Bài viết của một phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 10-04-2020] Từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp), một pháp môn tu luyện cổ xưa dựa trên tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn, vào tháng 7 năm 1999, hàng chục ngàn học viên đã bị bắt, bỏ tù, tra tấn hay thậm chí bị giết để lấy nội tạng. Các học viên Pháp Luân Công cũng đối mặt với việc bị phân biệt đối xử, mất việc, mất lương hưu và gia đình bị tan vỡ.

Gia đình ông Trương Toàn Phúc ở thành phố Bạch Sơn, tỉnh Cát Lâm là một trong những gia đình như vậy. Cha và con trai là ông Trương Toàn Phúc và anh Trương Khải Phát đã bị giết hại cách nhau 10 ngày, trong khi mẹ và con gái, là bà Tiêu Vĩnh Chi và cô Trương Ngọc Lan, liên tục bị bắt vì từ chối từ bỏ đức tin của họ vào Pháp Luân Công. Những gì gia đình ông Trương phải chịu đựng trong những năm bức hại là những điều đáng buồn điển hình mà các học viên Pháp Luân Công trên khắp Trung Quốc đã trải qua, bao gồm liên tục bị bắt, ngược đãi khi bị giam và áp lực của bộ máy chính quyền liên can, trong đó, các thành viên trong gia đình và đồng sự tại nơi làm việc của họ cũng bị nhắm đến và bị gây áp lực phải hợp tác với các chính sách bức hại của chính quyền.

Sau đây là tường thuật về khổ nạn của gia đình ông Trương:

Gia đình họ Trương bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 1 năm 1999, ông Trương Toàn Phúc và vợ là nhân viên hưu trí của cục lâm nghiệp, con trai họ là một thợ sửa ống nước và con gái họ làm việc tại một nhà máy sản xuất gỗ dán.

Ông Trương từng mắc nhiều căn bệnh như viêm xương khớp và tăng urê huyết, nhưng đã hồi phục sau một tháng tu luyện Pháp Luân Công. Gia đình ông sống rất thuận hoà.

181c40536fccb16dc2ea322cf84f82d1.jpg

Ông Trương Toàn Phúc

38048b69f2ec4fdbba67ea2bb5ac7327.jpg

Con trai ông Trương, anh Trương Khải Phát

Gia đình bốn người bị đưa vào trại lao động

Giữa tháng 12 năm 1999, nhiều tháng sau khi cuộc bức hại bắt đầu, ông Trương và con trai đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công. Họ đã bị chặn tại nhà ga xe lửa. Công an đã đưa họ về nhà bằng tàu hoả và còn lục lọi lấy của hai cha con ông Trương hơn 1.000 nhân dân tệ. Dù họ có vé giường nằm, nhưng công an không cho họ sử dụng. Anh Trương và một học viên khác bị còng tay vào ống sưởi ở hành lang và phải đứng suốt đêm trong khi ông Trương bị còng tay vào ghế.

Cha con ông Trương bị đưa đến trại tạm giam Tam Lâm và bị giam 15 ngày ở đó. Thức ăn kém chất lượng, chủ yếu là bánh ngô, canh củ cải loãng và thường có bụi bẩn trong canh. Sau khi được thả, họ bị yêu cầu phải trả 450 nhân dân tệ tiền đồ ăn. Tại thời điểm đó, lương hưu của ông Trương chỉ có 460 nhân dân tệ mỗi tháng.

Bên cạnh việc bị tống tiền thức ăn, từ tháng 12 năm 1999 đến cuối năm 2000, chính quyền đã trừ 200 nhân dân tệ mỗi tháng từ lương hưu của ông Trương như một khoản tiền “phạt”, tổng cộng là 2.600 nhân dân tệ. Khi ông Trương và con trai được thả, công an còn đe doạ lục soát nhà họ.

