[MINH HUỆ 02-11-2009] Con xin kính chào Sư phụ! Chào các bạn đồng tu!
Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp tương đối sớm. Tôi tốt nghiệp đại học và làm việc trong ngành công nghệ, nhưng phần lớn thời gian tôi làm công việc hành chính trong vai trò lãnh đạo chứ không phải làm công việc kỹ thuật. Sau khi tôi bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi cảm thấy miễn là tôi làm tốt công tác của mình, tôi không cần phải học những kỹ năng khác nữa.
Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công xảy ra, tôi tham gia thành lập các điểm sản xuất tài liệu địa phương. Trong thời gian đó, tôi không ý thức được tầm quan trọng của các kỹ năng về máy tính, chưa kể đến việc tôi cần cải thiện những kỹ năng của bản thân. Tôi đã nghĩ rằng nếu có vấn đề gì xảy ra với máy móc, tôi chỉ cần nhờ một kỹ thuật viên sửa nó là được. Tôi không hề nghĩ đến vấn đề an toàn hay tiết kiệm tiền.
Người điều phối viên địa phương đã khuyên tôi nên học cách in sách Đại Pháp. Nhưng trong hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc bức hại, không có người dạy cho tôi. Tôi đã nghĩ, tôi có Sư phụ, tôi có Pháp, vậy nên đệ tử Đại Pháp làm bất kể một việc gì cũng đều là xuất sắc nhất. Tôi bắt đầu dụng tâm học hỏi công việc này, và cuối cùng tôi đã có thể làm được. Một hôm, điều phối viên đưa cho tôi xem một cuốn sách Đại Pháp được in bởi một đồng tu. Tôi nhìn qua và ngay lập tức chỉ ra vấn đề mà tôi thấy. Bởi vì in sách Đại Pháp là một việc nghiêm túc phi thường, chúng ta không thể phạm lỗi. Điều phối viên hỏi liệu tôi có thể in 10 cuốn sách Đại Pháp trong một ngày được không, tôi nói được.
Đầu tiên, tôi in 11 bìa sách. Người đồng tu bên cạnh tôi hỏi: “Làm sao anh có thể làm đúng ngay lần đầu tiên trong khi những người khác không thể vậy nhỉ?” Tôi mỉm cười và trả lời: “Đơn giản thôi, bởi vì không chỉ có một mình tôi đang làm.” Bạn đồng tu ngay lập tức hiểu ra.
Công việc này khá dễ dàng, nhưng tôi nhớ lúc mới bắt đầu rất khó khăn. Tôi liên tục phạm lỗi, phàn nàn rằng máy móc không tốt và đồng tu không cẩn thận. Tôi đã không hướng nội chút nào và kết quả trở nên tệ hơn.
Sư phụ giảng:
“Nói cách khác, dẫu chư vị là ở lĩnh vực nào, thì phương diện kỹ năng của chư vị có thể đề cao là biểu hiện sau khi chư vị không ngừng khiến cảnh giới của mình đề cao, trên biểu hiện là chư vị đang làm người tốt, đang tu tâm; từ giác độ con người mà nói thì chư vị đang trở thành người tốt; vì học Pháp nội tu [và] chư vị thực thi càng ngày càng tốt, [nên] chư Thần mới cấp cho chư vị trí huệ mà chư vị đáng được có và cấp cho chư vị linh cảm, khiến chư vị trong học tập mà minh bạch ra rất nhiều [điều], khiến chư vị sáng tạo ra những thứ tốt đẹp hơn, khiến chư vị có kỹ thuật cao hơn, khiến chư vị vượt lên.” (Giảng Pháp tại Pháp hội thành phố Los Angeles [2006])
Những lời của Sư phụ đã thức tỉnh tôi ngay lập tức. Tôi ngộ ra rằng nếu tôi muốn học tốt kỹ thuật, tôi cần phải học cách tu tâm tính bản thân trước. Tôi cần tĩnh tâm, cư xử như một sinh mệnh cao tầng, không mang những suy nghĩ phụ diện, hợp tác tốt với các đồng tu, và học Pháp thật tốt. Cùng với sự đề cao cảnh giới, tâm từ bi của tôi sẽ lớn lên, hoàn cảnh xung quanh tôi sẽ thay đổi và mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp.
