Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 28-10-2019] Gần đây, trang Minh Huệ Net đã xác nhận rằng một cư dân thành phố Thiên An, tỉnh Hà Bắc đã qua đời ở tuổi 78 vào ngày 8 tháng 1 năm 2019 sau 20 năm bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.

Bà Phạm Huệ Anh, cựu Phó chủ tịch Hiệp hội Tham vấn Chính trị Nhân dân Trung Quốc của thành phố Thiên An, tỉnh Hà Bắc đã bị tịch thu chứng minh nhân dân vào tháng 7 năm 1999, chỉ vài ngày sau khi cuộc bức hại bắt đầu. Sau đó, bà đã bị bắt nhiều lần vì tu luyện Pháp Luân Công và bà gần như qua đời vì bị bức thực.

Cả hai người con trưởng thành của bà Phạm đang sống ở nước ngoài. Họ đã mời bà xuất ngoại để thăm họ, nhưng hồ sơ xin hộ chiếu của bà bị từ chối vì đức tin của mình. Lương hưu và các phúc lợi khác của bà đã bị tước đoạt vào tháng 2 năm 2001 và quyền lợi của bà đã không được phục hồi. Tổng số tiền bà bị tước đoạt lên tới một triệu nhân dân tệ.

Khi bà Phạm trở nên quá yếu để có thể tự chăm sóc bản thân vì bức hại, các con của bà đã thuê hai người giúp việc để chăm sóc cho bà. Vì mẹ của họ không được phép xuất ngoại để thăm họ, nên hai con của bà đã nhiều lần phải quay lại Trung Quốc để thăm bà. Tình cảnh này đã khiến họ chịu áp lực rất lớn, gây tổn hại nghiêm trọng tới cả tinh thần và tài chính của họ.

Những gì bà Phạm phải chịu đựng chỉ là một trong số hàng triệu trường hợp của các học viên Pháp Luân Công bị bức hại ở Trung Quốc. Dưới đây là câu chuyện của bà vào tháng 4 năm 2015 về trải nghiệm khi tu luyện Pháp Luân Công và những gì bà đã vượt qua trong cuộc bức hại.

Mọi bệnh tật biến mất sau khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công

Tôi từng bị rất nhiều bệnh, bao gồm viêm dạ dày nặng, viêm đại tràng mãn tính và viêm thận. Không một phương thuốc điều trị nào có thể chữa khỏi và tình trạng của tôi ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Cuộc sống của tôi khi đó rất khốn khổ.

Tôi đã vô cùng may mắn khi được giới thiệu Pháp Luân Công vào năm 1997. Ngay sau khi bước vào tu luyện, mọi bệnh tật đã hành hạ tôi hơn 20 năm đã biến mất và tôi cảm thấy như mình có được một cuộc đời mới.

Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu, vì từ chối từ bỏ tu luyện nên tôi đã nhiều lần bị sách nhiễu và nhà của tôi bị lục soát rất nhiều lần từ năm 2001 tới năm 2004.

Tôi đã bị đưa tới trung tâm tẩy não và bị giam giữ trong Trại tạm giam. Tôi bị sỉ nhục và ngược đãi. Lính canh bức thực tôi ba lần khiến tôi suýt chết.

Bị tra tấn trong một trung tâm tẩy não

Giữa tháng 1 năm 2001, giám đốc nơi tôi làm việc đã hỏi tôi có tu luyện Pháp Luân Công nữa hay không. Sau khi tôi trả lời là có, họ đã đưa tôi tới một trung tâm tẩy não. Tôi không được phép ra ngoài và quyền thăm hỏi của gia đình bị tước đoạt. Buổi tối, họ đã khóa tôi trong một căn phòng và tôi không được phép sử dụng nhà vệ sinh.

Lính canh đã đòi 1.000 nhân dân tệ từ mỗi học viên để chi trả cho tiền thức ăn, nhưng họ không cung cấp đủ thức ăn cho chúng tôi. Họ liên tục đánh đập và chửi mắng hay tát vào mặt chúng tôi khi họ thích.

Chúng tôi bị ép buộc phải “huấn luyện quân sự”, bao gồm phải chạy nhiều giờ với bao cát ở trên lưng, đứng yên hoặc ngồi xổm trong thời gian dài.

Khi chân chúng tôi bị sưng và gặp khó khăn trong việc đi lại, họ nâng chân chúng tôi lên và buộc chúng tôi phải bò dưới đất bằng tay. Họ gọi đó là “đẩy xe đẩy”.

Bị bức thực trong trung tâm tẩy não

Sau khoảng một tháng bị tra tấn trong trung tâm tẩy não, tôi bị đưa tới trại tạm giam Thiên An trong thời gian Tết Nguyên Đán với tội danh “gây bất ổn xã hội”, một cái cớ phổ biến được sử dụng hòng buộc tội các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc.

