Mẫu hình về người phụ nữ truyền thống
[MINH HUỆ 01-11-2011] (Tiếp theo Phần 2)
3. Hoàng hậu Đường Trưởng Tôn
Trưởng Tôn hoàng hậu là con gái của tướng quân Trưởng Tôn Thịnh, là Kiêu Vệ tướng quân nhà Tùy. Tám tuổi mất cha, nàng được người bác là Cao Sĩ Liêm nuôi dưỡng. Năm 13 tuổi, nàng được gả cho Lý Thế Dân. Lý Thế Dân lên ngôi được 13 ngày thì sắc phong cho nàng làm hoàng hậu. Sau khi lên ngôi Hoàng hậu, nàng thường mượn tích xưa mà nói về chuyện thời nay, nắn chỉnh lại những sai sót trong việc trị vì của Lý Thế Dân, bảo hộ cho những đại thần trung thành, chính trực, dốc sức vì quốc gia. Nàng lần lượt sinh hạ cho hoàng đế ba người con trai và bốn người con gái. Nàng qua đời vào năm Trinh Quán thứ 10 (năm 636). Tên thụy là Văn Đức Hoàng hậu. Lý Thế Dân vinh danh nàng là “gia ngẫu” (Người bạn đời đáng trọng) và “lương tá” (Người phò tá đắc lực) và cho xây đài vọng nhìn về phía lăng hoàng hậu mà hoài niệm.
Trưởng Tôn hoàng hậu sinh trưởng trong gia tộc làm quan, từ nhỏ đã tiếp thụ được sự giáo dục chính thống, thông tình đạt lý, hình thành nên phẩm chất hiền thục dịu dàng, thiện lương chính trực. Khi còn nhỏ, một thầy bói gieo quẻ Bát Tự cho nàng đã nói rằng: “Như quẻ Khôn che chở vạn vật, đức dày vô biên, người người quy thuận, tôn quý không thể diễn tả bằng lời”.
Trưởng Tôn năm 13 tuổi đã được gả cho người con thứ Lý Uyên trấn giữ tại Thái Nguyên, là Lý Thế Dân, năm đó mới 17 tuổi. Dẫu tuổi còn nhỏ, nhưng nàng đã có thể làm trọn đạo của người phụ nữ, hầu hạ cha mẹ chồng chu đáo, trợ giúp chồng, dạy dỗ con cái.
Tháng tám năm Vũ Đức Đường Cao Tổ thứ chín, Lý Thế Dân đăng cơ, vương phi Trưởng Tôn trở thành Trưởng Tôn hoàng hậu, bậc mẫu nghi thiên hạ, ứng nghiệm cho dự ngôn “Như quẻ Khôn che chở vạn vật”. Trưởng Tôn thị không vì thế mà kiêu căng ngạo mạn, mà vẫn như xưa giữ gìn mỹ đức hiền lương, cung kính, cần kiệm. Đối với Thái thượng hoàng Lý Uyên đã thoái vị an hưởng tuổi già, nàng hết sức cung kính, phụng dưỡng chu đáo, tỉ mỉ. Mỗi ngày sớm tối nàng đều tới thỉnh an, và luôn nhắc nhở cung nữ hầu cận bên cạnh Thái thượng hoàng chăm sóc việc ăn ở ngủ nghỉ của ngài như thế nào, giống như một người con dâu bình thường tận sức làm trọn đạo hiếu. Đối với phi tần hậu cung, Trưởng Tôn hoàng hậu cũng rất khoan dung và chung sống hòa thuận. Phẩm chất đoan trang của nàng ảnh hưởng và cảm hóa tới toàn bộ không khí nơi hậu cung, khiến Đường Thái Tông không phải phiền lòng bởi những chuyện thị phi chốn hậu cung, mà có thể chuyên tâm tận chí lèo lái quốc gia đại sự. Mặc dù Trưởng Tôn hoàng hậu xuất thân gia thế cao quý, nay lại có được cả thiên hạ, nhưng nàng vẫn nhất mực tôn sùng lối sống cần kiệm và đơn giản. Quần áo vật dụng của nàng cũng không yêu cầu phải lộng lẫy xa hoa, chuyện yến ẩm, chúc tụng xưa nay cũng không phô trương. Nhờ vậy, nàng đã dẫn dắt được lối sống chất phát thành thật trong hậu cung.