Vì môi trường tu luyện ở Trung Quốc Đại lục khó khăn, rất nhiều đồng tu đã mua máy MP3 và MP4 để nghe Pháp và xem các bài giảng của Sư phụ. Nhưng điều này phát sinh vấn đề an toàn khi máy cần sửa chữa. Nếu một người có thể xóa các tài liệu Đại Pháp ra khỏi máy thì không sao, nhưng nếu không thì khi một kỹ thuật viên người thường sửa máy, họ sẽ phát hiện ra tài liệu liên quan đến Đại Pháp. Vì vậy, một số đồng tu đã nhờ tôi sửa máy MP3 hoặc MP4 của họ. Song, tôi đã nói rằng tôi không biết gì về những loại máy đó.
Một hôm, điều phối viên đưa tôi một chiếc máy MP4 đắt tiền, nó có giá khoảng trên 1.000 tệ. Nó đã bị sạc điện quá lâu và không kết nối với máy tính. Anh ấy không thể mang ra ngoài sửa nên anh đã hỏi tôi rằng liệu tôi có thể học cách sửa nó không. Tôi cảm thấy lúng túng và khó xử. Thực sự tôi không có chút kiến thức cơ bản nào. Nếu tôi không sửa thì sẽ ảnh hưởng đến việc sử dụng máy của đồng tu. Tôi bèn tìm trong các đồng tu xung quanh, nhưng dường như tôi là người phù hợp nhất để sửa nó. Mặc dù chuyên ngành của tôi không phải điện tử, chỉ là có chút liên quan. Dù tôi vẫn nhớ mang máng về điện dung, độ tụ cảm, điện trở, triôt (đèn ba cực), nhưng tôi hoàn toàn quên cách để sử dụng những kiến thức hữu hạn này.
Vào lúc ấy, một quan niệm người thường hiện lên trong tâm trí tôi. Tục ngữ có câu: “Nhân quá tam thập bất học nghệ” (Không nên học kỹ thuật sau 30 tuổi). Nếu bạn nhìn vào các cửa hàng sửa chữa, các kỹ thuật viên đều là người trẻ tuổi; vì những linh kiện máy rất nhỏ nên họ cần phải có thị lực tốt. Một đồng tu cố gắng thuyết phục tôi: “Thôi nào, hãy nhận nhiệm vụ này đi, cậu là người duy nhất có kiến thức cơ bản về lĩnh vực này; chúng tôi còn có thể hỏi ai đây? Chúng ta có thể gặp vấn đề nghiêm trọng về an toàn nếu tài liệu Đại Pháp trong những chiếc máy đó bị phát hiện.” Tâm tôi chấn động. Tôi nhớ đến lời giảng của Sư phụ:
“Khi tư tưởng của con người chiếm thượng phong, thì vị ấy bước hướng sang phía ‘con người’; khi tư tưởng của Thần và chính niệm của con người chiếm thượng phong, thì vị ấy bước hướng sang phía ‘Thần’.” (Giảng Pháp tại Pháp hội San-Francisco năm 2005)
Tôi đã chấp nhận thử thách này.
Khởi đầu thật gian nan. Khi tôi cẩn thận mở máy MP4, tôi đã bị sốc – những phần tử bé xíu chằng chịt đó là gì? Tôi nghĩ đến việc bỏ cuộc, nhưng tôi lại nghĩ, mình là một học viên, những gì mình làm hôm nay có thể trở thành tham chiếu cho tương lai. Tham chiếu đó là gì? Là học cách lùi bước khi gặp khó khăn ư? Ngay lập tức, tôi quyết định đối mặt với vấn đề thay vì thoái lui. Tôi bắt đầu nghiên cứu và hiểu ra rằng phần tử nhỏ được gọi là linh kiện dán. Vì tôi đã học kỹ thuật này trước đây, tôi biết về hàn thiếc và hàn dán. Tôi hiểu về thiết bị thí nghiệm đa năng và có thể đọc sơ đồ mạch. Tất cả điều này nhanh chóng mở đường cho tôi hiểu về kỹ thuật.