Khi trời rất lạnh và có tuyết rơi. Lính canh đã cởi quần áo ấm, giày dép và không cho tôi chăn đắp để ngủ. Dưới nhiệt độ băng giá ở miền Bắc Trung Quốc, tôi đã run rẩy hàng đêm vì lạnh.

Vào mùa hè, vì trại giam rất đông đúc nên chúng tôi bị buộc phải ngủ dưới nền nhà. Đầu của tôi nằm sát cạnh nhà vệ sinh và hai tay tôi bị muỗi đốt đầy.

Phó giám đốc trại tạm giam từng dùng đế giày nhựa để đập vào mu bàn tay của tôi. Tay tôi sưng phồng và chuyển sang màu xanh đen. Ông ta cũng còng tay tôi vào cửa sổ ở hành lanh trong nhiều ngày. Tôi không thể tắm hay thay quần áo.

Tôi đã tuyệt thực để phản đối việc giam giữ tùy tiện và đã bị bức thực ba lần.

Tháng 5 năm 2001, vào ngày thứ tám tôi tuyệt thực, lính canh trại giam đã quyết định bức thực tôi. Tôi bị tám cảnh sát có vũ trang giữ trên một tấm gỗ. Bốn nhân viên ý tế đã nhét ống dẫn thức ăn qua lỗ mũi rồi vào dạ dày tôi và giữ nó qua đêm khiến cho tôi vô cùng đau đớn.

Hai tháng sau đó, họ bức thực tôi một lần nữa. Giống như lần đầu, tôi đã bị một nhóm cảnh sát có vũ trang đè giữ. Tôi vặn người để chống cự và nôn ra tất cả những gì họ đã bức thực vào dạ dày tôi. Tôi rất yếu, cảnh sát sợ rằng tôi có thể bị chết trong trại giam nên họ đã trả tự do cho tôi.

Cổ họng của tôi bị ngứa và ho không ngừng, toàn thân tôi cảm thấy rất mệt.

20 ngày sau, cảnh sát đã tới và đưa tôi trở lại trại giam.

Tháng 10 năm 2001, cảnh sát xúi giục các nữ tội phạm hình sự tìm kiếm các học viên Pháp Luân Công. Rất nhiều người trong chúng tôi bị kéo lê và đánh đập. Chúng tôi lại bắt đầu một lần tuyệt thực nữa.

Vào chiều tối ngày tuyệt thực thứ tám, tôi đã bị hai tù nhân nam kéo ra ngoài. Một trong số họ nói: “Người phụ nữ này nặng không đến 30kg (tôi cao 1.66m)”.

Họ ném tôi vào một tấm gỗ và hai nhân viên y tế dùng kìm để buộc tôi mở miệng. Môi của tôi bị cắt và răng bị gãy. Lần này, họ muốn nhét ống dẫn thức ăn qua miệng của tôi. Nhưng tôi đã nghiến chặt răng lại khiến họ không thể mở được miệng của tôi. Do đó, họ đã nhét ống dẫn thức ăn qua lỗ mũi của tôi một lần nữa.

Vì một vài lý do mà lần này họ không thể nhét được ống dẫn vào dạ dày của tôi, do đó họ đẩy ống dẫn vào mũi phải của tôi một cách ngẫu nhiên. Nó vô cùng đau đớn và máu đen đã chảy ra từ mũi của tôi. Tôi gần như đã chết.

Vào tối ngày tuyệt thực thứ chín, tôi được trả tự do vì lính canh lo lắng rằng tôi có thể bị chết tại trại tạm giam.

Bị bức hại về tài chính

Sau khi tôi trở về nhà, cảnh sát đã tiếp tục sách nhiễu và lục soát nhà tôi rất nhiều lần. Họ cũng tới Bắc Kinh hai lần để sách nhiễu gia đình con trai tôi, cuối cùng buộc con trai tôi phải nghỉ việc và ra nước ngoài sinh sống.

Năm 2007, vào ngày thứ hai của Hội nghị Toàn quốc lần Thứ 17 của ĐCSTQ, tôi bị bắt một lần nữa và bị giam giữ 25 ngày. Cảnh sát tịch thu máy tính, sách Pháp Luân Công và các tài sản cá nhân khác của tôi.

Lương hưu của tôi bị tước đoạt từ tháng 2 năm 2001, tôi tìm đến Lôi Cần, Chủ tịch Hiệp hội Tham vấn Chính trị của thành phố Thiên An để yêu cầu họ trả tiền lương cho tôi. Tôi đã phải chạy lòng vòng giữa các cơ quan khác nhau nhưng vẫn không lấy lại được lương hưu của mình.

Tôi đã đệ đơn kiện tới chính quyền trung ương và Viện Kiểm sát Tối cao ở Bắc Kinh nhưng vẫn không nhận được hồi âm.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/10/28/395131.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/11/11/180686.html

Đăng ngày 21-11-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share