Vì ngôn hành của Trưởng Tôn hoàng hậu chính trực, hợp đạo lý nên Đường Thái Tông vô cùng kính trọng, thường cùng nàng đàm luận quốc gia đại sự cho đến những việc nhỏ như thưởng phạt. Trưởng Tôn hoàng hậu tuy có kiến giải riêng nhưng nàng không nguyện dùng thân phận đặc biệt của bản thân mà can dự vào quốc gia đại sự.
Nàng cho rằng nam nữ hữu biệt, mỗi người nên làm tròn chức phận của mình nhưng Đường Thái Tông vẫn muốn kiên trì lắng nghe cách nhìn nhận của nàng. Trưởng Tôn hoàng hậu không thể từ chối nên thường đưa ra kiến giải sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng: “Nghĩ về điều bất an ngay trong cả thời bình, dùng người hiền đức, tiếp nhận can gián, ngoài những điều đó ra thiếp cũng không hiểu gì.”
Quan đại thần Ngụy Trưng nổi tiếng là người dám can gián vua, ông thường trực tiếp chỉ ra những hành vi và chính sách không thoả đáng của Thái Tông, tận lực khuyên vua cải chính. Đường Thái Tông đối với ông vừa kính trọng vừa nể sợ, thường gọi ông là “Vị trung thần can gián”. Một lần nọ, Đường Thái Tông đột nhiên cao hứng, dẫn theo một đoàn cận thần, hộ vệ ra vùng ngoại thành săn bắt. Đợi tới khi Thái Tông chuẩn bị xuất cung thì gặp ngay Ngụy Trưng.
Ngụy Trưng hỏi rõ tình hình rồi thưa với Thái Tông rằng: “Hiện giờ mới chỉ là tháng thứ hai của mùa xuân, vạn vật mới sinh sôi, muôn thú còn đang cho con bú mớm, không nên săn bắt, thỉnh hoàng thượng hồi cung.”
Thái Tông kiên quyết xuất cung du ngoạn, Ngụy Trưng quyết không thỏa hiệp, đứng chặn giữa đường kiên quyết không cho Thái Tông đi qua. Đường Thái Tông không kiềm được cơn giận, xuống ngựa và giận dữ hồi cung.
Đường Thái Tông hồi cung gặp Trưởng Tôn hoàng hậu, tức giận nói: “Nhất định phải giết lão ngoan cố Ngụy Trưng này, mới có thể trút được cơn hận trong lòng ta!”
Trưởng Tôn hoàng hậu hỏi rõ nguyên do, nàng cũng không nói gì, chỉ lặng lẽ quay trở lại khuê phòng, sửa soạn lễ phục. Sau đó, nàng vào bái kiến Đường Thái Tông với dung mạo trang trọng khấu đầu mà bái rằng: “Cung chúc bệ hạ!”.
Cử chỉ này của Trưởng Tôn hoàng hậu khiến Đường Thái Tông không hiểu đang xảy ra chuyện gì, Thái tông ngạc nhiên hỏi: “Có việc gì làm cho hoàng hậu thận trọng như vậy?”
Trưởng Tôn hoàng hậu nghiêm túc trả lời: “Thiếp nghe là minh chủ mới có đại thần chính trực, nay Ngụy Trưng chính trực thì có thể thấy bệ hạ là bậc minh chủ. Thiếp cung chúc bệ hạ.”
Đường Thái Tông nghe xong trong tâm sợ hãi, cho rằng Hoàng hậu nói có lý, phút chốc đám mây đen che phủ khắp bầu trời đều tiêu tan.
Con trưởng của Trưởng Tôn hoàng hậu là Lý Thừa Càn từ nhỏ đã được lập làm thái tử. Khi đó trong cung thực hành chế độ tiết kiệm chi phí nên trong cung thái tử cũng không ngoại lệ, chi phí hết sức chặt chẽ. Người quản lý tài vật trong cung nhiều lần đề xuất tăng chi phí. Tuy vậy, Trưởng Tôn hoàng hậu không vì người con yêu quý của mình mà mở cửa sau. Hoàng hậu nói: “Thân là người kế thừa vương vị, nên biết lo nghĩ về đức hạnh và danh tiếng chứ không nghĩ về thiếu thốn vật chất hay tiền tài.”
