tôi đã viết ra toàn bộ hành trình của mình trong nhật ký, trong đó tôi cũng viết ra những nhận thức của mình, các bài thơ và trải nghiệm.

Trong những ngày đó, tôi đã xuất một chính niệm mạnh mẽ rằng bất kể thế nào tôi cũng nhất định phải nhẫn. Vì tôi có thể buông bỏ chấp trước vào cơn đau của mình, nên không đau đớn nào có thể can nhiễu chủ ý thức của tôi được nữa.

Ví dụ, khi cơn đau đến và vô cùng dữ dội, lúc đầu, tôi sẽ cử động, nhúc nhích thân thể, v.v.. Nhưng tôi sẽ không bỏ chân xuống. Tôi tự nhủ: “Đau đớn này không là gì, ý chí của mình còn vững chắc hơn cả kim cương, mình đang tịnh hóa thân thể và chuyển hóa nghiệp lực. Không khó khăn nào có thể hạ gục ý chí của mình. Mình có thể nhẫn chịu được mọi thứ.” Một số ngày khi cơn đau vô cùng dữ dội, tôi cũng niệm Pháp của Sư phụ và nhiều bài thơ khác của Sư phụ và tôi sẽ không khuất phục đau đớn:

“…“Nan Nhẫn năng Nhẫn, nan hành năng hành”” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Trong những ngày đầu tiên đó, tôi học cách không quan tâm đến đau đớn và buông lỏng thân thể. Nhưng tôi vẫn cử động vào cuối lúc ngồi đả tọa. Tôi nhận ra rằng mình không được cứ tiếp tục nhúc nhích như vậy. Tôi phải nhẫn chịu và giữ thân thể bất động. “Các Đại Giác Giả nhẫn nại như thế nào nhỉ?” Tôi tự nhủ. Tất nhiên, tôi biết – chính là tâm định và tâm tĩnh.

Tôi tự nhủ với chính niệm mạnh mẽ: “Mình có thể nhẫn và bảo trì bất động.” Tôi sẽ nhắc mình như vậy khi cơn đau trở nên dữ dội vào khoảng phút thứ 40. Tôi học cách buông lỏng thân thể mình hoàn toàn. Như kỳ tích, tôi nhập tĩnh, bảo trì bất động và nhẫn chịu cơn đau để thu được lợi ích, bởi vì tôi cảm nhận được dòng năng lượng mạnh mẽ và thân thể được tịnh hóa.

Khi tiếp tục đả tọa, tôi có thể nhanh chóng nhập tĩnh. Có nhiều lần định lực của tôi sâu đến mức không có bất cứ một ý niệm nào, nhưng tôi có thể hoàn toàn ý thức được mọi thứ.

Ví dụ, nếu đau đớn trở lại, tôi không còn lo lắng về nó và có thể hoàn thành bài công pháp mà vẫn bảo trì bất động. Tôi đã hiểu được sâu hơn về chân ngã của mình và cảm thấy rằng đây chính là chân ngã của tôi – Chính nó quyết định nghĩ hay không nghĩ! Và khi tôi tìm được chân ngã của mình, tôi đã có thể hoàn toàn kiểm soát được bản thân và tư tưởng của mình, đặc biệt trong lúc ngồi đả tọa. Tôi không có bất kỳ ý niệm nào, chỉ thuần túy yên tĩnh và tường hòa. Tại điểm đó, tôi đã biết cách phân biệt được giữa chân ngã của mình và các tư tưởng ngoại lai cùng tâm truy cầu. Tôi viết trong nhật ký của mình rằng: “Đây là khoảng thời gian hạnh phúc nhất, khiến ta có cảm giác tỉnh táo, thuần tịnh, khiến ta có ý thức rõ ràng.” Trong khẩu quyết trước khi luyện công Sư phu mô tả:

“Động tĩnh như ý” (Pháp Luân Công)

Tôi hiểu rằng chính chân ngã của mình quyết định khi nào nên cử động hay giữ bất động, tất cả đều như ý. Không phải tư tưởng ngoại lại, đau đớn hay nghiệp lực!

Có những lúc tôi cảm thấy thân thể của mình biến mất, có những lúc tôi cảm thấy bên trong thân thể mình quay cuồng như một cơn bão, và có những lúc tôi đắm chìm trong năng lượng mạnh mẽ và từ bi. Thật khó có thể mô tả được tất cả các trạng thái mà tôi đã trải qua, nhưng tôi đã hiểu sâu hơn về Pháp của Sư phụ:

“có thể tĩnh lại được chính là công” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Có nhiều lần trạng thái tĩnh của tôi được khảo nghiệm. Vì tôi thích luyện công ngoài trời, nên tôi thường tự tập ở trong công viên, trước hoặc sau khi đi làm hoặc vào cuối tuần.

Một lần trong khi tôi đang ngồi đả tọa, một nhóm bạn trẻ đến và bật nhạc rất to. Tôi đã không chú ý đến điều đó, tôi chỉ ở sâu trong định. Sau một lúc, một người đàn ông say rượu đến và bắt đầu hỏi tôi những câu hỏi, cố gắng can nhiễu tôi. Nhưng không khảo nghiệm nào có thể can nhiễu trạng thái định của tôi. Tôi hoàn toàn ý thức được mọi thứ, nhưng tôi không có dù chỉ một niệm. Tôi bảo trì một tâm từ bi và tĩnh lặng. Tất nhiên, tất cả những khảo nghiệm này đều qua đi khi bài luyện công sắp xong, tôi đã kết thúc việc đả tọa của mình một cách bình hòa. Tôi hiểu rằng đây là những khảo nghiệm đối với tâm tính và trạng thái định của tôi.

