[MINH HUỆ 21-08-2019] Sắc dục là thứ kích thích con người nhất. Nó là thứ có khả năng hủy hoại thân tâm, danh dự và phúc phận của người ta nhất. Từ xưa đến nay, những bậc hiền thần sĩ tử nổi tiếng đều cự tuyệt và không tham luyến sắc dục. Những câu chuyện tu thân của họ một mạch được truyền tụng mãi cho hậu thế.
Vào thời Tây Hán, Kim Nhật Bi có thể giữ vững quy củ đối với cung nữ mà Hoàng đế ban thưởng cho ông. Vào thời Nam Triều Lưu Tống, Trữ Uyên có ngoại hình cao to và tướng mạo anh tuấn; công chúa Sơn Dương sắp xếp cho ông ngủ ở gian phòng phía Tây trong mười ngày. Đối diện với sự quyến rũ của công chúa, ông vẫn điềm nhiên cung kính đứng gác suốt đêm không ngủ cho đến khi trời sáng, tâm tĩnh như nước.
Khí tiết và phẩm chất cao thượng của những vị hiền thần này đã trở thành hình mẫu cho các thế hệ sau. Trong dân gian thời xưa có nhiều câu chuyện về việc tránh xa sắc dục, giữ vững khí tiết cao thượng khiến cho người khác phải cảm thán và bội phục.
Hà Trừng cự tuyệt dâm dục, trời thưởng bổng lộc
Vào những năm Tuyên Hòa thời Bắc Tống có một người tên là Hà Trừng. Ông tinh thông y thuật, danh tiếng lan truyền khắp nơi. Trong huyện thành có một người tên là Tôn Tử Nhân mắc bệnh đã lâu nhưng không sao trị khỏi. Ông ta nghe nói Hà Trừng có y thuật cao minh nên đã đi khắp nơi hỏi thăm chỗ ở của Hà Trừng để thỉnh mời đến nhà trị bệnh cho mình.
Thê tử của Tôn Sĩ Nhân vẫn còn trẻ, dung mạo lại xinh xắn.
Cô ấy tế nhị nói với Hà Trừng: “Phu quân nhà tôi bệnh tình đã lâu, vì để trị bệnh mà đã bán hết những vật có giá trị trong nhà nhưng bệnh tình vẫn không khỏi. Tiên sinh đích thân đến đây thăm bệnh, tiểu nữ đây xin thật lòng cảm ơn. Nhưng tiểu nữ không có tiền chi trả chi phí trị liệu và thuốc thang. Tiểu nữ xin nguyện dùng thân này để báo đáp.”
Hà Trừng nghe thấy liền lập tức nghiêm nghị nói: “Phu nhân hà cớ gì phải nói những lời hồ đồ như vậy. Gia cảnh phu nhân bần cùng, tôi đây hành y cứu người, lẽ nào tôi có thể giậu đổ bìm leo? Tôi sẽ trị liệu và làm thuốc thang chu đáo cho tướng công của phu nhân mà không lấy phân tiền nào. Nhưng mong phu nhân hãy tự trọng, không cần phải hạ thấp bản thân mình.”
Thê tử của Tôn Sĩ Nhân nghe xong liền vô cùng xấu hổ và cảm kích không thôi.
Tối hôm đó, Hà Trừng nằm mơ thấy mình được một người dẫn đến quan phủ, đi vào điện đường rộng rãi sáng sủa.
Vị quan ngồi trên điện đường nói với ông rằng: “Ông hành y coi trọng đức hạnh, không lợi dụng người khác lúc gặp nguy nan, không làm loạn lễ tiết với nữ nhân, phẩm chất cao thượng đáng quý, làm cảm động Thần minh. Tôi thừa phụng ý chỉ của Ngọc Đế ban thưởng cho ông chức quan và thưởng năm vạn tiền.”
Sau khi Hà Trừng tỉnh giấc chỉ cảm thấy như trải qua một giấc mộng. Một người bốc thuốc khám bệnh ở nơi quê mùa làm sao nhận được phúc lộc! Ông càng không mấy để tâm tới nó.
Nửa năm sau, Đông cung Hoàng thái tử ngã bệnh, ngự y trong hoàng cung đều không trị khỏi được nên cho dán cáo thị khắp nơi trong dân gian để thỉnh mời đại phu có y thuật cao minh. Hà Trừng nhận cáo thị, Hoàng đế hạ lệnh cho mời ông vào cung. Thái tử chỉ dùng hai liều thuốc của Hà Trừng liền khỏi bệnh. Hoàng thượng vô cùng vui mừng, ban cho ông chức quan ngự y và thưởng năm vạn tiền. Lúc này, Hà Trừng đột nhiên nhớ đến những điều đã gặp trong mộng, hết sức kinh ngạc quả nhiên lời nói của Thần minh không sai.
