[MINH HUỆ 24-3-2019] Ngày 1 tháng 3 năm 2019, Nghị viện Croatia đã đồng thuận bỏ phiếu thông qua Hiệp ước của Hội đồng Châu Âu về Chống Buôn bán Nội tạng Người, trở thành quốc gia thứ tám ở Châu Âu phê chuẩn hiệp ước này.

Hiệp ước được dự thảo vào năm 2015, sau khi Nghị viện Châu Âu thông qua một nghị quyết vào năm 2013 nhằm lên án chính quyền Trung Quốc “hậu thuẫn cho việc thu hoạch tạng từ các tù nhân lương tâm không tự nguyện hiến tạng ở Trung Quốc, trong đó số đông là các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù vì đức tin của mình cũng như những tù nhân người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng.”

Chính phủ Croatia đã nhấn mạnh vị trí dẫn đầu của Croatia trong lĩnh vực hiến và ghép tạng nhờ một hệ thống cấy ghép chuyên nghiệp và có đạo đức. Bằng cách thông qua Hiệp ước này, Croatia đã tham gia sáng kiến tăng cường cơ chế hợp tác quốc tế trong việc ngăn chặn và trừng phạt hiệu quả việc buôn bán nội tạng người.

Ngoài việc quy định hành vi lấy tạng bất hợp pháp là phạm pháp, Hiệp ước còn quy định các bên ký kết cũng cấu thành hành vi phạm tội khi trợ giúp và tiếp tay cho những hành vi mổ lấy tạng bất hợp pháp cũng như lôi kéo người hiến tạng hoặc người nhận tạng tham gia những ca cấy ghép bất hợp pháp.

Tiến sỹ Branimir Bunjac, Nghị sỹ Quốc hội, trong thời gian báo cáo tại Nghị viện đã chỉ ra: “Những người đồng hương của tôi đã vô tình tham gia với tư cách là người sử dụng dịch vụ đó – họ đi du lịch ra nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, để lấy nội tạng nhanh hơn. Người ta cần đặt ra câu hỏi – làm sao ở Trung Quốc lại có thể lấy tạng mà không cần mất thời gian chờ đợi, khác hẳn với ở Liên Minh Châu Âu?”

Ông đã trích dẫn kết quả nghiên cứu của các tổ chức quốc tế rằng Trung Quốc đã thực hiện tới 100.000 ca ghép tạng mỗi năm trong hơn một thập kỷ qua mặc dù nước này không có hệ thống hiến tạng.

“Khi bạn hỏi chính quyền Trung Quốc về nguồn gốc của những tạng đó, họ biện minh bằng cách nói rằng chúng được lấy từ các tù nhân bị tử hình”, ông phát biểu. “Tuy nhiên, ở Trung Quốc, hàng năm chỉ có khoảng 2.000 tù nhân bị tử hình như vậy, rõ ràng là không đủ cung cấp cho số lượng lớn các ca cấy ghép như vậy được.”

“Sáu báo cáo quốc tế toàn diện đều đi đến kết luận là nguồn tạng phổ biến nhất ở Trung Quốc là từ các tù nhân lương tâm. Nói một cách công khai – họ là những tín đồ tôn giáo, và hầu hết là các học viên của môn tu luyện Phật gia Pháp Luân Công, tiếp đến là tín đồ Cơ Đốc giáo, người Tây Tạng và người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

“Sau khi những báo cáo này được công bố, chính quyền Trung Quốc đã đáp lại rằng đó là những con số của thị trường chợ đen. Tuy nhiên, tất cả các ca cấy ghép ở Trung Quốc đều được thực hiện trong các bệnh viện nhà nước, dưới sự giám sát của nhà nước. Do đó, thông tin phản hồi như vậy là không hợp lý”, Tiến sỹ Bunjac nói thêm.

dfb9c7ff6604f159093da1a53b1bde18.jpg

Tiến sỹ Branimir Bunjac, Nghị sỹ Quốc hội, phát biểu về nạn cưỡng bức thu hoạch tạng từ các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc

Tiến sỹ Bunjac đã dẫn chiếu các luật liên quan được thông qua tại Ý, Tây Ban Nha và Cộng hòa Séc về việc cấm công dân nước mình sang Trung Quốc lấy tạng bất hợp pháp để cảnh báo rằng nếu chỉ thông qua một Hiệp định như vậy sẽ không giải quyết được vấn đề một cách triệt để.

“Cần phải tiếp tục xây dựng pháp lý cụ thể hơn, đặc biệt, cần lưu ý rằng Croatia đang đứng đầu ngành y học cấy ghép. Như vậy, chúng ta nên làm gương, cả về pháp lý lẫn thực tiễn”, ông phát biểu.

Chính phủ Croatia đã công bố những sáng kiến khác để phổ biến thông tin tới các chuyên gia y tế và đại chúng về mức độ nghiêm trọng của vấn đề nhằm giúp họ nhận thức, ngăn chặn và báo cáo hoạt động cấy ghép phi đạo đức.


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/3/24/176260p.html

Đăng ngày 27-03-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share