Sự công chính và trí huệ của hoàng hậu được mọi người trong cung kính phục sâu sắc, ai nấy đều nguyện ý nghe theo sự sắp đặt của nàng.
Trưởng Tôn Vô Kỵ là anh trai của Trưởng Tôn hoàng hậu, văn võ song toàn, trợ giúp Lý Thế Dân thu phục thiên hạ, lập công lớn cho đất nước, lẽ ra nên được ban chức quan cao. Tuy nhiên, vì em gái là Hoàng hậu nên ngược lại ông luôn tránh hiềm khích, không muốn người khác đàm tiếu về mình.
Đường Thái Tông nguyên là muốn Trưởng Tôn Vô Kỵ đảm nhận chức Tể tướng, nhưng Trưởng Tôn hoàng hậu thưa rằng: “Thiếp vốn dĩ đã được làm Hoàng hậu, vị trí chí tôn. Thiếp quả thực không mong muốn huynh đệ của mình tham dự triều chính, như thể người một nhà. Chúng ta đã có bài học giáo huấn của Lã Hậu thời nhà Hán rồi. Khẩn cầu Hoàng thượng anh minh, đừng để huynh trưởng của thiếp làm Tể tướng!”
Không còn cách nào khác, Đường Thái Tông đành để ông làm chức Khai Phủ Nghĩa Đồng Tam Ty, vị trí thanh cao nhưng không thực sự nắm quyền chính sự. Trưởng Tôn Vô Kỵ vẫn từ chối nhận chức với lý do là: “Thần là người ngoại tộc, nhận chức quan cao e rằng người trong thiên hạ sẽ nói bệ hạ vị tư.”
Đường Thái Tông nghiêm mặt nói: “Trẫm tuyển người làm quan, có tài thì dùng, nếu như bất tài thì dẫu là thân thích trẫm cũng không dùng. Tương Ấp Vương Thần Phù là một ví dụ. Nếu như có tài mà có thù với trẫm thì trẫm cũng không tránh, như Ngụy Trưng là ví dụ (Trước khi Lý Thế Dân lên ngôi thì Ngụy Trưng đứng ở phe đối nghịch, ông ủng hộ huynh trưởng của Lý Thế Dân lên ngôi). Hôm nay cũng vậy, quyết định của trẫm tuyệt đối không phải là vì tình riêng.”
Lúc này Trưởng Tôn Vô Kỵ mới phải đồng ý.
Công chúa Trường Lạc như hòn ngọc minh châu trên tay của Đường Thái Tông và Trưởng Tôn hoàng hậu. Khi xuất giá, công chúa đề xuất với phụ mẫu về mong muốn của hồi môn gấp bội so với trưởng công chúa Vĩnh Gia. Ngụy Trưng nghe được việc liền thượng triều tấu rằng: “Lễ của công chúa Trường Lạc cao hơn trưởng công chúa Vĩnh Gia về tình về lý mà xét là không hợp lý, lớn nhỏ cần có trật tự. Quy chế có quy định, khẩn xin bệ hạ đừng để người đàm tiếu!”
Đường Thái Tông vốn không đồng tình với những lời này, sau khi hồi cung Thái Tông buột miệng nói những lời của Ngụy Trưng cho Trưởng Tôn hoàng hậu nghe. Trưởng Tôn hoàng hậu vô cùng coi trọng việc này. Nàng khen rằng: “Thiếp thường nghe bệ hạ lễ trọng Ngụy Trưng mà không rõ lý do vì sao; nay nghe lời can gián này, quả thực đã dẫn lễ nghĩa mà ức chế được tư tình của bậc quân chủ, đúng thật là bậc đại thần của xã tắc. Thiếp và bệ hạ kết tóc làm phu phụ, tình thâm ý trọng, e rằng bệ hạ vị trí cao sang, mỗi lời nói ra trước tiên cần nhìn sắc mặt bệ hạ, không dám khinh suất mạo phạm. Ngụy Trưng là thần tử không thân cận mà nói được những lời như vậy, thực là hiếm có, bệ hạ không thể không nghe theo.”
