Bài của Thanh Ngôn

[MINH HUỆ 14-10-2007] Trong nền Văn hóa Thần truyền, bình dị dễ gần là một loại mỹ đức, là một loại biểu hiện của sự tu dưỡng và đức hạnh, cũng là sự tôn trọng đối với người khác. Mọi người đều tôn trọng và thích gần những người như thế, còn thích nghe theo lời họ.

Chu Công Đán là em trai của Chu Vũ Vương. Vào năm đầu thời Tây Chu, con trai Bá Cầm của Chu Công Đán được phong tước tại nước Lỗ, trở thành Lỗ Công. Bá Cầm tới đất phong nước Lỗ được 3 năm, rồi mới đến báo cáo tình hình cai trị với Chu Công. Chu Công hỏi: “Vì sao lại chậm trễ như thế?”. Bá Cầm nói: “Thay đổi tập tục nơi ấy, cải cách lễ nghi của nơi ấy, 3 năm sau mới có thể làm xong. Vì vậy mà thần đến trễ”.

Lúc ấy Khương Tử Nha được phong nước Tề. 5 tháng sau liền đến báo cáo tình hình chấp chính lên Chu Công. Chu Công Đán hỏi: “Vì sao nhanh như thế?”. Khương Tử Nha trả lời: “Thần đơn giản hóa lễ tiết giữa vua tôi, tuân theo tập tục và lề lối làm việc ở nơi ấy”.

Khương Tử Nha về sau nghe nói về chuyện Bá Cầm báo cáo chính sự trễ nải, thở dài nói: “Ôi! Nước Lỗ đời sau sẽ phải thần phục nước Tề phương Bắc rồi! Chính sự không đơn giản hóa, trăm họ sẽ không thể gần gũi. Có thể giản dị và gần dân, thì nhân dân tất nhiên sẽ quy thuận”.

Kỳ thực chẳng những trong việc quản lý đất nước, trong việc đối nhân xử thế và kết giao với mọi người cũng có cùng đạo lý như thế. Nếu giống như Bá Cầm chỉ muốn thay đổi người khác, chỉ muốn ra lệnh sai khiến người khác, thậm chí còn lên mặt nạt người, vô cớ áp bức người ta, bộ dạng ngạo mạn khó gần, thì có ai sẽ sẵn lòng chấp nhận và gần gũi với bạn đây? Đó chắc chắn là tự mình cô lập mình. Trái lại, nếu có thể bình dị dễ gần, không tự cao tự đại, tôn trọng người khác, khiêm tốn ôn hòa, như vậy mọi người tự nhiên đều thích gần gũi và nghe theo lời bạn.

Bình dị dễ gần, người ta tất nhiên sẽ thân thiết; còn lên mặt nạt người, tự cao tự đại, người ta tất nhiên sẽ xa lánh. Chính vì nguyên nhân ấy mà Khương Tử Nha dám chắc chắn tương lai nước Lỗ sẽ phải thần phục nước Tề.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2007/10/14/164473.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2007/10/28/90908.html
Đăng ngày 15-3-2010; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Share