Bài viết của một đệ tử Đại Pháp ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 07-11-2009] Con xin kính chào Sư phụ!
Chào các bạn đồng tu!
Tôi năm nay 62 tuổi và đắc Pháp từ năm 1996. Tôi trở nên khỏe mạnh ngay khi bắt đầu tập luyện Pháp Luân Công. Tôi hiểu rằng Sư phụ đã vớt chúng ta lên từ địa ngục, tịnh hóa thân thể và ban cho chúng ta tất cả những thứ cần thiết để chúng ta có thể tu luyện. Thật không lời nào có thể nói hết tấm lòng từ bi của Ngài. Sư phụ chỉ hi vọng rằng chúng ta tinh tấn trên con đường tu luyện và hoàn thành tốt ba việc.
Từ học sinh rồi trở thành giáo viên, cả đời tôi đã gắn liền với mái trường và thấm nhuần “Văn hóa Đảng”. Khi còn đi học, tôi luôn đạt điểm tốt; khi đi dạy, tôi luôn là một giảng viên giỏi và được sinh viên đánh giá cao. Thành tích luôn xếp hạng ưu tú nên tôi thường tự mãn và luôn cho rằng mình đúng. Tôi cũng có tâm tật đố, tranh đấu, hiển thị, vị kỉ, vị danh và luôn muốn hơn người khác. Tôi có quá nhiều chấp trước và tất cả đều phải loại bỏ hết trong quá trình tu luyện.
Sư phụ giảng:
“…toàn bộ quá trình tu luyện của người ta chính là quá trình liên tục tống khứ tâm chấp trước của con người.” (Chuyển Pháp Luân)
Tôi rất lo lắng làm sao để có thể tống khứ hết những chấp trước ấy được đây.
1. Học Pháp nhóm tạo điều kiện tu luyện thuận lợi
Tôi sống trong khu tập thể dành cho công nhân nhà máy. Hầu hết các đồng tu của tôi đều là các học viên lớn tuổi. Một số người chưa từng đi học, một số khác thì chỉ đến trường vài ngày. Lúc mới bắt đầu tu luyện, tôi chỉ luyện công, không học Pháp; mặc dù lúc đầu tôi cũng tham gia một nhóm học Pháp được một, hai lần nhưng sau đó thì không đi nữa. Tôi cảm thấy học Pháp với những người đó thật là lãng phí thời gian. Tôi chắc chắn rằng mình không cần phải học nhiều mà chỉ cần đọc một lần là có thể nắm được nội dung tổng thể. Bây giờ tôi hiểu rằng mình lúc ấy chẳng biết gì và chỉ xem Đại Pháp như là những lý thuyết ở nơi người thường. Nhưng lúc đó, tôi lại cho rằng mình làm đúng.
Năm 1997, tôi tham gia vào một nhóm học Pháp. Mỗi lần, chúng tôi học từ 30 đến 60 phút rồi sau đó ngồi đả tọa. Người điều phối yêu cầu tôi đọc nhiều hơn những người khác, điều này khiến tôi rất vui và nó khiến cho tâm hoan hỉ, tâm hiển thị của tôi bộc lộ. Sư phụ đã điểm hóa cho tôi nhiều lần trong giấc mơ. Thông qua thiên mục tôi nhìn thấy một quyển thiên thư mở ra vô tận. Qua đó, tôi đã hiểu được việc chăm chỉ học Pháp là quan trọng đến thế nào. Thế là tôi cùng vài học viên khác tổ chức một nhóm học Pháp mới. Chúng tôi học Pháp hai tiếng mỗi ngày vào buổi trưa và sau đó cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm. Nhờ học Pháp tinh tấn, trí huệ khai mở; tôi ngộ ra rằng việc thường xuyên hướng nội có thể giúp tôi đề cao tâm tính và loại bỏ được nhiều chấp trước. Chúng tôi chia sẻ thể ngộ, đọc Pháp, thuộc Pháp, nhẩm Pháp và chép lại Pháp. Đại Pháp bén sâu vào tâm trí tôi.