Tôi nhớ chiếc máy MP4 đầu tiên tôi sửa. Vấn đề của nó là không phát ra âm thanh. Tôi cẩn thận mở nó ra và kết nối mạch, rồi tôi lắp lại và thử chọn nhạc luyện công. Tôi đã rất vui khi nghe thấy giọng nói của Sư phụ và âm nhạc, và tôi trả lại máy nghe nhạc đó cho đồng tu. Thật không ngờ, chiếc máy đó đã được gửi lại cho tôi vào ngày hôm sau. Đồng tu đó chỉ có thể nghe nhạc luyện công chứ không nghe được các bài giảng Pháp Luân Công. Cô ấy rất thất vọng, và tôi cũng vậy. Tôi hướng nội tìm. Tôi không biết sự khác biệt giữa MP4 và MP3 và tôi tin rằng khi mở được nhạc luyện công thì cũng sẽ mở được bài giảng Pháp, nhưng tôi đã gây ra nhiều lo lắng cho vị đồng tu này. Tôi quyết tâm tìm hiểu sự khác biệt giữa máy nghe nhạc MP3 và máy nghe nhạc MP4.
Tôi bắt đầu từ những mạch cơ bản, đơn giản đến những mạch phức tạp. Tôi học những kiến thức cơ bản và áp dụng ngay vào thực tế. Nhiều đồng tu đã mang cho tôi các thiết bị cũ để thực hành và một số cho tôi mượn sách sửa chữa. Tôi biết điều đó là Sư phụ khích lệ tôi. Đôi khi tôi ngồi một chỗ trong vài giờ. Các đồng tu nói đùa: “Hồi còn học đại học anh không siêng năng như vậy đúng không?” Tôi công nhận: “Anh nói đúng rồi.” Tôi tự khuyến khích bản thân – là một học viên, nếu làm điều gì đó thì hãy chắc chắn làm cho thật tốt.
Dĩ nhiên, tôi không thể hoàn thành bất cứ điều gì nếu không có sự bảo hộ của Sư phụ. Tôi nhớ trong những ngày đầu, một đồng tu đã đưa tôi một máy MP4 loại tốt nhất. Nó không khởi động được. Vì không thể tìm thấy phần sụn tôi cần, tôi đã phải đến một cửa hàng sửa chữa để cài nó. Tôi định dạng lại máy MP4 và nghĩ rằng các tệp tin trong máy không còn nữa. Thợ sửa chữa nói rằng anh ta sẽ sửa trong tối hôm đó và bảo tôi đến lấy vào ngày hôm sau. Khi tôi quay lại, thợ sửa chữa nói: “Xin lỗi, tôi không thể tìm thấy phần sụn anh đã nói, thêm nữa nó không thể kết nối với máy tính.” Tôi lấy chiếc MP4 đó và bật nó lên. Màn hình máy hiện lên “Giảng Pháp cho các học viên Úc Châu.” Tôi đã rất ngạc nhiên; sau khi định dạng lại nó vẫn giữ nguyên tiêu đề của tài liệu. Tôi lập tức hiểu ra rằng Sư phụ đang bảo hộ tôi. Bảo sao mà thợ sửa chữa không thể kết nối được với máy tính. Là có lý do của nó!
Dần dần, tôi có được kiến thức để có thể sửa chữa máy MP3 và MP4. Khi các đồng tu đưa máy cho tôi để sửa, hầu hết chúng đều có thể được “chữa khỏi” ngay lập tức. Tất nhiên tôi đã làm tất cả một cách tự nguyện. Sư phụ đã ban cho tôi mọi thứ, kể cả cuộc đời tôi; những gì tôi đã làm trước đây hầu như không có ý nghĩa.
