Bài của Trí Chân

[MINH HUỆ 18-10-2007] Người xưa nói: “Con người không phải là Thánh hiền, ai có thể không phạm sai lầm? Làm sai biết sửa, còn gì tốt bằng”. Cho dù là người quân tử cũng khó tránh khỏi từng có lỗi lầm. Song, người có trí tuệ chân chính thì giỏi tự mình suy ngẫm và cải thiện bản thân hơn so với người thường, chính vì vậy mà anh minh và vĩ đại.

Đầu tiên, thái độ phản ứng đối với những ý kiến của người khác là cực kỳ quan trọng. “Nghe người khác kể ra lỗi lầm của mình thì vui mừng” là đức tính mà các vị Thánh hiền luôn tôn sùng. Đường Thái Tông là vị Hoàng đế giỏi chiêu nạp người khuyên can nhất trong lịch sử Trung Quốc, là gương mẫu cho đời sau học tập. Ông khuyến khích khuyên can, mà đối với những ai chỉ trích chỗ sai lầm của mình cũng đều bao dung không quở trách. Các quan đại thần đưa ra ý kiến hoặc chỉ ra lỗi lầm của ông, ông đều luôn luôn thành khẩn nói:“Lời của khanh chân thành và có lý, đó là chỗ không tốt của ta”.

Có lần các quan đại thần nghe có người chỉ trích không đúng, bèn nói với Đường Thái Tông: “Lời chỉ trích của hắn là sai, cần phải trừng phạt hắn”.

Đường Thái Tông nói: “Không thể được”.

Các đại thần hỏi: “Thưa vì sao vậy?”.

Vua trả lời: “Nếu Trẫm trừng phạt người này, về sau sẽ không có ai dám kể ra lỗi lầm của Trẫm nữa”.

Có Thánh Vương, có hiền thần, cho nên chính trị sáng sủa, quốc thái dân an, khai sáng được một thời Thiên triều thịnh thế.

Không kể là can ngăn hay chiêu nạp người can gián, cần phải dũng cảm nhanh chóng, cần phải đặt ích lợi của trăm họ lên hàng đầu. Tề Tuyên Vương xây dựng cung điện lớn, xây dựng 3 năm vẫn chưa xong, lại không có đại thần nào khuyên can cả. Lúc ấy có một nhân sỹ tên gọi là Xuân Cư sợ cứ như vậy mãi sẽ làm tổn hại đến thực lực quốc gia, liều chết bái kiến Tề Tuyên Vương, nói: “Nếu như nhà vua làm việc mà không suy nghĩ đến khả năng chịu đựng của nhân dân, vua ấy có thể gọi là hiền đức chăng?”.

Tề Tuyên Vương nói: “Không hiền đức”.

Xuân Cư lại nói: “Hiện nay Ngài thi công cung điện lớn, diện tích hơn trăm mẫu, cung điện có 300 cửa lớn, một nước lớn như nước Tề đây mà xây 3 năm vẫn chưa xong nổi. Quần thần lại không có một ai dám đứng ra khuyên can, xin hỏi Đại Vương như vậy có thể gọi là có bầy tôi không?”.

Tề Tuyên Vương trầm ngâm một lát rồi trả lời: “Chẳng khác nào không có bầy tôi”.

Xuân Cư nói: “Thần xin được cáo lui”. Nói xong quay đầu bước ra ngoài. Tề Tuyên Vương bừng tỉnh ngộ, vội vàng đứng dậy kêu: “Xuân Tử, hãy trở về! Khanh sao đến khuyên can Trẫm chậm trễ như thế? Ta lập tức hạ lệnh đình chỉ thi công cung điện”. Liền quay qua bảo viên quan chuyên chép sử: “Đem chuyện này viết vào trong sách lịch sử: Ta muốn thi công cung điện lớn, rất không hiền đức, chính là Xuân Tử đã ngăn ta lại”.

