Bài của Trịnh Niệm Hành

[MINH HUỆ 28-2-2010] Lý Nguyên Cương thời nhà Tống trong cuốn sách của mình “Hậu Đức Lục” đã ghi lại không ít những sự thật trong lịch sử về tấm gương đức độ, ở đây xin chọn kể 3 câu chuyện như sau:

1) Triệu Biện không dám vì tư lợi mà làm hại đến phép công

Vào năm Chí Hòa đời nhà Tống, Phạm Cảnh Nhân đang là gián quan, Triệu Biện làm quan Ngự sử, 2 người bọn họ trong khi nghị luận một việc công thì phát sinh tranh chấp mâu thuẫn. Vương An Thạch chứng kiến được việc này.

Đến thời Hy Ninh, Vương An Thạch chấp chính. Vương An Thạch trong lòng oán giận Phạm Cảnh Nhân, nhiều lần nói bậy về ông này trước mặt Hoàng đế. Có lần ông ta nói với Hoàng đế: “Chỉ cần hỏi Triệu Biện, sẽ biết ngay Phạm Cảnh Nhân là người như thế nào”.

Một thời gian sau, Hoàng Thượng tiện dịp bèn hỏi Triệu Biện: “Khanh nói thử ta nghe, Phạm Cảnh Nhân là người như như thế nào vậy?”. Triệu Biện trả lời: “Phạm Cảnh Nhân là một trung thần, không phải là hạng người nịnh bợ nham hiểm đâu”.

Hoàng thượng hỏi ông ta: “Khanh làm sao biết Phạm Cảnh Nhân là trung thần?”. Triệu Biện trả lời: “Những năm đầu thời Gia Hữu, vua Nhân Tông sức khỏe không được tốt. Phạm Cảnh Nhân là người đầu tiên thỉnh cầu lập người kế tục ngai vàng, làm yên ổn xã tắc. Ấy chẳng phải là trung thần hay sao?”

Hoàng thượng cho rằng Triệu Biện nói rất có lý.

Sau khi bãi triều, Vương An Thạch hỏi Triệu Biện: “Không phải là ông với Phạm Cảnh Nhân có mâu thuẫn sao?”
Triệu Biện nói: “Nói lời cần phải công tâm, tôi không dám vì việc cá nhân mà làm hại phép công!”

2) Dương Giai công tư rạch ròi

Trong thời gian quan Thị lang Dương Giai chủ trì công tác Thẩm quan viện, Nguyên Hạo của Tây Hạ cầu hòa mà không chịu thần phục. Dương Giai nói với Hoàng đế: “Triều đình ta nhiều năm liền xuất quân, tài lực quốc gia gặp căng thẳng. Không bằng gửi thư tỏ vẻ bằng lòng, từ từ rồi tìm cách tiêu diệt hắn”.

Các gián quan Âu Dương Tu, Thái Tương phân công nhau dâng sớ tố cáo Dương Giai, nói rằng ông ta có chức vụ là Tòng quan, không cân nhắc vì quốc gia đánh giặc, mà lại ủng hộ việc Nguyên Hạo không chịu quy phục, tội ông ta đáng chết. Dương Giai cảm thấy rất bất an, bèn xin làm quan Tri châu Việt Châu, sau đó đổi thành Tri châu Hàng Châu. Lúc đó vừa dịp Thái Tương tới Hàng Châu đón cha mẹ, nhưng lại tùy tiện đi phố thị vui chơi du ngoạn.

Có người nói với Dương Giai: “Thái Tương trước kia nói ông đáng tội chết. Ông ta giờ lại lừa gạt Hoàng thượng, không làm việc chính sự. Vì sao không tố cáo hành vi của ông ta lên triều đình?”

Dương Giai nói: “Thái Tương lúc ấy bởi vì việc công mà đả kích tôi, ông ta là nói chuyện quang minh chính trực. Tôi bây giờ làm sao có thể vì việc tư mà đi báo thù ông ta đây?”

3) Ngụy Nhân Phổ không báo thù riêng

Tể tướng Ngụy Nhân Phổ từng bị Cổ Duyên Huy gièm pha công kích, suýt chút nữa bị giáng chức.

Sau này, Ngụy Nhân Phổ chỉ huy quân đội xuất quân ra trận, trong tay nắm uy quyền sinh sát. Có người tóm Cổ Duyên Huy dâng tặng cho ông, nói: “Ông bây giờ có quyền giết hắn rồi”.

Ngụy Nhân Phổ nói: “Lợi dụng chiến tranh để báo thù riêng, tôi không thể làm như vậy được”.

Mọi người đều rất khâm phục ông là một vị trưởng lão trung hậu.

Ngày trước, Ngụy Nhân Phổ từng phục vụ Chu Thế Tông. Thế Tông tính tình nóng nảy, thường xuyên giết người một cách bừa bãi. Nhờ có Ngụy Nhân Phổ cứu thoát khỏi tội chết, thường trong 10 người thì có đến 7 8 người được sống. Nhiều lần ông theo Chu Thế Tông đi chinh chiến, không có ai phải bị chết oan dưới kiếm của ông.

Quả đúng là: “Làm việc xuất phát từ tâm thành tín, chấp hành pháp luật một cách công bằng hợp lý, chính đại quang minh khiến cả thế gian khâm phục, không thẹn với Trời Đất và Lương tâm!”.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2010/2/28/218994.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2010/3/18/115417.html
Đăng ngày 03-04-2010; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Share