[MINH HUỆ 27-03-2020] Triệu Phi Yến, hoàng hậu thứ hai của Hán Thành Đế triều đại nhà Hán (từ năm 202 TCN – 220 CN), được coi là một trong những đệ nhất mỹ nhân trong lịch sử Trung Hoa. Bà xuất thân hàn vi, và bị mẹ vứt bỏ ngay sau khi sinh ra (cùng em gái song sinh Hợp Đức). Nhưng khi thấy các con gái vẫn sống sót sau ba ngày, mẹ bà đã mang các con trở lại nuôi nấng.
Nhảy múa trong lòng bàn tay
Cả Phi Yến và em gái Hợp Đức đều có dung mạo vô cùng xinh đẹp. Phi Yến đặc biệt giỏi vũ đạo và ca hát. Cái tên Phi Yến xuất phát từ việc bà có thân hình thanh mảnh, nhẹ nhàng như chim yến đang bay. Theo nhà thơ Từ Ngưng triều đại nhà Đường, thân thể Phi Yến nhẹ đến mức bà có thể đứng trên lòng bàn tay của một người mà ca múa.
Có một tích nổi tiếng về bà trong Phi Yến ngoại truyện (Những truyền kỳ về Phi Yến). Trong một dịp lễ hội sau khi đăng cơ hoàng hậu, bà mặc một chiếc váy màu tím trông tựa như một nàng tiên. Với thân thể nhẹ nhàng uyển chuyển, bà vừa nhảy múa trong gió vừa ngâm nga hát rằng mình sẽ buông bỏ và quên đi quá khứ để phi thăng thành tiên. Đột nhiên cuồng phong nổi lên, và Phi Yến nhẹ bay lên như một cánh diều.
Hán Thành Đế thấy vậy, và vì nghe thấy lời ca của Phi Yến nên nhận ra rằng bà đang chuẩn bị bay lên trời thành tiên, ngài đã ra lệnh cho một người hầu giữ chặt váy của bà. Sau khi gió lặng đi, Phi Yến đã khóc lóc rất tuyệt vọng, bà giàn giụa nước mắt nói: “Nếu Hoàng thượng thực sự yêu thần thiếp, ngài nên để thiếp về trời!” Váy của bà, do bị người hầu kéo giữ nên bị nhăn nhúm lại, sau đó đã trở thành một loại Hán phục thịnh hành có tên gọi “Lưu tiên quần”.
Bất chấp sắc đẹp và tài năng ca múa, Phi Yến và đặc biệt là em gái Hợp Đức của bà đều bị sử sách sau này (cả chính sử và dã sử) lên án vì lối sống cực kỳ xa hoa, hưởng lạc cùng Hán Thành Đế. Sau khi Hoàng đế đột ngột băng hà, Hợp Đức đã tự sát vì cảm giác tội lỗi. Sáu năm sau, Phi Yến bị phế truất và biếm làm thứ dân, và cũng bị bức tự vẫn.
Một câu chuyện tu luyện thất bại
Dưới đây là bài chia sẻ từ một học viên mà Minh Huệ nhận được gần đây, trong đó cô ấy đã kể lại về tiền kiếp của mình là Triệu Phi Yến, và kinh nghiệm tu luyện của cô ấy trong đời này.
Vài ngày trước trong lúc đang đả tọa và nhập định, tôi nghe thấy một giọng nói gọi tôi là chị. Tôi hỏi cô ấy là ai, nhưng dường như rất khó để cô ấy mở miệng trả lời câu hỏi đó. Trong tâm tôi muốn biết cô ấy là ai, và cuối cùng tôi biết được cô ấy là Hợp Đức, và tôi chính là Triệu Phi Yến trong lịch sử.
Trong kiếp đó, tôi là người có căn cơ tốt, tôi trời sinh có năng khiếu và thông thạo cầm ca vũ khúc (đàn, múa hát và sáng tác nhạc). Tôi từng được một Đạo sỹ truyền cấp cho phương pháp dẫn khí, và việc tu luyện cũng có chút thành tựu.
Sau này khi nhập cung của Hán Thành Đế, tôi tự biết bản thân sẽ nhanh chóng rời đi, phi thăng thành tiên. Vì cảm kích ân tình của Hán Thành Đế, tôi đã để Hợp Đức, người sống cùng tôi từ nhỏ đến lớn, nhập cung để sau này bầu bạn cùng Hán Thành Đế.
