[MINH HUỆ 23-12-2018] Lão Lai Tử là người nước Sở thời Xuân Thu, cuộc đời của ông có rất nhiều thuyết giảng khác nhau. “Sử ký” cho rằng Lão Lai Tử chính là Lão Tử, nhưng trong lịch sử không thể nào khảo cứu được, do đó danh tính chân chính của ông vẫn không ai biết được.
Lão Lai Tử bản tính vô cùng hiếu thuận, ông dành những thức ăn ngon nhất, quần áo, đồ dùng tốt nhất để phụng dưỡng song thân. Từng chút từng chút trong cuộc sống của cha mẹ, ông đều dốc hết tâm sức chăm sóc, vô cùng chu đáo. Cha mẹ ông được ông chăm sóc lo liệu từng ly từng tí đã sống cuộc sống an lạc hạnh phúc, trong nhà luôn tràn ngập vui vẻ tường hòa.
Lão Lai Tử tuy tuổi đã ngoài 70, nhưng trước mặt cha mẹ, ông không bao giờ nói đến chữ “già”. Bởi vì trên còn mẹ cha, song thân tuổi cao hơn ông rất nhiều, mà là kẻ làm con, nếu mở miệng nói già, động tí nói già, thế thì cha mẹ càng cảm thấy họ đã bước vào năm cuối cuộc đời lay lắt như ngọn đèn trước gió, già cả lắm rồi đó sao? Hơn nữa rất nhiều người cho dù tuổi tác đã cao, con đàn cháu đống, mà luôn luôn đối đãi, coi con cái mình vẫn như con trẻ vậy.
Không khó có thể tưởng tượng rằng, một người qua cái tuổi cổ lai hy thì cha mẹ người đó chí ít cũng ngoài 90 tuổi rồi. Đại đa số những người tuổi ngót nghét 100 thì thân thể đều suy yếu, hơn nữa các hoạt động đã nhiều bất tiện, tai điếc mắt lòa. Muốn nói chuyện với họ, có thể họ cũng đã không thể nào nghe được rõ ràng nữa rồi. Do chân tay không còn linh hoạt nữa, dẫu có muốn đưa họ đi chơi ngắm cảnh thì cũng đã là việc không dễ dàng nữa rồi. Do đó cuộc sống của người già thường cô độc đơn điệu. Lão Lai Tử hiểu rõ lòng cha mẹ nên đã chăm lo chú ý đến tâm tình của cha mẹ. Vì để cha mẹ được vui vẻ, ông đã dụng tâm đóng ra rất nhiều dáng vẻ hoạt bát đáng yêu để cha mẹ vui thích.
Một lần Lão Lai Tử cố ý chọn một bộ y phục sặc sỡ ngũ sắc. Vào ngày sinh nhật cha, ông mặc chiếc áo đó, đóng giả dáng vẻ của em bé, chạy nhảy múa may lăng xăng trước mặt cha mẹ. Vừa đùa vui vừa nhảy múa nhẹ nhàng, quả là giống em bé vẫn còn ngây thơ hồn nhiên, khiến cha mẹ cảm thấy rất vui lòng.
Còn có một lần, Lão Lai Tử gánh một gánh nước, mỗi bước đi lại loạng choạng, đi qua trước sảnh đường. Bỗng nhiên “oạch” một tiếng, ông làm động tác ngã rất hài hước, khiến phụ thân cười ha hả. “Thằng bé này quả là nuôi mãi không lớn, có gánh nước mà cũng không xong,” mẫu thân nói rồi cũng cười vui vẻ.
Một hôm, bên sảnh đường có một đàn gà con. Lão Lai Tử hứng khởi, muốn cha mẹ vui thích, ông bèn học động tác quạ bắt gà, khiến gà bay chó sủa, rất náo nhiệt. Gà con từng con chạy tán loạn, vừa chạy vừa ngã, trông rất đáng yêu. Lão Lai Tử cố ý làm ra vẻ rất vụng về, vắt hết tâm sức mà vẫn bất lực chẳng bắt nổi con gà con nào. Trông thấy tình cảnh này, cha mẹ ông cười nghiêng ngả, không ngậm miệng lại nổi.
“Lễ ký” viết: “Hằng ngôn bất xưng lão”, ý nghĩa là, làm bậc làm con thì vĩnh viễn không bao giờ được nói mình đã già khi ở trước mặt cha mẹ. Để cha mẹ sống cuộc sống hạnh phúc vui vẻ, Lão Lai Tử đã nghĩ mọi cách quan tâm an ủi lòng cha mẹ. Trước mặt cha mẹ, ông hoạt bát đáng yêu như trẻ em vậy. Có thể nói, ông đã diễn dịch câu nói thể hiện quan tâm chăm sóc cha mẹ này một cách đầy đủ hoàn hảo. Hàng trăm hàng nghìn năm nay, gia đình hạnh phúc này vẫn khiến mọi người ngưỡng mộ và ca ngợi.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/12/23/378384.html
Đăng ngày 03-02-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.