Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 23-04-2020] “Tại đồn công an, tôi thấy bốn người đàn ông cao lớn, vạm vỡ khiêng một người đàn ông máu me be bét. Khi tôi nhận ra người đàn ông mà họ đang khiêng đó chính là chồng tôi, tôi đã kinh hoàng ngất lịm.”

Ở trên là điều mà bà Lý Cúc Mai viết trong đơn kiện Giang Trạch Dân (nguyên lãnh đạo của chính quyền cộng sản Trung Quốc) vào ngày 1 tháng 6 năm 2015, vì ông ta đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công (hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp), một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân cổ xưa vào năm 1999.

Trong đơn kiện, bà đã viết lại cái chết thảm khốc của chồng bà sau chưa đầy hai tháng ông bị bắt giữ vào năm 2009. Bốn tháng sau khi bà đệ đơn kiện vào năm 2015, bà đã bị bắt và sau đó bị kết án bảy năm tù, và hiện bà đang bị giam trong Nhà tù Nữ Hồ Nam.

Dưới đây sơ lược về những khổ nạn của gia đình bà:

Bà Lý, 63 tuổi, từng là giáo viên của Trường Tiểu học Châu Tuyền Hoàn ở huyện Gia Hòa, thành phố Sâm Châu, tỉnh Hồ Nam. Bà từng bị ung thư xương và đã tự tử vài lần, nhưng đều được cứu sống. Bà đã trở nên khỏe mạnh chỉ sau một tháng bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

5307c7cdc1a28961c707d6f56a06d943.jpg

Bà Lý Cúc Mai

Chồng bà Lý, ông Quách Hội Sinh, là một cán bộ của Phòng Pháp chế của Chính quyền Huyện Gia Hòa. Ông Quách là người lạc quan, rộng lượng, là một cán bộ dày dặn kinh nghiệm và chăm chỉ làm việc—một trong số ít quan chức của đảng cộng sản còn trung thực và chính trực.

e7b8756fa3099b5893c11f69c7f05fe9.jpg

Ông Quách Hội Sinh

Tuy nhiên, sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, ông Quách đã liên tục bị bắt và đưa tới trại lao động cưỡng bức, còn bà Lý bị bắt giữ sáu lần và hai lần bị kết án lao động cưỡng bức. Kinh tế của họ bị tổn thất tổng cộng 100.000 nhân dân tệ. Hơn thế, bà Lý còn bị tra tấn với hàng chục phương thức khác nhau trong khi bị cầm tù.

Liên tục bị bắt và giam giữ

Vào tháng 3 năm 2000, bà Lý đã bị đưa tới một trung tâm tẩy não và phạt 1.000 nhân dân tệ. Cùng năm đó, vào ngày 19 tháng 8, cảnh sát lại đột nhập vào nhà và bắt giữ bà một lần nữa. Bà bị giam 40 ngày và gia đình bà bị ép phải nộp 400 nhân dân tệ chi phí sinh hoạt của bà và 4.000 nhân dân tệ tiền phạt.

Vào tháng 10 năm 2000, khi bà Lý và một học viên khác là bà Tiêu Nhị Phương đi tới nhà của nữ học viên Đặng Quả Quân, cảnh sát đã xông vào nhà bà Đặng và bắt giữ họ. Ba học viên đã bị đưa tới một đồn công an ở thành phố Sâm Châu.

Bà Lý nói: “Tôi bị còng tay vào cửa sổ và cảnh sát đã lấy toàn bộ số tiền còn lại của tôi lúc đó là 300 nhân dân tệ. Vào buổi tối, họ còng tay tôi vào một khung kim loại ở hành lang. Gió thổi vù vù, rét thấu xương, mưa lạnh như băng thổi mạnh vào mặt và người tôi, khiến tôi run rẩy cả đêm.”

Ngày hôm sau, bà Lý bị chuyển tới trại tạm giam địa phương. Bà bị đình chỉ tiền lương ít nhất là sáu tháng và bị phạt 5.000 nhân dân tệ. Trong khi bà còn đang bị giam giữ, ông Quách chồng bà lại bị đưa tới một trại lao động cưỡng bức để thụ án hai năm, để lại hai con gái không ai chăm sóc.

Vào tháng 12 năm 2001, bà Lý bị bắt tại nhà và bị giam 15 ngày. Cơ quan công tác của bà bị phạt 2.000 nhân dân tệ. Vào tháng 10 năm 2002, khi bà Lý đang giảng bài trên lớp thì nhân viên của Phòng 610 xông vào bắt bà và giam bà 40 ngày. Thời điểm đó, ông Quách cũng bị bắt và giam hơn một tháng. Vợ chồng họ đã tuyệt thực để phản đối bức hại.