Tôi nhớ đến một điều khiến tôi xúc động sâu sắc. Học viên A đưa cho tôi một chiếc điện thoại di động nắp trượt để sửa chữa. Điện thoại đó thuộc dòng đắt tiền. Tôi mở nó ra và tìm ra nguyên nhân gây lỗi, nhưng tôi không chắc là mình có thể sửa nó và giải thích tình hình cho anh ấy. Anh ta sợ nên đã lấy lại. Vài ngày sau, học viên B cũng đưa cho tôi một chiếc điện thoại di động giống như vậy để sửa. Lỗi cũng tương tự. Tôi giải thích cho anh ấy như tôi đã giải thích cho học viên A. Anh trả lời: “Đừng lo lắng, anh cứ làm đi và thử cái này. Nếu anh không thể sửa được, anh cứ giữ nó mà nghiên cứu và thử nghiệm thêm để nâng cao kỹ năng, theo đó sau này anh có thể giúp đỡ người khác.” Tôi vô cùng xúc động và không lo lắng nữa. Tôi đã sửa nó tốt. Sau đó học viên B nói với tôi: “Anh sửa giỏi quá, âm thanh bây giờ nghe rõ hơn nhiều, thậm chí còn rõ hơn lúc còn mới.” Tôi biết điều này là do tâm tính của anh ấy tốt. Học viên A sau khi nghe thấy điều này đã đưa lại điện thoại di động cho tôi. Tôi cảm thấy rằng tâm tính của anh ấy không tốt bằng học viên B, và tôi đã so sánh họ trong lúc sửa. Nó làm tôi phân tâm và khiến tôi vô tình làm hỏng nhiều linh kiện hơn; tôi bắt đầu lo lắng. Tôi đã nghĩ: “Học viên A không tốt bằng học viên B, cho nên mới như vậy.” Tôi biết đây không phải là suy nghĩ của tôi và cố gắng hết sức để loại bỏ nó. Cuối cùng, tôi cũng hoàn thành công việc vào ngày hôm sau.
Thông qua những sự việc này, tôi nhận ra rằng bản thân công việc không phải là tu luyện, nhưng trạng thái tu luyện sẽ phản ánh trong việc sửa chữa của tôi. Nâng cao kỹ thuật sửa chữa không phải là mục đích, mà mục đích chân chính là tôi đề cao tâm tính để cứu nhiều chúng sinh hơn. Nhờ công việc sửa chữa này, tôi ngộ ra rằng nếu mục đích của tôi minh xác và đồng hóa với Pháp, Sư phụ và Pháp sẽ ban cho tôi trí huệ, và sau đó kỹ năng của tôi sẽ được cải thiện. Kỹ thuật của tôi có thể cải thiện bởi vì tâm tính của tôi đã được đề cao, chứ không phải vì tôi học tốt kiến thức của người thường.
Một số đồng tu khen ngợi tôi, nói rằng tôi rất có năng lực. Tôi nghĩ, cho dù bằng cấp của tôi cao đến đâu, bất kể tôi có được kỹ năng đặc biệt nào, ngay cả khi tôi nắm giữ kiến thức của toàn bộ nhân loại, tất cả sự tồn tại đó đều vì Chính Pháp. Như Sư phụ giảng:
“Có vị về phương diện này có năng lực mạnh hơn một chút, có vị về phương diện kia mạnh hơn một chút, chư vị không được vì thế mà suy nghĩ hoang tưởng, chư vị nói ‘tôi có bản sự lớn thế này, thế này thế kia’, đó là Pháp trao cho chư vị! Chư vị không đạt tới thì vẫn không được đâu. [Là] Chính Pháp cần [và] khiến cho trí huệ của chư vị đạt tới bước đó, vì thế chư vị không được cảm thấy bản thân mình có bản sự gì.” (Giảng Pháp vào Tết Nguyên Tiêu năm 2003)
Không có gì đáng để tôi tự mãn hoặc cảm thấy tự hào và khoe khoang cả.
