Bài viết của Trịnh Nham
[MINH HUỆ 01-05-2020] Ở Trung Quốc trước kia, người ta thường tin vào Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa, họ trọng đức và chú trọng sự giác ngộ tâm linh. Sau mấy chục năm từ khi lên nắm quyền, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thay thế văn hóa truyền thống bằng bạo lực, thù hận và lừa dối.
Khi Trung Quốc mở cửa vào những năm 1970, các nước phương Tây coi đây là cơ hội để giúp mang dân chủ tới Trung Quốc, cũng là cơ hội khai thác lợi ích kinh tế khi hợp tác với họ. Mong muốn Trung Quốc có một nền dân chú hóa ra chỉ là mộng tưởng, nhưng các nước phương Tây chưa khi nào dừng giao thương với Trung Quốc, vì thế mà Trung Quốc có cơ hội phát triển thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có ảnh hưởng toàn cầu cả về tài chính lẫn chính trị.
Khi virus corona hoành hành trên khắp thế giới, nhiều người đã bắt đầu nhận ra rằng sự bưng bít của ĐCSTQ đã biến dịch bệnh thành đại dịch toàn cầu và rằng hợp tác với ĐCSTQ vì lợi ích kinh tế chẳng khác nào mở chiếc hộp Pandora.
ĐCSTQ là căn bệnh ung thư
Khoa học y tế gọi ung thư là căn bệnh không ngừng phát triển, có thể bắt đầu từ một khối u lành tính cục bộ thành “ung thư giai đoạn đầu” rồi xâm lấn các tế bào lân cận, cuối cùng lan sang các cơ quan nội tạng khác và toàn bộ cơ thể. Khi thăm dò lịch sử của ĐCSTQ sẽ thấy, sau nhiều năm bén rễ và phát triển ở Trung Quốc, nó đã di căn ra khắp thế giới.
ĐCSTQ được thành lập vào năm 1921 theo mô hình của Liên Xô cũ. Khi Liên Xô tiến hành Đại Thanh trừng vào những năm 1930 (gây ra cái chết cho khoảng 1 triệu người), nhưng bấy giờ, thế giới không hay biết việc này, các đảng viên thành lập ĐCSTQ đã cướp đoạt của địa chủ phú hào ở nông thôn và tàn phá các thành phố với danh nghĩa “cách mạng”. Mặc dù điều này đi ngược lại với văn hóa truyền thống Trung Hoa, nhưng với lợi ích trước mắt và lòng tham quyền lực, đông đảo công dân Trung Quốc đã hùa theo. Khối ung thư ĐCSTQ, với vật chất di truyền là thù hận và đấu tranh giai cấp, đã bắt đầu hình thành ở Trung Quốc và liên tục phát triển trong những năm sau đó.
Trong cuộc cải cách ruộng đất vào những năm 1950, ĐCSTQ đã quốc hữu hóa đất đai và dán nhãn cho địa chủ là “kẻ thù của quốc gia”. Trong các chiến dịch Tam Phản, Ngũ Phản, họ đã chiếm đoạt tư liệu sản xuất và tài sản ở các thành phố, dán nhãn các chủ doanh nghiệp là “kẻ thù của quốc gia”. Trong chiến dịch Chống Cánh hữu, chính quyền này lại đạt được mục đích cưỡng chế phần tử trí thức từ bỏ các giá trị và sự chính trực của họ mà phục tùng Đảng vô điều kiện.
ĐCSTQ liên tục nói dối trong chiến dịch Đại Nhảy vọt năm 1959, huênh hoang rằng sản lượng thu hoạch cao gấp 150 lần so với thông thường. Với con số phóng đại này, nông dân đã bị ép phải nộp hết nông sản thu hoạch được cho chính quyền để họ xuất khẩu hầu hết các loại nông sản, chỉ để lại chút ít cho tiêu thụ trong nước. Vì thế mà xảy ra nạn đói khiến khoảng 45 triệu người tử vong chỉ trong vòng ba năm từ 1959 đến 1961.
Như thể còn chưa đủ, vào giữa những năm 1960, lãnh đạo cộng sản đương thời Mao Trạch Đông còn phát động hàng loạt chiến dịch công kích văn hóa truyền thống Trung Hoa. Cuộc Cách mạng Văn hóa chỉ trong vài năm ngắn ngủi đã gần như xóa sổ các yếu tố tinh thần vốn là ngọn nguồn của hàng nghìn năm văn minh Trung Hoa, từ văn học, nghệ thuật tới giáo dục và cuộc sống thường nhật.