Sau khi an bài xong xuôi mọi việc, vào thời khắc phi thăng tôi đang ở cạnh Hán Thành Đế, ngài biết tôi sẽ rời đi nên đã lệnh cho nhiều người giữ chặt váy tôi lại. Tôi cảm thấy không đành lòng, thân thể dần nặng trĩu, và tôi không thể bay lên được nữa.
Theo sử sách ghi lại, khi gió lặng đi, tôi bò trên mặt đất khóc lóc thảm thương. Mọi người nghĩ tôi đang giả vờ, nhưng kỳ thật đó là cảm giác chân thật của tôi, tôi thực sự vô cùng đau lòng. Ký ức đó khắc sâu trong tâm tôi. Tôi oán hận Hoàng đế khiến tôi không thể phi thăng, mà không minh bạch đó là do công phu tu luyện của tôi chưa đạt, và thêm nguyên nhân là do nhân tình của tôi quá nặng.
Hiện thực lịch sử
Sự thống khổ vì thất bại [tu luyện] trong kiếp đó đã hằn sâu trong linh hồn tôi. Trong kiếp này, tôi cũng gặp rất nhiều khảo nghiệm đau đớn về quan tình cảm, lặp đi lặp lại. Đó là vì sâu thẳm trong tâm, tôi đã sợ mình sẽ không thể tu thành, và sớm muộn thì tôi cũng sẽ tự hủy hoại bản thân vì tình cảm nam nữ.
Kỳ thực, theo an bài của các chính thần, tôi đã có thể bạch nhật phi thăng vào thời khắc kia, điều này có thể tạo ra ảnh hưởng rất lớn và cũng rất chính diện. Nó không chỉ có thể cảnh tỉnh Hoàng đế, mà còn để các sử gia ghi lại trong sử sách về thần tích rõ ràng đã xảy ra trước mắt mỗi người.
Nhưng cựu thế lực không nghĩ như vậy – họ sẽ tuyệt đối không để một thần tích chân thực như thế lưu lại trong lịch sử nhân loại. Đã có rất nhiều ví dụ khác cũng tương tự thế này. Như đại tướng quân Lý Quảng triều đại nhà Hán, người được kế thừa tiễn pháp do thần truyền cho, chính vì thế đã bị cựu thế lực bức hại. Các nhân vật anh hùng khác như Nhạc Phi, Dương Gia Tướng (các tướng trong gia đình họ Dương), rồi Vân Thiên Tường của triều đại nhà Tống – đều có kết cục đầy bi kịch. Tất cả đó đều là an bài của cựu thế lực chứ không phải của các chính thần, nhưng [điều này] lại không được lưu trong chính sử của nhân loại.
Những chuyện như vậy cũng xảy ra vào triều đại Tiền Tần (trước năm 221 TCN). Khi Biện Hòa hai lần hiến ngọc quý Hòa Thị Bích (hay Ngọc Bích họ Hòa, một viên ngọc nổi danh trong lịch sử Trung Hoa) cho hai vị hoàng đế (Sở Lệ Vương và Vũ Vương), ông lại bị gán nhãn là kẻ lừa đảo và đã bị chặt đứt hai chân. cựu thế lực đã an bài điều đó vì họ cho rằng để một thứ gì trân quý xuất hiện, thì người tiến cử cần phải phó xuất thật lớn.
Sau khi lập triều đại nhà Tần, cựu thế lực còn can thiệp toàn diện và cải biến nhiều điều trong lịch sử Trung Quốc. Sự biến mất của Cửu Đỉnh (vật biểu trưng cho quyền lực mà Thiên thượng ban cho người trị vì) chính là khải thị mà các chính thần cấp cho con người.
