Bài viết của Trí Chân

[MINH HUỆ 28-03-2011] Hoàng đế Khang Hy đề xướng tôn sùng đạo đức, trị vì bằng tấm lòng nhân đức. Ông nói: “Đạo thống được truyền vạn đời sau, cũng tức là trị thống được duy trì tiếp nối vạn đời sau vậy… Đạo thống còn thì trị thống cũng vẫn còn” (Đạo thống: hệ thống truyền đạo Nho gia, trị thống: sự nối dõi trị lý quốc gia). Ông tự lấy mình làm gương, nghiêm khắc, kỷ luật với bản thân, thậm chí còn là tấm gương điển hình với những bậc thánh vương trong và ngoài cõi. Có một triều minh quân, ắt có một triều hiền thần, quan viên các cấp thi nhau mô phỏng, cùng rèn giũa nhân phẩm, tôn sùng nhân phẩm, tiết tháo, yêu thương dân. Phong trào thanh liêm mãi hưng thịnh, quan thanh liêm nhiều vô số, “Biển trời thái bình, nhân dân lạc nghiệp.”

Khang Hy nói về đạo trị quốc rằng: “Tiên thánh tiên sư đạo pháp tương truyền, soi rọi dòng dõi, sáng như nhật nguyệt. Trẫm thành tâm cầu học, xét lại tích xưa, không ngừng mô phỏng, dần thành tự nhiên. Sau đó trị vì, hầu như không làm trái với bậc thánh hiền.” Về phương pháp thực thi cụ thể, cần “không vội vàng dùng pháp lệnh, trước tiên cần giáo hóa” để đạt được thái bình thịnh thế “giáo hóa sâu rộng”, “quay trở về sự thuần phác”.

Khang Hy coi trọng đạo đức, nhân phẩm của quan viên, dốc sức bảo hộ, khen thưởng cho thanh quan, phù chính chế tà, tận dụng mọi cơ hội khuyên nhủ đại thần, quan phủ phải biết thương xót dân chúng, làm gương trị vì thanh liêm. Tinh thần nhân ái của các quan thanh liêm, chính là biểu hiện tinh thần nhân ái của Khang Hy. Họ đều có tố chất đạo đức sâu dày, thanh liêm chính trực, không sợ quyền thế, rất được người dân mến mộ. Dưới triều của Khang Hy, thanh quan, danh thần lấp lánh như sao sáng nhiều vô số.

Khi Thang Bân tới nhậm chức tại huyện Đồng Quan, Thiểm Tây, vì không muốn làm phiền bách tính tại địa phương, ông đã dùng bổng lộc mua ba con la, một con chở chăn đệm, cùng một thùng sách. Chủ tớ mỗi người cưỡi một con. Tới Đồng Quan, quan Bả Tổng cứ ngỡ rằng ông là thư sinh đang gấp rút đi ứng thí. Nhưng khi ông nhậm chức chưa tới ba tháng, những kẻ gian xảo tại các châu huyện tại Đồng Quan đều không dám tiếp tục hành ác, lần lượt gác kiếm, bách tính được an cư, lạc nghiệp. Nhất thời, mỹ danh “Thang Thanh Thiên” được lưu truyền, nhà nhà đều nức tiếng. Thang Bân không chỉ làm quan thanh liêm, nơi cư ngụ của ông cũng mang phong cách của Nhan Hồi. Thường ngày ông hái rau dại mà ăn, mỗi bữa cũng chỉ có đậu phụ, nên bách tính gọi ông bằng tên thân mật là “Thang đậu phụ” (một kiểu chơi chữ, còn có nghĩa là canh đậu phụ), để ca ngợi sự thanh liêm của ông.