Tấn thảm kịch này là thảm họa nhân tạo do lòng tham quyền lực, của cải của ĐCSTQ gây ra. Trái với những gì người dân Trung Quốc mong đợi, đất đai của quốc gia và phần lớn tư liệu sản xuất và tài sản đã bị quốc hữu hóa, chủ yếu do các quan chức cấp cao của Đảng nắm giữ.
Trong khi ĐCSTQ nhét đầy túi bằng những gì cướp đoạt của “người tư sản”, nó lại không cho “người vô sản” dùng thủ đoạn đó để có tiền của hay chất vấn tính hợp pháp của nó. Sự mâu thuẫn này cho thấy lý luận về chủ nghĩa cộng sản căn bản đầy sơ hở.
Chỉ trong vài thập kỷ ngắn ngủi, ĐCSTQ đã gây ra nạn đói cho người Trung Quốc (như năm 1959-1961), bệnh tật (như việc xử lý sai dịch SARS và virus corona), gây mất mát về tài sản, văn hóa, và mạng người.
Di căn sang các nước phương Tây
Karl Marx viết năm 1848: “Cách duy nhất để rút ngắn, đơn giản hóa và cô đọng lại những đau đớn chết người của xã hội cũ và cơn đau đẫm máu khi sinh ra một xã hội mới là khủng bố cách mạng.”
Công thức chết người của chủ nghĩa cộng sản có lẽ đã vượt quá những gì Marx nhận thức được. Antonov Ovesyenko, con trai của kẻ đã lãnh đạo Bolshevik tàn phá của Cung điện Mùa đông năm 1917, nói số người bị sát hại do cuộc chinh phạt của cộng sản ở Nga lên đến 100 triệu người. Khơ-me đỏ giết chết 2-3 triệu người trong tổng số 7 triệu dân của Campuchia. ĐCSTQ còn gây ra hơn 80 triệu cái chết bất thường. Những vụ sát hại đó không có gì đáng ngạc nhiên, bởi các tổ chức cộng sản chính là tồn tại và phát triển bằng bạo lực từ khi họ khủng bố các lực lượng đối lập để duy trì quyền lực của họ.
Vật chất di truyền này của chủ nghĩa cộng sản khiến nó nhân lên. Theo cách nói của Marx, đó là để “giải phóng giai cấp vô sản, từ đó mà giải phóng toàn xã hội”, điều này trong giai đoạn hiện đại đã biến thành “hợp tác đa phương” của ĐCSTQ. Cụ thể là, đội ngũ lãnh đạo đương nhiệm của ĐCSTQ gọi nó là “vận mệnh của cộng đồng nhân loại”. Về mặt bệnh lý của ung thư thì “sự nhân đôi tế bào” chính là di căn.
Tuy nhiên, với hy vọng về một Trung Quốc tốt đẹp hơn cùng với động cơ kinh tế, các nước phương Tây đã lờ đi những thảm kịch do chủ nghĩa cộng sản tạo ra mà quyết định hợp tác với Trung Quốc.
Như đã đề cập trong các bài viết trướctrên trang Minh Huệ, khi Cách mạng Văn hóa còn chưa kết thúc, Tổng thống Hoa Kỳ khi đó là Richard Nixon đã bẻ cong nguyên tắc của mình mà sang thăm Trung Quốc vào năm 1972, sau đó, tháng 1 năm 1979 còn thiết lập quan hệ ngoại giao toàn diện với Trung Quốc. Nhờ được trao vị thế tối huệ quốc (most-favored-nation, MFN), cũng như Hiệp định Hợp tác Khoa học và Công nghệ ký kết năm 1979, hàng trăm dự án nghiên cứu chung và các chương trình hợp tác đã được tiến hành giữa hai quốc gia này.
Mặc dù sau vụ Thảm sát tại Thiên An Môn năm 1989, Hoa Kỳ đã ra một dự luật trong hệ thống lập pháp để liên hệ tình trạng nhân quyền của Trung Quốc với vị thế tối huệ quốc, nhưng dự luật này hiếm khi được thực thi, còn vị thế của Trung Quốc cứ được kéo dài vô điều kiện do áp lực của các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Với sự trợ giúp của Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác, năm 2001, Trung Quốc đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhờ đó mà có được khả năng tiếp cận gần như không giới hạn để truyền cái gen cộng sản cho toàn thế giới.
Xâm nhập và phá hoại
ĐCSTQ đã thâm nhập thâm sâu vào thế giới về mọi mặt.
Theo tờ Kinh tế Thương mại (Trading Economics), 19% hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ là từ Trung Quốc, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Con số này tương đương với 472 tỷ đô la vào năm 2019. Tương tự, nghiên cứu tại Đại học Bang Michigan cho thấy năm 2018, bang New York đã nhập khẩu 23 tỷ đô la từ Trung Quốc, vượt xa bất kỳ quốc gia nào khác, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đứng thứ 8, chưa đến 3,5 tỷ đô la.
