Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 21-04-2020] Một cựu công nhân của nhà máy bán dẫn ở thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh đã thụ án 12,5 năm ở trong tù và các trại lao động vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ năm 1999.
Bà Thôi Á Ninh đã bị đuổi việc sau khi cuộc đàn áp bắt đầu và không thể đòi tiền trợ cấp vì bị giam cầm. Áp lực xã hội và công an sách nhiễu thường xuyên đã khiến chồng bà ly dị và dắt đứa con đi. Hiện bà sống một mình và phải vật lộn kiếm sống bằng cách làm những công việc vặt.
Sau đây là lời kể của bà Thôi về những gì mà bà đã phải chịu đựng trong suốt 21 năm qua.
Bà Thôi Á Ninh
Mất ngủ và viêm khớp đã được chữa lành
Năm 1992, chỉ 38 ngày sau khi tôi kết hôn, cha chồng tôi đã qua đời vì lên cơn đau tim. Chồng và mẹ chồng tôi rất đau buồn. Ba năm sau, con trai tôi ra đời và tôi trở nên bận rộn hơn vì vừa phải chăm sóc con, chồng và mẹ chồng. Trên hết, tôi làm việc toàn thời gian tại Công ty Điện-Điện tử Hoa Quang Cẩm Châu.
Vì thời gian nghỉ ngơi ít, mỗi ngày chưa đầy 7 tiếng, tôi bị mắc chứng mất ngủ, đau dạ dày, mệt mỏi và viêm khớp. Năm 1997, một người bạn đã giới thiệu Pháp Luân Công cho tôi. Sau khi đọc vài trang của cuốn sách Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của pháp môn, tôi đã có một giấc ngủ say, đây là giấc ngủ ngon nhất của tôi sau nhiều năm.
Khi tôi tiếp tục học Pháp luyện công, nhiều chứng bệnh đã biến mất và tâm tính của tôi đã cải thiện. Tôi xử lý việc nhà và việc cơ quan mà tôi phụ trách một cách dễ dàng. Tôi được bình chọn là cán bộ xuất sắc và được thăng chức.
Liên tục bị cầm tù vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công
Cuộc sống của tôi đã bị đảo lộn khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7 năm 1999. Tôi không được luyện Pháp Luân Công một cách công khai; lãnh đạo đơn vị thường xuyên gọi tôi đến phòng làm việc của ông ấy và yêu cầu tôi từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công; đồng nghiệp không tin tôi và người nhà xa lánh tôi.
Tôi đã bị giam ba lần với tổng thời gian 12,5 năm. Từ 15 tháng 10 năm 1999 đến 14 tháng 10 năm 2001, tôi bị đưa vào Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Mã Tam Gia, trong thời gian này chủ lao động đã tuỳ tiện chấm dứt hợp đồng của tôi. Một tháng sau khi tôi được thả, chồng tôi đã ly dị tôi bởi ông ấy không muốn vì tôi mà chính quyền trả thù ông và những người thân khác.
Tôi lại bị bắt vào tháng 12 năm 2001 và bị đưa đến một trại lao động cưỡng bức khác để thụ án 3,5 năm, từ 28 tháng 12 năm 2001 đến 7 tháng 6 năm 2005.
Án tù cuối cùng của tôi là từ 25 tháng 2 năm 2008 đến 24 tháng 2 năm 2015 ở Nhà tù Nữ Liêu Ninh.
Bị tra tấn trong trại lao động cưỡng bức
Việc tu luyện Pháp Luân Công để có sức khoẻ tốt là bị cấm ở Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia. Một lính canh đã xúi giục các tù nhân khác đánh đập tôi khi anh ta phát hiện tôi đang luyện công. Một tù nhân dùng chổi đánh vào đầu tôi cho đến khi cán chổi bị gãy. Một người khác đá vào ngực và lưng tôi làm cho một chiếc xương sườn bị gãy và nhiều tháng sau tôi vẫn còn đau nhói ở ngực. Sau khi tất cả tù nhân thay phiên nhau đánh đập tôi, họ lôi tôi đi làm việc. Tôi không thể cử động vì bị thương và một tù nhân đã tát tôi liên tục cho đến khi tôi gần như ngất đi.
