Bài của Trí Chân

[MINH HUỆ13-8-2008] Trong nền văn minh lâu đời hơn 5000 năm của dân tộc Trung Hoa thì các bậc Tôn Sư là những người đại diện cho nhân dân trong việc kế thừa và truyền thụ những truyền thống tốt đẹp và nếp sống đạo đức. Người xưa hết sức coi trọng vấn đề Tôn sư trọng đạo và Tu dưỡng phẩm hạnh, làm gương mẫu cho đời sau noi theo, mà Nhan Hồi chính là một người trong số đó. Nhan Hồi là người nước Lỗ thời Xuân Thu (từ nửa sau của thế kỷ 8 TCN đến nửa đầu thế kỷ thứ 5 TCN), ông tôn sùng Khổng Tử và đã lý giải sâu sắc học thuyết tư tưởng của Khổng Tử; hơn nữa suốt đời nỗ lực thực hành lời dạy của thầy, để đức hạnh lưu danh với đời.

Nhan Hồi tuy nhập cửa Khổng khá muộn, nhưng ông khiêm tốn và ham học, rất nhanh đã lĩnh hội được sự uyên thâm trong học thuyết của Khổng Tử. Ông nói: “Ngưỡng chi di cao, toản chi di kiên. Chiêm chi tại tiền, hốt yên tại hậu! Phu tử tuần tuần nhiên thiện dụ nhân: bác ngã dĩ văn, ước ngã dĩ lễ. Dục bãi bất năng, ký kiệt ngô tài, như hữu sở lập trác nhĩ, tuy dục tòng chi, mạt do dã dĩ! “. Đại ý nghĩa là: “Thầy giảng đạo lý, càng học càng thấy cao thâm, càng nghiên cứu càng thấy ảo diệu. Đạo lý tuy cao thâm, thầy lại giỏi việc từng ly từng tí chỉ dẫn chúng ta, dùng các loại tri thức và văn hiến giúp kiến thức chúng ta thêm phong phú, khiến chúng ta được nâng cao, lại dùng Lễ Tiết để ràng buộc chúng ta; khiến cho chúng ta muốn ngừng học cũng không thể được. Tôi thông qua nỗ lực dường như cũng có thể lý giải và thực hành được đạo lý ấy, song nếu lại muốn tiến về phía trước một bước nữa, vẫn cần phải tiếp tục học tập và thực hành”. Lúc đó quan đại phu nước Lỗ tên là Thiếu Chính Mão và Khổng Tử đồng thời dạy học, cùng giành học trò. Thiếu Chính Mão lấy lòng mọi người, tuyên truyền học thuyết xằng bậy, làm rất nhiều học trò bị dao động, cuối cùng khiến cho “Cửa nhà Khổng Tử ba ngày trước đầy môn sinh, ba ngày sau không còn một ai”, chỉ có Nhan Hồi chưa từng rời đi nửa bước. Có người hỏi ông: “Ông sao không tới chỗ Thiếu Chính Mão mà học vậy?”. Nhan Hồi trả lời: “Một ngày làm thầy, suốt đời làm cha; vả lại học thức của Thầy là tuân theo mệnh Trời, khởi xướng lòng nhân đức, chỉ ra đạo chân chính để làm người, cũng đủ để chúng ta học rồi, việc gì phải đi đâu nữa?!”.

Nhan Hồi học tập hết sức khắc khổ. Nhưng dù điều kiện học tập rất gian khổ, ông lại có thể sống thanh bần vui với Đạo. Sớm làm tối nghỉ, ra sức học hành nghiên cứu Thi Lễ, toàn tâm theo đuổi sự nghiệp học tập, đem những lời thầy dạy ôn lại nhiều lần, có thể “học một biết mười”. Khổng Tử khen ngợi rằng: “Nhan Hồi thật tuyệt vời, mỗi bữa chỉ ăn một bát cơm, chỉ uống một bát canh; ở trong gian phòng đơn sơ; có thể nhẫn chịu được những gian khổ mà người khác không cách nào nhẫn chịu nổi, chí hướng cao xa của bản thân không mảy may thay đổi, kiên trì bền bỉ học tập, thật giỏi lắm!”. Nhan Hồi thấu hiểu hàm nghĩa của chữ “Nhân” mà Khổng Tử đề xướng, đồng thời hết lòng nỗ lực thực hành. Tính tình ông khiêm tốn “Không giận cá chém thớt, không tái phạm lỗi lầm”. Khổng Tử hỏi ông về đạo xử thế, ông nói: “Người nào thiện với trò, trò cũng thiện với người đó; người nào không thiện với trò, trò vẫn thiện với người đó”. Khổng Tử khen ngợi rằng: “Hồi dã, kỳ tâm tam nguyệt bất vi nhân, kỳ dư tắc nhật nguyệt chí yên nhi dĩ hĩ”, “Tự ngô hữu hồi, môn nhân ích thân”. (Tạm dịch: “Nhan Hồi trong tâm ba tháng không làm trái với đức Nhân; từ đó về sau thì luôn như vậy mà thôi”, “Từ khi ta có Nhan Hồi, học trò càng như người thân”).

