Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 09-11-2019] Một cư dân thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh đã qua đời vì cuộc bức hại Pháp Luân Công, hai năm rưỡi sau đó, chồng của bà cũng bị bức hại đến chết chỉ vì đức tin chung của họ.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, môn tu luyện bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Trước đây, cả ông Chu Bổn Phú và bà Tôn Kính Mỹ đều bị bắt giữ nhiều lần trong những năm đầu của cuộc bức hại. Trong quãng thời gian từ năm 2002 đến năm 2005, hai vợ chồng họ đã buộc phải di chuyển hết nơi này sang nơi khác để tránh bị bức hại. Ngay sau khi họ phải rời nhà vào năm 2002, cảnh sát đã phát hiện ra một học viên Pháp Luân Công khác tại địa phương đang chăm sóc cho con gái của họ. Học viên này cũng đã bị bắt giữ sau khi cảnh sát đột nhập vào nhà cô. Con gái của họ khi đó mới 13 tuổi đã phải chịu cú sốc lớn đến nỗi bị suy sụp tinh thần.
Năm 2006 cả ông Chu và bà Tôn đều bị kết án 7 năm tù vì đã cùng các học viên khác chèn sóng của một kênh trình truyền hình địa phương để phát sóng các video phơi bày cuộc bức hại. Họ đã bị tra tấn không ngừng trong thời gian bị cầm tù.
Vào thời điểm Ông Chu được trả tự do vào năm 2013, tóc ông đã ngả bạc và xuất hiện các đốm đen trên cơ thể, có thể do hậu quả của việc bị tiêm thuốc độc hại. Ông thường cảm thấy khó chịu ở ngực và thường xuyên bị ho.
Ngày 15 tháng 6 năm 2015, ông Chu và bà Tôn đã đệ đơn kiện hình sự Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của ĐCSTQ vì đã ra lệnh bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999.
Cảnh sát đã liên tục sách nhiễu vợ chồng ông Chu. Áp lực tinh thần từ việc bị cảnh sát đe doạ tiếp tục làm hao mòn sức khoẻ của họ.
Hai năm sau, vào ngày 14 tháng 4 năm 2017, bà Tôn qua đời ở tuổi 61.
Đầu năm 2019, ông Chu nộp đơn xin trợ cấp hưu trí sau khi đủ 60 tuổi, khi đó ông mới biết hồ sơ làm việc trong suốt 31 năm của ông đã bị xoá khỏi hệ thống hưu trí, và ông không được hưởng bất kỳ phúc lợi nào.
Sự hủy hoại về tài chính đó đã khiến ông Chu rơi vào tình cảnh vô cùng khốn khó. Sau lần sách nhiễu khác của cảnh sát vào tháng 8 năm 2019, sức khoẻ của ông nhanh chóng xấu đi chỉ trong 2 tháng và nhiều cơ quan nội tạng của ông đã bị tổn thương nghiêm trọng. Ông qua đời vào ngày 28 tháng 10 năm 2019, bỏ lại cha mẹ già cùng cô con gái.
Ông Chu Bổn Phú
Bước vào tu luyện
Ông Chu trước đây phục vụ trong quân đội và nhiều năm làm việc căng thẳng đã khiến ông mắc nhiều bệnh, từ các vấn đề về dạ dày đến sự khó chịu ở tim, cũng như căn bệnh loét dạ dày và thấp khớp. Ông đã thử nhiều loại thuốc, nhưng không một loại thuốc nào có thể chữa khỏi bệnh tình của ông.
Với sự phổ truyền rộng rãi của Pháp Luân Công ở Trung Quốc vào thời điểm đó, ông đã bắt đầu thực hành môn tu luyện cả tâm lẫn thân này, từ đó nhanh chóng phục hồi sức khoẻ.
Ông chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công trong cuộc sống và đã được trao tặng danh hiệu nhân viên xuất sắc trong bảy năm.
Buộc phải sống xa nhà
Ngày 22 tháng 7 năm 1999, ông Chu đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công. Khi trở về, ông bị đưa đến một trung tâm tẩy não và bị giam giữ ở đó trong 2 tuần.
Ông bị theo dõi suốt ngày đêm và bị bắt phải xem các video và tin tức phỉ báng Pháp Luân Công.
Ngay sau khi ông Chu được trả tự do, vào tháng 1 năm 2000 bà Tôn bị bắt khi bà cũng đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện. Bà đã bị giam giữ trong 26 ngày. Cảnh sát đã tống tiền 4.800 nhân dân tệ từ ông Chu.
Bà Tôn bị bắt giữ một lần nữa vào tháng 7 năm 2000. Đầu tiên bà bị giam giữ hình sự trong một tháng và sau đó là một năm ở trại lao động cưỡng bức. Khi bà không chịu từ bỏ Pháp Luân Công, các tù nhân ở Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia đã tra tấn bà bằng cách véo vào bà khiến toàn thân bà bị bầm tím và vô cùng đau đớn.