Sửa đổi hướng thiện còn cần phải có tấm lòng bao dung, tâm cảnh khoáng đạt. Thời kỳ Hoàng đế Khang Hy triều Thanh, ở Đồng Thành có người tên là Trương Anh làm quan đến chức Văn Hoa Đại học sỹ kiêm Thượng thư bộ Lễ. Hàng xóm của ông là gia đình Nghiệp Thị lang, một viên quan đồng triều. Một lần, 2 nhà phát sinh tranh chấp vì ranh giới 1 bức tường, vợ của Trương Anh lập tức viết thư phái người gửi cho chồng. Trương Anh đọc thư lo lắng, viết hồi âm với vợ như sau: “Thiên lý gia thư chích vi tường, nhượng nhân tam xích hựu hà phương? Vạn lý trường thành kim do tại, bất kiến đương niên tần thủy hoàng”. (Tạm dịch: Ngàn dặm xa xôi viết thư chỉ vì 1 bức tường, nhường người ta 3 thước thì có làm sao? Vạn Lý Trường Thành nay vẫn còn kia, vậy mà nhà Tần đâu còn nữa). Thế là Trương phu nhân bảo gia đình lui bức tường về phía sau 3 thước. Nhà họ Nghiệp rất cảm động, cũng ra lệnh cho người nhà lui bức tường về phía sau 3 thước. Từ đó về sau, Trương, Nghiệp 2 nhà xóa bỏ được sự ngăn cách, trở thành thông gia với nhau.

Kỳ thực, một người có khả năng sửa đổi hướng thiện, mới có thể được xem là tự làm chủ được bản thân mình. Cần phải thực sự làm được như thế, mà không động tâm hối hận phiền não, càng không thể che giấu lỗi lầm. Sửa đổi cải thiện, là nguyên tắc mà bất kỳ ai và vào bất kỳ lúc nào đều cần phải tuân theo. Đặc biệt là đối với những người phạm tội lỗi lớn thì ý nghĩa càng thêm trọng đại. Cổ nhân nói: “Cái thế công lao, đương bất đắc nhất cá căng tự; di thiên đại tội, đương bất đắc nhất cá hối tự”. (Tạm dịch: “Công lao vĩ đại, không thể bù đắp được lỗi kiêu căng; tội lớn tày trời, không đáng kể nếu biết đường hối cải”). Nếu một người biết cảm thấy tự hổ thẹn với lòng mình, ấy là sáng suốt. Ngược lại, nếu tự cho mình luôn là đúng, không vượt ra khỏi cái vòng vây của “Tư lợi” và “Tự ngã”, thì sẽ phải chịu cảnh cô đơn mà gieo gió gặt bão.

Chuyên quyền bạo ngược như Chu Lệ Vương, vui thích tự cho mình “có tài năng chặn trước những lời chỉ trích”, làm nhân dân hết sức bất bình. Ông ta lại muốn bịt miệng nhân dân, tìm người giám sát theo dõi những ai chỉ trích mình. Bất kể là quan đại thần hay dân thường, ai mà bị cáo giác thì liền bị khép vào chỗ chết. Trên đường đi mọi người ai gặp cũng đều không dám nói chuyện, càng không dám bàn luận gì. Ông ta “Đề phòng cái miệng của dân chúng còn hơn đề phòng lũ lụt”. 3 năm sau, đất chặn dòng sông gây ra lũ lụt, người dân không còn nhẫn nại được nữa, đoàn kết nhau lại vây đánh hoàng cung muốn giết Chu Lệ Vương. Bọn vệ sĩ cũng không muốn bảo vệ ông ta. Chu Lệ Vương bị cô lập hoàn toàn, cuối cùng phải lưu đày đến đất Trệ.

Lịch sử như một tấm gương, thái độ khác nhau mà đối đãi với các ý kiến bất đồng dẫn đến kết quả cũng khác nhau. Muốn hiểu được đạo lý “Quá dã, nhân giai kiến chi, cập kỳ canh dã, nhân giai ngưỡng chi” (Người ta ai chẳng sai lầm, nhưng nếu kịp thời sửa chữa sẽ được người khác kính trọng và ngưỡng mộ). Không sợ phạm sai lầm, mấu chốt là đối đãi với vấn đề ấy như thế nào. Sợ nghe những lời trái tai, một khi nghe thấy những chỗ không vừa ý liền đùng đùng nổi giận, thậm chí còn cậy thế ức hiếp người khác, tìm cách trả thù, kết quả luôn là hại mình hại người. Lấy tâm thái đúng đắn mà đối mặt với tất cả mọi sự, biết phục thiện, không ngừng thăng hoa cảnh giới tư tưởng, như thế mà tiến bước thì sẽ không có bất kỳ chướng ngại nào có thể ngăn cản ta được.


Bản tiếng Hán: https://en.minghui.org/html/articles/2007/10/30/90954.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2007/10/30/90954.html
Đăng ngày 15-3-2010; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Share