12159dcdd7c421e6056c41074d752d33.jpg

Vợ ông Trương, bà Tiêu Vĩnh Chi

fde9b65b2bfdf6e99f5d791930412e54.jpg

Con gái ông Trương, cô Trương Ngọc Lan

Ngày 8 tháng 1 năm 2000, bà Tiêu và con gái đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện và bị bắt và đưa đến văn phòng liên lạc thành phố Bạch Sơn ở Bắc Kinh. Sau khi họ bị đưa về nhà vào ngày 13 tháng 1 năm 2000, bà Tiêu đã bị giam trong trại tạm giam Huyện Giang Nguyên và bị ép phải trả 300 nhân dân tệ tiền thức ăn, trong khi con gái bà bị giam ở trại tạm giam Cục Lâm nghiệp và phải trả 275 nhân dân tệ tiền thức ăn.

Sau khi bị giam, công an nói với cô Trương rằng cô không thể đi đâu mà không được sự cho phép của chính quyền. Bí thư đảng tại nơi làm việc của cô nói với cô rằng việc cô làm đã khiến đơn vị làm việc mất cơ hội trở thành đơn vị “kiểu mẫu”. Người quản lý nói rằng đơn vị làm việc đã bị phạt 6.000 nhân dân tệ và họ sẽ trừ khoản tiền này vào lương hưu của cô sau khi cô quay lại làm việc.

Ngày 17 tháng 2 năm 2000, cả gia đình ông Trương lại đến Bắc Kinh và bị bắt một lần nữa. Trên đường đưa họ về văn phòng liên lạc của quê họ tại Bắc Kinh, hai công an ở huyện Giang Nguyên biết rằng ông Trương dễ bị say xe nên đã cố tình đưa ông đi đường vòng với lý do là họ cần lấy đồ đạc gì đó. Khi họ đến văn phòng liên lạc, ông Trương tái nhợt và chóng mặt và phải nằm nghỉ nửa giờ để hồi phục.

Văn phòng Liên lạc Thành phố Bạch Sơn ở Bắc Kinh cũng tịch thu hơn 600 nhân dân tệ từ gia đình họ để “mua vé xe”. Công an địa phương đã lấy thêm 500 nhân dân tệ của gia đình để mua vé giường nằm cho chính họ khi đưa gia đình ông Trương trở về.

Ông Trương và hai con bị giam 15 ngày và phải trả tổng cộng 675 nhân dân tệ cho tiền thức ăn, vợ ông bị giam 15 ngày và phải trả tổng cộng 500 nhân dân tệ. Cả gia đình đều bị kết án lao động cưỡng bức–ông Trương 1,5 năm; vợ ông một năm; con trai ông hai năm; và con gái 1,5 năm.

Ông Trương đã trở về nhà vào năm 2001 trong khi vợ ông phải thụ án thêm 35 ngày trước khi được thả vào ngày 29 tháng 3 năm 2001. Sau khi họ trở về, các sỹ quan của Đồn Công an Chánh Bồn và Đồn Công an Tam Xoá Tử ở huyện Giang Nguyên thường đến nhà họ để sách nhiễu.

Tháng 7 năm 2001, hai công an thuộc Đồn Công an Chính Bồn đã bất ngờ đến nhà ông Trương và thấy hai vợ chồng đang luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công. Họ đã cưỡng chế tịch thu băng nhạc luyện công của họ. Sau đó, hai người của Đồn Công an Tam Xoá Tử đã đến và nói với bà Tiêu rằng trưởng đồn muốn nói chuyện với bà. Bà từ chối đi và nói rằng bà không làm gì sai và không có gì để nói. Họ hăm doạ: “Thái độ này của bà đủ để đưa bà vào trại tạm giam.”

Khi thụ án tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Trường Xuân, cô Trương thường xuyên bị làm việc quá giờ đến tận nửa đêm. Cô cũng bị sốc điện cùng các hình thức tra tấn và ngược đãi khác vì từ chối từ bỏ đức tin của mình. Gia đình không được thăm cô trong toàn bộ 1,5 năm cô thụ án.

Cả cô Trương và anh trai đều bị đơn vị công tác sa thải trong lúc họ đang bị giam giữ.