Tôi và người phụ đạo viên cùng nhau biên soạn các mẩu chuyện về Đại Pháp. Tôi nhận trách nhiệm dạy các học viên mới luyện công. Sau đó, giữa chúng tôi bắt đầu phát sinh mâu thuẫn và tôi chắc chắn rằng là lỗi của cô ấy, nhưng cô ấy lại giễu cợt và bảo rằng tôi sai. Những chấp trước nặng nề như tâm đố kỵ, tranh đấu, hiển thị, vị danh và suy nghĩ luôn cho rằng mình là đúng khiến tôi rất bất bình và tức giận. Tôi cố kiềm chế cơn giận và không tranh luận với cô ấy nhưng trong thâm tâm lại không phục, cảm thấy oan ức và luôn muốn kể khổ với người khác sau lưng cô ấy. Thế là giữa chúng tôi dần dần có khoảng cách. Lúc đó hướng nội là điều gì đó phi thường nên tôi đã không đối đãi nghiêm túc . Khi học Pháp tinh tấn hơn, tôi đã dần đề cao thể ngộ về Pháp và học được cách hợp tác với phụ đạo viên.
2. Học Pháp nhóm khuyến khích chúng ta nghĩ đến người khác
Tháng 10 năm 1999, tôi bị cơ quan sa thải vì đã đi Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và Sư phụ. Môi trường tu luyện thay đổi và cuộc sống trở nên khó khăn. Tôi không còn nghe lời tán dương, mà thay vào đó là mỉa mai, chỉ trích lẫn châm chọc. Tôi phải đối mặt với áp lực từ xã hội, gia đình, đơn vị và nhiều phương diện khác. Lúc đầu, tôi cảm thấy không quen, xấu hổ và nhục nhã. Nhưng tôi không nổi giận, không lùi bước, vẫn kiên định tin tưởng vững chắc vào Sư phụ và Đại Pháp. Tôi có thể chịu được khổ trong những cái khổ, nhịn được những việc khó có thể nhịn, đường đường chính chính bước trên con đường tu luyện.
Kể từ khi mất việc, tôi có nhiều thời gian học Pháp, chia sẻ thể ngộ với các đồng tu và khôi phục lại việc học Pháp nhóm, vì đây là hình thức tu luyện mà Sư phụ đã lưu lại cho chúng ta. Chúng tôi thành lập một nhóm học Pháp bốn người ở nhà tôi. Cả ba người đều lớn hơn tôi từ 10 đến 17 tuổi, có hai người không nói được tiếng phổ thông nên tôi không hiểu được họ. Lúc đầu, tôi cố gắng kiên nhẫn và mất hơn hơn hai tiếng mới xong một bài giảng, nhưng chỗ thì họ đọc sai, chỗ thì đọc sót và chỗ thì lại đọc thêm chữ. Còn một người thì chỉ có thể học và đọc từng chữ một. Những lúc như thế, tôi rất bực mình nhưng cũng phải cố nén lại vì không muốn họ bị mất mặt. Thỉnh thoảng, tôi tỏ ra mất kiên nhẫn vì không kiểm soát được bản thân. Tuy nhiên, khi nhận ra họ thật sự nghiêm túc và háo hức học Pháp, tâm nóng giận của tôi đã dịu lại. Tôi dần trở nên vị tha. Nếu là trước đây, tôi có lẽ sẽ cao giọng mà chỉ trích họ, nhưng Đại Pháp đã giúp tôi thay đổi.
Lúc đó, tôi thường gặp những can nhiễu từ bên ngoài và tâm tư dễ bị những điều nhỏ nhặt làm lay động. Tôi nghĩ thay đổi địa điểm và thời gian học Pháp nhóm là thông minh. Thực tế, tôi cảm nhận được tâm sợ hãi và thiếu chính niệm của bản thân. Nhưng chúng tôi hiểu tầm quan trọng của việc học nhóm, nơi chúng tôi có thể cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và đề cao một cách nhanh chóng.
Các đồng tu nói rằng chúng tôi nên tổ chức học Pháp nhóm để chia sẻ kinh nghiệm vì đó là hình thức tu luyện mà Sư phụ đã an bài cho chúng ta. Sư phụ chưa nói bỏ thì chúng ta không được phép bỏ; cho dù có một vài học viên bị gia đình can nhiễu và chịu nhiều khổ nạn. Sư phụ giảng “Chính là đối mặt với những vấn đề ấy, để tâm của chư vị được ‘ma luyện’ trong hoàn cảnh ấy.” (Chuyển Pháp Luân). Có lúc tôi rơi nước mắt, nén nhịn trong lòng, cảm thấy ủy khuất, lòng tự trọng bị tổn thương. Khi bình tĩnh lại, tôi hướng nội tìm. Có phải tôi đang dạy dỗ người khác như thể họ là học sinh của tôi không? Có phải tôi đã làm điều gì đó sai và khiến người khác bị tổn thương? Việc truy cầu danh và chấp trước vào bản thân đã đem lại hậu quả xấu. Những vấn đề gặp phải đã cho tôi cơ hội để để cao tâm tính và loại bỏ chấp trước. Tôi tiếp tục tổ chức học Pháp nhóm. “Nan nhẫn năng nhẫn, nan hành năng hành“ (Chuyển Pháp Luân).
