Bài viết của Lý Thiên Kỳ

[MINH HUỆ 03-05-2018]

1. Đạo Đức nhất thể

Đức là trung tâm của văn hóa truyền thống, Đức và Đạo tổ thành thể thống nhất, trở thành bản chất của văn hóa truyền thống Trung Quốc. Văn hóa truyền thống huy hoàng 5.000 năm của Trung Quốc chỉ truy cầu một chữ Đức, coi trọng một chữ Đức. Bất kể là Nho gia, Đạo gia hay là Phật gia thì văn hóa của mỗi gia phái đều xây dựng trên chữ Đức. Thời cổ đại chữ Đắc và chữ Đức là dùng lẫn nhau, “Đắc giả, đức dã”, nghĩa là “Đắc tức là đức vậy”, vậy Đắc được cái gì? Cái Đắc được chính là chân lý đối với vũ trụ – đồng hóa với Đạo. Bất kể những cái Đắc nào phù hợp với Đạo đều là Đức, nếu Đắc không phù hợp Đạo thì là Vô Đức.

Người xưa nói “Đạo thực thi ở thân mình thì gọi là Đức”. Người xưa coi Đạo và Đức tương thông, Đức là Đạo ở nội tại con người, Đức đến từ trong Đạo, Đức là thể hiện của Đạo, là tiêu chuẩn và yêu cầu của Đạo ở các tầng thứ khác nhau, đồng hóa với chân lý vũ trụ chính là người Đắc, chính là kẻ sỹ đại Đức, chính là người Đắc Đạo. Từ xưa đến nay Đạo Đức nhất thể, tu Đạo chính là tu Đức, tu Đức chính là tu Đạo, Đạo Đức là một mà không phải một, là hai mà không phải hai, không thể phân chia.

Trong “Đạo Đức kinh”, Lão Tử đã nói: “Hành vi dung mạo của đức cực cao chính là thuận theo Đạo” (Nguyên văn: Khổng Đức chi dung, duy Đạo thị tòng), ý nghĩa là Đức lớn nhất chính là sự thể hiện và tác dụng của Đạo.

Văn hóa Trung Hoa ngay từ đầu đã kết hợp chặt chẽ Đạo và Đức. “Kinh Dịch” viết: “Một âm một dương biến đổi giao hoán gọi là Đạo, kế tiếp nhau không ngừng gọi là thiện, thành tựu vạn vật gọi là tính”, và “Bậc đại nhân là người đồng hóa Đức với Trời Đất”, và “ Trời vận hành mạnh mẽ, người quân tử luôn tự cường không ngừng nghỉ”, và “Địa thế khôn, người quân tử Đức dày mang vạn vật”.

Trong “Lễ ký” có viết: “Chân thực thành thực là Đạo của Trời. Truy cầu chân thực thành thực là Đạo của con người”, và “Trời thiên phú cho gọi là bản tính, trở về với bản tính gọi là Đạo, tu hành làm sáng tỏ Đạo gọi là giáo hóa”.

Đó đều là những câu danh ngôn cổ trong văn hóa truyền thống, mỗi câu đều thể hiện Đạo Đức nhất thể. Do đó có thể nói văn hóa truyền thống chính là văn hóa Đạo Đức.

Văn hóa truyền thống chứa đầy tinh thần Đạo Đức nhất thể, bất kể là Đạo gia, Nho gia hay Phật gia đều thể hiện tinh thần này. Văn hóa truyền thống yêu cầu trị quốc, trị gia, tu thân đều phải căn cứ theo chuẩn mực của Đạo, “Tu sửa bản thân thì Đức mới chân thực, tu sửa ở gia đình thì Đức mới có dư, tu sửa ở quê hương thì Đức mới tăng trưởng, tu sửa ở quốc gia thì đức mới phong phú, thịnh vượng, tu sửa ở thiên hạ thì Đức phổ khắp vô hạn” (Đạo đức kinh – chương 54). Một xã hội mà Đạo phổ khắp, Đức tràn đầy thì thiên hạ nhân ái thái bình. Đó chính là lý tưởng của 3 gia phái Nho – Thích – Đạo, đó cũng là cảnh giới xã hội văn hóa truyền thống hàng trăm hàng nghìn năm qua muốn đạt đến.