Cha và con trai lại bị kết án lao động cưỡng bức và lần lượt bị bức hại đến chết trong vòng mười ngày

Anh Trương Khải Phát được ra khỏi Trại Lao động Cưỡng bức Triều Dương Câu vào cuối tháng 2 năm 2002. Anh và cha mình đã đến cục lâm nghiệp để yêu cầu khôi phục lại công việc của mình vào ngày 1 tháng 3 năm 2002. Vì họ khẳng định rằng sẽ không từ bỏ Pháp Luân Công nên chính quyền lại bắt giữ họ vào ngày 6 tháng 3 năm 2002.

Công an cũng tịch thu máy máy phát nhạc và băng nhạc luyện công của họ. Lúc đó, công an không xuất trình bất kỳ lệnh bắt giữ hoặc lệnh khám xét nào vào lúc đó, đến sau này họ mới bổ sung.

Ngày 15 tháng 5, chỉ ba tháng sau khi anh Trương Khải Phát mãn hạn bản án trước đó, anh và cha mình lại bị kết án mỗi người một năm lao động cưỡng bức và đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Triều Dương Câu.

Khi hai người cha và anh trai đang thụ án, cô Trương được thả vào ngày 9 tháng 4 năm 2002 sau khi bị giam giữ thêm bảy tháng 17 ngày. Cô rất đau khổ khi phát hiện chỉ có mẹ và con gái của anh trai ở nhà.

Khi cô Trương đến thăm cha tại trại tạm giam trước khi ông bị chuyển đến trại lao động, ông trông gầy hơn so với lần cô gặp ông hai năm trước. Tóc và râu của ông dài hơn và hai tay bị còng.

Cái chết của người cha

Ở trong trại lao động, ông Trương Toàn Phúc bị cấm ngủ, phải lao động nặng nhọc và không được nói chuyện. Khi vừa bị đưa đến trại lao động, ông bị ép phải ngồi xổm trong gần nửa giờ với đầu và gót chân dựa sát vào tường, hai tay đặt lên đầu gối. Tuy nhiên, ông không thể cong chân vì một chân có gắn một tấm thép từ lần chấn thương trong quá khứ. Một lính canh đã đá ông vì ông không thể ngồi xổm như yêu cầu.

Tiếp đó, sau bữa ăn sáng ông Trương bị ép phải ngồi trên một cái thế đẩu nhỏ từ 7 giờ sáng đến sau 10 giờ tối. Quần của ông ướt đẫm mồ hôi sau một ngày dài ngồi trên ghế. Trong sáu tháng, ông đã bị ghẻ, với vết ghẻ trên mu bàn tay dày 2 cm. Ông nặng chưa đến 30 kg và mỗi ngày chỉ được ăn rất ít.

Tháng 11 năm 2002, trại lao động đã gia tăng bức hại các học viên. Dù tính mạng ông Trương đang gặp nguy hiểm vì sức khoẻ kém, trại vẫn từ chối thả ông, thay vào đó lại gia tăng thời gian cưỡng chế ông ngồi trên ghế, từ 5 giờ sáng đến tận nửa đêm.

Có lần, công an gọi ông đến một căn phòng và muốn biết ông còn tu luyện Pháp Luân Công không. Ông trả lời: “Tôi sẽ kiên quyết tu luyện Đại Pháp chừng nào tôi còn sống.”

Công an giận dữ đổ một cốc nước sôi lên hai tay ông khiến tay bị bỏng và phồng rộp.

Sau việc này, sức khoẻ của ông xấu đi nhanh chóng và ông bắt đầu có máu trong phân. Hai tay ông bị nhiễm trùng do bỏng. Có lần, vì ông đi rất chậm nên một tù nhân đã lôi ông đến nhà ăn và đánh ông. Một ngày trước khi qua đời, ông vẫn bị tra tấn ngồi trên ghế đẩu như vậy.