Trước khi Thang Bân tới đảm nhiệm chức Tuần Phủ Giang Ninh, Khang Hy nói với ông rằng: “Làm quan trước tiên cần chính lại phong tục tập quán. Giang Tô quen thói xa hoa, cần đặt tâm chỉ dẫn. Đây không phải chuyện một sớm một chiều, cần thong dong mà làm, dần dần sẽ đạt được, giúp họ hồi tâm chuyển ý.” Khang Hy còn tặng ông ngựa, quần áo, tiền bạc, cùng ba cuốn ngự thư và nói rằng: “Giờ đã phải rời xa, khanh hễ mở sách ra cũng như đang gặp Trẫm vậy.” Từ đó có thể được tâm huyết của Khang Hy. Khang Hy đi tuần phương Nam tới Tô Châu, sau khi gặp Thang Bân lại nói với ông rằng: “Nghe nói một vùng Ngô Xương, Giang Tô và Chiết Giang đều phồn thịnh. Nay thấy phong tục nơi đây ham hư vinh, thích an nhàn, thương nhân nhiều, lực điền ít. Khanh hãy thay đổi lối sống xa hoa thành chất phác, việc nào cũng phải tìm hiểu, mới có hy vọng vãn hồi mọi nết suy đồi”, và lại tặng ngự thư cho ông. Thang Bân cần mẫn thương dân, đề xướng tiết kiệm, giúp người dân thay đổi quan niệm, trở về với sự thuần phác. Ông nói: “Công tắc minh, liêm tắc uy” (Công bằng, chính trực thì sẽ minh bạch, liêm khiết ắt sẽ có uy tín). Khang Hy khen rằng: “Bản thân liêm khiết làm gương cho hạ cấp, tận tâm tận lực, có thể đề bạt, có phong thái cốt cách.” Sau khi Thang Bân qua đời, Khang Hy đã tặng cho ông ích hiệu là “Văn Chính”.

Vu Thành Long trước khi tới La Thành, Quảng Tây đảm nhiệm chức tri huyện, trong thư đã nói với bạn mình rằng: “Chuyến đi lần này không thể tơ tưởng tới chuyện no ấm, thề không mạo phạm thiên lý lương tâm.” La Thành có trăm việc đang chờ, Vu Thành Long tiến hành giáo hóa, đồng thời dẫn dắt bách tính sản xuất nông nghiệp, xây dựng trường học. Nhờ đó La Thành được an định, “Ở La Thành 7 năm, thương yêu dân, như cha con trong nhà”. Khi Vu Thành Long tới Tứ Xuyên đảm nhiệm chức Tri Phủ, do Tứ Xuyên lâm vào cảnh chiến loạn lâu nhất, nên nhân khẩu giảm mạnh, đứng đầu quốc gia. Ông thực thi chính sách làm lợi cho dân, không tới hai năm, nhân khẩu đã tăng mạnh, cả vùng ruộng đất rộng lớn được khai khẩn. Từ Tri Phủ của Vũ Xương, ông được điều tới làm quan An Sát Sứ tại Phúc Kiến. Khi thuyền sắp nhổ neo, bách tính khóc lóc thống thiết muốn níu giữ ông: “Dân vây kín tiễn tới Cửu Giang, vài vạn người, tiếng khóc hòa cùng tiếng sóng.”

Sau khi tới nhậm chức ông đã phóng thích vài nghìn dân oan bị liên lụy, dùng thiện trị vì, được bách tính gọi là “Vu Thanh Thiên”. Ông thích sự giản dị, chất phác, thanh bần: “Hàng ngày chỉ có gạo thô rau dưa tự cấp”. Gặp năm mất mùa thì nấu gạo tấm, gạo tạp thành cháo, khách đến cũng chỉ tiếp đãi như vậy mà thôi, và nói rằng: “Theo pháp mà hành, có thể giữ lại gạo thừa cứu tế dân lành.” Do vậy, người dân Giang Nam gọi ông bằng tên thân mật là “Vu Thanh Thái” (rau xanh). Tiết tháo của ông nổi tiếng thời đó. Có ghi chép rằng khi có tin ông sẽ tới đảm nhiệm chức Tổng Đốc hai tỉnh Giang Nam và Giang Tây, giá vải của Nam Kinh đột nhiên tăng mạnh. “Hạp Thành Kim Lăng thay áo vải, sĩ đại phu bớt a dua, tôn sùng tiết kiệm, cố gắng sửa thói xa hoa… Kẻ gian ngoan đành phải rời đi nơi khác. Trong vài tháng Giang Nam “quan lại ngưỡng vọng phong thái của ông mà thay đổi tiết tháo”, việc trị vì và giáo hóa được thúc đẩy khắp nơi.