(1)

Các Thánh nhân cổ đại Trung Quốc từ Tam Hoàng Ngũ Đế đến Nghiêu, Thuấn, Vũ Thang, Văn, Võ, Chu Công đều là người thể ngộ và tuân theo đại Đạo, xưa nay được ca ngợi là người có Đức. Xã hội mà họ khai sáng đều là xã hội tốt đẹp nhất trong các thời kỳ lịch sử khác nhau. Ngày nay lịch sử đã đi xa rồi, truyền thuyết và văn hiến thời viễn cổ đã mai một khó tìm, người hiện nay đã rất khó tra xét và lý giải được những điều tốt đẹp những thời kỳ đó, cũng khó tra xét và lý giải quan niệm đạo đức và giá trị nhân sinh cao thượng mà con người các thời đại đó truy cầu. Ngày nay, mọi người chỉ có thể thấy được một chút manh mối qua Chu Công và xã hội nhà Chu mà ông khai sáng.

Trong các Thánh nhân cổ đại, Chu Công là một nhà chính trị, nhà tư tưởng vĩ đại, cũng là một nhà đạo đức vĩ đại. Ông đưa ra tư tưởng “Dĩ đức phối Thiên” (nghĩa là quân quyền là do Thiên mệnh trao cho, nên chỉ có người có đức xứng đáng với Thiên mệnh mới xứng đáng ở ngôi cao), “kính đức bảo dân” (nghĩa là kính Trời tu đức bảo vệ người dân) và “minh đức thận phạt” (nghĩa là tu đức làm sáng tỏ đức và dùng đức giáo hóa người dân, thận trọng dùng hình phạt sau khi đã dùng đức giáo hóa). Đây là cương lĩnh trị quốc quan trọng nhất của triều nhà Chu. Chu Công nói: “Không thể không kính đức”, nhất định phải “tự kính đức”, đồng thời phải “khẩn trương kính đức”, chỉ có phát huy được diệu dụng của đức thì mới giữ được Thiên mệnh mãi mãi.

Chu Công nhận thức sâu sắc rằng “Trời không thân với ai, chỉ có phát dương nhân đức thì mới được Trời bảo hộ”. Đạo đức là căn bản lập thân lập quốc. Vì vậy, triều Chu coi việc hoàn thiện đạo đức là nghĩa lý quan trọng bậc nhất để trị quốc. Người thời Chu tôn sùng đức hạnh của tiên vương, trong “Kinh thi” mà họ viết đã vui mừng ngợi ca các tiên tổ từ Hậu Tắc, Công Lưu, Cổ Công, đến Văn Vương, Võ Vương rằng họ đã có phẩm đức cao thượng như thế nào, làm thế nào tu nghiệp tăng đức và các sự tích dùng đức làm quốc gia hưng thịnh. Họ coi nền nhân chính của Văn Vương là mẫu mực:

Văn Vương ở trên cao
Thần linh sáng trời sao.

Nguyên văn:

Văn Vương tại thượng
Ư chiêu ư thiên.
(Kinh thi, Văn Vương)

Đức hạnh của những Thánh quân hiền thần này của triều Chu xưa nay luôn được người các đời sau trong lịch sử ca ngợi là mẫu mực của nhân sinh. Tư tưởng dùng đức gây dựng quốc gia của Chu Công chính là tư tưởng chủ lưu của triều Chu. Trong xã hội triều Chu, mọi người truy cầu sự nghiệp đạo đức và nhân cách đạo đức đã trở thành lý tưởng nhân sinh của xã hội, được đại đa số người ở các giai cấp đều công nhận, thậm chí đã trở thành mục tiêu truy cầu chung của mọi thành viên trong xã hội, người người đều truy cầu đạo đức, kiên trì giữ vững đạo đức, hoằng dương đạo đức, thậm chí coi đạo đức cao hơn sinh mệnh bản thân, “sát thân thành nhân” đã trở thành phép tắc đạo đức, toàn bộ xã hội sống trong bầu không khí và môi trường đạo đức này. Trong một số văn hiến thời kỳ đầu nhà Chu đã bước đầu đề ra tư tưởng đức trị “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Người thời Chu tự giác đối với đức và công nhân đức đã tạo nên nền móng vững chắc cho văn hóa truyền thống Trung Hoa phát triển.

