Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 04-7-2019] Ngày 5 tháng 5 năm 2019, một cư dân thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông đã bị bắt vì từ chối từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Người đàn ông 45 tuổi này đã tuyệt thực để phản đối việc bị giam giữ tùy tiện. Anh đã bị bức thực và trở nên đờ đẫn khi luật sư và gia đình tới thăm. Bất chấp tình trạng của anh, tòa án vẫn lệnh cho anh phải ra hầu tòa vào ngày 25 tháng 6 năm 2019. Một tuần sau đó, anh đã qua đời.

f86ba5778beb66588563ee164eb1d2b5.jpg

Anh Hà Lập Phương

Ngày 1 tháng 7 năm 2019, gia đình của anh Hà Lập Phương nhận được điện thoại của Trại tạm giam Phổ Đông thông báo rằng anh đã được đưa tới một bệnh viện nhỏ ở khu Tức Mặc, Thanh Đảo. Gia đình anh Hà vội vã tới bệnh viện, họ thấy rất nhiều ống dẫn được đưa vào cơ thể của anh. Bác sỹ đã tiêm cho anh những loại thuốc không rõ nguồn gốc. Khi thuốc đi vào trong cơ thể của anh, anh liên tục rùng mình như thể đang bị sốc điện.

Lính canh trại giam đã không cho phép cha mẹ của anh Hà tới gần anh. Sau khi liếc mắt nhìn con trai một vài lần, họ đã bị đưa tới một phòng nhỏ và bị một vài cảnh sát theo dõi cả đêm.

Sáng hôm sau, lính canh trại giam đã rời đi, và cảnh sát của Đồn Công an Bắc An, những người đã bắt giữ anh Hà đến. Sau khi đến, họ đã đưa cha mẹ của anh Hà ra khỏi bệnh viện.

Khoảng 10 giờ sáng ngày 3 tháng 7, cảnh sát thông báo cho cha mẹ của anh Hà rằng anh đã qua đời. Cảnh sát từ chối trả lại thi thể của anh Hà và nói rằng họ sẽ xử lý nó.

91c9547714f7a35df4c379560799e7fe.jpg

b43948d89c2050ab3b42fd52704aef12.jpg

Cha và mẹ của anh Hà

Bị bắt giữ sau khi bị cảnh sát lừa

Cái chết bi thảm của anh Hà đã xảy ra sau hàng thập kỷ thống khổ ngoài sức tưởng tượng. Chỉ vì không từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, anh đã liên tục bị bắt, giam giữ và tra tấn. Năm 2001, anh Hà bị 17 tù nhân đánh đập tàn bạo trong khi đang thụ án tù oan sai vì treo biểu ngữ Pháp Luân Công.

Ngay sau khi được trả tự do, anh Hà buộc phải sống xa nhà để tránh sự sách nhiễu và giám sát không ngừng. Cảnh sát đã treo chứng minh thư của anh, khiến cuộc sống hàng ngày của anh gặp nhiều phiền phức. Thông qua gia đình, anh Hà đã nhiều lần yêu cầu khôi phục lại chứng minh thư của mình nhưng đều bị từ chối.

Ngay trước khi vụ việc bắt giữ mới đây diễn ra, anh Hà đã quay lại nhà để thăm cha mẹ của mình và anh đã bị cảnh sát giao thông phạt 2.000 nhân dân tệ vì không có chứng minh thư. Đây là một khoản tiền khá lớn đối với một gia đình nghèo.

Khi cảnh sát thông báo cho anh Hà rằng họ sẽ tiến hành xử lý chứng minh thư cho anh với điều kiện anh phải tự đến đồn công an để làm. Vì không biết đây là một cái bẫy nên anh liền tới đó.

Ngày 5 tháng 5 năm 2019, anh Hà đã bị bắt giữ ngay khi vừa tới đồn công an

Sức khỏe suy giảm nhanh chóng khi đang trong trại giam

Anh Hà đã tuyệt thực trong trại giam, nên anh đã bị bức thực và trở nên mất kiểm soát đại tiểu tiện. Lính canh trại giam đã hai lần yêu cầu cha mẹ của anh quay video để thuyết phục anh ăn. Nhưng họ từ chối hợp tác và yêu cầu được đích thân gặp con trai.

Ngày 5 tháng 6, khi luật sư tới trại giam để thăm anh Hà. Luật sư đã nói chuyện với lính canh cả buổi sáng mà vẫn không được gặp mặt thân chủ. Cuối cùng, đến buổi chiều, khi cha mẹ của anh và luật sư cùng nói chuyện với lính canh, họ đã đồng ý cho luật sư gặp anh.

Anh Hà được bốn người khiêng ra trên một chiếc cáng. Anh không thể cử động và cũng không trả lời khi luật sư nói chuyện với anh.