Khang Hy nghe được sự tích về Vu Thành Long, đã đích thân tiếp kiến ông, biểu dương mà rằng: “Khanh là thanh quan hàng đầu hiện nay”, đồng thời rất mực khích lệ: “Trị vì phải biết đại cục, khôn vặt, khôn lỏi không đáng tôn sùng. Con người quý bởi tiết tháo trước sau như một, khanh đã gắng giữ được điều này!” Vua thưởng cho bạc trắng, ngựa tốt, thơ vua ban. Vu Thành Long đề xuất xin được miễn tô thuế, cứu tế mất mùa, không việc nào mà Khang Hy không đồng ý. Bởi lẽ tâm của ông một lòng vì bách tính, đã khiến một vài kẻ quyền quý bất mãn, họ tung tin đồn thất thiệt về ông. Trong triều có kẻ thừa cơ luận tội, nói ông đến tuổi lão niên mê mờ, ngày càng tha hóa biến chất. Khang Hy đáp rằng: “Trẫm nghe được lời bình phẩm của quảng đại quần chúng, đều khen Vu Thành Long liêm khiết như thuở đầu. Là vì tính tình ông ta ngay thẳng, cương trực, không a dua nịnh hót, mới có kẻ vì đố kỵ, thù ghét mà tung lời thất thiệt, vu khống ông ta.” Khang Hy yêu cầu triều đình bố cáo sự tích của Vu Thành Long và hết lời truyền tụng. Sau khi Vu Thành Long qua đời, tướng quân và quan Đô Thống kiểm tra di vật của ông, thì thấy “Trong giỏ trúc chỉ có một chiếc áo choàng, trên bàn có vài hũ muối.” Khang Hy nói: “Trẫm theo lời bình của dân chúng, đều gọi Vu Thành Long là đệ nhất quan thanh liêm trong thiên hạ!” Ban cho ông ích hiệu “Thanh Đoan”, đồng thời viết bốn chữ “Cao Hạnh Thanh Túy” trên bức hoành phi tại đền thờ của ông nhằm biểu dương.

Khang Hy từng lệnh cho Vu Thành Long tiến cử quan thanh liêm. Trong số những người được tiến cử cũng có người tên là Vu Thành Long, làm chức Tri Châu tại Thông Châu, người Mãn Châu, quân Hán, sau này được gọi là Tiểu Vu Thành Long. Vì ông có tài và ngay chính, đức xứng với vị, lại thực lòng yêu dân, kiên định giữ mình, không leo cao, kết giao với kẻ quyền quý. Dẫu là cổng nhà vương gia của mình, ông cũng không bén mảng, nên rất được lòng Khang Hy. Trong vòng 5 năm, Tiểu Vu Thành Long từ chức Tri Châu, Tri Phủ được đề bạt làm An Sát Sứ, Khang Hy ban thưởng một cuốn sách tự mình viết, và nói với ông: “Con người không có thủy, sẽ rất hiếm có chung, khanh trước sau không được thay lòng đổi dạ, phải học theo cựu Tổng Đốc Vu Thành Long, chính trực, liêm khiết, chớ phụ tấm lòng của Trẫm.” Vài năm sau, lại cất nhắc ông làm Tuần Phủ của Trực Lệ. Khi từ biệt, Khang Hy hỏi: “Mảnh đất trọng yếu nơi kinh kỳ, có lợi có hại, nên ưu tiên điều gì trước?” Tiểu Vu Thành Long tấu rằng: “Dẹp quân trộm cướp là hàng đầu, những kẻ gian ác dựa dẫm vào lá cờ này mà tàng chứa quân thổ phỉ, có kẻ làm quan biết rõ mà không dám truy cứu. Sau này mà có kẻ như vậy, thần sẽ trừng trị theo pháp luật”. Khang Hy vô cùng tán thưởng. Sau này, Khang Hy ban thưởng cho Tiểu Vu Thành Long vì “tài năng, đức hạnh danh xứng với vị, thực lòng yêu dân”, đồng thời ban thưởng cho ông ngựa tốt, ngân xuyến, sau này thăng làm Tả Đô Ngự Sử, Hà Đạo Tổng Đốc.