Cả đời Khổng Tử khởi xướng nền chính trị nhân từ và đạo đức, Nhan Hồi đã xem chí hướng của thầy như chí hướng của mình mà suốt đời làm theo. Ông đi theo Khổng Tử chu du các nước, chủ trương phát huy nền chính trị nhân từ. Nhan Hồi hướng về một xã hội hài hòa, nơi mà “Việc giáo dục đạo đức được thịnh hành; vua và quần thần chung một lòng; trên và dưới hài hòa cân đối với nhau; đất nước thái bình, dân chúng bình an; người người đều nói lời nhân nghĩa và có quy củ; không có công sự phòng thủ hay thành quách; càng không có nỗi lo buồn về chiến tranh ”, hơn nữa cho rằng phải đạt được đường lối chính trị nhân từ lấy Đức làm căn bản, bằng cách giáo dục dân chúng về đạo đức và Lễ Nhạc. Nhan Hồi kiên định lòng tin, quyết chí truyền bá đạo nghĩa, bất kể hoàn cảnh gian nan như thế nào, cũng phải “làm được những việc khó làm”.

Khi Khổng Tử bị vây hãm tại nước Trần và nước Thái, không còn lương thực, tình cảnh vô cùng khó khăn. Có đệ tử bắt đầu bàn tán, tư tưởng hơi dao động; chỉ có Nhan Hồi bình tĩnh tự nhiên, cung kính “đặt rau ngoài cửa” (mang tới một ít rau đặt ở trước cửa Khổng Tử), tỏ lòng kính trọng và không rời xa thầy. Ông nói: “Đạo lý của Thầy đã đạt đến cảnh giới cực cao, cho nên không được một số người tiếp nhận. Cho dù như vậy Thầy vẫn dốc hết sức để phổ biến rộng rãi, lấy tâm nhân đức hòng cứu trăm họ trong cơn nước sôi lửa bỏng. Tuy rằng gặp ngăn trở và đố kị, không một ai tiếp nhận, nhưng có làm tổn hại Đạo lý của Thầy được đâu? Có thể đây chính là sự quý báu của đạo đó! Trong bất kì hoàn cảnh nào cũng có thể giữ vững chính đạo không dao động, phải là bậc quân tử mới có thể làm được vậy. Không tu dưỡng chính đạo là nỗi nhục của chúng ta. Chúng ta đã truyền bá chính đạo, lại không được một số người chấp thuận, thì đó là điều sỉ nhục của họ”. Khổng Tử nghe được rất vui mừng nói: “Nhan Hồi có những kiến thức như vậy quả là quá tốt! Cỏ Chi và cỏ Lan sinh ở rừng sâu, không vì không có người mà không thơm; quân tử tu Đạo xây dựng Đức, không vì khốn cùng mà thay đổi khí tiết”. Nhan Hồi gặp khó khăn mà không mất đức, đi theo Khổng Tử thực hành nhân nghĩa trong thiên hạ, nghị lực ấy khiến người ta phải kính nể. Từ đó về sau, “Đặt rau” đã trở thành lễ nghi để tỏ lòng tôn kính Thầy, thịnh hành tại Trung Quốc và còn lưu truyền hậu thế.

Nhan Hồi tuân thủ nghiêm ngặt lời dạy của thầy, tu thân lập đức, chế ngự dục vọng bản thân, khiến cho lời nói và việc làm phù hợp với yêu cầu của Lễ mà đạt đến cảnh giới của Nhân, xem việc thiên hạ là nhiệm vụ của mình. Lòng tôn kính Thầy cùng với tinh thần dũng cảm theo đuổi chân lý đã khích lệ người đời sau, lưu lại giá trị văn hóa quý báu và phong phú cho hậu thế.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2008/8/13/184014.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2008/9/8/100478.html
Đăng ngày 02-06-2010; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Share