Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Delaware, Hoa Kỳ

[MINH HUỆ 19-3-2019] Bộ phim tài liệu “Thư từ Mã Tam Gia” được trình chiếu tại Nhà hát Đại học Trabant của Đại học Delaware vào tối ngày 14 tháng 3 năm 2019. Sự kiện này được tổ chức bởi Câu lạc bộ Pháp Luân Đại Pháp của trường đại học.

Mọi người trong khán phòng đã cảm động rơi nước mắt khi thấy cuộc bức hại tàn khốc và tra tấn đối với các học viên Pháp Luân Công Trung Quốc.

802b09c076f906b0a613d282e788a2c5.jpg

Cảnh trong bộ phim tài liệu “Thư từ Mã Tam Gia”, buổi chiếu ở Nhà hát Đại học Trabant tại Đại học Delwar vào tối ngày 14 tháng 3. Các diễn giả (từ phải sang trái) ông Robert, chủ tịch Câu lạc bộ Pháp Luân Đại Pháp, một nghiên cứu sinh về Thần kinh học; ông Hoàng Khuê, bà Dương Cảnh Phương và bà Thôi Hồng, ba học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại ở Trung Quốc, bà Cindy, một học viên Pháp Luân Công khác. Người trên màn hình là Tiến sỹ Ann Corson, người phát ngôn của Hiệp hội các Bác sỹ Chống Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng (DAFOH) đang kết nối qua mạng để trả lời câu hỏi của khán giả.

Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) là một môn tu luyện tự thân dựa trên nguyên lý của Phật gia do Ngài Lý Hồng Chí sáng lập.

Bức thư giấu trong sản phẩm xuất khẩu kể chi tiết về cuộc tra tấn

Trong bộ phim tài liệu này, cô Julie Keith, một phụ nữ ở Oregon, tìm thấy một lá thư được giấu trong hộp đồ trang trí Halloween mà cô mua từ một cửa hàng giảm giá. Bức thư được viết bằng tiếng Anh và tiếng Hoa, kể về các tù nhân lương tâm, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công bị tra tấn và còn bị ép làm các sản phẩm xuất khẩu.

Sau bộ phim tài liệu dài một giờ, ba học viên Pháp Luân Công bị bức hại ở Trung Quốc đã chia sẻ trải nghiệm của họ với khán giả.

Ông Hoàng Khuê

Chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công, ông Hoàng Khuê, từng là nghiên cứu sinh tại Đại học Thanh Hoa, đã bị bắt hơn 10 lần, bị giam giữ tổng cộng năm năm và bị tra tấn dưới nhiều hình thức, gồm cưỡng bức lao động trong nhiều giờ, bị sốc bằng dùi cui điện, bức thực, cấm ngủ và tẩy não.

Bà Dương Cảnh Phương

Bà Dương Cảnh Phương, một học viên Pháp Luân Đại Pháp khác, đã bị giam trong Nhà tù Số 1 của thành phố Hợp Phì từ tháng 12 năm 2002 đến mùa hè năm 2003. Bà bị cưỡng bức lao động hơn 12 giờ mỗi ngày để sản xuất các đồ như hộp giấy và dây đèn giáng sinh. Sau đó, bà bị chuyển sang Nhà tù Nữ Số 1 ở tỉnh An Huy, nơi bà bị cưỡng bức lao động 16 giờ một ngày.

Bà Thôi Hồng

Bà Thôi Hồng bị kết án ba năm rưỡi cưỡng bức lao động trong Trại Cưỡng bức Lao động Nữ Thiên Đường Hà ở quận Đại Hưng của Bắc Kinh. Bà bị tra tấn dưới hình thức cấm ngủ, biệt giam, cưỡng bức lao động và tẩy não.

Phần giải đáp thắc mắc

Tiến sỹ Ann Corson, người phát ngôn của Hiệp hội các Bác sỹ Chống Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng (DAFOH), đã kết nối qua internet để giải đáp thắc mắc của khán giả. Một số câu hỏi như: “Tại sao chính quyền cộng sản Trung Quốc lại sợ một nhóm người tốt thực hành thiền định? Có bao nhiêu người ở Trung Quốc tham gia vào tội ác cưỡng bức thu hoạch tạng? Chính quyền cộng sản kiếm được bao nhiêu tiền từ thu hoạch nội tạng?” và “Tôi có thể làm gì để giúp chấm dứt cuộc bức hại?”