Cảnh sát đã nỗ lực bắt giữ ông Chu một lần nữa vào tháng 4 năm 2002. Họ đứng đợi ở bên ngoài nhà ông và nơi làm việc của ông trong 2 tuần để mai phục. Ông Chu và bà Tôn đã buộc phải sống xa nhà.
Con gái của họ khi đó chỉ mới 13 tuổi. Một học viên Pháp Luân Công khác tại địa phương là cô Lý Ngọc Hoa đã nhận nuôi cô bé.
Sau khi cảnh sát phát hiện ra, vào một buổi sáng, họ đã đột nhập vào nhà cô Lý và bắt giữ cô. Con gái của bà Tôn bị tổn thương quá lớn đến mức suy sụp tinh thần, và trở nên kinh hãi mỗi khi nhìn thấy cảnh sát. Một tháng sau, cô Lý bị kết án một năm trong trại cưỡng bức lao động. Sau đó cháu bé đã buộc phải thôi học.
Trong ba năm ông Chu và bà Tôn phải sống lang bạt, họ đã phải thay đổi chỗ ở đến tám lần. Ông Chu kể: “Nỗi sợ hãi thật khó hình dung và không thể diễn tả.”
Bị kết án bảy năm tù
Ngày 5 tháng 9 năm 2005, tám học viên ở Đại Liên, gồm cả ông Chu và bà Tôn đã chèn sóng truyền hình cáp ở huyện Liêu Dương để phát sóng nội dung cuốn Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản trong 90 phút.
Bà Tôn bị bắt không lâu sau đó và ông Chu bị bắt vào ngày 19 tháng 1 năm 2006. Cảnh sát đã tịch thu 17.000 nhân dân tệ tiền mặt từ ông.
Ông Chu bị tra tấn tại Trại tạm giam Liêu Dương vì từ chối học thuộc các quy tắc của trại giam. Ông bị chảy máu dạ dày nghiêm trọng và lâm vào tình trạng nguy kịch.
Sau đó, cả tám học viên đều bị kết án rất nặng.
Ông Dương Bổn Lượng bị bết án mười một năm, và ông Lữ Khai Lợi cùng ông Trương Vĩ mỗi người bị kết án mười năm.
Mẹ của ông Dương, bà Tào Ngọc Trân bị kết án chín năm. Vợ ông, bà Dương Xuân Linh bị kết án bảy năm.
Ông Chu, bà Tôn và ông Trần Minh Tuệ mỗi người bị kết án 7 năm.
Ngoài ông Chu và bà Tôn, cô Dương và ông Trương cũng đã qua đời vào ngày 2 tháng 4 năm 2014 và ngày 6 tháng 10 năm 2019 do bị bức hại.
Bị tra tấn trong tù
Ông Chu bị đưa đến nhà tù Doanh Khẩu vào ngày 12 tháng 5 năm 2006. Ông bị bắt phải lao động cực nhọc từ 5 giờ sáng đến 10 giờ tối. Các lính canh chỉ cho phép ông uống khoảng 100ml nước mỗi ngày. Họ cũng hạn chế việc ông sử dụng nhà vệ sinh cũng như không cho ông tắm rửa trong hai tuần.
Ông Chu có lần còn bị giam trong một phòng quản lý nghiêm ngặt trong một tháng. Tại đó, lính canh trói ông vào một cái ghế trong ba ngày và ra lệnh cho các tù nhân khác đánh đập ông. Lính canh còn cởi bỏ quần áo của ông rồi mở cửa sổ để ông tiếp xúc với nhiệt độ lạnh cóng ngoài trời.
Khi ông Chu được đưa trở lại phòng giam, tù nhân cùng phòng của ông đã rất ngạc nhiên khi ông có thể quay trở lại mà vẫn còn sống.
Ông Chu bị chuyển tới Nhà tù Bản Khê vào ngày 19 tháng 12 năm 2007 và tại đó ông lại tiếp tục bị tra tấn vì từ chối học thuộc các quy tắc của nhà tù.
Cai ngục đã chia 12 tù nhân phạm trọng tội thành ba nhóm và ra lệnh cho họ thay phiên nhau đánh đập ông cả ngày lẫn đêm.
Một số tù nhân phạm trọng tội đã đánh vào đầu ông Chu bằng một chai soda lớn chứa đầy nước. Một số khác chọc vào mắt ông. Một số dẫm lên ngực và chân ông. Và một số khác thì dùng kim châm vào đầu, bàn tay và ngón tay và còn làm bỏng cổ và ngực của ông bằng bật lửa.
Ông Chu không thể đi lại được và hai chân của ông đã bị uốn cong chỉ sau hai tuần bị tra tấn.
Ngoài việc bị tra tấn thân xác, ông còn bị ép phải xem các video tẩy não công kích Pháp Luân Công quanh năm.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/11/9/395612.html
Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2019/11/11/180683.html
Đăng ngày 29-11-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.