Một công tích vĩ đại khác của Chu Công trong lịch sử chính là “đặt ra lễ, chế tác nhạc”. Trên cơ sở “lựa chọn chắt lọc thêm bớt“ lễ nhà Ân, Chu Công đã nghiêm mật hóa, hệ thống hóa chế độ lễ, lễ nghi truyền thống, từ đó về tổng thể đã đạt đến một trình độ mới, sáng lập ra chế độ văn hóa ưu tú thích hợp với xã hội đương thời. Nội dung cụ thể của nó bao gồm một loạt hệ thống chế độ về xã hội, chính trị… Nó còn có một loạt phương thức quy phạm luân lý đạo đức và giáo dục văn hóa tương ứng, đã hình thành nên một bộ chế đệ điển chương hoàn chỉnh, được gọi là “Chu lễ”, hoặc “Chu Công chi điển”. Văn minh lễ nhạc triều Chu luôn được coi là mẫu mực cho các xã hội đời sau, được công nhận là thời đại cực thịnh của xã hội thời thượng cổ. Khổng Tử ca ngợi rằng: “Triều nhà Chu tham khảo chế độ lễ nghi của hai triều đại nhà Hạ và Thương, quả thật phong phú rực rỡ biết bao. Ta theo chế độ lễ nghi triều Chu” (Nguyên văn: Chu giám ư nhị đại, úc úc hồ văn tai! Ngô tòng Chu).

Lễ là hình thức biểu hiện của đạo đức. Chu Công thông qua lễ nghi đã quy phạm hành vi của con người trong xã hội, giúp con người giữ được đức hạnh, hợp nhất với Thiên Đạo. Vì vậy Vương Quốc Duy cho rằng sự thay đổi chế độ triều Chu là “có mục đích đưa mọi người từ trên xuống dưới quy về đạo đức, tập hợp Thiên tử, chư hầu, khanh đại phu cho đến thứ dân để thành một đoàn thể đạo đức. Bản ý chế tác của Chu Công thực sự là ở đó”.

Lương Thấu Minh cho rằng “giáo hóa của Chu Công, Khổng Tử” là văn hóa “lấy đạo đức thay cho tôn giáo”, tư tưởng lấy xã hội Trung Quốc trong lịch sử làm xã hội gốc của luân lý, tương đồng với quan điểm của Vương Quốc Duy. Quan điểm của hai vị học giả cận đại nổi tiếng là Vương, Lương này đã chỉ rõ thực chất Chu lễ và văn hóa triều Chu. Chu Công chủ trương “làm sáng tỏ đức, dùng đức giáo hóa, thận trọng dùng hình phạt”, đề xướng “đức trị”. Đó chính là quan niệm trị quốc “dùng đức hướng dẫn, dẫn dắt dân chúng, dùng lễ quy phạm hành vi phép tắc” (Nguyên văn: Đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ) mà Khổng Tử đêm ngày mong mỏi.

Xã hội triều Chu sở dĩ kéo dài đến 800 năm chính là đã quán triệt quan niệm trị quốc của Chu Công. Trên mảnh đất đạo đức phong phú tốt tươi được sinh ra trong xã hội như thế này thì tất nhiên sẽ tạo ra hàng loạt những tinh hoa đạo đức xã hội và hàng loạt người trung kiên của xã hội. Đại bộ phận trong số họ đều có tri thức sâu rộng và tố chất đạo đức cực kỳ cao thượng, có năng lực phán đoán đúng sai, có tài năng làm chính trị và có dũng khí thực hiện lý tưởng đạo đức. Trong cuộc sống thường nhật, họ ôn nhu nhã nhặn, là tấm gương đạo đức của xã hội. Khi xã hội và quốc gia lâm nguy, họ dốc sức xoay chuyển con sóng dữ, quy chính lễ nhạc, đặt định chế độ, nhanh nhạy cải cách.

