Bài của Tiêu Ngọc

[MINH HUỆ 24-2-2010] Âm nhạc dân tộc Trung Quốc có truyền thống lịch sử đã lâu đời. Trong lịch sử Trung Quốc từng có những thời đại mà văn hóa âm nhạc phát triển phồn vinh thịnh vượng. Âm nhạc dân tộc Trung Quốc là bộ phận trọng yếu trong văn hóa truyền thống, phản ánh tinh thần tu thân dưỡng tính, thể hiện ý chí, đạo đức, văn hóa và khát vọng của dân tộc Trung Hoa.

Văn hóa âm nhạc dân tộc Trung Quốc đã bắt rễ thật sâu vào miền đất văn hóa truyền thống Trung Quốc. Truyền thống văn hóa đặc sắc ấy đã tạo nên một nền âm nhạc dân tộc đặc sắc.

Âm nhạc truyền thống cùng với thư pháp, hội họa, thơ ca cùng nhau cấu thành nét văn hóa đặc trưng của văn hóa truyền thống Trung Quốc. Trong đó quan trọng nhất là Cầm Kỳ Thi Họa. Âm nhạc mà những cây đàn cổ thể hiện chính là cảnh giới và tư tưởng siêu phàm thoát tục, thiên nhân hợp nhất. Nội hàm văn hóa “Thanh, u, đạm, viễn” (Thanh tao, trầm tĩnh, đạm bạc, cao xa), thứ âm nhạc ấy phù hợp tối đa với tư tưởng “Trung hòa” trong văn hóa truyền thống, trở thành phương pháp tốt nhất để cho người xưa tu thân dưỡng tính và hoàn thiện nhân cách của bản thân.

Âm nhạc chẳng những có tác dụng lột tả nhân cách, mà còn mang theo ý chí an bang tế thế. Trong sách “Lã thị Xuân Thu – Thích âm” có nói rằng: “Phàm âm nhạc thông hồ chính nhi di phong bình tục giả dã”. (Tạm dịch: “Âm nhạc hài hòa mang đến sự hòa hợp, giúp xã hội ổn định và trật tự”). Trong sách “Lễ ký – Nhạc ký” có nói: “Dùng Lễ nghi và Âm nhạc làm cho thiên hạ thái bình”. Chế độ “Lễ nhạc” có tác dụng củng cố và phát triển xã hội thời cổ đại. Nhà Nho là những người khởi xướng ra “Lễ nhạc” đầu tiên. “Nhạc giả thiên địa chi hòa dã, Lễ giả thiên địa chi tự dã”. (Tạm dịch: “Người sáng tác âm nhạc phản ánh sự hài hòa của trời đất, người chế tác Lễ nghi phản ánh trật tự của trời đất”). Nhạc ở đây là nói về nhã nhạc cung đình, công dụng của nó là phụ trợ cho “Lễ”, hình thức âm nhạc cảm động lòng người kết hợp cùng với Lễ nghi, tạo ra sức mạnh to lớn ngưng tụ và xuyên thấu lòng người. Khổng Tử cực kỳ coi trọng nội dung và hình thức của âm nhạc. Ông tán dương thể loại nghệ thuật ca vũ nhạc cổ đại có tên là “Thiều” mang nội dung ca ngợi Vua Thuấn nhân đức, đã đạt tới mức độ hoàn thiện ngang bằng với tác phẩm “Cửu biện” nổi tiếng của Tống Ngọc. Trong sách “Luận ngữ – Thuật nhi” có viết: “Khổng Tử ở tại nước Tề nghe nhạc “Thiều”, say mê đến độ suốt ba tháng không màng đến chuyện ăn thịt”. Khổng Tử đánh giá nhạc Thiều là hoàn hảo tột cùng. Ông cũng hết lời tán dương nghệ thuật âm nhạc và ca múa có tên là “Đại Vũ” của vương triều nhà Chu. Tuy vậy, có một tình tiết trong Đại Vũ mô tả thành tựu cuộc chiến của Chu Vũ Vương phạt Trụ diệt nhà Thương bị ông phê bình là: “Đại Vũ cực Mỹ rồi nhưng chưa cực Thiện”.

Câu “Núi cao nước chảy gặp tri âm” mà tại Trung Quốc nhà nhà đều biết, chính là nói về câu chuyện xưa Bá Nha – Tử Kỳ, trong sách “Lã thị Xuân Thu” và “Liệt tử”.

Du Bá Nha giỏi đánh đàn cổ Cầm, còn Chung Tử Kỳ giỏi lắng nghe. Có một lần, trong lúc Bá Nha đang ý niệm miêu tả ngọn núi cao lớn nguy nga mà gảy đàn, Tử Kỳ liền hồi đáp: “Thiện tai, núi cao cao quá”. Còn khi ý niệm miêu tả dòng nước chảy, Chung Tử Kỳ liền cảm khái nói: “Thiện tai, dào dạt mênh mông tựa như sông lớn”. Bất kể Bá Nha đánh đàn hàm ý như thế nào, Tử Kỳ đều có thể tâm lĩnh thần hội. Bá Nha đi du ngoạn núi Thái Sơn gặp trận mưa to, đành phải trú mưa ở trên một vách núi cao dựng đứng. Bá Nha cảm thấy buồn, bèn gảy đàn để giải tỏa tâm tình. Tiếng đàn lúc ban đầu thể hiện tiếng mưa rơi lâu mãi không ngừng, về sau biểu hiện tiếng vọng vang dội của núi băng. Mỗi khúc nhạc tấu lên, Tử Kỳ đều có thể nói rõ từng tiếng lòng của Bá Nha, làm Bá Nha vô cùng cảm động.

Sau này Chung Tử Kỳ bị bệnh rồi mất, Du Bá Nha vô cùng đau đớn. Trên đời không còn ai có thể hiểu được tiếng đàn của ông như thế nữa. Thế là Bá Nha đập vỡ cây đàn, suốt đời không bao giờ gảy đàn nữa. Thành ngữ “Núi cao nước chảy”, “Bá Nha tuyệt cầm”, “Bá Nha chi thán” … đều là xuất phát từ điển cố này. Đời sau có câu cảm thán: “Vạn lượng vàng ròng còn dễ kiếm, một kẻ tri âm cực khó tìm”.

Âm nhạc dân tộc là chiếc gương soi phản chiếu văn hóa truyền thống Trung Quốc. Nó phản chiếu cả lịch sử lâu dài của dân tộc Trung Hoa lẫn nội hàm bác đại tinh thâm của nền văn hóa Thần truyền ấy.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2010/2/24/218763.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2010/3/20/115464.html
Đăng ngày 09-04-2010; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Share