Quản lý trại ép chúng tôi làm việc từ 6 giờ sáng đến 10 giờ tối mỗi ngày vào năm 2000. Trước khi tôi học cách vận hành máy may, tôi nhận lệnh phải may 180 đôi tay áo mỗi ngày.
Nhằm mục đích khiến các học viên từ bỏ Pháp Luân Công, các vụ tra tấn đã gia tăng trong năm 2001. Tôi phải ngồi xổm từ 6 giờ sáng đến nửa đêm trong năm ngày liên tục. Kết quả là hai chân tôi sưng và cứng lại. Vì tôi từ chối từ bỏ đức tin của mình, các lính canh đã dùng dùi cui điện để sốc điện vào đầu, lưng và nách của tôi. Nó đau như thể bị rắn cắn và cơ thể tôi đầy vết phồng rộp. Tôi sống trong sợ hãi mỗi ngày và không thể thấy bất kỳ hy vọng nào. Tôi không nghĩ rằng mình có thể sống sót để ra khỏi đó.
Lại bị giam sau hai tháng được thả
Chỉ hai tháng sau khi được thả, tôi lại bị bắt và bị kết án 3,5 năm lao động cưỡng bức. Lần này, tôi bị giam tại Trại Lao động Nữ Số 2 Mã Tam Gia vừa mới được xây, nơi dành riêng để giam giữ và tẩy não các học viên Pháp Luân Công.
Trong thời gian cao điểm có hơn 4.000 học viên bị giam ở đây. Chính quyền dùng mọi cách để tra tấn các học viên và họ tuyên bố rằng 95% học viên đã bị ép phải từ bỏ Pháp Luân Công. Sau khi đạt được một tỉ lệ “chuyển hoá” cao như thế, quản lý ở Mã Tam Gia đã truyền đạt kinh nghiệm của họ cho các trại lao động khác trên khắp đất nước.
Lính canh ép tôi phải xem và nghe những tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công và Sư phụ. Việc tẩy não được sử dụng cùng với ngược đãi thể xác để làm suy yếu ý chí của chúng tôi. Có lần, tôi bị ép phải đứng tám ngày liên tục. Hai chân tôi sưng đến nỗi da trông trong suốt và sáng bóng. Cuối cùng tôi trở nên chóng mặt và nói năng lảm nhảm.
Có lần tôi bị nhốt vào một phòng biệt giam nhỏ vì nói chuyện với người khác về Pháp Luân Công. Họ trói tôi vào một cái ghế sắt trong chín ngày liên tiếp chỉ với hai bữa ăn mỗi ngày và hai lần đi vệ sinh. Lúc đó là cuối tháng 12 và có tuyết bên ngoài. Lính canh mở cửa sổ để khiến tôi lạnh cóng. Khi được ra ngoài, hai chân tôi dày lên gấp đôi và phủ đầy những vết mủ đầy máu. Tứ chi của tôi bị tê và tôi không thể nhặt được một cây kim hoặc là đi bộ.
Quản lý trại đã đưa tôi đến một bệnh viện, ở đó họ không nói gì với tôi mà còng tôi vào một cái giường và tiêm thuốc không rõ nguồn gốc vào tĩnh mạch của tôi. Các loại thuốc khiến tôi rất đau đớn ở trong đầu ngón tay, giống như là bị kim đâm. Thậm chí tôi còn bị ép phải trả chi phí cho sự ngược đãi này. Một năm sau lần tổn thương này, tứ chi của tôi vẫn bị tê và nhạy cảm với cái lạnh.
Tôi đã tuyệt thực để phản đối sự ngược đãi. Các lính canh đã nhét một ống dẫn thức ăn vào trong dạ dày tôi thông qua lỗ mũi và đổ vào bột gạo mặn. Niêm mạc mũi và khí quản của tôi đã bị vỡ trong quá trình bạo lực này.
Chúng tôi bị yêu cầu phải làm việc trong nhiều giờ để gọt vỏ tỏi và làm đồ thủ công. Cả chục người bị đưa vào một căn phòng nhỏ để phun sơn lên đồ thủ công và dán chúng lại với nhau. Mùi của dung môi không thể chịu được và tỏi thường xuyên bị nhiễm bẩn. Hầu hết tỏi này được bán cho các nhà hàng ở địa phương.
