Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 11-02-2020] Vào năm 2015, một người dân ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang đã bị kết án bốn năm tù vì đệ đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), kẻ đã phát động đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân cổ xưa dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn.
Sau khi ông Tào Khải Tài bị bắt, sức khoẻ của cha mẹ ông đã suy giảm nhanh chóng và họ suy sụp vì ông là người hỗ trợ tài chính cho họ. Cảm thấy hoàn toàn bất lực dưới áp lực và lo lắng cực độ, cha ông đã tự sát bằng cách đập đầu vào tường, để lại người vợ yếu đuối phải tự vật lộn một mình.
Những cuộc bắt giữ phi pháp
Tháng 6 năm 2015, ông Tào đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân vì đã phát động cuộc đàn áp đối với Pháp Luân Công. Vì việc này mà ông đã bị công an bắt giữ phi pháp vào ngày 12 tháng 7 cùng năm.
Nhà ông bị lục soát. Công an đã lấy đi tất cả những tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công, các máy tính, biên nhận đơn kiện và nhiều tài sản cá nhân khác của ông.
Sau khi ông Tào trốn thoát vào buổi trưa, ông lại bị bắt vào đầu tháng 8 và 14 ngày sau bị đưa đến Trại tạm giam Song Thành. Ông phải chịu tra tấn về thể xác tại trại như bị ép ngồi trên một cái ghế đẩu nhỏ từ 7 giờ sáng đến 8 giờ tối. Mỗi bữa ăn ông chỉ được cấp một cái bánh hấp.
Minh hoạ tra tấn: Ngồi trên một cái ghế đẩu nhỏ
Bị kết án tù
Ba tháng sau, ông Tào bị đưa ra xét xử phi pháp. Gia đình ông không được thông báo và ông không được thuê luật sư đại diện. Hơn 30 quan chức chính quyền đã tham dự phiên toà.
Ông Tào nhớ lại: “Khi tôi cố biện hộ cho mình, thẩm phán chủ tọa Hồ Nghiệp Lâm đã đột nhiên ngắt lời tôi. Khi tôi có cơ hội nói ‘Không có gì sai với nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn’, thẩm phán gõ búa trên bàn xử án và đột ngột kết thúc phiên toà.”
“Sau đó ông ta kết án tôi bốn năm tù. Tôi đã từ chối ký vào biên bản và kháng án lên Toà án Trung cấp Cáp Nhĩ Tân. Hai nhân viên đến gặp tôi và nói rằng việc kháng án là vô dụng. Toà án đã quyết định giữ nguyên bản án và tám tháng sau tôi bị đưa đến Nhà tù Hô Lan.”
Bị tra tấn thể xác tại Nhà tù Hô Lan
Ba tháng đầu ở nhà tù, ông Tào bị đưa vào “Đội huấn luyện”. Ông bị lột đồ và phải ngủ trên một cái giường (rộng 1,5m) với năm người khác. Giường rất cứng và không có gối.
Ông nhớ lại: “Giường chật đến nỗi chúng tôi hoàn toàn không thể cử động. Cả cơ thể tôi đau nhức khi thức dậy vào buổi sáng.”
Minh hoạ: Nhiều người nằm cùng một giường
Ông Tào bị ba tù nhân giám sát và bị ép phải đứng từ 4 giờ sáng đến sau nửa đêm mỗi ngày.
“Họ không cho tôi dùng nhà vệ sinh hay uống nước. Khi tôi nhắm mắt, họ cạy mí mắt tôi ra.”
Các tù nhân thường đấm đá ông một cách bạo lực khi ông từ chối ký vào các tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Họ nói rằng nếu họ không làm vậy với ông thì họ sẽ bị nhà tù trừng phạt và không được giảm án.
Ông Tào nói: “Họ đánh rất mạnh vào lưng tôi, và khi tôi ngã xuống đất, họ lôi tôi dậy và tiếp tục đá. Họ cũng dùng khuỷ tay đánh vào động mạch trên cổ tôi và đập đầu tôi vào tường. Sau đó tôi trở nên rất yếu và hốc hác đến nỗi khó đứng vững và khó thở.”
Mô phỏng tra tấn: Đập đầu vào tường
Sau ba tháng bị bức hại tàn bạo tại “Đội huấn luyện”, ông bị đưa đến Đội 6 của Nhà tù Hô Lan vào ngày 9 tháng 7 năm 2017, nơi đây ông còn bị ngược đãi và tra tấn nhiều hơn.