Ngày 1 tháng 2 năm 2004, bà Lý buộc phải rời xa nhà để tránh bị bức hại vì bà từ chối từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công. Vào ngày 27 tháng 9 năm đó, bà lại bị bắt vì nói với người dân về Pháp Luân Công. Sau đó bà bị chuyển tới Phòng 610, ở đây bà bị thẩm vấn, cấm ngủ và cưỡng chế đứng trong suốt 72 tiếng đồng hồ.

Mặc dù bà Lý đã rất yếu vì không ăn gì trong ba ngày, bà vẫn bị đưa tới trại tạm giam và ở đó hơn một tháng. Sau đó, bà bị kết án một năm rưỡi lao động cưỡng bức. Trong khi ở trại lao động, bà bị cưỡng chế lao động không công và còn liên tục bị giám sát và đứng phơi mình dưới ánh mặt trời như thiêu như đốt vì từ chối từ bỏ đức tin của mình.

Vào ngày 20 tháng 7 năm 2007, bà Lý đã bị bắt và đưa tới trại tạm giam, ở đó bà bị tước quyền thăm nom của gia đình. Nửa năm sau, bà đã bị đưa tới một trại lao động cưỡng bức trong một năm rưỡi.

Ở trong trại lao động, lính canh đã nhốt bà trong một phòng tắm hơn ba tháng rưỡi. Bà bị bắt phải đứng xuyên đêm và cấm ngủ. Những tù nhân được giao nhiệm vụ giám sát bà Lý sẽ đánh đập bà mỗi khi bà nhắm mắt. Bà gầy như que củi và hai cẳng chân, bàn chân sưng vù. Sau hơn một năm bị tra tấn trong trại lao động, gia đình bà gần như không thể nhận ra bà khi bà được trả tự do.

Hai vợ chồng bị bắt giữ, người chồng bị bức hại đến chết

Vào ngày 6 tháng 7 năm 2009, cảnh sát đã bắt giữ học viên Tiêu Tứ Lan ở huyện Lam Sơn, tỉnh Hồ Nam. Bà bị giam trong trại tạm giam Huyện Lam Sơn và bị cảnh sát tra tấn đến gẫy tay phải. Tuy nhiên, bà không được điều trị y tế đúng cách. Ông Quách và bà Lý đã gọi điện cho Tịch Tiểu Cương, Trưởng Công Công an Huyện Lam Sơn, để kháng nghị cho bà Tiêu. Vợ chồng ông Quách cũng gửi tài liệu chân tướng Pháp Luân Công tới đồn công an.

Nhưng bởi việc làm thiện lương này mà họ đã bị báo với Phòng 610 Tỉnh Hồ Nam và lại bị bức hại.

Vào ngày 6 tháng 8 năm 2009, dưới sự thao túng của Phòng 610, một nhóm cảnh sát đã bắt giữ ông Lý và một học viên khác là bà Liêu Hồng Thúy. Cả hai đều đã bị đưa tới Đồn Công an Thành Quan. Vào khoảng 1 giờ sáng đêm hôm đó, vài cảnh sát đã kéo đến nhà bà Lý. Khi ông Quách từ chối để họ vào, bốn cảnh sát đã đột nhập vào và còng tay ông, khống chế ông quỳ xuống sàn và đánh đập ông tàn bạo. Mặt ông Quách be bét máu và khi cảnh sát đưa ông tới đồn công an, những vết máu vẫn dính đầy trên quần áo ông.

Bà Lý viết trong kiện Giang Trạch Dân: “Tại đồn công an, tôi thấy bốn người đàn ông cao lớn, vạm vỡ khiêng một người đàn ông máu me be bét. Khi tôi nhận ra người đàn ông mà họ đang khiêng đó chính là chồng tôi, tôi đã kinh hoàng ngất lịm.”

Cảnh sát đã quay lại nhà vợ chồng bà Lý để lục soát lần hai, và tịch thu nhiều tài sản của họ, trong đó có vài trăm nghìn nhân dân tệ tiền mặt mà họ tích góp để sửa sang nhà cửa.

Ông Quách và bà Lý đã bị đưa tới một trại tạm giam. Vào chập tối ngày 13 tháng 8, mạng sống của bà Lý lâm nguy và bà đã được đưa tới Bệnh viện Nhân dân để cấp cứu. Sáng hôm sau, sau khi bà tỉnh lại, cảnh sát liền đưa bà trở lại trại tạm giam.