Vào năm 2005, đôi khi có chục học viên bị nhốt trong một xà lim nhỏ với mọi của sổ bị đóng và chỉ có một lỗ to bằng quả trứng được mở. Chúng tôi phải ngồi trên một cái ghế đẩu nhỏ từ 6 giờ sáng đến tận nửa đêm trong hơn năm tháng. Da trên mông chúng tôi bị rách và mưng mủ vì nó không có thời gian để lành lại.
Chứng kiến cái chết và sự tra tấn khủng khiếp khác
Thời gian ở trong Mã Tam Gia có lẽ là giai đoạn đen tối nhất trong cuộc đời tôi. Trong khi đang chịu đựng sự tra tấn, tôi cũng chứng kiến những sự tàn bạo không thể tưởng tượng nỗi đối với các học viên khác. Tâm tôi tràn ngập nỗi sợ hãi, đau buồn và phẫn nộ. Mỗi ngày là một cực hình đối với tôi.
Cô Cao Dung Dung bị sốc điện ở khuôn mặt đến biến dạng.
Cô Doãn Lệ Bình bị đưa đến các xà lim nam và bị cưỡng hiếp.
Bà Bạch Tố Trân ở Ngoã Phòng Điếm đã đột ngột qua đời sau khi bị ép phải làm việc thâu đêm dù bà bị huyết áp cao. Khi đó bà đã ngoài 60 tuổi. Trại lao động đã nói dối với gia đình rằng bà qua đời sau khi từ chối dùng thuốc và không nói một lời nào về việc lao động cưỡng bức.
Cô Trương Thư Tư, một người mẹ hai con ở thành phố Cẩm Châu, đã buộc phải từ bỏ Pháp Luân Công vì hy vọng cô có thể về nhà sớm để chăm sóc con. Nhưng lính canh đã thất hứa và vẫn giam cô Trương sau khi cô viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Một ngày nọ khi cô đang tắm thì đột nhiên ngã xuống và chết ngay tại chỗ với thân thể tím bầm. Sau đó tôi biết rằng cô qua đời vì bị đột quỵ.
Đối với tất cả những ai từng bị bức hại tạm Mã Tam Gia, sự đau đớn là rất dữ dội đến nỗi hầu hết đều không muốn nhớ lại những ký ức đó. Thật không dễ để tôi viết xuống những điều này, nhưng nếu không ai trong chúng tôi nói gì thì thế giới sẽ không bao giờ biết điều gì đã xảy ra với chúng tôi.
Bị kết án bảy năm tù
Nhiều năm sau, tôi lại bị bắt vào ngày 25 tháng 2 năm 2008 sau khi bị công an nghe lén điện thoại và theo dõi. Sau đó tôi bị kết án bảy năm và bị đưa đến Nhà tù Nữ Liêu Ninh.
Trong năm tháng, tôi bị hành hạ và tẩy não ở một phòng biệt giam. Tôi phải bất động trên một viên ngói (mỗi cạnh dài khoảng 60cm) và phải ngồi trên một cái ghế đẩu nhỏ 13 tiếng mỗi ngày. Phần thịt trên mông tôi bị bong ra bởi bề mặt thô ráp của ghế. Tôi chỉ dùng rất ít thức ăn vì việc sử dụng nhà vệ sinh bị giới hạn.
Sau đó quản lý nhà tù bắt chúng tôi may đồng phục công an và các loại quần áo khác 13 tiếng mỗi ngày. Chúng tôi phải làm việc nhanh bởi khối lượng công việc bất hợp lý. Nó giống như một nhóm những con nai sợ hãi bị một con sói hung dữ đuổi bắt. Nếu chúng tôi mắc lỗi thì sẽ bị các lính canh sốc điện.
Chúng tôi phải mua nhu yếu phẩm hàng ngày từ nhà tù thay vì đồ tự mang theo. Đồ dùng trong tù rất đắt khiến chúng tôi bị gia tăng thêm gánh nặng tài chính.
Chúng tôi không được phép nói chuyện với người khác và được khuyến khích làm gián điệp và báo cáo về người khác. Mọi người đều cảnh giác, sợ hãi và lo lắng suốt ngày đêm. Mọi nơi đều có camera thậm chí ngay cả trong nhà tắm và nhà vệ sinh nữ. Các cuộc nói chuyện và điện thoại đều bị giám sát.
