Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 17-06-2019]

Ông Thi Trung Hội, chủ một doanh nghiệp nhỏ ở huyện Chính Định, tỉnh Hà Bắc, đã bị giam giữ và sách nhiễu rất nhiều lần vì tu luyện Pháp Luân Công. Ngược đãi thể xác và căng thẳng tinh thần khiến sức khỏe của ông ngày càng xấu đi, cuối cùng ông đã qua đời ở tuổi 50 vào ngày 26 tháng 3 năm 2019.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện thiền định bao gồm các bài công pháp và hành xử theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại môn tu luyện này vào tháng 7 năm 1999, một lượng lớn các học viên Pháp Luân Công đã bị bắt, giam giữ và tra tấn.

Bị bắt và giam giữ tại trại lao động

Ông Thi Trung Hội bước vào tu luyện Pháp Luân Công vào mùa thu năm 1997. Sự cần cù và đạo đức nghề nghiệp của ông khiến ông được tôn trọng tại nơi ông làm việc là Liên hiệp Tín dụng Chính Định. Phong thái cao của ông ở nhà và trong cuộc sống hàng ngày cũng được người thân và hàng xóm khen ngợi.

Sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, ba cảnh sát của Phòng Cảnh sát Chính Định đã đến nhà ông Thi và buộc ông phải giao nộp các sách về Pháp Luân Công. Sau đó, họ giam giữ ông tại Trung tâm Tẩy não Chính Định trong 15 ngày.

Tháng 12 năm 1999, ông Thi đã cùng một số học viên khác đến Bắc Kinh để kháng nghị cho Pháp Luân Công. Họ đã bị bắt tại Văn phòng Kháng cáo ở Bắc Kinh và bị đưa trở lại Chính Định. Các lính canh ở trại tạm giam địa phương đã đánh đập các học viên và đe dọa họ, cưỡng ép họ phải viết các tuyên bố từ bỏ đức tin của mình. Các quan chức địa phương đã tổ chức các cuộc họp công khai ở nơi công cộng để làm nhục họ và còn bắt họ diễu hành trên các con phố. Một tháng sau khi ông Thi và các học viên khác được thả ra, họ đã bị mất việc. Ngoài ra, họ còn bị buộc phải nộp phạt và bị quản thúc tại gia.

Khi quay trở lại nhà máy mà ông sở hữu vào tháng 9 năm 2000, ông Thi bị cảnh sát theo dõi và bắt giữ ngay khi ông vừa đến nơi. Các tài liệu Pháp Luân Công của ông bị tịch thu và ông bị giam giữ hai năm tại một trại lao động.

Lao động nặng nhọc ở trại và sự sỉ nhục liên tục khiến ông trở nên hốc hác, với những cơn đau triền miên ở gan và dạ dày. Ông còn bị bong võng mạc. Kết quả là sau một năm, ông Thi đã được thả ra vì lý do sức khỏe.

Buộc phải sống xa nhà

Không lâu sau khi ông Thi trở về nhà từ trại lao động, các đặc vụ từ Phòng 610 Chính Định lại đưa ông vào một trung tâm tẩy não. Ông cố tìm cách trốn thoát khỏi cơ sở này và buộc phải nay đây mai đó để tránh bị bắt. Một lần nữa, ông bị mất việc và gia đình ông không còn thu nhập.

Trong khi ông Thi đi vắng, Phòng 610 không chỉ đưa ông vào danh sách truy nã mà còn theo dõi điện thoại nhà riêng và cho đặc vụ canh gác quanh nhà ông. Một ngày, nghi ngờ là ông Thi đang ở nhà, một số cảnh sát đã nhảy qua hàng rào quanh sân và đột nhập vào nhà để tìm ông. Người vợ và hai đứa con thơ mới biết đi của họ đã bị tổn thương vì cuộc đột nhập này.

Trong thời gian đó, sức khỏe của ông Thi suy giảm nhanh chóng. Ông trở nên rất yếu và bị bất tỉnh vài lần. Sức khỏe của ông kiệt quệ đến mức ông ở bên bờ vực của cái chết.

Liên tục sách nhiễu

Năm 2006, ông Thi trở về nhà với hy vọng tìm được một công việc tạm thời. Nhưng các quan chức tiếp tục đe dọa và ngược đãi ông.

Ngày 4 tháng 7 năm 2008, Trương Thụy Ngọc và một số cảnh sát từ Phòng Cảnh sát Chính Định đã đến nơi làm việc của ông Thi để cố gắng bắt giữ ông. Khi biết được ông Thi không đi làm vào ngày hôm đó vì bị ốm, toán cảnh sát này đã tìm đến nhà ông. Vào thời điểm đó, ông Thi rất yếu và hầu như không thể đi lại được. Nhưng các cảnh sát đã phớt lờ tình trạng sức khỏe của ông và yêu cầu ông giao nộp các tài liệu về Pháp Luân Công của mình.

Trải qua gần 20 năm của cuộc bức hại, ông Thi và gia đình liên tục phải sống dưới sự khủng bố và đe dọa của Phòng 610 và cảnh sát. Năm nào cảnh sát Chính Định cũng đến nhà ông để sách nhiễu ông. Ngoài ra, các cảnh sát còn đến nơi làm việc của ông và ra lệnh cho các quan chức trong làng giám sát ông và theo dõi điện thoại của ông.

Bài viết liên quan bằng tiếng Hán:

https://www.minghui.org/mh/articles/2019/4/11/384987.html


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/6/17/388831.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/6/28/178242.html

Đăng ngày 03-07-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share