Trong vương thất nhà Chu, ở các nước chư hầu, họ đã thể hiện được tài năng đặc biệt. Ví dụ như Thiệu Mục Công, Trọng Sơn Phụ thời Chu Lệ Vương và Chu Tuyên Vương, Trịnh Vũ Công thời Chu Bình Vương, Đan Tương Công thời Chu Định Công. Trong các nước chư hầu có Khổng Tử, Quản Trọng, Bào Thúc Nha, Ninh Thích, Tào Quế, Tạng Văn Trọng, Thúc Tôn Mục Tử, Hồ Yển, Triệu Suy, Triệu Tuyên Tử, Hàn Hiến Tử, Phạm Văn Tử, Ngụy Giáng, Kỳ Hề, Thúc Hướng, Triệu Tương Tử, Thân Thúc Thời, Ngũ Cử, Văn Chủng, Phạm Lãi… Họ đều là những kẻ sỹ đại đức thời kỳ đó tạo nên, đã sáng tạo nên công nghiệp phi phàm, lưu danh hậu thế. Xung quanh họ còn có hàng loạt quần thể kẻ sỹ phẩm hạnh tốt đẹp, đạo đức tiết tháo, cùng với họ truy cầu những giá trị nhân sinh giống nhau, cùng toát ra ánh hào quang nhân cách người quân tử.

Chính hàng loạt những người tinh hoa và trung kiên của xã hội như thế này đã đặt định ra nền móng nhân cách văn hóa Trung Hoa. Nhân cách đạo đức cao thượng của họ càng ngày càng hiển lộ rõ trong quá trình lịch sử, tinh thần đạo đức của họ mãi mãi trường tồn. Thời đạo đức thịnh thế triều Chu khiến con người ghi nhớ mong mỏi.

Chu Công là đại biểu kiệt xuất của quân tinh hoa của thời đại đó, sức cuốn hút nhân cách và phẩm đức của ông khiến cả thiên hạ ngưỡng vọng. Khổng Tử nói đến cảnh giới như “Tu bản thân mình để an định người”, “Tu bản thân mình để yên định bách tính”, “Thực thi nhân đức rộng khắp dân chúng, giúp đỡ đông đảo người dân” như thế này thì e rằng ngay cả vua Nghiêu, Thuấn cũng chưa đạt đến, nhưng Chu Công đã làm được rồi. Bằng nhân cách, đạo đức, quan niệm, tài năng và thành tựu của mình, Chu Công đã đưa ra mẫu mực nhân cách lý tưởng cho dân tộc Trung Hoa. Đây chính là cống hiến vỹ đại của ông đối với văn hóa Trung Hoa.

Chu Công và thời đại của ông đã thể hiện đầy đủ tinh thần văn hóa Đạo Đức nhất thể, là triển hiện huy hoàng của Nho Đạo trước thời Khổng Tử, là mạch chính của văn hóa truyền thống Trung Quốc. Nho gia chính là kế thừa và phát triển trên tinh thần văn hóa này. Tinh thần văn hóa này chính là quan niệm giá trị của dân tộc Trung Hoa, thể hiện truy cầu cuối cùng và cảnh giới lý tưởng của văn hóa và dân tộc Trung Hoa. Nó là xuất phát điểm và là nơi trở về của phương thức hành vi và phương thức tư duy của một dân tộc, nó ảnh hưởng sâu sắc đến kết cấu văn hóa và kết cấu tâm lý dân tộc Trung Hoa, đặt định ra nền móng của văn hóa Trung Hoa, nó quy định ra phương hướng phát triển của văn hóa Trung Hoa. Phương hướng này chính là văn hóa Đạo Đức. Đặc trưng của nó chính là sự truy cầu đối với Đạo và Đức.