Vào cuối phiên hỏi đáp, một khán giả đã nhận xét rằng “Thế giới này rất to lớn và sẽ trường tồn, nhưng chính quyền cộng sản sẽ chỉ tồn tại một thời gian và các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc nên hiểu rằng sự tồn tại của họ trong thế giới này sẽ kết thúc.”

Ông nói: “Vì chúng ta có những người can đảm như thế này (các học viên Pháp Luân Công), những người đã tiến lên một cách ôn hòa mà mạnh mẽ. Các bạn thật rộng lượng và tôi đánh giá cao sự hiện diện của các bạn tại đây tối nay! Cảm ơn các bạn đã cho chúng tôi biết sự thật.”

Khán giả chia sẻ cảm nhận

79ed480342c6c02a046cfb6e784e54ed.jpg

Phó giáo sư Leslie Criston và anh trai, ông Mike Criston

Phó giáo sư Leslie Criston và anh trai, ông Mike Criston, đã xem phim tài liệu và chia sẻ cảm xúc của họ. Cả hai đều hy vọng sẽ có nhiều người hơn nữa biết sự thật về cuộc bức hại.

Phó giáo sư Leslie Criston dạy tiếng Anh tại Viện Anh ngữ. Bà có nhiều sinh viên Trung Quốc trong các lớp học của bà. Bà cho biết: “Một bộ phim thật cảm động. Thật đáng buồn, nhưng đồng thời cũng đầy tính khích lệ.”

Ông Mike Criston, một nghệ sỹ, cho biết: “Thật đau lòng khi thấy một cuộc bức hại đen tối và tàn khốc như vậy. Nhưng trong đó có một giọng nói lạc quan. Chân lý có sức mạnh!”

“Một người đàn ông gửi thư đề nghị giúp đỡ và một phụ nữ đã giúp ông ấy, rồi cuối cùng, chúng ta có bộ phim tối nay. Họ rất can đảm. Họ đánh liều cả mạng sống. Điều này đang giúp cho cả thế giới, giúp cho tất cả mọi người, vậy họ chính là người có sức mạnh. Không từ nào có thể bày tỏ lòng biết ơn của tôi.”

Bà Leslie nói thêm: “Họ thật dũng cảm. Họ là những anh hùng. Họ không chỉ sống sót sau cuộc bức hại, mà quan trọng hơn, họ còn kiên định nữa. Họ không chịu từ bỏ đức tin của mình. Tôi từng tin rằng tôi có niềm tin mãnh liệt vào tôn giáo của mình, nhưng tôi không thể [kiên định] trong tình huống [như vậy]. Giá như tôi có thể. Câu chuyện này thật cảm động.”

Ông Mike nói thêm: “Cuộc bức hại không thể thay đổi tâm của người ta. Nó chỉ khiến họ mạnh mẽ hơn. Nếu bạn tiếp tục nỗ lực, bạn sẽ thành công. Giống như Gandhi nói: ‘Đã có bạo chúa và kẻ giết người, và trong một thời gian, họ dường như bất khả chiến bại. Nhưng cuối cùng, họ luôn sụp đổ.’ Luôn là như vậy! Lịch sử vẫn luôn như thế.”

Ông Mike bắt đầu tìm kiếm sức mạnh nội tâm để hàn gắn vết thương từ vài năm trước. Cuộc tìm kiếm đã mở rộng tầm nhìn của ông: “Thiền định thật sự có sức mạnh. Những người đã thiền định đều biết điều đó. Kẻ độc tài không bao giờ tồn tại lâu. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục chiến đấu với họ, làm bất cứ điều gì chúng ta có thể. Tôi dự định gọi cho hạ nghị sỹ và các thượng nghị sỹ của tôi và đề nghị họ ủng hộ các nghị quyết về Pháp Luân Công. Mỗi hành động nhỏ đều sẽ có tác dụng. Bộ phim này rất có sức mạnh.”

Bà Leslie cho biết, bà sẽ chia sẻ sự thật với các giáo viên và sinh viên mà bà làm việc cùng và cộng tác.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/3/19/384095.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/3/27/176283.html

Đăng ngày 01-04-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share