Cán cân thương mại bị mất cân bằng nghiêm trọng lại đẩy mạnh nền kinh tế Trung Quốc và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, dẫn đến mất việc làm ở Hoa Kỳ. Quan trọng hơn, nó tạo cho Trung Quốc đòn bẩy cực lớn để gây áp lực cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ tác động đến chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. Năm 1994, khi Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang Alan Greenspan sang thăm Bắc Kinh, ông nói với các lãnh đạo Trung Quốc: “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ nhiều nhất có thể cho ngân hàng trung ương của các vị trong những lĩnh vực kỹ thuật mà chúng tôi có nhiều năm kinh nghiệm.”
Trong hơn 20 năm qua, các tập đoàn tài chính Phố Wall đã khuyến khích người Mỹ đầu tư vào các doanh nghiệp Trung Quốc, còn các công ty tài chính lớn thì bảo lãnh cho các giao dịch cho các công ty Trung Quốc giao thương với Hoa Kỳ.
Ngoài ra, Bloomberg đã quyết định bổ sung 364 trái phiếu Trung Quốc nội địa vào chỉ số Barclays Global Aggregate Index trong 20 tháng tiếp theo, bắt đầu từ ngày 1 tháng 4 năm 2019. Các nhà phân tích ước tính sau khi đưa toàn bộ vào, sẽ thu hút khoảng 150 tỷ Đô la dòng tiền nước ngoài vào thị trường trái phiếu khoảng 13.000 tỷ Đô la của Trung Quốc. Sau đó, tháng 11 năm 2019, chỉ số MSCI ACWI ex-US, một trong nhiều chỉ số vốn chủ sở hữu do MSCI (Morgan Stanley Capital International) phát triển, tuyên bố sẽ tăng trọng số của cổ phiếu A của Trung Quốc trong một số chỉ số MSCI nhất định lên tới 20%. Tương tự, cộng hưởng với động thái của MSCI, ngày 21 tháng 2 năm 2020, FTSE Russell, công ty có chỉ số lớn thứ hai thế giới, tuyên bố sẽ tăng trọng số của chứng khoán Trung Quốc trên các chỉ số vốn chủ sở hữu.
Những động thái như vậy không chỉ ảnh hưởng đến sự ổn định và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ mà còn gây ra bất trắc trong các hộ gia đình bình thường của Mỹ. Theo một bài báo trong tờ Foreign Policy (Chính sách Đối ngoại) hôm 14 tháng 1 năm 2020, có đến 55% người Mỹ sở hữu cổ phiếu, chủ yếu dựa vào các quỹ hưu trí, quỹ tương hỗ, và tài khoản hưu trí được quản lý chuyên nghiệp. Bài báo cho hay: “Những chỉ số trái phiếu toàn cầu bắt đầu đưa trái phiếu chính phủ Trung Quốc vào các tiêu chí chuẩn của mình… những thay đổi lớn trong việc phân bổ nguồn vốn này có thể tự động tăng đầu tư hạng mục của Hoa Kỳ vào chứng khoán chính phủ và công ty Trung Quốc lên hơn 1.000 tỷ Đô la vào cuối năm 2021, mà không cần có sự chủ động đồng ý hay sự thừa nhận của hầu hết người Mỹ”, một bài báo nước ngoài viết có tiêu đề “Người Mỹ đang đầu tư nhiều hơn – mà họ thậm chí cũng không biết“ (tên gốc: Americans Are Investing More in China—and They Don’t Even Know It).
Sự thâm nhập của ĐCSTQ vào Hoa Kỳ cũng rất thâm sâu về mặt tuyên truyền (như các hãng thông tấn của Bắc Kinh ở Hoa Kỳ là một bộ phận “quyền lực mềm” của họ), giáo dục (như Viện Khổng Tử), cộng đồng, và các tổ chức (như Liên Hiệp Quốc và WHO, mà WHO được coi là con rối của ĐCSTQ trong đại dịch virus corona). Để biết chi tiết, tham khảo một bài tổng hợp gần đây trên trang web Minh Huệ.
Các nước châu Âu cũng giữ một vai trò chủ chốt trong việc giúp ĐCSTQ giành quyền lực trong khi lờ đi hồ sơ nhân quyền tồi tệ của họ. Chẳng hạn, Tây Ban Nha là quốc gia EU đầu tiên có Ngoại trưởng đến thăm Bắc Kinh sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, sau đó còn giúp dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí của EU đối với Trung Quốc. Tây Ban Nha là thành viên sáng lập của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (Asian Infrastructure Investment Bank) và đã tham gia các hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường (BRI), một dự án của ĐCSTQ nhằm bành trướng ra toàn cầu. Ngoài ra, Telefónica, một trong những nhà cung cấp dịch vụ điện thoại và mạng di động lớn nhất thế giới, đã đầu tư rất nhiều vào thiết bị 5G của Huawei, trong khi sự giúp đỡ của Tây Ban Nha đã giúp ĐCSTQ mở rộng BRI sang châu Mỹ La-tinh.