Vậy nên nhờ tác động của Trưởng Tôn hoàng hậu, công chúa Trường Lạc xuất giá mà không mang theo của hồi môn hậu hĩnh.
Sau việc này, Trưởng Tôn hoàng hậu ban thưởng cho Ngụy Trưng 400 cuộn lụa và 400 quan tiền, và truyền tin rằng: “Nghe nói khanh là người chính trực, bây giờ mới được diện kiến, nên vô cùng trân quý; khanh nên giữ vững tâm này, chớ thay đổi.”
Ngụy Trưng được Trưởng Tôn hoàng hậu ủng hộ và khích lệ nên ông lại càng tận trung tận lực vì quốc gia.
Vào năm Trinh Quán thứ tám, Trưởng Tôn hoàng hậu cùng Đường Thái Tông đến thăm Cửu Thành Cung, trên đường hồi cung thì nàng mắc phong hàn, lại thêm bệnh cũ tái phát, bệnh tình ngày càng trầm trọng. Thái tử Thừa Càn thỉnh cầu đại xá phạm nhân đưa họ đến đạo quán để cầu phúc cho mẫu hậu khỏi bệnh, quần thần đồng thanh thành tâm cầu niệm cho hoàng hậu, ngay cả người chính trực như Ngụy Trưng cũng không có ý kiến khác, nhưng bản thân Trưởng Tôn hoàng hậu kiên quyết phản đối.
Hoàng hậu nói: “Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên, không phải sức người có thể lay chuyển. Nếu như tu phúc có thể kéo dài thọ mệnh thì ta chưa bao giờ làm điều ác; nếu hành thiện vô hiệu thì cầu phúc có ích gì? Xá miễn tội nhân là quốc gia đại sự; đạo quán cũng là nơi thanh tĩnh, không cần vì ta mà làm rối lên, huống chi ta chỉ là một người phụ nữ, mà làm loạn pháp thiên hạ!”
Hoàng hậu biết rõ đại cuộc, cuối đời không vì bản thân mà làm ảnh hưởng tới quốc sự. Dân chúng ai nấy nghe đều rơi lệ. Đường Thái Tông cũng chỉ biết chiểu theo ý tứ của hoàng hậu mà làm.
Lúc hấp hối, Trưởng Tôn hoàng hậu vẫn khẩn thiết dặn dò Đường Thái Tông thiện đãi hiền thần, không được để người thân gia đình hoàng hậu làm quan cao; và thỉnh cầu sau khi mình chết thì an táng thật đơn giản.”
Đường Thái Tông vô cùng đau khổ. Ông cho xây một ngôi nhà nhỏ trên đường xếp bằng gỗ bên ngoài Nguyên Cung, lệnh cho người trong cung đến hầu hạ hoàng hậu như khi nàng còn sống. Ông cũng cho xây đựng một đài quan sát trong cung, cuối mỗi ngày ông đều lên vọng nhìn về lăng Hoàng hậu. Dẫu đài vọng bị huỷ theo lời can gián của Ngụy Trưng, nhưng tình cảm và niềm thương tiếc dành cho Trưởng Tôn hoàng hậu của Thái Tông quả là không thể diễn tả bằng lời, khiến lòng người thương xót.
Ba vị Hoàng hậu được nhắc đến trong bài viết này có thể nghiêm túc tuân theo và thực hành quy phạm đạo đức mà thiên địa Thần minh truyền lại cho thế nhân: Nhu hòa đôn hậu, hiền thục thiện lương, thông tình đạt lý, tương trợ chồng dạy dỗ con cái. Họ không chỉ dành được sự tôn trọng từ chồng mình, mà còn được hậu thế kính ngưỡng. Vì thế mà họ được tôn là bậc hoàng hậu hiền đức thiên cổ, hơn nữa còn là mẫu hình cho người phụ nữ truyền thống.
(Hết)
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2011/11/1/248514.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2011/12/20/130232.html
Đăng ngày 31-08-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.