Vào ngày 6 tháng 10 năm 2009, ông Quách bị rơi vào trạng thái hôn mê ở trong trại tạm giam. Ông đã được đưa tới Bệnh viện Nhân dân để cấp cứu. Sau khi phẫu thuật não, ông vẫn hôn mê và nhịp tim rất yếu.

b72248d5d7d0e1cadf8c365efb7991bd.jpg

Ông Quách ở trong tình trạng nguy kịch

Ông Quách qua đời vào lúc 5 giờ chiều ngày 12 tháng 10 năm 2009.

Bà Lý nói: “Cha mẹ chồng 80 tuổi của tôi vô cùng suy sụp, hai con gái của tôi đã vĩnh viễn mất đi người cha hiền từ. Ở trong trại tạm giam, tôi cứ khóc mãi, trái tim tôi tan nát.”

Bà Lý bị xét xử vì kiên định đức tin của mình

Sau khi chồng qua đời, bà Lý vẫn bị giam trong trại tạm giam. Bà đã bị xét xử vào ngày 12 tháng 1 năm 2010. Tòa án không thông báo cho gia đình bà về phiên tòa. Bà đã tự biện hộ vô tội cho mình. Bà đã dùng chính những trải nghiệm của bản thân để nói với các thẩm phán về việc bà được thụ ích ra sao từ Pháp Luân Công và hối thúc họ nhanh chóng thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Thẩm phán cho kết thúc phiên xét xử mà không tuyên phán quyết.

Vào ngày 18 tháng 1 năm 2020, bà Lý bị chảy máu âm đạo nghiêm trọng. Bà hôn mê và được đưa tới bệnh viện. Bà nghe thấy một bác sỹ nói: “E là bà ấy không thể sống được quá 2-3 tháng.”

Để tránh phải chịu trách nhiệm bởi tình trạng sức khỏe xấu của bà, trại tạm giam đã lấy danh nghĩa là tại ngoại chữa bệnh để cho bà Lý về nhà, nhưng sau khi trở về nhà, bà vẫn bị cảnh sát theo dõi sát sao.

Bị trường học đình chỉ công tác, buộc phải lưu lạc tha hương

Sau khi về nhà, bà Lý kiên trì học Pháp luyện công, Pháp Luân Đại Pháp lại một lần nữa cứu bà về từ bên bờ vực cái chết. Sau khi phục hồi sức khỏe, bà đã yêu cầu trường học khôi phục lại công việc giảng dạy của mình, nhưng đề nghị của bà đã bị trường học từ chối.

Vào tháng 4 năm 2020, bà Lý yêu cầu Lý Đức Tiếu, bí thư của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Huyện Gia Hòa, khôi phục lại chức vụ công tác và tiền lương của bà. Lý Đức Tiếu nói ông ta sẽ chấp nhận yêu cầu của bà nếu bà ngừng bảo mọi người thoái ĐCSTQ. Bà từ chối.

Vào năm 2011, khi Lý Đức Tiếu biết rằng bà Lý đã phục hồi sức khỏe nhờ tu luyện Pháp Luân Công, ông ta không những không tỉnh ngộ mà còn uy hiếp bà: “Đừng có nói về Pháp Luân Công! Bà bảo bà khỏe rồi nhỉ, thế thì tôi sẽ lại tống giam bà!”

Bởi bà Lý cần chu cấp tài chính cho cha mẹ già của mình, nên bà đã nhiều lần yêu cầu lãnh đạo đơn vị khôi phục công tác cho bà, nhưng vô ích.

Vào tháng 7 năm 2013, bà Lý đã ghi lại những gì mà bản thân đã trải qua trong cuộc bức hại và gửi bài viết của mình tới Minh Huệ Net. Điều này đã khiến Lý Đức Tiếu nổi giận, ông ta thông đồng với nhiều thẩm phán hòng mở lại vụ án của bà Lý. Ông ta cũng cố gắng đe dọa bà Lý, nói rằng nếu bà hứa không vạch trần cuộc bức hại với công chúng và không phân phát tài liệu Pháp Luân Công nữa, thì họ sẽ hoàn trả lại cho bà số tiền lương đang bị giữ và sẽ sắp xếp để bà nghỉ hưu. Bà Lý kiên quyết từ chối yêu cầu vô lý của ông ta.