Kết quả của việc bị tra tấn tinh thần và thể xác này trong tù là bảy cái răng của tôi đã bị gãy. Tôi không thể nhai bất kỳ thức ăn nào khi mới chỉ 44 tuổi. Sau khi được thả vào năm 2015, tôi còn bị gãy nhiều răng hơn. Hiện giờ tôi chỉ còn bảy cái răng.
Các loại hình thức bức hại khác
Vì tôi mà gia đình bị trả thù tại nơi làm việc: em trai bị đuổi việc và chị gái đã trải quả một thời gian khó khăn. Gia đình bên chồng không nói chuyện với tôi. Mẹ tôi liên tục lo lắng cho tôi và phải tìm tư vấn pháp lý cho tôi. Một ngày nọ, khi đang trên đường tìm một luật sư cho tôi, bà đã bị một tai nạn xe hơi nghiêm trọng và bị hất lên không trung rồi ngã xuống đập đầu xuống đất. May thay, bà vẫn sống sót sau tai nạn.
Tôi và gia đình phải vật lộn về tài chính vì bị bức hại. Trong bảy năm ở tù, chi phí pháp lý, phí sinh hoạt và phí gia đình đến thăm tôi là hơn 50.000 nhân dân tệ (7.000 đô la Mỹ). Tôi không có thu nhập trong 12,5 năm bị giam.
Sau khi được thả vào năm 2015, sự phân biệt đối xử đối với đức tin và hồ sơ ở tù của tôi đã ngăn tôi tìm được một công việc tử tế. Các quan chức chính quyền đã từ chối hỗ trợ tôi kiếm việc và đe doạ đưa tôi vào tù trở lại. Tôi phải làm những công việc vặt và chuyển đến sống với mẹ mình.
Tuy nhiên, công an và quan chức địa phương đã liên tục tìm đến nơi làm việc của mẹ con tôi để sách nhiễu tôi. Tôi cảm thấy rất có lỗi với mẹ.
Sau khi trải qua nhiều thập niên khủng bố, tôi muốn ở cùng với gia đình thật lâu để hàn gắn lại trái tim của mình. Nhưng cuộc bức hại giống như những bóng ma, nó cứ bám lấy tôi thậm chí khi hạn tù đã kết thúc. Nó lan rộng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống và gia đình tôi. Nó ở trong không trung và ở mọi nơi tôi đi qua.
Tôi phải chuyển ra ngoài và thuê một nơi ở và dành phần lớn thời gian lánh xa mẹ và bạn bè. Tôi cảm thấy mệt mỏi, cô đơn, sợ hãi và tuyệt vọng.
Năm 2019, tôi bước sang tuổi 50 và đủ điều kiện nghỉ hưu và nhận lương hưu. Khi tôi hỏi về lương hưu, tôi được bảo rằng tôi đã bỏ lỡ bốn năm tám tháng thanh toán vì người chủ cũ đã ngừng trả tiền bảo hiểm hưu trí cho tôi sau khi tôi bị bắt vào tháng 10 năm 1999. Ngoài ra 12,5 năm bị giam không thể được tính vào những năm của tôi. Tôi không có cách nào bù vào khoản thanh toán mà tôi bỏ lỡ trong tình trạng tài chính hiện tại của mình và không thể hoàn toàn tự tôi làm được.
Tôi run sợ mỗi khi nghĩ đến đứa con trai 25 tuổi đã bị tách khỏi mẹ từ khi cháu mới được bốn tuổi; mẹ tôi hơn 80 tuổi đã sống trong sợ hãi và lo lắng cho tôi mỗi ngày trong hai thập niên qua và cuộc sống riêng của tôi bị huỷ hoại trong cuộc bức hại.
Ở mức độ cơ bản, nó không chỉ là cuộc sống của riêng tôi hay của vô số học viên bị huỷ hoại, mà những điều bị huỷ là các giá trị đạo đức rường cột tạo nên ổn định của xã hội. Tôi hy vọng cuộc bức hại sẽ sớm kết thúc và những kẻ bức hại bị đưa ra công lý.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/4/21/404105.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/1/185324.html
Đăng ngày 16-06-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.