Một vài quan viên Bát Kỳ làm quan bên ngoài trở nên hủ bại. Khang Hy lại lấy Tiểu Vu Thành Long làm tấm gương cho con em Bát Kỳ. Vua từng đích thân triệu kiến cha của ông, là Vu Đắc Thủy, một cựu Tham lĩnh (tên một tổ chức của Bát Kỳ), khen ông dạy con khéo léo và không ngớt dặn dò, lệnh cho ông tiếp tục khích lệ con trai mình “Dốc hết sức mình, trước sau như một”. Khang Hy lại dặn dò các quan Bát Kỳ Đô Thống, Thị Lang có con cháu ra ngoài làm quan rằng, cần viết thư giáo huấn khích lệ, học theo Tiểu Vu Thành Long liêm khiết, thương dân. Đồng thời lệnh rằng nếu có người thanh liêm, yêu dân như Tiểu Vu Thành Long, sẽ lập tức được trọng dụng.

Khi Trương Bá Hành nhậm chức Sơn Đông Tế Ninh Đạo, gặp đúng năm mất mùa, bèn dốc hết tư gia để mua hạt giống, chế quần áo nhồi bông cứu tế nạn dân. Quan Bố Chính Sứ mượn cớ ông tự tiện tự động dùng “ngũ cốc trong kho” dâng sớ hạch tội, Trương Bá Hành lấy lời chính nghĩa nói: “Có chỉ cứu chẩn, không thể tính là chuyên quyền. Trên thấy dân bị tổn hại như vậy, thì ngũ cốc trong kho quan trọng? Hay mạng người quan trọng?” Trương Bá Hành còn đốc thúc tu sửa đê lớn dài hơn 200 dặm bờ nam sông Hoàng Hà cũng như các công trình thuỷ lợi như Mã Gia cảng, đê Đông bá, đê Cao Gia yển, trị lý việc vận tải trên sông ở Tế Ninh, Khang Hy khen ông trị lý sông có phương pháp và có công, triệu kiến ông và ban cho biển ngạch “Bố Trạch An Lưu”.

Khi Trương Bá Hành nhậm chức Đốc Phủ, ông từng làm một bài “hịch cấm tặng quà”, nghiêm cấm quan viên tặng quà. Bài hịch nói: “Một sợi tơ một hạt gạo, là danh tiết của ta; một ly một hào, là thành quả lao động của dân. Nới một phân, thì dân chịu ơn không chỉ một phân; giữ lấy một đồng, ta làm người không đáng một đồng. Ai nói là việc thường tình trong giao tế, liêm sỉ thực bị tổn hại, nếu không phải tài sản bất nghĩa, vậy vật đó từ đâu tới?” Đó là quy tắc vàng trong việc tu thân của Trương Bá Hành, cũng là lai lịch của danh hiệu “Bát nhất tuần phủ” mà người dân dành cho ông. Trương Bá Hành là danh nho thời bấy giờ, nhờ trực danh hạo khí mà danh truyền thiên hạ, một đời ông “đọc sách từ trẻ tới già, không chán không nản, cho dù là trên yên ngựa ngồi thuyền hay xe, đều không hề buông sách”, làm quan ngay thẳng, ban ơn một phương, trong nhiều năm làm quan ở Giang Nam, bách tính gọi ông là “Chỉ uống một chén nước Giang Nam”. Khang Hy khen ngợi ông: “Phàm là đại thần, nên ngưỡng thể quân tâm, chăm lo cho bách tính. Như khi Trương Bá Hành làm tuần phủ, phàm là tình hình địa phương, giá trị gạo và mạch đều có thể nắm được bất cứ lúc nào, thật sự là có thể quan tâm đến bách tính”, “Trương Bá Hành làm quan rất thanh liêm, rất khó có được nhất”, và ban cho ông biển ngạch “Liêm Huệ Tuyên Du”, biểu dương ông là tấm gương về thanh liêm nhân ái.