Lưu Lý Thuận ba năm ở chung phòng không loạn
Lưu Lý Thuận là người ở huyện Kỷ, Hà Nam vào thời nhà Minh. Vào thời trẻ, ông được thuê vào đảm nhiệm việc dạy học cho một phú hộ. Phú hộ kính trọng tài năng của Lưu Lý Thuận nên đã gửi một tỳ nữ trẻ tuổi, dung mạo xinh xắn để lo miếng ăn chỗ ở cho ông. Người tỳ nữ này sớm tối đều gần gũi bên cạnh ông để tiện việc sai bảo. Tối đến, người tỳ nữ ngủ cùng phòng với ông.
Mấy chốc đã ba năm trôi qua. Lưu Lý Thuận phải rời quê lên kinh tham gia hội thí nên ông đã nói lời từ biệt với phú hộ. Phú hộ vô cùng cảm kích sự cống hiến dạy học của ông, nhìn thấy ông quyết ý ra đi nên có ý cho người tỳ nữ thông minh xinh đẹp kia đi cùng ông về phủ làm thê thiếp nhằm biểu đạt sự cảm ơn.
Lưu Lý Thuận đáp lại rằng: “Tại hạ nợ ân tình chiếu cố của chủ nhân. Qúy phủ có được một tỳ nữ thông minh lanh lợi, chăm sóc chỗ ăn chỗ ở cho tại hạ suốt ba năm liền, tại hạ vô cùng cảm kích. Mặc dù sớm tối ở cùng phòng với nhau trong nhiều năm nhưng tại hạ chưa từng mạo phạm cô ấy. Tại hạ là người đọc sách thánh hiền, làm sao có thể vi phạm lễ tiết. Tại hạ chưa lập chính thất nên làm sao có thể nạp thê thiếp được!”
Lưu Lý Thuận cự tuyệt lời năn nỉ của phú hộ và đề nghị người tỳ nữ xuất giá, đừng bỏ lỡ hôn sự cả đời.
Phú hộ bán tín bán nghi đối với lời nói của Lưu Lý Thuận, trong tâm thầm nghĩ: “Ba năm qua nam nữ còn độc thân ở cùng phòng với nhau, con người chứ không phải cây cỏ, không thể nào vô tình như vậy. Ba năm qua Lưu tiên sinh vẫn có thể giữ thân như ngọc sao!”
Phú hộ bảo vợ hỏi han người tỳ nữ một cách tế nhị.
Người tỳ nữ nói: “Lưu tiên sinh thường ngày là người rất nghiêm khắc và trang trọng, không hề nói một câu lỡ lời nào, cũng không có hành vi thái quá. Mặc dù thỉnh thoảng nô tỳ có gần gũi phục vụ nhưng ông ấy không hề mảy may có chút nào vượt quá ranh giới, không hề đụng đến nô tỳ chút nào.”
Về sau trải qua nhiều lần kiểm chứng, phú hộ hỏi thăm người tỳ nữ cặn kẽ sự tình. Phú hộ vô cùng cảm thán Lưu tiên sinh quả thật là một vị chính nhân quân tử đạo đức cao thượng! Không chỉ học vấn uyên bác mà còn nhân cách cao cả, thuần phác! Ba năm “tọa hoài bất loạn” (ý tứ là ngồi mà trong lòng vẫn không loạn, ý chỉ người nam đoan chính, dù ở cạnh người nữ mà trong tâm không nảy sinh ý đồ xấu), một chút bụi trần cũng không vướng, như bậc thánh hiền giữ vững sự thuần chính và thanh cao. Thật đáng để ngưỡng mộ!
Có bài thơ khen ngợi rằng:
“Dã dung phương tư huệ tú tiên, tam tải tùy quân nhất thất miên.
Tọa hoài bất loạn chân quân tử, phương tri liễu hạ bất hư truyền.”
Minh Tư Tông năm thứ bảy, Lưu Lý Thuận lên kinh ứng thí, thi đỗ Trạng nguyên đứng đầu bảng vàng. Về sau Lưu Lý Thuận rất có thành tựu về mặt học vấn, trở thành học giả Nho gia nổi tiếng. Những ai hiểu biết về ông đều nói rằng Lưu Lý Thuận có phẩm cách thanh cao như ngọc, đây chính là sự ban thưởng của thượng thiên dành cho ông ấy vậy.
Trích từ:
1. “Ngọc Lịch Bảo Sào, tài liệu phụ lục”
2. Thanh, Hạ Luân: “Giác Thế Thiên Chú Chứng”
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2019/8/11/潔身拒色-神明賜福-391320.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/12/7/181002.html
Đăng ngày 22-12-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.