(2)

“Kinh dịch” được coi là “Đứng đầu các kinh điển” (quần kinh chi thủ), được coi là cội nguồn của văn hóa Trung Quốc. Nhưng “Kinh dịch” lại có quan hệ chặt chẽ với đạo đức, tinh thần văn hóa Đạo Đức nhất thể là cái gốc của Dịch. “Chu dịch – Thuyết quái truyện” cho rằng: “Thánh nhân trước tác Chu Dịch, là ứng với và thuận theo Đạo Đức, đặt định phép tắc lễ nghi, nghiên cứu sâu đạo lý và tính chất sự vật, cho đến khi nhận thức được Thiên mệnh” (Nguyên văn: “Thánh nhân chi tác ‘dịch’ dã, hòa thuận ư Đạo Đức nhi lý ư nghĩa, cùng lý tận tính chí ư mệnh”)

Đồng thời “Chu dịch – Hệ từ hạ” cũng chỉ ra Phục Hy chế bát quái “để thông đạt với đức của Thần linh, để quy nạp phân loại tình trạng phản ảnh vạn vật” (nguyên văn: “Dĩ thông Thần minh chi đức, dĩ loại vạn vật chi tình”)

Hai câu nói trên đã chỉ rõ mục đích của việc chế tác Chu Dịch, Bát Quái, đó là để biểu thị Đạo và Đức. Trong quá trình Thánh nhân chế tác ra các ký hiệu quái, hào, tượng, số đã ẩn chứa bí mật của vũ trụ, “Lập ra tượng để biểu lộ hết cái ý, lập ra quái để biểu đạt hết tình trạng thật giả, lập ra hệ từ là để biểu đạt hết ngôn ngữ” (Nguyên văn: “Lập tượng dĩ tận ý, thiết quái dĩ tận tình ngụy, hệ từ yên dĩ tận kỳ ngôn”). Ở đây, “tận ý”, “tận tình ngụy”, “tận kỳ ngôn” đều là để biểu lộ bí mật của vũ trụ. Bí mật này thông qua phép tắc biến hóa của quẻ hào mà phản ánh ra “Thiên mệnh” và “Thông Thần minh chi đức”. Tôn chỉ của “Kinh dịch” là: “Kinh dịch là cái mà Thánh nhân dùng để tôn sùng đạo đức và mở rộng sự nghiệp” (Nguyên văn: Phù ‘dịch’, Thánh nhân sở dĩ sùng đức nhi quảng nghiệp dã”). Có thể thấy mục đích của các Thánh nhân cổ đại là thông qua kinh dịch để quy phạm hành vi đạo đức mà con người phải tuân thủ theo Thiên Đạo, nâng cao cảnh giới đạo đức của con người, đạt đến an thân lập mệnh.

Vì vậy “Chu dịch” về thực chất là diễn dịch đức, người không có đức thì không thể nào diễn giải được dịch. Thời cổ đại yêu cầu đối với người bói mai rùa, bói cỏ thi (bốc thệ) rất cao, bắt buộc phải là người đức cao vọng trọng, hơn nữa, trước khi bói phải thắp hương tịnh tâm, hòa hợp với Thần linh. Kẻ bất nhân bất nghĩa không được làm vu sư (thầy phù thủy, thầy mo). “Kinh dịch” bảo cho con người biết phân biệt tình huống khác nhau như thế nào, yêu cầu trong các tình huống khác nhau tu Đức hợp với Đạo như thế nào, đối diện với cảnh ngộ gặp phải như thế nào, từ đó bước ra khỏi nghịch cảnh và cảnh khốn cùng, hoặc là thuận theo cảnh mà tiếp tục bước tới. “Kinh dịch – Hệ từ truyện” chỉ ra rằng: “Lý là nền móng đạo đức, khiêm là cốt cán đạo đức, phục là cái gốc đạo đức, hằng là sự vững bền của đạo đức, tổn là sự tu dưỡng của đạo đức, ích là sự sung túc của đạo đức, khốn là biện pháp của đạo đức, tỉnh là mảnh đất của đạo đức, tốn là chế ngự của đạo đức”. Lý, khiêm, phục, hằng, tổn, ích, khốn, tỉnh, tốn đều là tên quẻ, chúng liên hệ trực tiếp với đạo đức con người. Ở trong các trạng thái, hoàn cảnh khác nhau, con người cần thuận theo đạo đức tương ứng. Chỉ có dùng đức hạnh đối đãi mới hợp với Dịch, hợp với Đạo, mới có thể ứng đối chính xác đối với các loại cảnh ngộ, mới hóa giải các loại mâu thuẫn. Thiên Đạo và nhân sự là thống nhất, “Kinh dịch” thể hiện sâu sắc nội hàm Đạo Đức nhất thể của văn hóa Trung Hoa.

