Bài của Trí Chân

[MINH HUỆ 21-1-2008] Sinh mệnh trần thế đến từ Trời, quy tắc cõi trần thế bắt nguồn từ đạo Trời, cho nên tuân theo ý Trời là quan niệm làm người của văn hóa truyền thống nước ta. Thuận theo ý Trời thì quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Làm việc trái với ý Trời thì hạn hán mất mùa, dân chúng lầm than cơ cực. Những ví dụ cụ thể về điều đó đã được ghi chép rất nhiều trong sử sách, sau đây là một vài chuyện xưa trích trong sách “Lịch sử cảm ứng thống kỷ”.

Lưu Thưởng thời nhà Tống trước khi làm quan Tri châu ở Đan Châu, thì ở Đan Châu và những vùng lân cận đang bị hạn hán lâu ngày, châu chấu tàn phá rất dữ dội. Lưu Thưởng lên nhậm chức xong, việc đầu tiên là xử lại những vụ án oan sai, phán quyết rất công chính và sáng suốt. Trong địa phương nơi ông quản lý, nền pháp trị được giữ vững, kỷ luật nghiêm minh. Ông làm việc chính sự dựa trên cơ sở đạo đức, giáo hóa cho dân chúng, khiến nề nếp cuộc sống của nhân dân trở nên trung hậu và thiện lành. Một ngày nọ có vị lữ khách về kinh thành, trên đường đi sơ suất đánh rơi một bao tiền, nhưng nhân dân địa phương không hề có ai dám tùy tiện nhặt lấy, bởi vì lý trưởng đã bảo quản, sau khi lữ khách quay lại liền tìm được vật bị mất. Còn có một người, ban đêm trên đường phố đánh rơi một món đồ, cách một ngày sau mới quay lại tìm kiếm, thế mà vật bị mất vẫn nằm nguyên ở chỗ cũ không ai nhặt. Lưu Thưởng đã làm cho vùng đất ấy trở nên thuần phong mỹ tục, được triều đình tuyên dương và nhân dân ca ngợi. Liền sau đó, từ trên trời cao những giọt mưa ngọt lành rơi xuống, đàn châu chấu bay khỏi khu vực. Châu chấu quanh quẩn ở các vùng xung quanh quận Đan Châu nhưng tuyệt đối không quay lại Đan Châu nữa. Như thế là Lưu Thưởng đã giải trừ được nạn châu chấu và hạn hán, cứu vớt trăm họ thoát khỏi cảnh lầm than khổ cực. (“Tống sử – Lưu Thưởng truyện”)

Vương Chương thời nhà Minh từ nhỏ đã mồ côi cha, mẹ ông đôn đốc ông học hành, chuyên cần đọc sách. Sau khi Vương Chương lên làm quan tri huyện, mẹ ông vẫn dạy bảo ông rất nghiêm khắc. Có lần ông đi dự tiệc đưa tiễn bạn, trở về nhà tương đối trễ, mẹ ông kêu ông lại, bảo quỳ dưới đất, cầm roi trách ông: “Triều đình bổ nhiệm con làm quan tri huyện, là để cho con uống rượu ăn thịt hay sao?”. Vương Chương xấu hổ phủ phục dưới đất, không dám ngẩng đầu lên. Thời Vương Chương nhậm chức, ông đã giúp cho nhân dân huyện Chư Kỵ được an cư lạc nghiệp. Nửa năm sau, ông vâng mệnh triều đình chuyển tới huyện Ngân nhậm chức. Thế là nhân dân huyện Chư Kỵ luyến tiếc không muốn để ông đi, còn nhân dân huyện Ngân lại trông ngóng mong ông tới thật sớm, người dân 2 huyện vì việc ấy mà tranh giành nhau mãi. Sau này ông được thăng làm quan Ngự sử, đến vùng Cam Túc thị sát. Ông dâng bài hịch cầu khấn trời xanh: “Nếu tôi làm quan Ngự sử mà tham ô làm nguy hại đến nhân dân, thì xin Thần hãy trách phạt riêng Ngự sử thôi. Cầu xin Thiên Thượng hãy phù hộ cho nhân dân thoát khỏi cảnh khốn cùng!”. Hịch văn đốt cháy xong rồi, trời quả nhiên mưa như trút nước xuống (“Minh sử – Vương Chương truyện”).

Thiên thượng luôn từ bi với chúng sinh, có đức hiếu sinh, chỉ có làm việc Thiện lành là hợp với Ý Trời. Vì thế những người trí thức chân chính và sáng suốt từ xưa tới nay đều thuận theo ý Trời mà làm việc, luôn luôn nuôi dưỡng tấm lòng chân thành tha thiết, cố gắng lấy công đức bản thân mà cảm động đến Thiên thượng. Kính trọng Trời bảo vệ nhân dân, làm cho chúng sinh hướng thiện, cứu đời giúp người, ấy đều là những việc làm đại thiện phù hợp với đạo Trời.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2008/1/21/170785.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2008/2/23/94720.html
Đăng ngày 02-06-2010; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Share