Khi tiến trình Chính Pháp đang tiến tới, thời gian là rất cấp bách. Tôi đã lo lắng cho những đồng tu, vốn cùng tôi học Pháp và chứng thực Pháp trước ngày 20 tháng 7 năm 1999, đã rời khỏi Pháp vì cuộc bức hại. Tôi muốn gặp lại họ và cố hết sức để giúp đỡ họ.
Với sự giúp đỡ của các học viên khác, cuối cùng tôi đã gặp được các đồng tu cũ. Tôi biết nhiều người trong số họ đã không học Pháp trong một thời gian dài và một số người ở trạng thái không minh bạch, nhưng tôi không bị ảnh hưởng bởi điều đó. Chúng tôi hồi tưởng lại quãng thời gian trước ngày 20 tháng 7 năm 1999, khi chúng tôi cùng nhau chứng thực Pháp và làm công việc Đại Pháp. Một số đồng tu đã cảm động đến rơi lệ. Một số hỏi tôi: “Tôi nên thức tỉnh, phải không?” Tôi nghiêm túc trả lời: “Đúng vậy.”
Quả thật, khi chúng tôi ở cạnh nhau, tôi đã nói rất ít còn họ đã nói rất nhiều. Ngôn ngữ cơ thể của tôi nói với họ: “Đại Pháp là tốt, tôi chưa bao giờ từ bỏ và vẫn đang tu luyện.” Tôi không hề có ý muốn xem thường họ. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi tốt hơn họ và cho đến hôm nay, tôi vẫn có cảm giác như thế.
Sư phụ giảng:
“Các đệ tử Đại Pháp ngày nay dù chứng thực Pháp tập thể hay cá nhân chư vị giảng chân tướng, đều là [điều] Đại Pháp cần. Chính Pháp cần [gì], thì chư vị nên làm điều ấy cho tốt, không có gì có thể nói. Cũng không được tự đặt thân phận của bản thân mình cao quá, cũng không được tự cảm thấy mình khác người khác. Chư vị đều là một lạp tử, trong mắt của tôi, không ai giỏi hơn ai, vì chư vị đều là được tôi đồng thời vớt lên.” (Giảng Pháp vào Tết Nguyên Tiêu năm 2003)
Tất cả chúng ta đều đang trong quá trình tu luyện và trong quá trình đó, có người không quá tinh tấn, có người hơi tinh tấn, điều này là bình thường. Chừng nào Chính Pháp vẫn chưa kết thúc, thì vẫn còn có cơ hội để cải thiện. Đối với những người tụt lại phía sau, tôi tin rằng một khi họ thức tỉnh và bắt đầu theo kịp, họ có thể làm việc tốt hơn tôi rất nhiều. Làm sao tôi có thể xem thường họ?
Sau khi gặp lại những học viên cũ, thật khó để nói lời tạm biệt. Về sau tôi biết được rằng những cựu học viên này đã cầm lại sách Đại Pháp và bắt đầu tu luyện. Tôi nghĩ đến lòng từ bi vô hạn của Sư phụ, và rằng Sư phụ đã chịu đựng rất nhiều cho chúng ta. Chúng ta không thể để Ngài thất vọng!
Con xin cảm ơn lòng từ bi vĩ đại của Sư tôn. Không có sự từ bi cứu độ của Ngài, làm sao có thể có chúng ta ngày hôm nay! Tôi sẽ tiếp tục chính niệm chính hành trên con đường tu luyện của mình, không ngừng tinh tấn và là một học viên Đại Pháp chân chính thời kỳ Chính Pháp.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2009/11/2/用正念去做好身边的每件事-210613.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2009/11/11/112248.html
Đăng ngày 15-07-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.