Ngày 8 tháng 1 năm 2003, công an đã đưa ông đến bệnh viện sau khi thấy ông đang ở trong tình trạng nguy hiểm. Đêm hôm đó ông đã qua đời trong bệnh viện, ở tuổi 65.

Ngay khi nghe tin ông qua đời, bà Tiêu và con gái đã đến trại lao động và hỏi công an tại sao họ tra tấn ông đến chết. Công an đã chối bỏ mọi trách nhiệm. Một công an nói với gia đình rằng cứ việc kiện họ nếu muốn.

Cái chết của con trai

Sau đó cô Trương yêu cầu được thăm anh trai và cũng đề nghị sớm thả anh cô. Cô nhận thấy anh trai hốc hác và bị ghẻ nặng giống như cha mình. Anh Trương bước đi khập khiễng, khó thở, và không thể nói rõ ràng.

Anh Trương Khải Phát đã qua đời vào ngày 19 tháng 1 năm 2003, một ngày sau khi anh được thả.

Cô Trương nhớ lại: “Ngày 15 tháng 1, chúng tôi nhận được cộc gọi từ trại lao động thông báo đến đón anh ấy vào ngày 18. Trong ngày hôm đó tôi đã một mình đi đến trại và phải đợi ở phòng bảo vệ, có người khiêng anh tôi ra. Anh ấy phải dựa vào lò sưởi và không thể đi được. Tôi đã bật khóc.

“Một công an đã càu nhàu khi giúp đưa anh tôi vào trong xe hơi. Chúng tôi được đưa đến trạm xe buýt và tôi phải trả 27 nhân dân tệ tiền vé xe buýt. Số tiền 73 nhân dân tệ còn lại của tôi đã bị công an tước đoạt với cái cớ là trả tiền cước cuộc điện thoại mà họ đã gọi cho chúng tôi.

“Khoảng 3 giờ chiều ngày 18 tháng 1, tôi cõng anh trai trên lưng đưa vào nhà với sự giúp đỡ của mẹ. Anh nói rằng anh bị ép phải ngồi trên một cái ghế đẩu nhỏ trong nhiều ngày và bị cấm ngủ. Anh kiệt sức vì làm việc trong mùa hè mà không được ăn uống đầy đủ. Anh cũng không được phép nói chuyện.

“Mẹ và tôi thấy rằng làn da trắng sáng ban đầu của anh tôi đã chuyển thành đen và đầy ghẻ. Hai chân anh có hai khối u nhỏ cứng. Hai đầu gối đầy vết thương rỉ máu và khắp người anh ấy chằng chịt vết thương. Ngày hôm sau, anh ấy không thể ăn hay nói chuyện. Anh ngứa khắp người và đã qua đời lúc 11 giờ 30 sáng ở tuổi 38.”

Khi con gái 13 tuổi của anh Trương Khải Phát đến gặp cha lần cuối thì bị công an chặn lại bên ngoài nhà của cô Trương. Khi hàng xóm cố gắng giúp đỡ thì cũng bị công an ngăn lại. Một công an khác thậm chí còn đi xung quanh để cố thu thập “thêm nhiều bằng chứng” từ hàng xóm để chống lại gia đình họ Trương.

Con gái bị sách nhiễu trước khi cha và anh trai qua đời

Khi người cha và con trai vẫn đang thụ án trong trại lao động thì công an thường xuyên sách nhiễu người mẹ và con gái tại nhà họ. Ngày 1 tháng 11 năm 2002, công an xông vào nhà cô Trương và bắt đầu lục soát. Họ hỏi cô Trương có còn tu luyện Pháp Luân Công không. Khi cô không trả lời, công an đã cố đưa cô đi và một trong số họ đã bẻ quặt hai tay cô ra sau lưng. Họ không cho cô mang giày, và cuối cùng cháu gái của cô phải mang giày cho cô.

Cô Trương đã bị thẩm vấn cả đêm và bị đưa đến Trại Lao động Huyện Giang Nguyên lúc 1 giờ sáng. Trưởng đồn công an hăm doạ: “Nếu không chịu viết tuyên bố bảo đảm thì cô sẽ bị cầm tù mãi mãi.”

