Biên tập: Khải Minh Nguyệt

[MINH HUỆ 14-3-2008] Trong sách “Đại Đường thế thuyết tân ngữ” có chép: Một ngày nọ, sau khi bãi triều Đường Thái Tông đi dạo qua dưới một tàng cây. Trông thấy cây ấy cành lá sum xuê tràn đầy sức sống, trong lòng vua cảm thấy rất yêu thích. Lúc đó có Vũ Văn Sỹ Cập đang ở bên cạnh, muốn a dua nịnh bợ bèn ca ngợi cái cây kia không tiếc lời. Đường Thái Tông nghe xong nghiêm mặt quở trách ông ta, bảo: “Ngụy Chinh từng khuyên ta trách phạt và tránh xa tiểu nhân, ta không biết trong triều hiện giờ ai là kẻ tiểu nhân, nhưng trong lòng cũng nghi là khanh. Hôm nay thấy cảnh này, quả nhiên là đúng như vậy”. Sỹ Cập sợ hãi dập đầu tạ tội.

Khổng Tử từng nói: “Ghét kẻ khéo nói thì tốt cho nước nhà”, còn bảo: “Tránh xa kẻ nịnh”. Cái gọi là “kẻ nịnh” ấy chuyên môn rình xem ý tứ người trên ra sao, giỏi nịnh nọt lấy lòng. Một khi lừa gạt được người trên, làm người ấy sung sướng rồi, thì bắt đầu đảo lộn đúng sai, đổi trắng thay đen, làm hại những người trung lương, trả thù riêng, khiến cho gia đình các trung thần có khi đến mức cha con ly gián, cốt nhục tương tàn. Bởi thế Thánh nhân vô cùng cảnh giác kẻ nịnh bợ, xem chúng như là thuốc độc, tránh chúng như tránh loài rắn rết, không dám gần. Như việc Đường Thái Tông trực diện trách phạt Vũ Văn Sỹ Cập, có thể nói là rất anh minh.

Cũng có khi không dễ phân biệt được đâu là phường gian nịnh tiểu nhân. Ngày thường hay nói thẳng can ngăn, ấy là chính nhân quân tử. Còn ai mà hay a dua tâng bốc thì chính là kẻ nịnh.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2008/3/14/174094.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2008/3/26/95730.html
Đăng ngày 04-06-2010; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Share