Do sự biến hóa của thiên tượng và sự sa sút đạo đức nhân loại, “Chu dịch” đối với người hiện đại mà nói thì càng ngày càng không ứng nghiệm nữa. Người không có đạo đức thì hoàn toàn không thể nào lý giải được “Kinh dịch”, nói gì đến nhận thức đối với Thiên Đạo. Những gì họ thu hoặc được từ “Kinh dịch” nhiều nhất cũng chỉ là một chút bề ngoài nông cạn hoặc chút kỹ thuật cỏn con. Chỉ có đại đức mới có đại trí, trí ở đây là trí huệ, là nhận thức và nắm bắt đối với chân lý vũ trụ, đó mới là đại trí đại huệ chân chính. Không có đại đức thì vĩnh viễn không đạt được đại trí, đó là điều quyết định bản chất văn hóa truyền thống Trung Quốc.

“Kinh dịch – Hệ từ thượng truyện” viết rằng “Một âm một dương biến hóa gọi là Đạo, kế thừa Thiên Đạo một âm một dương này chính là thiện lương, khiến Thiên Đạo được cụ thể hóa chính là nhân thính Thiên phú” (nguyên văn: Nhất âm nhất dương chi vị Đạo, kế chi giả thiện, thành chi giả tính dã)

Có thể thấy bản tính đạo đức và bản chất nhân văn của văn hóa Trung Quốc đã rất sớm được gây trồng trong “Kinh dịch”. Triển hiện của “Kinh dịch” chính là thể hiện của bản tính đạo đức và bản chất nhân văn của văn hóa Trung Quốc.

2. Đạo Tâm bất nhị (Đạo và Tâm là một)

Sự khác biệt căn bản của văn hóa truyền thống Trung Quốc và văn hóa phương Tây chính là làm nổi bật sự siêu việt tinh thần nội tại của con người. Nó yêu cầu thông qua sự siêu việt tinh thần nội tại đạt đến cảnh giới mà Đạo yêu cầu. Như thế phải nhấn mạnh con người cần phải hướng vào nội tâm ma luyện tinh thần, hoàn thiện tu dưỡng tâm tính đạo đức. Tu dưỡng tâm tính đạo đức chính là khởi điểm và mấu chốt con người có thể siêu việt tinh thần đạt đến cảnh giới lý tưởng hay không. Đây chính là con đường phản bổn quy chân. Đối với Nho gia mà nói chính là con đường trở thành quân tử, hiền nhân, Thánh nhân thực hiện nghĩa vụ đạo đức và quan tâm đến xã hội. Đối với Đạo gia mà nói chính là con đường trở thành Thần nhân, chí nhân, chân nhân nội tâm an định bình hòa, siêu vượt tự ngã. Đối với Phật gia mà nói chính là con đường trở thành bậc Giác Ngộ: La Hán, Bồ Tát, Phật có giác ngộ sâu sắc về nhân sinh, vũ trụ.

Mặc dù ba gia phái thuyết giáo khác nhau, hình thức biểu hiện khác nhau, nhưng tiền đề và cơ sở tồn tại chung và tương hợp lẫn nhau của ba gia phái đều nhất trí với nhau, đó chính là điểm chung tu dưỡng tâm tính đạo đức ‘tu thân dưỡng tính, minh tâm kiến tính”. Vì vậy, học giả Phật học nổi tiếng triều Minh là Chân Khả cho rằng ba gia phái Nho, Phật, Đạo chỉ khác nhau tên gọi, đều giống nhau là “Tâm”, là “Bản Tâm”. “Bất muội bản tâm” là tôn chỉ chung của ba gia phái này, “trực chỉ nhân tâm” là con đường chung tu dưỡng tâm tính của ba gia phái. Như vậy, Chân Khả đã biểu lộ ra vấn đề căn bản của Tam gia dung hợp của văn hóa đạo đức Trung Hoa: Tu Tâm.

