Bài của Thanh Ngôn

[MINH HUỆ 2-10-2007] Câu nói “Bần tiện không thể thay đổi, phú quý không thể phóng túng, oai vũ không thể khuất phục” nghĩa là gì? Trong triều đình thời Nam Tống ngoài Văn Thiên Tường còn có một người nổi tiếng bởi lòng can đảm và khí tiết cao thượng có thể so sánh với Tô Vũ của triều đại nhà Hán. Người ấy tên là Hồng Hạo.

Hồng Hạo sinh ra ở vùng Phàn Dương (ngày nay là Ba Dương ở Giang Tây). Từ thời niên thiếu ông đã có chí hướng và khí tiết hơn người. Ông từng đi sứ nước Kim, nhưng sau đó ông bị đi đày trong suốt 15 năm, chịu đựng đủ điều gian khổ. Tuy nhiên, ông trước sau vẫn giữ tiết tháo không thay đổi, làm một viên quan hết lòng chăm lo cho dân chúng. Kết quả là ông rất được người đời ngưỡng mộ.

Hồng Hạo đỗ tiến sỹ cập đệ năm Chính Hòa thứ 5. Trong thời Tuyên Hòa, ông được nhậm chức quan Ti lục Tú Châu. Năm ấy xuất hiện một cơn lũ lớn và nhiều người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, lang thang không nhà cửa. Hồng Hạo thỉnh cầu quan Thái Thú cho mình quản lý nhiệm vụ cứu trợ. Ông mở kho thóc bán rẻ cho nạn dân, khiến trăm họ vô cùng đội ơn. Lúc ấy đoàn vận chuyển lương thực đang từ phía Đông tỉnh Triết Giang về thủ đô, dọc đường đi qua nơi đó. Hồng Hạo xin quan Thái Thú yêu cầu đoàn để lại lương thực để cứu tế cho dân. Thái Thú cho rằng việc đó là không thể được. Lúc ấy Hồng Hạo nói: “Tôi nguyện lấy một mạng của mình để đổi lấy tính mạng của 10 vạn người dân”. Qua chuyện này, nhân dân vô cùng cảm động, gọi ông là “Hồng Phật tử”. Sau đó quân đội Tú Châu nổi loạn, cướp bóc bừa bãi, không ai may mắn thoát khỏi tai họa. Nhưng khi đi ngang qua cửa nhà Hồng Hạo, họ không dám xúc phạm, nói: “Đây là nhà của Hồng Phật tử”.

Năm Kiến Viêm thứ 3 dưới triều vua Cao Tông, Hồng Hạo được phái đi tới nước Kim làm sứ thần. Đại tướng quân Kim là Hoàn Nhan Tông Hàn bắt ép ông nhậm chức quan dưới quyền của Lưu Dự, một kẻ phản bội triều đình Nam Tống. Hồng Hạo kiên quyết cự tuyệt, thà chết chứ không chịu khuất phục. Hoàn Nhan Tông Hàn rất tức giận, muốn giết ông, nhưng viên quan thuộc hạ của Hoàn Nhan Tông Hàn ca ngợi Hồng Hạo là trung thần chân chính, quỳ xuống xin tha cho Hồng Hạo. Nhờ đó Hồng Hạo thoát chết, nhưng bị đày tới khu vực Lãnh Sơn (Nay là phía Bắc Nông An, Cát Lâm)

Ở Lãnh Sơn thời tiết vô cùng giá rét. Hồng Hạo sống trong một cái hang núi, có khi đói đến nỗi không có gì để ăn, có khi giữa mùa hè cũng phải mặc quần áo thô dày. Ông từng gặp cảnh ngộ lúc tuyết rơi nhiều, củi dùng đã hết, chỉ còn cách dùng phân ngựa đốt lên để nấu ăn. Trong thời gian ở đó, người Kim thường tới dụ ông quy hàng, nhưng Hồng Hạo trước sau không hề bị lay chuyển. Sau này vua nước Kim nghe thanh danh của ông, muốn phong cho ông chức quan Học sỹ viện hàn lâm, nhưng Hồng Hạo hết sức từ chối không nhận. Mặc dù thân ở nơi nguy khốn, nhưng ông vẫn nhiều lần dốc hết sức mình để trợ giúp triều đình Đại Tống thám thính tin tức, cũng cứu tế trợ giúp những con dân nước Tống lưu lạc tới đây.

Năm Thiệu Hưng thứ 12 (năm 1142), Kim và Tống giảng hòa. Vua Kim vì sinh được con trai nên đại xá cho thiên hạ, Hồng Hạo được trở về Nam Tống. Sau khi vào cung gặp mặt Hoàng đế, ông thành khẩn xin được trở về quê nhà phụng dưỡng mẹ già. Hoàng đế nói: “Ngài trung hậu như Nhật Nguyệt, tâm chí không lúc nào quên vua, cho dù là Tô Vũ cũng không thể hơn được ông, sao có thể bỏ ta ra đi như vậy được?”.

Hồng Hạo từ lúc đi sứ đến khi trở về nước, thì đã bị lưu đày ở nước Kim mất 15 năm trời. Cùng đi lúc đầu có 13 người, cuối cùng chỉ còn Hồng Hạo, Trương Thiệu, Chu Biện còn sống trở về. Nhưng trung nghĩa nổi tiếng trong thiên hạ, chỉ một mình Hồng Hạo mà thôi.

Hồng Hạo ở nước Kim rất lâu, cảnh ngộ ác liệt và nguy hiểm, nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết, đến mức người Kim cũng vô cùng kính trọng. Những thơ văn của ông người Kim thậm chí tranh nhau truyền tụng và in ấn xuất bản. Hồng Hạo trở về nước rồi, sứ giả nước Kim mà đến Tống, thì nhất định sẽ hỏi thăm Hồng Hạo bấy giờ làm chức quan gì, đang sống ở nơi đâu.

Sau này Hồng Hạo trong lúc tranh luận nói với Tần Cối bảo rằng không thể cầu an với nhà Kim bằng cách dâng tặng vùng đất Tiền Đường. Vì việc đó ông bị Tần Cối căm ghét, nhiều lần tâu bậy với Hoàng đế để hãm hại. Kết quả ông nhiều lần bị giáng chức, lưu lạc khắp nơi nhậm chức ở bên ngoài kinh thành liên tục suốt hơn 10 năm. Cuối cùng ông bị bệnh rồi mất tại vùng đất Nam Hùng, hưởng thọ 68 tuổi. Sau khi ông chết 1 ngày, Tần Cối cũng chết. Hoàng đế nghe nói Hồng Hạo đã qua đời thì hết sức thương tiếc, bèn truy phong cho ông làm Học sỹ Phu văn các, thăng quan 4 bậc để tôn vinh ông.

Hồng Hạo bởi kiên định tiết tháo không thay đổi mà lưu lại tiếng thơm muôn đời trong sử sách. Những kẻ gian tà vì tư lợi bản thân mà vứt bỏ lòng trung nghĩa và tiết tháo, hãm hại người trung nghĩa, cuối cùng nhất định sẽ bị lịch sử và người đời nguyền rủa.


Bản tiếng Hán: https://en.minghui.org/html/articles/2007/11/13/91309.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2007/11/13/91309.html
Đăng ngày 11-4-2010; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Share