[MINH HUỆ 14-08-2019]

Tiếp theo Phần 10

Mặc dù Người nhà Chu cho rằng mệnh của quân vương không đến từ tự bản thân họ mà đến từ Trời cao phía bên trên, và sự thay đổi chuyển dịch thiên mệnh cũng không quyết định dựa vào ý chí của quân vương mà dựa vào ý chí của thượng thiên; nhưng quân vương cũng không thể ngồi không chờ đợi sự bảo hộ từ thượng thiên, không nỗ lực làm gì cả cũng không thành tựu điều gì, càng không thể tùy tâm muốn gì làm nấy, tự ý làm không chút kiêng nể. Vậy để “tiếp nhận thiên mệnh vĩnh viễn” nên làm thế nào? Đối với việc này, người nhà Chu nhấn mạnh nền tảng “thiên mệnh mĩ thường, duy đức thị phụ” (thiên mệnh thay đổi, chỉ có đức mới giúp được) và đề xuất tư tưởng “dĩ đức phối thiên” (lấy đức giao hòa với Trời), “kính đức bảo dân”. Thượng thiên chỉ “vĩnh viễn bảo hộ” cho vị vua nào kính Trời nên làm vua phải biết cung kính Trời và nghe theo lời dạy bảo. Bởi vì tầm quan trọng của việc kính Trời nằm ở “hữu đức” (có đức) nên vua cần phải “kính đức”, “minh đức”, “sùng đức”. Tóm lại một câu ý là: cần phải đặt công phu vào chữ “đức” này. Nếu không có đức, sớm sẽ mất mệnh.

Có thể dễ dàng thấy rằng, thiên mệnh được kiến lập trên cơ sở của “đức”. Ý chí của thượng thiên và hành vi của quân vương có liên quan với nhau. Vua có đức hay không sẽ trở thành gốc rễ của việc có nhận được thiên mệnh hay không. Điều này nói rõ người nhà Chu đã ý thức rõ ràng về đức hạnh cá nhân và đạo đức trị vì quốc gia của vua có tác dụng quan trọng đối với việc duy trì tính ổn định chính trị. Vì vậy cũng có thể thấy người nhà Chu có tiến bộ hơn so với tiền nhân về “thiên mệnh quan”.

Theo nghiên cứu học thuật, “đức” thường xuyên xuất hiện trong các văn kiện từ thời nhà Chu. Mở sách “Thượng Thư, Chu Thư” ra xem, có thể nói mỗi chương đều nhắc đến “đức”. “Kính đức”, “minh đức”, “sùng đức” được lặp đi lặp lại nhiều lần. Nhưng “đức” là gì, nội hàm này rốt cuộc là gì thì người nhà Chu không đưa ra định nghĩa minh xác. Bất quá, căn cứ vào các văn kiện thời đó, hàm nghĩa chủ yếu của chữ “đức” ít nhất là bao gồm mấy điểm như: một là phẩm hạnh cá nhân, sự tu dưỡng đạo đức của vua; hai là vua đối với dân chúng cai trị bằng đức và nhân nghĩa.

Trọng điểm của “dĩ đức phối thiên”, “kính đức bảo dân” không nằm ngoài mấy ý như: thứ nhất là vua phải tu dưỡng đạo đức, lấy đức ước thúc tư dục của bản thân, vì dân chúng dựng lập nên mô phạm đạo đức; thứ hai là vua dùng đạo đức để giáo hóa dân chúng; thứ ba là vua cần phải hiểu dân tình, tôn trọng ý dân, đối với bách tính cai trị nhân nghĩa, thiện lương, quan tâm, bảo hộ và cải thiện cuộc sống của họ, đây gọi là “bảo dân” (bảo hộ cho dân).

Người nhà Chu xem Ân Trụ Vương như là một ví dụ điển hình cho vô đức, thất đức. Lúc Võ Vương phạt Trụ đã nói với các lộ chư hầu rằng: “Hôm nay Ân Trụ Vương nghe theo lời nữ nhân, đến mức tự tuyệt thiên mệnh, hủy hoại chính đạo thiên, địa, nhân; bỏ mặc cha mẹ anh em, vứt bỏ âm nhạc tổ tiên truyền lại, phổ chế âm thanh dâm đãng, làm loạn âm nhạc thuần chính chỉ để làm hài lòng một nữ nhân.” (Thượng Thư, Thái Thệ)

“Thượng Thư, Chiếu Cáo” cũng chỉ ra việc không trọng đức của ông ta. Thế nào là không xem trọng đức? Chính là hoang dâm vô đạo, vơ vét tàn bạo, sát hại trung lương, tin dùng nịnh thần, lạm dụng hình pháp vô độ, quản lí hỗn loạn.

Tương phản với Ân Trụ Vương, Chu Văn Vương người đặt định cơ sở cho nhà Chu, là một hình mẫu cho vị vua có đức hạnh. Chu Công cho rằng sở dĩ người nhà Chu có thể nhận được thiên mệnh là bởi vì Văn Vương có phẩm đức tốt đẹp. Trong “Thượng Thư, Vô Dật” tuyên dương mỹ đức của Văn Vương như sau:

“Văn Vương thành tựu sự nghiệp xử lý mọi việc phân minh, an định bách tính, khai hoang đất đai. Thiện lương, nhân nghĩa, khiêm cung, an ủi vỗ về bách tính, giúp đỡ góa phụ con côi. Từ sớm đến trưa, mãi đến lúc mặt trời đã lặn, ông cũng không có thời gian rảnh ăn cơm, toàn bộ thời gian đều dùng vào việc an định muôn dân. Văn Vương không dám dừng chân thời gian lâu khi đi săn bắt. Ông cung kính thao lược chính sự. Chu Công lấy Văn Vương làm hình mẫu để khuyên răn Thành Vương sau khi kế thừa vương vị thì không thể phóng túng bản thân, không thể ham muốn hưởng lạc quá phận, an dật, ham mê vui chơi và săn bắt. Không được giống như Trụ Vương bại hoại mê lạc, uống rượu không biết tiết chế. Phải biết vì việc của muôn dân mà tận tâm tận lực!

(Còn tiếp)


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2019/8/14/390461.html

Đăng ngày 20-12-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

 

Share