Sự thất bại lần đó trong triều đại nhà Hán đã hủy hết mọi hy vọng của tôi. Thậm chí trở thành hoàng hậu cũng không mang lại cho tôi niềm vui. Cuối cùng tôi chìm đắm vào những thú vui trần tục. Tôi đã phạm nhiều sai lầm, và Hợp Đức bên cạnh tôi cũng đóng một vai hết sức xấu. Những việc như giết người hại mệnh, đoạn tuyệt hoàng tự của Hán Thành Đế thực ra đều là do cô ấy làm chứ không phải tôi. Và cho đến giờ, Hợp Đức vẫn đang phải trả nợ nghiệp cho những tội lỗi đó. Lý do cô ấy theo tôi trong đời này là vì cô ấy hi vọng có thể câu thông với tôi vào thời khắc cuối cùng này. Bằng cách giúp tôi nhớ lại căn nguyên tất cả những sự việc kia, cô ấy mới có thể thực sự được giải thoát.
Ghi chép về tôi trong chính sử rất ít, và hầu hết tài liệu đều là từ dã sử. Một số học giả Nho giáo cố tình cường điệu những hành vi phi đạo đức của Triệu Phi Yến nhằm nhấn mạnh hậu quả của sắc giới. Xuất phát điểm của họ không phải là ác ý, nhưng những gì họ lưu lại lại không phải là chân tướng lịch sử.
Chân ngã
Lấy danh nghĩa vì tôi đã thất bại trong việc lưu lại văn hoá chân chính cho con người, cựu thế lực đã đổ thêm tội và nghiệp lên thân thể tôi, khiến tu luyện của tôi trong kiếp này cực kỳ gian nan. Ngay từ khi tôi còn đi học mẫu giáo, họ đã an bài để rót vào đầu tôi những tư tưởng về tình và sắc (khi đó tôi căn bản không có năng lực phân biệt và cự tuyệt chúng). Bắt đầu từ năm 11 tuổi, lấy cớ là quan tình của tôi quá nặng, họ cũng buộc tôi phải chịu nhiều khổ nạn cả ở trường học và trong gia đình. Những ma nạn đó vượt quá khả năng chịu đựng của tôi, khiến tôi đau khổ triền miên, và phải vật lộn trên con đường chứng thực Pháp của bản thân. Cuối cùng, có lúc tôi gần như đã từ bỏ việc tu luyện Đại Pháp. Sau khi kết hôn, lại vì bản thân tỉnh ngộ quá chậm, sốt ruột trừ bỏ chấp trước, việc hoàn nghiệp [diễn ra] quá mãnh liệt nên tôi gần như bị suy sụp tinh thần.
Tất cả những điều này xảy đến, trừ một phần vì tôi đã không có nhận thức tốt về các Pháp lý, thì ngay từ đầu đều là do an bài của cựu thế lực tại cao tầng. Nếu chúng ta bị mê lạc trong người thường, giả như không phải vì chúng ta đã được kết duyên với Sư phụ từ tiền sử, thì làm sao chúng ta có thể đến đây hôm nay.
Hồi ức về đoạn lịch sử trong triều đại nhà Hán trên đây đã giúp tôi loại bỏ được một khối lớn vật chất bất hảo. Tôi gỡ được nút thắt trong tâm về việc đánh mất chính tín trong kiếp đó, đó là vì tôi đã không minh bạch các Pháp lý. Hiện giờ tôi nhận ra rằng bản thân chân chính không phải là Triệu Phi Yến – người phụ nữ sa đọa truy cầu thỏa mãn tình và dục kia; mà là một nữ tử thuần khiết thanh tịnh với tâm muốn cầu đạo thành tiên. Bằng cách này, tôi đã lấy lại tự tin rằng mình sẽ không lặp lại sai lầm trong kiếp này nữa.
Nhiều khổ nạn trên con đường tu luyện của chúng ta đều có liên quan đến lịch sử hoặc những vấn đề ở không gian cao tầng. Điều này khiến các khổ nạn và chấp trước có những nguyên nhân cực kỳ phức tạp. Tuy nhiên, là đệ tử Đại Pháp, chúng ta có thể sử dụng thần thông của Đại Pháp để hóa giải những nút thắt lưu lại trong lịch sử, nhìn thấu những an bài của cựu thế lực, nhờ đó phủ nhận an bài của cựu thế lực, đồng thời quy chính lại lịch sử và văn hóa của nhân loại.
Trên đây là nhận thức hữu hạn của tôi tại tầng thứ hiện tại. Xin các đồng tu từ bi chỉ ra những điều không đúng.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/3/27/403004.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/4/2/183876.html
Đăng ngày 06-05-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.