Ngày 10 tháng 6, cha mẹ của anh Hà đã được gặp mặt con sau khi liên tục yêu cầu. Anh Hà đắp một chiếc chăn và được các tù nhân khiêng ra ngoài. Tương tự lần trước đó, anh không thể cử động và không trả lời khi cha mẹ của anh nói chuyện với anh.

Ngày 13 tháng 6, cha mẹ và chị gái của anh Hà đã tới Cục Công an khu Tức Mặc để yêu cầu Phòng 610 và Đội An ninh Nội địa thả anh.

Lính canh ở đó đã không cho gia đình vào trong. Họ đã lao vào tòa nhà và sau đó được đưa tới một văn phòng. Họ được trả lời rằng cảnh sát của Đồn Công an Bắc An sẽ đến gặp họ ngay, nhưng thực tế không có ai đến.

Ba người trong số họ đã tới Đồn Công an Bắc An vào buổi chiều. Các cảnh sát ở đó cũng từ chối nói chuyện với gia đình. Chị gái của anh Hà đã khóc: “Em trai tôi đang sắp chết mà các người vẫn không chịu thả nó!” Cha mẹ của anh Hà cũng bật khóc. Ban đầu cảnh sát đưa họ vào trong một căn phòng và nhốt họ trong đó, nhưng sau đó cảnh sát đã đuổi họ ra khỏi đồn Công an.

Bị cưỡng chế ra hầu tòa dù đang trong tình trạng nguy kịch

Mặc dù anh Hà đang trong tình trạng nguy kịch, nhưng ngày 25 tháng 6 năm 2019, anh vẫn bị Tòa án khu Tư Mặc đưa ra xét xử. Luật sư không được gặp thân chủ trước ngày diễn ra phiên tòa.

Trong một phòng xử án tạm thời ở trại giam, anh Hà được các chấp hành viên tòa án khiêng ra. Họ để anh ngồi trên một chiếc ghế. Một chấp hành viên liên tục lau dịch chảy ra từ mũi của anh.

Anh Hà vẻ mặt ngơ ngác không có phản ứng gì. Anh không nói một lời nào trong phiên xét xử.

Mẹ của anh Hà đã suy sụp khi nhìn thấy người con trai khỏe mạnh của bà trở thành như vậy. Bà yêu cầu đưa anh Hà tới bệnh viện nhưng không ai quan tâm.

Công tố viên cáo buộc anh Hà treo biểu ngữ Pháp Luân Công vào năm 2001, năm 2015 anh sống xa nhà để tránh sách nhiễu và gia đình anh đệ đơn kiện hình sự Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo chế độ cộng sản vì đã ra lệnh bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999. Công tố viên cũng đưa ra danh sách một vài nhân chứng từ năm 2001.

Luật sư của anh Hà biện hộ vô tội của anh. Luật sư lập luận rằng ở Trung Quốc không có điều luật buộc tội Pháp Luân Công và thân chủ của ông treo biểu ngữ Pháp Luân Công không gây hại gì cho xã hội. Luật sư cũng đặt câu hỏi về tính xác thực của những nhân chứng từ năm 2001 vì các nhân chứng không có mặt tại tòa án để đối chất.

Thẩm phán chủ tọa Cao Phi liên tục nhận được những mẩu giấy trong phiên tòa. Một số viên chức cũng tới chỗ ông ta và họ thì thầm gì đó với nhau.

Ngày 28 tháng 6, gia đình anh Hà đến tòa án, trại giam và văn phòng khiếu nại của cục công an để yêu cầu điều trị y tế cho anh, nhưng các cơ quan đã từ chối thẳng thừng hoặc chỉ cho gia đình phải chạy lòng vòng.

Sự đau đớn cực độ của cha mẹ

Cha mẹ của anh Hà đều đã ngoài 80 tuổi, họ sống trong sợ hãi suốt hơn 20 năm qua vì sự bức hại, sách nhiễu và giám sát thường xuyên của chính quyền. Bà con lối xóm hiếm ai dám nói chuyện với họ vì sợ bị liên lụy.

Trước cái chết của anh Hà, chị cả của anh là bà Hà Thục Vinh cũng đã qua đời ở tuổi 50 vào tháng 4 năm 2014, sau khi bị lao động cưỡng bức hai lần, bị treo lên và đánh đập trong tám ngày liên tiếp. Người con gái thứ hai của họ, bà Hà Tú Hương bị kết án oan sai ba năm tù vào tháng 6 năm 2015.

Người cháu trai của họ đã bị từ chối nhập ngũ sau khi trượt vòng xét duyệt chính trị vì có thành viên trong gia đình tu luyện Pháp Luân Công.

Nỗ lực giải cứu anh Hà của hai vợ chồng già trong hai tháng qua đã làm họ kiệt sức và cái chết của anh đã khiến họ suy sụp.

Bài viết liên quan:

Từng bị 17 tù nhân đánh đập nay lại bị bắt giữ, anh Hà Lập Phương và gia đình thống khổ vì kiên định đức tin của mình


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/7/4/389560.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/7/5/178330.html

Đăng ngày 11-07-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share