Bài viết của một phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 12-3-2019] Tại một hội nghị quốc tế gần đây về tự do tôn giáo ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, các quan chức cấp cao, gồm ông Sam Brownback, Đại sứ Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, và ông William Brent Christensen, Giám đốc Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) đã đề cập đến cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Hội nghị kéo dài hai ngày với chủ đề “Diễn đàn Tự do Tôn giáo Khu vực 2019: Đối thoại Xã hội Dân sự về Bảo vệ Tự do Tôn giáo ở Khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”, đã khai mạc tại Đài Bắc vào ngày 11 tháng 3. Khoảng 70 đại diện của các tổ chức tôn giáo từ 15 quốc gia đã tham dự hội nghị. Một trong những chủ đề được thảo luận là cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với các học viên Pháp Luân Công, tín đồ Cơ đốc giáo, người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ.

2019-3-11-mh-taiwan-reli-convention-01--ss.jpg

Khoảng 70 đại diện các tổ chức tôn giáo từ 15 quốc gia tham dự hội nghị. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đọc diễn văn.

Đại sứ Hoa Kỳ: Tự do tín ngưỡng nên là một quy tắc chung

2019-3-11-mh-taiwan-reli-convention-02--ss.jpg

Ông Sam Brownback, Đại sứ Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, phát biểu tại một diễn đàn về tự do tôn giáo ở Đài Bắc vào ngày 11 tháng 3 năm 2019

Trong bài phát biểu chính tại diễn đàn, ông Brownback kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt mọi hình thức bức hại tôn giáo ở Trung Quốc. “Chính quyền Trung Quốc đang tiến hành chiến tranh với tín ngưỡng. Đó là một cuộc chiến mà họ sẽ không thể chiến thắng”, ông tuyên bố. Đại sứ Brownback liệt kê những vi phạm nhân quyền đối với các nhóm như Công giáo, Hồi giáo, Tây Tạng và các học viên thực hành môn thiền định tâm linh, Pháp Luân Công.

“Chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ, và có báo cáo cho thấy họ đã tra tấn các học viên Pháp Luân Công với con số ước tính đáng tin cậy về tổng số học viên Pháp Luân Công bị cầm tù lên đến hàng ngàn người”, ông Brownback ghi nhận. Theo trang web Minh Huệ, ít nhất đã có 4.200 học viên Pháp Luân Công được ghi nhận đã mất mạng do hoặc trong thời gian bị cảnh sát giam giữ kể từ khi nhóm này bị đàn áp vào năm 1999. Do tình trạng phong tỏa thông tin ở Trung Quốc, con số này khả năng còn cao hơn nhiều.

“Như tại Đài Loan đây, [tự do tín ngưỡng] nên là một quy tắc chung cho mọi người trong khu vực và trên thế giới”, ông Brownback nói thêm.

Các quan chức Đài Loan: Hỗ trợ những người bị áp bức bởi các chính quyền độc tài

Tại lễ khai mạc diễn đàn, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn ghi nhận rằng tự do tôn giáo bị đe dọa ở nhiều nơi trên thế giới. Bà nói rằng sau khi chứng kiến ​​nỗi đau bị tước mất quyền và bản sắc của con người, Đài Loan sẽ “Đứng về phía những người bị tước quyền tín ngưỡng hay bị áp bức bởi chế độ độc tài.”

Ông William Brent Christensen đã ca ngợi mô hình dân chủ của Đài Loan và “thành tựu to lớn của nước này trong việc bảo vệ pháp lý và tôn trọng đa dạng tôn giáo”, kể cả “các buổi tập thiền nhóm không mang tính tổ chức của các học viên Pháp Luân Công tại công viên thành phố lúc sáng sớm.” Ông cho rằng tự do tín ngưỡng là một trong những giá trị phổ quát vượt qua ranh giới quốc gia hoặc chủng tộc.

2019-3-11-mh-taiwan-reli-convention-03--ss.jpg

Ông William Brent Christensen, Giám đốc Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT)

Chấm dứt bức hại tôn giáo

Đại sứ Brownback cảm ơn Đài Loan vì là “một người bạn, một đối tác thúc đẩy một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Ông nói thêm: “Thúc đẩy tự do tôn giáo trên toàn thế giới là ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu của Hoa Kỳ và đương nhiên cũng là của chính quyền nước này [Đài Loan].”

2019-3-11-mh-taiwan-reli-convention-04--ss.jpg

Bảy học viên Pháp Luân Công tham gia cùng các đại diện của các nhóm tôn giáo khác trong diễn đàn về tự do tôn giáo.

Tại một cuộc họp báo, ông Brownback được hỏi, chính phủ Hoa Kỳ sắp tới sẽ có hành động gì để ngăn chặn cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc và về khả năng áp dụng Đạo luật Magnitsky toàn cầu đối với các quan chức Trung Quốc liên quan đến bức hại tôn giáo. Được thông qua thành luật năm 2016, đạo luật này cho phép các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân vi phạm nhân quyền, bao gồm đóng băng tài sản của họ ở Hoa Kỳ và cấm họ nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

Trả lời câu hỏi này, ông Brownback nói, ông không thể cung cấp chi tiết về kế hoạch của chính phủ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ông xác nhận rằng thực sự đã có các cuộc thảo luận diễn ra tại Quốc hội về việc làm thế nào để “theo đuổi quyết liệt hơn để giành quyền tự do tôn giáo. Một ví dụ là mục sư Andrew Brunson, người đã được giải cứu thành công sau 2 năm tù ở Thổ Nhĩ Kỳ thông qua các nỗ lực trừng phạt của chính phủ Hoa Kỳ.

Đại sứ Brownback chỉ ra rằng tự do tôn giáo sẽ thúc đẩy quyền con người và cùng với đó là một nền kinh tế hùng cường và thịnh vượng xã hội vững mạnh hơn.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/3/12/383807.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/3/14/176140.html

Đăng ngày 16-03-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share