[MINH HUỆ 15-08-2019] Hôn nhân trong xã hội truyền thống thời xưa phần lớn là do cha mẹ định đoạt qua lời mai mối, còn trong xã hội hiện đại thì giảng tự do tình cảm. Dù cho hình thức biểu hiện của nhân duyên như thế nào thì cũng có người nói rằng duyên phận vợ chồng trên thế gian này là Nguyệt lão dùng dây tơ hồng buộc chặt hai người với nhau, cũng nói nhân duyên là do trời định.

Trịnh Hoàn Cổ mộng thấy nhân duyên

Học sĩ viện Thái Học thời Đường Văn Tông là Trịnh Hoàn Cổ đính ước với con gái của hình bộ thượng thư Lưu Công, hôn sự đã được sắp xếp xong xuôi. Vào một buổi tối nọ, Trịnh Hoàn Cổ cùng với đạo sĩ Khấu Chương tá túc ở huyện Chiêu Ứng. Vào lúc giữa đêm đang ngủ, Trịnh Hoàn Cổ mộng thấy mình ngồi trong một chiếc xe băng qua ba cây cầu nhỏ đi đến một ngôi nhà nằm phía sau chùa, nhìn thấy mình và một cô nương đang cử hành hôn lễ và người chủ hôn mang họ Phòng.

Sau khi Trịnh Hoàn Cổ tỉnh giấc đã kể tường tận tình tiết trong giấc mộng cho Khấu Chương nghe, rồi lấy giấy bút ra ghi chép lại sự việc này. Khấu Chương nói: “Vào lúc phải kết hôn mà ngẫu nhiên nằm mộng như thế này, không có gì lấy làm lạ.”

Sau đó Lưu thị, vợ của Trịnh Hoàn Cổ qua đời. Mấy năm sau đó, Trịnh Hoàn Cổ kết hôn với cô nương họ Lý đến từ Đông Lạc. Hôn lễ giữa Trịnh Hoàn Cổ và Lý thị được cử hành tại khu vườn nhà phía sau ngôi chùa ở huyện Chiêu Ứng. Ngày hôm đó, Trịnh Hoàn Cổ đã băng qua ba cây cầu và chủ nhân ngôi nhà mang họ Hàn.

Lúc đó Phòng Trực Ôn đảm nhiệm chức quan huyện Đông Lạc, ông cũng là một người bạn cũ của gia đình nhà họ Lý. Nghi thức hôn lễ đều do Phòng Trực Ôn đứng ra chủ trì. Trịnh Hoàn Cổ lúc bấy giờ mới hiểu ra giấc mộng của mình năm xưa là dự báo cho hôn sự ngày hôm nay. Anh ta kể sự việc này cho mọi người nghe, khách mời ai nấy đều không khỏi cảm thán.

Châu Hiển đánh mất nhân duyên rồi lại có được nhân duyên

Châu Hiển là viên quan quản sổ sách ở vùng Xạ Hồng lấy con gái của huyện lệnh Đỗ Tập của huyện Bì làm vợ. Hai người đã định xong hôn ước. Lúc bấy giờ, Vương Kiến vị vua khai quốc của nhà Tiền Thục tự xưng Hoàng đế và cô nương Đỗ thị đã bị bắt vào trong cung. Sau đó, Vương Diên quy thuận triều đình. Bấy giờ, Châu Hiển đến Bành Châu làm quan và nhờ bạn bè giúp anh ta tìm kiếm ý trung nhân. Thông qua giới thiệu, anh ta kết hôn với cháu gái nhà họ Vương. Sau khi định hôn ước, Chu Hiển mới biết thê tử mình vốn dĩ đã từng là cung nữ.

Châu Hiển nói với thê tử: “Ban đầu ta muốn kết hôn cùng cô nương họ Đỗ, chúng ta đã ký giấy hôn ước xong xuôi nhưng do gia cảnh bần hàn nên ta làm sao dám đảm nhận danh nghĩa con rể và trách nhiệm được?”

Cháu gái họ Vương thở dài và nói: “Thiếp chính là cô nương họ Đỗ. Họ Vương là họ sau này của thiếp. Kể từ khi thiếp xuất cung, không có nơi nào để đi nên nhà họ Vương đã cưu mang thiếp.”

Châu Hiển nghe vậy vui buồn lẫn lộn. Về sau, tình cảm của hai vợ chồng càng thêm mặn nồng.

Mối nhân duyên đề thơ trên lá của Hầu Kế Đồ

Thượng thư thời Tiền Thục là Hầu Kế Đồ xuất thân từ một gia đình trí thức học giả, cả ngày tay không rời sách, miệng không ngừng ngâm thơ. Anh ta thường hay đến chùa Đại Từ ở Thành Đô. Vào một ngày mùa thu năm đó, Hầu Kế Đồ tư chất nho nhã bước lên lầu trên của chùa Đại Từ, đang lúc tựa vào lan can thưởng ngoạn cảnh sắc mùa thu, một chiếc lá đột nhiên rơi xuống và phía trên mặt có đề một đoạn thơ:

“Thí thúy liễm song nga, vi uất tâm trung sự.
Nhược quản hạ đình thu, thư thành tương tư tự.
Thử tự bất thư thạch, thử tự bất thư chỉ.
Thư hướng thu diệp thượng, nguyện trục thu phong khởi.
Thiên hạ phụ tâm nhân, tận giải tương tư tử.”

Dịch nghĩa:

“Chau mày vì tâm phiền trong thế sự
Chiếc lá mùa thu rụng trong sân, đề thơ bày tỏ nỗi niềm
Thơ không viết trên đá, cũng không viết trên giấy
Thơ viết trên lá, chiếc lá cuốn xoay theo làn gió thu
Thiên hạ phụ lòng người, tận giải nỗi lòng không còn mong chờ gì.”

Hầu Kế Đồ nhặt lấy chiếc lá cất vào trong hộp. Vài năm sau, anh ta kết mối lương duyên với thiếu nữ họ Nhâm hiền thục đoan trang. Một hôm, Hầu Kế Đồ ngâm bài thơ được viết trên lá, Nhâm thị nghe xong liền nói: “Đây là bài thơ viết trên lá cây, khi đó thiếp viết nó ở Tả Miên (nay là Miên Dương), làm thế nào mà chàng biết được?”

Hầu Kế Đồ nghe xong thì vô cùng ngạc nhiên và bảo thê tử viết xuống toàn bộ bài thơ. Kết quả là bài thơ thê tử viết ra giống như đúc bài thơ được viết trên lá năm xưa.

Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, hôn nhân phải tuân theo sự tác hợp của trời đất. Khi cử hành hôn lễ phải nhất bái thiên địa, nhị bái phụ mẫu và phu thê giao bái. Trời đất và chư Thần làm chứng cho hôn sự, vợ chồng kính nhau như khách, lấy ân nghĩa mà đối đãi với nhau, trăm năm hòa hợp. Nếu như người nào phản bội thì sẽ bị chư Thần trừng phạt.

(Trích từ “Dật Sử” của Lư Triệu thời nhà Đường và “Thái Bình Quảng Ký” của Lý Phưởng thời nhà Tống)


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2019/8/15/391455.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/12/17/181121.html

Đăng ngày 02-01-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share