Bài viết của Phương Tuệ, phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 14-3-2019] Tại Hội nghị Tự do Tôn giáo kéo dài hai ngày tại Đài Bắc, các quan chức Hoa Kỳ và Vương quốc Anh cùng các thành viên của tổ chức nhân quyền quốc tế đã ca ngợi các học viên Pháp Luân Công vì sự kiên định của họ và lên án cuộc bức hại đang diễn ra ở Trung Quốc.

“Diễn đàn Tự do Tôn giáo Khu vực 2019 – Đối thoại Xã hội Dân sự về Bảo vệ Tự do Tôn giáo ở Khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương” đã được tổ chức trong hai ngày 11 và 12 tháng 3 năm 2019 tại Đài Bắc. Đây là chương trình tiếp nối “Hội nghị Thúc đẩy Tự do Tôn giáo cấp Bộ trưởng” lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 7 năm 2018 tại Washington D.C.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo đều khẳng định tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào năm ngoái rằng tự do tôn giáo là ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ.

“Các bạn đang ở phía chính diện của lịch sử”

700f3e93111f1a7e549beed91167b0ac.jpg

Ông Sam Brownback, Đại sứ Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế

Ông Sam Brownback, Đại sứ Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế đã khích lệ các học viên Pháp Luân Công cũng như các tín đồ tôn giáo khác hãy tiếp tục nỗ lực: “Trên thế gian này có rất nhiều thử thách, khi không từ bỏ hy vọng và tiếp tục thực hành đức tin của mình, tức là bạn đang ở phía chính diện của lịch sử.”

Ông nói rằng tình hình nhân quyền ở Trung Quốc cần phải thay đổi: “Chính quyền Trung Quốc đang khiêu chiến với tín ngưỡng. Đó là một cuộc chiến mà họ sẽ không thể chiến thắng.” Ông nói rằng những người làm việc xấu sẽ phải đối mặt với hậu quả và Quốc hội Hoa Kỳ sẽ theo đuổi vấn đề tự do tín ngưỡng quyết liệt hơn nữa.

Đã đến lúc cần chấm dứt cuộc bức hại

d4ec308b128f41c91b153849ccc72aad.jpg

Ông Greg Mitchell, Đồng Chủ tịch Điều hành Hội nghị Bàn tròn Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFR)

Ông Greg Mitchell, Đồng Chủ tịch Điều hành Hội nghị Bàn tròn Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFR) cho biết, đã đến lúc cần chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công, đặc biệt là nạn cưỡng bức thu hoạch tạng từ các học viên Pháp Luân Công. Ông nói rằng, để một thảm kịch như vậy kéo dài thêm một ngày cũng là quá lâu, vậy mà đến nay đã là gần 20 năm rồi.

Ông ủng hộ một đề xuất của Đại sứ Brownback về việc thành lập một liên minh giữa các học viên Pháp Luân Công và các nhóm bị đàn áp khác để phản đối sự tàn bạo ở Trung Quốc. Liên minh Thúc đẩy Tự do Tôn giáo tại Trung Quốc (CARFC), do người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, tín đồ Cơ đốc giáo và các học viên Pháp Luân Công thành lập vào ngày 4 tháng 3 năm 2019 tại Washington D.C, là một minh chứng mới đây về việc hợp tác này.

Ông Mitchell cho hay, các học viên Pháp Luân Công là những thành viên quan trọng của CARFC. Mặc dù liên minh vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu nhưng ông dự đoán sẽ có nhiều nhóm khác nữa tham gia và tổ chức nhiều hoạt động hơn nữa để “cố gắng tạo áp lực lên chính phủ Hoa Kỳ để nước này có những hành động cụ thể và đưa ra các biện pháp chế tài đối với Trung Quốc”.

Thông điệp mạnh mẽ về nhân quyền

3f222297a0071f831b90cd278c64a1bc.jpg

Ông Benedict Rogers, Lãnh đạo Nhóm Đông Á của Tổ chức Đoàn kết Cơ đốc Toàn cầu (CSW)

Ông Benedict Rogers, Lãnh đạo Nhóm Đông Á của Tổ chức Đoàn kết Cơ đốc Toàn cầu về nhân quyền quốc tế (CSW) cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thật là sai lầm khi tiến hành bức hại người dân chỉ vì tín ngưỡng của họ. Loại bức hại này đã từng xảy ra trên quy mô rất lớn ở Trung Quốc trong thời Đại Cách mạng Văn hóa và nó không nên được phép tiếp tục.

Đáp lại tuyên bố của Đại sứ Brownback về Pháp Luân Công đưa ra tại Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài tại Hồng Kông, ông Rogers, đồng sáng lập kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Đảng Bảo thủ tại London, cho biết tuyên bố này đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ đến Đảng Cộng sản Trung Quốc về vấn đề tự do tôn giáo. Ông nói rằng điều này không chỉ có lợi đối với các học viên Pháp Luân Công mà còn cả với các tín đồ Cơ đốc giáo, người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng.

Cuộc bức hại tồi tệ nhất

7520afd58785f09d7bb3a15ba8c56cc2.jpg

Ông Bob Phó, Chủ tịch và là người sáng lập Quỹ Hỗ trợ Trung Quốc

Ông Bob Phú, Chủ tịch và là người sáng lập Quỹ Hỗ trợ Trung Quốc, cho biết với tư cách là một mục sư người Mỹ gốc Hoa, ông hoàn toàn nhận thức rõ được việc Đảng Cộng sản Trung Quốc đã làm hại người dân Trung Quốc như thế nào suốt 70 năm qua, đặc biệt là việc tước bỏ tự do tín ngưỡng của người dân. Ông nói rằng cuộc bức hại Pháp Luân Công là tồi tệ nhất, cả về quy mô lẫn sự tàn khốc.

Mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc cấm tự do tín ngưỡng, nhưng ít nhất nó cũng để một số nhóm tín ngưỡng lớn tồn tại, ông cho biết. Nhưng đối với các học viên Pháp Luân Công, sự tàn bạo diễn ra có hệ thống hơn, trên diện rộng hơn, tàn khốc hơn và có sức tàn phá hơn nhiều. Nó không để lại một chút không gian nào cho các học viên thực hành đức tin của mình, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm về thảm họa này.

Ông hoan nghênh Hội nghị Ấn Độ – Thái Bình Dương và nói rằng điều này cho thấy Pháp Luân Công được chấp nhận rộng rãi bên ngoài Trung Quốc mặc dù môn tu luyện này vẫn đang bị đàn áp hết sức tàn bạo ở Trung Quốc. Sự tương phản rõ rệt này cho thấy, khi tước đoạt quyền tự do tín ngưỡng của người dân, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã mất đi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Ông Giản Hồng Chương, người phát ngôn của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Hồng Kông, cho biết hội nghị đã giúp nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc cũng như ảnh hưởng của nó tại Hồng Kông. Ông hoan nghênh sự hỗ trợ rộng rãi của cộng đồng quốc tế và hy vọng sự chung tay nỗ lực sẽ đưa thảm kịch kéo dài 20 năm này đến hồi kết.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/3/14/383882.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/3/17/176180.html

Đăng ngày 18-03-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share