Nhờ có Sư phụ quản, chúng tôi tổ chức được hơn mười nhóm học Pháp, mỗi nhóm từ 3 đến 10 học viên. Tần suất, thời gian và địa điểm học phụ thuộc vào từng hoàn cảnh. Hàng tuần, mỗi nhóm học Pháp sẽ cử ra một người đi tới các nhóm học Pháp khác để chia sẻ kinh nghiệm trong khoảng hai tiếng đồng hồ. Mọi người trao đổi thoải mái về vấn đề phối hợp như phát chính niệm gần hang ổ tà ác, giải cứu đồng tu v.v. Nhờ tinh tấn học Pháp, các nhóm đều duy trì khá ổn định và chúng tôi biết phải làm gì vào các kỳ nghỉ và những ngày nhạy cảm. Học Pháp cũng cải thiện khả năng đọc của chúng tôi và bây giờ rất ít khi phạm lỗi lúc đọc. Chúng tôi biết làm thế nào để hướng nội và hoàn thành tốt ba việc.
3. Môi trường học nhóm khuyến khích các học viên phối hợp và đề cao như một chỉnh thể thống nhất.
Có nhiều học viên lớn tuổi đã suy sụp vì xuất hiện nghiệp bệnh nghiêm trọng. Chúng ta có thể làm gì để giúp họ? Học viên A học Pháp rất tinh tấn nhưng còn nhiều nhân tâm nên đã bị tà ác bức hại. Bà ấy thở khó khăn và rối loạn giấc ngủ. Các học viên trong nhóm học Pháp năm người của bà và tôi đã thảo luận tình huống làm thế nào để phủ nhận bức hại và sử dụng chính niệm như thế nào để hiệu quả nhất. Trong tâm tôi nghĩ học viên A đã không học Pháp chăm chỉ và nhóm của bà A thiếu chính niệm và không hướng nội. Sau đó, học viên A đã nhập viện và tình trạng tạm thời có khá hơn, nhưng cũng chỉ được vài ngày. Con trai bà không ở cùng bà và chồng bà thì đã mất. Tôi biết rõ bà vì chúng tôi đã từng là đồng nghiệp. Tôi giữ trong lòng suy nghĩ về việc bà không có chính niệm và không thật sự nỗ lực tu luyện. Tôi đau lòng khi thấy bà chịu khổ. Khi gặp nhau, chúng tôi ôm nhau khóc. Khi được Sư phụ điểm hóa, tôi đột nhiên nhận ra vấn đề và trở nên thanh tỉnh. Nếu tôi cứ cư xử như thế, chính là tôi đang thừa nhận an bài của cựu thế lực và cung cấp thị trường cho tà ác và bà ấy sẽ bị bức hại nghiêm trọng hơn. Nỗi đau trong lòng tôi đột nhiên biến mất. Tôi bình tâm trở lại và chúng tôi đã trao đổi thẳng thắn với nhau. Tôi đã tìm ra chấp trước của mình là không muốn người khác chỉ ra khuyết điểm của bản thân và sợ người khác mất lòng khi nói ra những thiếu sót của họ. Tôi chỉ muốn bảo vệ bản thân. Tôi không xem vấn đề của người khác là vấn đề của mình. Tôi cảm thấy rất có lỗi. Tôi thiếu quan tâm đến các đồng tu mà chỉ chăm chăm làm tốt ba việc của mình. Sau đó được Sư phụ trợ giúp, chúng tôi đã có thể đề cao tâm tính, phối hợp ăn ý với nhau và phát chính niệm mạnh mẽ. Cuối cùng, bà ấy đã nhanh chóng khỏi bệnh và có thể làm tốt ba việc.
4. Môi trường học Pháp nhóm khuyến khích học viên nỗ lực cứu chúng sinh
Sư phụ yêu cầu chúng ta phải chứng thực Pháp, cứu chúng sinh và mọi học viên đều có nghĩa vụ và trách nhiệm vĩ đại này. Miễn là có thể cứu được chúng sinh, chúng ta có thể sử dụng những phương pháp của người thường. Tuổi tác hay nghề nghiệp gì đều không quan trọng. Nhóm học Pháp của chúng tôi thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với nhau. Điều này giúp chúng tôi có thể làm tốt việc chứng thực Pháp.