Nhà tù Hô Lan có một hệ thống giám sát theo dõi mọi góc trong nhà tù, không có điểm mù. Khi ông Tào bị phát hiện đang thiền định, chỉ đạo viên Hứa Diên Quân rất tức giận và dùng dùi cui điện để sốc điện nơi cổ, hai vai và các bộ phận nhạy cảm khác của ông, khiến cơ thể ông đầy vết bầm tím.
Mô phỏng tra tấn: Sốc điện
Tuyệt thực để phản đối biệt giam
Vào một buổi trưa, ông Tào bị biệt giam. Ông đã bắt đầu tuyệt thực vào ngày thứ năm để yêu cầu chấm dứt việc biệt giam ngay lập tức.
Hai ngày sau, chỉ đạo viên Hứa Diên Quân và lính canh Trương Gia đến dọa ông: “Nếu ông tiếp tục tuyệt thực và từ chối mặc đồng phục nhà tù, chúng tôi sẽ kéo căng ông và bức thực ông bằng một cái ống dày. Kể cả những người khỏe hơn ông cũng không thể chịu được kiểu bức thực này…” Nhưng ông Tào đã từ chối làm theo.
Ông Tào ở trong tình trạng nguy hiểm vào buổi trưa ngày thứ năm từ khi tuyệt thực, nhưng ông vẫn tỉnh táo và nhận thức được chuyện gì đang diễn ra.
“Tôi bị đưa đến bệnh viện nhà tù, và kiểm tra cho thấy nhịp tim là 180 lần một phút, huyết áp hơn 200 và nồng độ đường trong máu cao hơn so với dụng cụ có thể đo. Tôi cũng bị thiếu Kali clorua nghiêm trọng, vốn có thể dẫn đến tử vong bất cứ lúc nào. Bác sỹ nói với các lính canh: ‘Ông ấy đang hấp hối.’”
Các lính canh vội vã đưa ông đến một bệnh viện lớn hơn ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tại đây chân trái của ông bị xích vào đầu giường và một thiết bị theo dõi có báo động nặng nhiều kg còng vào chân phải của ông. Ông bị các lính canh tù giám sát cả ngày.
Khi gia đình đến gặp ông, họ không được nói chuyện với ông. Khi em gái ông tra hỏi các lính canh về tình trạng của ông, họ trả lời: “Anh trai cô từ chối mặc đồng phục nhà tù và không chịu ăn. Tình trạng của ông ấy không liên quan gì đến chúng tôi. Cô có thể kiện chúng tôi ở bất cứ đâu cô thích. Chúng tôi không quan tâm.”
Họ cũng đề nghị gia đình chi trả mọi chi phí y tế.
Ông Tào kể lại: “Gia đình đã cố thuê một luật sư biện hộ cho tôi, nhưng không ai dám nhận vụ án về Pháp Luân Công, nói rằng họ không có cơ hội thắng kiện dù là tôi vô tội.”
Vào ngày thứ sáu, khi ông Tào xuất viện, các lính canh đã cố ép ông mặc đồng phục nhà tù.
“Khi tôi từ chối, họ đe doạ em gái và con gái tôi, nói rằng nếu tôi từ chối mặc đồng phục, tôi sẽ bị tra tấn còn nhiều hơn khi quay trở lại nhà tù. Tôi vẫn từ chối hợp tác. Cuối cùng, họ xích tôi lại và đưa tôi vào tù.”
Khi các học viên Pháp Luân Công khiếu nại về sự ngược đãi của nhà tù trong một chuyến viếng thăm của một nhân viên thuộc Bộ Tư pháp Trung Quốc vào tháng 4 năm 2019, lãnh đạo nhà tù đã chặn đơn của họ lại và ghi tên của những học viên đã kiện họ nhằm trả thù trong tương lai.
Bị sách nhiễu sau khi được thả
Khi ông Tào được thả vào ngày 2 tháng 8 năm 2019, người của Phòng 610 và đồn công an địa phương đã yêu cầu ông ký vào nhiều biên bản và yêu cầu ông phải báo cáo với họ hàng tháng.
Ông Tào kể lại: “Tôi đã từ chối ký vì tôi không làm gì sai khi cố trở thành một người tốt tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Tôi đã bị kết án bốn năm tù đơn giản chỉ vì đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân.”
Dù hiện nay ông Tào đã trở về nhà, công an vẫn sách nhiễu gia đình ông bằng cách liên tục gọi cho họ để kiểm tra tình trạng của ông.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/2/11/401040.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/3/15/183651.html
Đăng ngày 29-03-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.