Trương Bá Hành “Thề không lấy của dân một đồng”, cùng với vị quan thanh liêm Trần Tân người được ví như “vách núi nghìn trượng” lúc bấy giờ được khen là “Hai đỉnh núi Thái Hoa, đều cùng là hai ngọn núi tuyệt cao tiêu biểu”. Trần Tân là được Trương Bá Hành tiến cử, khi đến nhậm chức ở Tứ Xuyên Đề Học Đạo, chỉ có một đầy tớ tuỳ tùng, quần áo như bình dân áo vải, khi làm quan thì “chấm dứt nhờ vả, chỉ đề bạt nhân tài”, “ngay thẳng công chính cẩn thận, cấm đưa đồ lễ quà cáp”. Khi nhậm chức ở Đài Hạ Đạo, ông đem 3 vạn ngân lượng có được đều dùng vào việc công. Khi Trần Tân được cất nhắc vượt cấp làm tuần phủ, ông một mình cưỡi ngựa đi nhậm chức, cấp dưới lại không biết người đến là người nào. Khi tại nhiệm đã hạch tội tri huyện tri phủ lạm dụng lao dịch sách nhiễu dân, và dâng sớ cấm lãng phí, cấm quà cáp, tôn sùng tiết kiệm, thương xót kẻ nghèo khổ cũng như nhiều việc lớn có liên quan đến quốc kế dân sinh. Khang Hy hạ chiếu khen ngợi khích lệ, dụ là “Tự mình thực hành trong thực tiễn, chớ theo đuổi hư danh”. Có một lần, Trần Tân yết kiến Khang Hy ở Sướng Xuân viên, vua tôi đàm thoại ở Đạm Ninh cư. Trần Tân tấu rằng: “Quan lại lấy bừa một đồng, thì không khác gì với hàng trăm nghìn vạn kim. Người ta sẽ tham vơ vét, đều sẽ không đủ dùng. Khi thần mới nhậm chức chi huyện, dù không đến nỗi cùng khổ, không lấy một đồng, vẫn tự đủ dùng.” Khang Hy nghe xong, vô cùng cảm thán, hỏi Trần Tân đến kinh thành như thế nào. Trần Tân đáp: “Nhờ ơn phủ thần cấp cho thần lộ phí đi nhậm chức. Lại đến Cù Châu gặp tổng đốc, tổng đốc nói ông sau khi nhậm chức nên xin được yết kiến bệ hạ, Hoàng thượng ắt sẽ gọi ông đến gặp; nếu không có lộ phí thì làm sao đi được! Thần được tổng đốc cấp cho lộ phí, mới có thể đến kinh thành.” Khang Hy cảm thán nói: “Ông đúng là như lão tăng khổ hạnh vậy!”