Vào ngày 16 tháng 9 năm 2013, Hoàng Kiến Long, chánh tòa của Tòa Hình sự Huyện Gia Hòa, đã triệu tập bà Lý đến tòa án vào 8 giờ sáng ngày hôm sau. Hoàng nói: “Không kết án bà Lý Cúc Mai không được, vì đây là chỉ thị từ cấp trên.” Sau đó bà Lý lại một lần nữa phải rời nhà sống tha hương để tránh bị cầm tù.

Bị bắt vì kiện Giang Trạch Dân

Ngày 1 tháng 6 năm 2015, bà Lý đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân. Ngày 23 tháng 10, bà bị bắt giam.

Ngày 17 tháng 11, Tòa án Huyện Gia Hòa đã đưa bà ra xét xử sơ thẩm. Trong phiên tòa, bà đã tự biện hộ cho mình, nói rằng tu luyện Pháp Luân Công là quyền của bà. Sau vài phiên thảo luận, nhân viên tòa án đã gọi điện cho cấp trên của họ để xin chỉ thị. Sau đó, thẩm phán chủ tọa đã cho dừng phiên tòa.

Ngày 11 tháng 12, tòa án mở phiên xét xử thứ hai. Luật sư của bà Lý chỉ ra rằng các cáo buộc hình sự chống lại bà Lý không thể được thành lập vì thiếu chứng cứ và các tình tiết không rõ ràng. Trong phiên tòa, luật sư đã trình bằng chứng chứng thực rằng không có luật nào ở Trung Quốc hình sự hóa Pháp Luân Công. Ông đã hỏi rằng làm thế nào mà phiên tòa sơ thẩm lại cáo buộc thân chủ của ông “lợi dụng một tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật” chỉ vì bà ấy đang thực hiện quyền công dân vốn được hiếp pháp bảo hộ khi truyền rộng thông tin Pháp Luân Công, một pháp môn hợp pháp.

Luật sư cũng nhấn mạnh rằng các sách Pháp Luân Công của bà Lý, vốn được tòa án sử dụng làm bằng chứng chống lại bà, không gây hại cho bất kỳ ai hay cho xã hội nói chung, huống hồ là phá hoại việc thực thi pháp luật.

Bà Lý cũng tuyên bố trước tòa rằng việc tu luyện Pháp Luân Công đã giúp trị khỏi bệnh tật của bà và bà không vi phạm bất kỳ luật nào. Bà cũng nói thêm rằng Pháp Luân Công đã được hồng truyền đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và hối thức thẩm phán cùng các nhân viên tòa án thoái xuất khỏi ĐCSTQ.

Bị kết án bảy năm tù, 1.670 người ký tên vào thư thỉnh nguyện kêu gọi trả tự do cho bà Lý

Trong khi diễn ra phiên toà thứ ba vào ngày 27 tháng 5 năm 2016, công tố viên đã đề nghị thẩm phán kết án bà Lý bảy năm tù. Thẩm phán đã cho kết thúc phiên tòa mà không tuyên phán quyết.

Cuối cùng, sau phiên tòa thứ ba, bà Lý đã bị Tòa án Huyện Gia Hòa kết án bảy năm tù. Bà đã kháng cáo, và 1.670 cư dân thành phố Sâm Châu đã cùng ký tên vào bản thỉnh nguyện để kêu gọi trả tự do cho bà.

516cf968bed92f1694613c5d5e9e32e7.jpg

Bản kiến nghị yêu cầu thả bà Lý

Ngày 30 tháng 8 năm 2016, Tòa án Trung cấp Thành phố Sâm Châu đã xét xử phúc thẩm bà Lý, và một tháng sau ra quyết định giữ nguyên phán quyết ban đầu đối với bà Lý. Bà nhanh chóng bị đưa tới Nhà tù Nữ Trường Sa.

Vào tháng 2 năm 2017, con gái bà Lý đã đi từ Bắc Kinh đến Trường Sa để thăm mẹ mình, nhưng bị nhà tù từ chối. Một người họ hàng khác của bà Lý cũng không được phép gặp bà. Gia đình bà nghi ngờ bà có thể bị tra tấn, và đó là lý do tại sao lãnh đạo nhà tù không muốn họ nhìn thấy thương tích của bà.

Bài liên quan:

Sự chia ly của ông Quách Hội Sinh và vợ (Ảnh)

Cô Lý Cúc Mai bị ốm nặng ở trong tù; chồng bà đã qua đời do bị bức hại

1.511 người ký tên thỉnh nguyện kêu gọi trả tự do cho một phụ nữ bị kết án tù vì đức tin của mình


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/4/23/403997.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/4/185364.html

Đăng ngày 23-06-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share