Cô Trương đã tuyệt thực trong năm ngày. Chính quyền vẫn tiếp tục thẩm vấn cô nhưng từ chối thả cô. Cô đã tuyệt thực thêm 20 ngày và cuối cùng được thả vào ngày 10 tháng 12 năm 2002.

Cô Trương nói: “Việc sách nhiễu và bắt giữ liên tục đã làm tổn thương tinh thần của mẹ tôi và tôi. Niềm hy vọng duy nhất giúp chúng tôi có thể tự an ủi mình là cha và anh trai tôi sắp được thả trong vài tháng tới. Nhưng thật không ngờ sau khi tôi được thả, chỉ trong 10 ngày họ đã lần lượt ra đi, khiến tâm tôi tan nát và mẹ và tôi rơi vào đau khổ cùng cực, chúng tôi vô cùng tuyệt vọng.”

Cuộc bức hại đối với người mẹ và con gái vẫn tiếp diễn

Năm năm sau, vào ngày 8 tháng 6 năm 2007, người mẹ và con gái lại bị bắt và bị giam trong một trại tạm giam. Công an đã tịch thu 10.000 nhân dân tệ tiền tiết kiệm của họ.

Cô Trương đã tuyệt thực bốn ngày trong trại tạm giam trước khi được thả vào ngày 11 tháng 6. Sau khi được thả, cô quay trở lại trạm tạm giam để thăm mẹ hàng ngày, sau đó bà đã được thả vào ngày 26 tháng 6 sau khi đột nhiên bị ngất xỉu.

Sau khi được thả, họ yêu cầu công an trả lại số tiền đã tịch thu. Tuy nhiên, công an đã không trả lại mà còn hăm doạ và giám sát cô Trương mỗi ngày, bao gồm cả giám sát điện thoại và những người cô nói chuyện trên đường. Sau đó hai người buộc phải rời khỏi nhà trong vài tháng để tránh bị bức hại thêm nữa.

Không lâu sau khi họ trở về nhà, cô Trương lại bị bắt vào ngày 28 tháng 11 năm 2007. Công an đã lục soát nhà cô và tịch thu các sách Pháp Luân Công cùng tài liệu liên quan. Cô lại bị kết án lao động cưỡng bức và bị giam ở Trại Lao động Cưỡng bức Hắc Chuỷ Tử.

Ngày 27 tháng 7 năm 2015, người của Phòng 610 Quận Giang Nguyên, Uỷ ban Chính trị và Pháp Luật, Đội An ninh Nội địa đã bắt cô Trương và lục soát nhà cô. Các sách Pháp Luân Công của cô bị tịch thu.

Một năm sau, vào ngày 17 tháng 9 năm 2016, cô Trương lại bị người của Đồn Công an Chính Xoá bắt giữ. Công an đã tịch thu các sách Pháp Luân Công. Mẹ cô, hơn 70 tuổi, đã bị bỏ lại ở nhà một mình không có ai chăm sóc.

Ngày 24 tháng 10 năm 2017, khi cô Trương vừa mới trở về nhà thì bị người của Đồn Công an Chính Xoá ở quận Giang Nguyên bắt giữ. Họ xông vào nhà cô và tịch thu các sách Pháp Luân Công của cô. Công an cưỡng chế lấy dấu vân tay và mẫu DNA của cô trước khi đưa cô đến trại tạm giam Hắc Câu ở Bạch Sơn. Sau khi cô từ chối mặc đồng phục trại tạm giam, cô đã bị biệt giam cả đêm và bị một công an tát nhiều cái vào mặt. Sáu ngày sau cô được thả ra.

Cô Trương bị bắt lần cuối vào ngày 23 tháng 3 năm 2018. Đồn Công an Quận Giang Nguyên đã bắt cô cùng với ba học viên khác. Tất cả họ đều bị giam ở trại tạm giam Hắc Câu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/4/10/403531.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/5/31/185297.html

Đăng ngày 17-06-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share