Một lần, Khang Hy nói với quần thần: “Trần Tân sinh trưởng ở bờ biển, không phải là thế gia đại tộc, lại không có đồ đệ bè bạn, mà thiên hạ đều coi ông là thanh liêm. Không có thực hành, làm sao có thể được vậy? Quốc gia có được những người như vậy, thực là điềm lành. Cho biểu dương ưu đãi nhất, để khích lệ thanh liêm tiết tháo”, “Trần Tân làm quan thật xuất sắc, phẩm hạnh cực liêm khiết, quả thật là kẻ trác tuyệt trong những người thanh liêm”.

Người làm quan thanh liêm thường nhận được sự chiếu cố đặc thù của Khang Hy. Như Bành Bằng chấp pháp công bằng, lấy dân làm chủ, dám nêu cao chính nghĩa, sự tích của ông được người đời sau tuyển tập thành tiểu thuyết “Bành Công Án”. Khang Hy biết được sự thanh liêm của Bành Bằng, khi tiếp kiến ông, đã ban cho ông 300 bạc ngân khố, và nói rằng: “Biết được ông thanh liêm chính trực, không nhận tiền của bách tính, khoản tiền này cấp cho ông dưỡng liêm.” Còn tuần phủ Giang Ninh là Mộ Thiên Nhan lại bởi vì “từ khi nhậm chức tuần phủ đến giờ, chưa từng nghe có tiếng thanh liêm”, nên bị giáng cấp điều đi nơi khác. Khang Hy biết rõ quan thanh liêm cương chính không a dua, thì bọn tham quan, gian nịnh thường xuyên ghen ghét căm hận, phao tin đồn hoặc phỉ báng, bởi vậy thường hết sức bảo hộ, ông từng tuyên bố “Tiêu Vĩnh Tảo, Phú Ninh An, Trương Bằng Cách, Triệu Thân Kiều, Thi Thế Luân, Ân Thái, Trương Bá Hành những người này đều là thanh quan, Trẫm đều yêu quý bảo vệ”, “Trẫm bảo vệ thanh quan”, “Khiến những người chính trực không có gì phải sợ hãi”. Ông biết rõ đúng sai cong thẳng, trước giờ chưa từng tin theo sàm ngôn, khiến quan tham không thể làm càn.

Trong tiêu chuẩn trọng dụng hiền sĩ của Khang Hy, nhân phẩm và tiết tháo là điều quan trọng nhất, “Tiết tháo thanh liêm, quan trọng bậc nhất”. Những danh thần dưới thời Khang Hy đều có phong thái của bậc quân tử, đều có những sự tích vô cùng xúc động lòng người, trước sau như một, một người càng tuân thủ tiết tháo,lại càng nghiêm khắc, ý chí kiên cường. Khang Hy thống lĩnh quần thần tạo nên một thiên triều thịnh thế, người đời sau tôn xưng rằng “Khang Càn chi trị” (sự cai trị dưới thời Khang Hy, Càn Long). Thời đó kinh tế Trung Quốc hùng mạnh đứng đầu thế giới, tổng sản phẩm quốc nội chiếm 1/3 thế giới, bách tính an cư lạc nghiệp, nơi nơi đều có ngủ cốc đầy kho. Lý tưởng tu thân an dân trong văn hóa truyền thống được thực hiện, lý niệm đạo đức “Thiên lý, lương tâm”, “nhân ái” được vinh hiển. Sử sách chép rằng: “Khi Thiên tử nghiêm khắc nhân rộng tiết tháo, quần sĩ ái mộ mà học theo, giúp dựng nên nghiệp lớn. Quan lại noi theo được tiến cử, cất nhắc, sẽ liên tiếp nối gót theo nhau mà đến”, “Lâu ngày thành Đạo, ân đức sâu rộng, người già trẻ nhỏ đều vui vẻ, an định, ngay cả nơi hoang vu, vắng vẻ, mọi người cũng đều thân thiết, khiêm nhường.”


Bản tiếng Hán:https://big5.minghui.org/mh/articles/2011/3/28/文史漫談-康熙扶植獎勵清官-238195.html

Đăng ngày 11-04-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share