[MINH HUỆ 20-08-2019]

Tiếp theo Phần 9

Thượng thiên thay đổi chuyển dịch thiên mệnh dựa vào việc quân vương có biết kính Trời hay không. Vậy nên chỉ có kính Trời mới có thể vĩnh viễn bảo tồn thiên mệnh. Điều này đưa đến một vấn đề: rốt cuộc thượng thiên căn cứ vào đâu để xác định quân vương có kính Trời hay không? Thế nào là kính Trời, thế nào là không kính Trời? Người nhà Chu xem quân vương có đức hay không là rất quan trọng. Vua có đức, vì kính Trời nên mới nhận được thiên mệnh. Vua vô đức chính là không kính Trời, sẽ đánh mất thiên mệnh.

Vậy nên Chu Công nói: “Thiên mệnh mĩ thường, duy đức thị phụ.” (trích “Thượng Thư, Khang Cáo”), “Hoàng Thiên vô thân, duy đức thị phụ.” (trích “Thượng Thư, Thái Trọng Chi Mệnh”)

Ý tứ là thiên mệnh sẽ chuyển dịch, thượng thiên không vì tình thân đối với ai, Trời chỉ giúp đỡ người có đức. Như vậy, ý chí của Trời liên kết với hành vi của quân vương hình thành nên một loại quan hệ đối ứng. Đây là một cống hiến lớn nhất của người nhà Chu về “thiên mệnh quan”.

Có lẽ cũng có người hoài nghi rằng: Người nhà Chu thảo luận về thiên mệnh thì nhấn mạnh kính Trời, lại nhấn mạnh phải có đức. Vậy hai điều này có mâu thuẫn không? Kì thực là không mâu thuẫn. Bởi vì đức chính là yêu cầu của thượng thiên đối với quân vương, là tiêu chuẩn để thượng thiên đo lường một quân vương có hợp cách hay không; vậy nên có đức là thể hiện cụ thể của việc kính Trời. Kính Trời là bản chất nội tại của “hữu đức” (có đức) và là nơi quy về cuối cùng. Nói cách khác, “đức” chính là sợi dây liên kết trong quan hệ giữa Trời và con người. Thông qua việc nhấn mạnh tính trọng yếu của đức, việc kính Trời không còn trừu tượng và trống rỗng nữa, mà đã có nội dung vô cùng cụ thể.

Trong mắt của người nhà Chu, hai triều Hạ Thương cho đến cuối cùng đều mất đi thiên mệnh, lí do không nằm ngoài việc Hạ Kiệt và Thương Trụ đều không kính Trời. Sở dĩ có thể nói rằng họ không kính Trời bởi vì họ không có đức, nên cuối cùng không được Trời giúp.

Trong “Thượng Thư, Chu Thư” có ghi chép:

Vào thời đầu nhà Chu, Chu Thành Vương muốn dời đô đến Lạc Dương. Trước tiên, ông phái Triệu Công đi thị sát. Lúc Chu Công thị sát Lạc Dương, Triệu Công ủy thác cho Chu Công viết thư cảnh báo Thành Vương cần phải biết kính đức để thiên mệnh được trường cửu.

“Ta không thể không cẩn trọng nhìn xem nhà Hạ và nhà Ân. Ta không dám nói rõ mệnh của nhà Hạ và nhà Ân sẽ trường cửu. Ta cũng không dám nói rằng quốc vận của nhà Hạ và nhà Ân sẽ không kéo dài. Ta chỉ biết rằng họ không xem trọng đức hạnh nên mới để vuột mất phúc mệnh của họ.”

Trong “Thượng Thư, Đa Sĩ” có ghi chép:

Chu Công cảnh báo bách tính nhà Thương rằng: “Thượng Đế không giao phó thiên mệnh cho người không có đức hạnh. Sự tiêu vong của các quốc gia lớn nhỏ đều vì người ta không kính trọng Thượng Đế mà bị trừng phạt.”

Có thể thấy, dưới cán cân đo lường của người nhà Chu, có đức và không có đức, kính đức và không kính đức được đặt vào vị trí hàng đầu quyết định sự tiêu vong của một quốc gia.

Vì sao đức quan trọng như vậy?

Trong “Thượng Thư, Kim Đằng” có ghi chép:

Chu Võ Vương ngã bệnh sau khi chiến thắng nhà Thương, Chu Công dùng ngọc bích cầu tiên vương bảo hộ và nguyện lấy thân mình thay cho Võ Vương. Ông đặt lời cầu nguyện vào rương vàng, sau đó Võ Vương đã khỏi bệnh. Cho đến khi Võ Vương tạ thế, Chu Thành Vương tin nghe lời phỉ báng nên có một lần hoài nghi và đối xử lạnh nhạt với Chu Công. Kết quả là thượng thiên nổi cơn thịnh nộ, bất bình thay cho Chu Công.

“Trời đổ sấm chớp, gió lớn; cây lương thực ngũ cốc đổ rạp, cây lớn bị nhổ gốc.”

Có thể thấy trong mắt người nhà Chu, Trời không chỉ là cao không với tới, không gì không thể làm được mà còn có đức, không yêu không ghét. Nói cách khác, đức cũng là yêu cầu bản chất và bản tính nội tại của Trời. Vậy nên một khi nhân gian không còn đức thì thượng thiên sẽ giáng điềm báo không tốt. Không khó để nhận ra những ai mà Trời lựa chọn và phò trợ nhất định đều là những vị vua có đức.

(Còn tiếp)


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2019/8/12/390470.html

Đăng ngày 19-12-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share