Nhà đại tư tưởng Nho gia triều Minh Vương Dương Minh cho rằng, cái “Tâm” này chính là tâm đạo đức. Ông gọi nó là “lương tri”. Vương Dương Minh cho rằng cái tâm đạo đức “lương tri” này là bản thể của vạn vật vũ trụ, hết thảy của vũ trụ đều là nó diễn hóa ra. Khổng Tử nói: “Thực hành nhân đức để biết Thiên Đạo” (Nguyên văn: Tiễn nhân dĩ tri Thiên). Mạnh Tử đề ra “đi đến tận cùng của tâm thì biết được bản tính thiện, đến tận cùng của bản tính thiện thì biết được Thiên Đạo” (Nguyên văn: Tận tâm tri tính tri Thiên). “Lễ ký” viết: “Thành tín tức là Thiên Đạo” (Nguyên văn: Thành giả, Thiên chi Đạo dã).

Ở đây, Nho gia cho rằng những đạo đức luân lý ‘Nhân’ ‘Thiện’ ‘Thành’ này là tương thông với Thiên Đạo, thống nhất với Thiên Đạo. Thiên Đạo là căn bản của vũ trụ có thể dùng đạo đức luân lý để biểu đạt. Có thể thấy, tư tưởng đạo đức bản thể luận đã nảy sinh rất sớm ngay từ thời kỳ đầu của Nho gia. Tư tưởng tâm học của Vương Dương Minh là sự tiếp nối của tư tưởng Nho gia. Vương Dương Minh trên cơ sở kế thừa lý học triều Tống rồi dung hợp với văn hóa hai gia phái Phật và Đạo, tiếp tục tiến thêm một bước trên con đường này, tiết lộ Thiên – Địa – Nhân đều cùng đức, đều hợp đức, tiết lộ vũ trụ là vũ trụ đạo đức, tiết lộ tâm đạo đức là bản thể tạo ra tất cả, đã đưa văn hóa đạo đức Trung Hoa lên cao nhất, giương cao văn hóa bản thể đạo đức.

Vương Dương Minh cho rằng, nếu muốn hiểu được bí ẩn của vũ trụ, đạt được tri thức biết được chân tướng sự vật thì chỉ có cách nhìn lại, tìm cầu lương tri tâm tính của bản thân mình. Bản thân thân thể người chính là một tiểu vũ trụ, bản tính thiện lương tiên thiên của con người và bản tính vũ trụ là tương thông tương hợp, nhất trí với chân lý vũ trụ. Kiếm tìm nhìn thấy cái tâm đạo đức này chính là kiếm tìm nhìn thấy vũ trụ. Ông cho rằng nhận thức bản tính bản thân chính là nhận thức vũ trụ. Nhìn vào bên trong, thấy được cái tâm bản thân thì thiên lý, vũ trụ, thiên địa, vạn sự vạn vật đều ở trong đó. Một khi cái tâm thuần khiết tiên thiên được khôi phục, thì đó chính là cảnh giới “Thiên Nhân hợp nhất”. Vì vậy Vương Dương Minh nói: “Ngoài tâm không có vật gì, ngoài tâm không có việc gì, ngoài tâm không có lý gì” (Nguyên văn: Tâm ngoại vô vật, tâm ngoại vô sự, tâm ngoại vô lý). Vì vậy, chân lý tồn tại trong chân tính tiên thiên của con người, Thiên Đạo tồn tại trong tâm con người, cầu Đạo cầu ở trong tâm, tìm Đạo tìm ở trong tâm, tu Đạo chính là tu tâm, tu tâm chính là tu Đạo.

Tóm lại, Đạo chính là Đức, Đức chính là Đạo, Đạo Đức nhất thể. Đạo chính là Tâm, Tâm chính là Đạo, Đạo Tâm bất nhị. Đó chính là nội hàm căn bản và bản chất của văn hóa truyền thống Trung Quốc. Đó cũng chính là chỗ thâm sâu, rộng lớn, say mê lòng người của văn hóa truyền thống Trung Quốc.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2008/5/3/177685.html

Đăng ngày 19-03-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share