Ý cho đến nay là quốc gia G7 duy nhất ký kết BRI của ĐCSTQ mà bỏ ngoài tai ý kiến của các quốc gia đối tác phương Tây. “Về cơ bản, Trung Quốc đã mua cảng Piraeus, bên ngoài Athens”, theo New York Times ngày 30 tháng 3 năm 2019. Các thỏa thuận mới với Trung Quốc “giờ đây cũng sẽ cho phép họ tiếp cận các cảng trọng yếu của Ý, như Genova và một cảng khác ở Trieste, là cảng có một tuyến đường sắt đi thẳng vào trung tâm của Trung Âu.”
Tháng 7 năm 2019, khi ông Boris Johnson trở thành thủ tướng của Vương quốc Anh, ông nói rằng chính phủ của ông sẽ rất “thân Trung Quốc”. Ngoài việc hỗ trợ BRI của ĐCSTQ, ông tuyên bố rằng Anh sẽ là “nền kinh tế mở nhất ở Châu Âu” cho các khoản đầu tư của Trung Quốc. “Đừng quên [chúng tôi] là [điểm đến] đầu tư quốc tế cởi mở nhất, đặc biệt là đầu tư Trung Quốc. Chẳng hạn, chúng tôi có các công ty Trung Quốc đến làm Hinkley, một nhà máy điện hạt nhân lớn. Hơn nữa, Anh là quốc gia phương Tây đầu tiên gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc điều hành.”
Khi virus corona từ Trung Quốc phát tán sang các quốc gia khác của thế giới, các khu vực nói trên là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, cho dù ở cách Trung Quốc rất xa. Để vạch ra một con đường an toàn phía trước, có lẽ đã đến lúc phải suy xét lại về mối quan hệ của chúng ta với ĐCSTQ.
Đi tìm giải pháp
Trái ngược với những năm 1970 hay 1980, khi dường như vẫn còn hy vọng về sự cởi mở và dân chủ ở Trung Quốc, ngày nay, các nước phương Tây chủ yếu vì động cơ lợi nhuận mà nhắm mắt làm ngơ trước những vi phạm nhân quyền của Trung Quốc.
Trong Báo cáo Nhân quyền năm 2019 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Trung Quốc bị phát hiện vẫn duy trì chiến dịch giam giữ hàng loạt các nhóm thiểu số. “Các vấn đề nhân quyền quan trọng bao gồm: chính quyền giết người tùy tiện hoặc phi pháp; gây mất tích; tra tấn giam giữ tùy tiện; môi trường cơ sở giam giữ và nhà tù khắc nghiệt, đe dọa đến tính mạng; tù nhân chính trị; tùy tiện xâm phạm quyền riêng tư; những vấn đề lớn về độc lập tư pháp; bạo hành thân thể và truy tố hình sự các nhà báo, luật sư, nhà văn, blogger, những người bất đồng chính kiến, người thỉnh nguyện, và các đối tượng khác cũng như người nhà của họ; kiểm duyệt và chặn trang web; can thiệp vào quyền tự do hội họp hòa bình và tự do thành lập hội nhóm, trong đó các luật hạn chế quá mức áp dụng cho các đối tượng trong và nước ngoài…”
Báo cáo này cũng đề cập đến cuộc bức hại Pháp Luân Công, một môn tu luyện thiền định dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Bất chấp những lợi ích to lớn về tâm lẫn thân mà các học viên Pháp Luân Công có được, ĐCSTQ đã đàn áp pháp môn này từ tháng 7 năm 1999. Một số lượng lớn các học viên đã bị giam giữ, bị giam cầm và bị tra tấn. Một số đã trở thành nạn nhân của nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
Bất chấp sự đàn áp ngôn luận và đức tin ở Trung Quốc—cũng như sự kiểm duyệt khắp nơi—Pháp Luân Công là một trong số ít các nhóm công khai bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng.
Chúng ta có thể muốn học hỏi từ các học viên Pháp Luân Công và đứng lên chống lại sự bạo ngược của ĐCSTQ. Tránh xa ĐCSTQ về kinh tế và xã hội có thể dẫn tới con đường đưa chúng ta thoát khỏi cơn ác mộng của chiếc hộp Pandora.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/5/1/404628.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/5/5/184344.html
Đăng ngày 10-05-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.