Chúng tôi chứng thực Pháp theo từng nhóm nhỏ và học Pháp vào buổi sáng. Sau đó, hai hoặc ba học viên ra ngoài để phát tài liệu vào buổi chiều. Một số học viên giảng chân tướng trực diện, phát tờ rơi, đĩa DVD, “Cửu Bình” và các tài liệu khác. Tôi và một học viên lớn hơn 11 tuổi thuộc một nhóm. Chúng tôi không có địa điểm giảng chân tướng cụ thể. Chúng tôi phát chính niệm trước khi đi nhưng vẫn còn tâm sợ hãi, lo sợ mất mặt vì không chứng thực Pháp tốt. Vì vậy, chúng tôi đã xuất hiện nhiều vấn đề. Bản thân cảm thấy lo lắng khi nói chuyện với người lạ, sợ mất mặt và sợ xử lý tình huống không tốt. Chúng tôi chỉ tìm những người quen biết để giảng chân tướng. Sư phụ đã an bài cho chúng tôi giảng chân tướng cho một người quen lớn tuổi đã lâu không gặp. Bà ấy lắng nghe chúng tôi chăm chú, điều này giúp chúng tôi tự tin hơn. Tôi cũng hay phán xét người khác trước khi nói chuyện với họ. Tôi chọn những người mà tôi cho là lương thiện và trông có vẻ hiền lành trước khi tiếp cận. Chúng tôi nhận ra rằng, mình không nên phán xét người khác qua vẻ bề ngoài của họ. Một người trông rất tử tế, nhưng có thể đã bị tà ác đầu độc nghiêm trọng. Một người lớn tuổi nát rượu và nhìn rất bình thường nhưng lại là một đảng viên muốn nghe chân tướng, sẵn sàng thoái đảng và nói Đại Pháp là tốt.
Bây giờ tôi biết rằng, là học viên, chúng ta cần phải thay đổi nhân tâm. Chúng ta có thể cứu người nhưng không được tuyển trạch và chọn ai ra để cứu. Chúng tôi nhận ra rằng, nếu họ sẵn sàng lắng nghe, chúng tôi sẽ nói với họ mọi thứ, nhưng với những người không muốn nghe thì chúng tôi lại chẳng thể thốt ra một lời nào. Sau đó, chúng tôi hướng nội tìm và không lựa chọn nữa. Thậm chí dù người ta không đồng ý ngay đi chăng nữa, thì chúng ta cũng đã gieo một hạt giống thiện lương vào trong lòng họ và họ có thể sẽ lắng nghe một học viên khác trong tương lai. Bằng sự tu luyện một cách nghiêm túc và tinh tấn, chúng ta có thể tu xuất ra lòng từ bi và điều đó sẽ giúp chúng ta cứu được nhiều chúng sinh hơn nữa.
Khi chứng thực Pháp và cứu chúng sinh, học viên có thể gặp phải đủ các loại, các dạng người, nhưng tuyệt đối không để nhân tâm người thường làm cho lay động. Học viên Đại Pháp phải có trách nhiệm cứu người và đừng để bản thân phải hối tiếc. Chúng ta nhất định có thể làm được! Bởi vì đã có Sư phụ che chở, có Đại Pháp chỉ dẫn. Các học viên chắc chắn có thể loại bỏ được hết chấp trước, tu xuất được tâm từ bi và cứu độ được nhiều chúng sinh.
Nhờ có Sư phụ bảo hộ mà mỗi học viên trong nhóm học Pháp chúng tôi đều làm tốt ba việc và tu luyện ổn định .
Tôi động viên các đồng tu học thuộc Pháp, chép lại Pháp và học Pháp tinh tấn để có thể phối hợp với nhau như một thể thống nhất và cứu những đồng tu đang bị giam giữ hay những người bị rớt lại trên con đường tu luyện. Tất cả đều đòi hỏi chúng ta phải làm cho tốt.
Các học viên lớn tuổi mua máy tính về để xem Minh Huệ Net. Họ kiên định đi theo con đường Sư phụ an bài. Tôi có thể cảm nhận được rằng, Sư phụ đã phải vất vả để khổ độ chúng sinh và dành nhiều tâm sức trong quá trình Chính Pháp.
Các đồng tu, chúng ta phải chính niệm chính hành, phải có trách nhiệm với chúng sinh và bản thân.
Lời muốn nói thì nhiều nhưng tôi xin phép được dừng ở đây. Xin từ bi chỉ ra bất cứ điều gì không phù hợp.
Ngày 31 tháng 10 năm 2009
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2009/11/7/211542.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2009/11/28/112670.html
Đăng ngày 19-06-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.