Tôi cũng biết cách tổ chức tốt hơn thời gian của mình vì tôi quyết định đả tọa luyện công mỗi ngày. Khi lên kế hoạch cho các sự kiện lớn, tôi sẽ luôn thức dậy rất sớm để đả tọa luyện công vào buổi sáng. Khi đi du lịch, tôi sẽ luôn dậy sớm để đả tọa luyện công trước khi mọi người thức dậy, v.v.. Nếu vì lý do nào đó, tôi không thể luyện công vào buổi sáng, tôi sẽ thực hiện vào thời điểm khác trong ngày, ngay cả khi tôi về nhà rất mệt mỏi vào lúc khuya!

Tôi có một trải nghiệm đặc biệt đáng nhớ trong khi đả tọa. Khi tôi vừa trở về nhà sau khi tham gia Pháp hội châu Âu 2018 tại Prague. Vì không có thời gian để đả tọa vào buổi sáng hôm đó, nên tôi đã thực hiện khi trở về nhà sau khi lái xe hơn 10 giờ đồng hồ. Tôi không biết liệu Sư phụ có đang tịnh hóa thân thể của tôi sau Pháp hội hay không hay tôi phải tiêu lượng nghiệp lực lớn, nhưng hôm đó, ngay khi ngồi xuống, chân của tôi cứng lại và vô cùng đau đớn. Sau 20 phút luyện công, tôi đã run rẩy vì đau. Đó là một trong những lần luyện công đau đớn nhất của tôi. Mặc dù vậy, tôi vẫn kiên định và bảo trì bất động, tôi chịu đựng tất cả đau đớn, và giữ chính niệm: “Ý chí của mình còn cứng chắc hơn kim cương, không gì có thể làm dao động quyết tâm của mình. Mình có thể nhẫn chịu mọi thứ.”

Sau năm đầu tiên đả tọa luyện công mỗi ngày, tôi nhận thức về việc luyện công chỉ là phương tiện bổ trợ cho viên mãn ở một tầng sâu hơn. Chúng vẫn rất quan trọng, và không có nghĩa là chúng ta nên buông lơi, nhưng đề cao tâm tính là việc quan trọng nhất.

Một ngày, tôi đã viết bài thơ này sau khi đả tọa luyện công:

“Đả tọa nhập tĩnh có thể tẩy sạch bụi bẩn trong tâm, cho ta kiến giải sáng suốt
Ngộ rõ tự tư, tự ngã và những phẩm chất bên trong còn thiếu sót
Mang đến tư tưởng mỹ hảo, trường không gian sáng sủa và niềm vui chân chính
Đó chính là cảnh giới thăng hoa
Đề cao tâm tính là trọng tâm của tu luyện
Nó không liên quan đến cực hạn của thân thể vật chất
Mà ở chỗ nội tâm không thăng hoa, không thể phân biệt và bỏ đi những khuyết điểm
Hết thảy đều phí công lại không lâu dài
Căn bản của hết thảy là Đức, là Chân, Thiện, Nhẫn
Hãy trân quý cơ duyên tu luyện này“

Tôi có rất nhiều trải nghiệm trong hai năm này. Sau khi quyết định đả tọa mỗi ngày mà không bỏ cuộc, tôi đã không bỏ một ngày. Hiện đã hơn 650 ngày và việc đả tọa đã trở thành tự nhiên. Bằng cách này, tôi đã thực sự ma luyện được ý chí của mình, có nhận thức về Pháp và chân ngã của mình sâu hơn, và trải nghiệm những cảm giác kỳ diệu. Thậm chí thỉnh thoảng tôi còn nhìn thấy những cảnh tượng khác nhau.

Trong suốt những năm này, tôi đã trải qua rất nhiều sự việc khi bước trên con đường của một đệ tử Đại Pháp. Có nhiều thăng trầm và khảo nghiệm mà tôi đã vượt qua kém, cũng có nhiều vấp ngã. Tôi vẫn có nhiều chấp trước cần loại bỏ và cần chăm chỉ tu tâm tính của mình. Tôi cảm thấy con đường này là thần thánh nhất và cơ hội này khó gặp nhất. Tôi sẽ nỗ lực hết sức làm những gì mình nên làm. Khi mọi thứ đang gần đến hồi kết thúc, tôi muốn khích lệ các học viên khác rèn luyện ý chí của chúng ta và toàn tâm trợ Sư Chính Pháp.

Mai (Nguyên khúc)
Trọc thế thanh liên ức vạn mai
Hàn phong tư cánh thúy
Liên thiên tuyết vũ Thần Phật lệ
Phán mai quy
Vật mê thế trung chấp trước sự
Kiên định chính niệm
Tùng cổ đáo kim
Chỉ vì giá nhất hồi

Tạm diễn nghĩa:

Hoa Mai (thơ khúc thời nhà Nguyên)
Hàng ức vạn đoá hoa mai như hoa sen thanh cao trong thế gian ô trọc
Gió lạnh càng tỏ ra tư thái thanh thuý hơn
Mưa tuyết suốt ngày, nước mắt Thần Phật
Ngóng chờ hoa mai về
Chớ mê vào các việc chấp trước thế gian
Kiên định chính niệm
Từ xưa đến nay
Chỉ vì một dịp này

Trên đây là tất cả những nhận thức của cá nhân tôi. Nếu có điểm nào không phù hợp với Pháp, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ.

Con xin cảm tạ Sư phụ. Cảm ơn các bạn đồng tu.

(Bài chia sẻ tại Pháp hội trực tuyến của các học viên Pháp Luân Đại Pháp Quốc tế trẻ năm 2020)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/5/407186.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/9/185443.html

Đăng ngày 27-06-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share