Bài viết của Đệ tử Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 01-12 -2018] Cách đây vài hôm, một đồng tu bảo tôi rằng không hiểu sao tinh thần của cô ấy không khởi lên được, học Pháp không thấy được nội hàm của Pháp, cũng không loại bỏ được tâm truy cầu muốn đắc những thứ tốt đẹp. Cô ấy cảm thấy bản thân rất có chủ kiến cá nhân, nhưng trong tu luyện thì lại tiêu cực như vậy.

Tôi cảm thấy bản thân trước đây đã vượt quan này nên muốn chia sẻ đôi điều về vấn đề “tiêu cực”.

Học Pháp với tâm thuần tịnh

Những học viên thường học Pháp không đủ, hay tu luyện bản thân không vững chắc, thì bất cứ khi nào gặp can nhiễu hay ma nạn đều không thể tĩnh tâm mà học Pháp, liền trốn tránh, không muốn cắn răng và hạ quyết tâm chân chính cải biến bản thân, tu bỏ hết thảy những thứ dơ bẩn đó. Thay vào đó, chúng ta chỉ tập trung vào bản thân những ma nạn đó và loay hoay tìm cách vượt qua.

Tuy nhiên, tu luyện đã tới bước tối hậu, hết thảy nhân tâm đều phải buông bỏ đến mức buông bỏ cả tự kỷ – bản thân mình như thế nào, mong muốn làm gì, làm thế nào đắc được những thứ tốt trong cuộc sống,…

Đương nhiên, nói thì dễ làm mới khó. Sư phụ đã đề cập xuyên suốt các bài giảng rằng, mỗi từng sự việc mà chúng ta gặp trong tu luyện, chỉ cần chúng ta giữ vững tâm tính và tin lời Sư phụ nói, thì chúng ta đều có thể loại bỏ những nhân tâm bất hảo ẩn giấu phía sau.

Chúng ta nên tự hỏi bản thân: Mình có thể loại bỏ tư tâm không? Mình có nguyện ý chiểu theo yêu cầu của Sư phụ mà hành không? Nếu không, thì tại sao lại không làm được? Sư phụ đã giảng: “Nan Nhẫn năng Nhẫn, nan hành năng hành.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân). Vậy thì chúng ta có muốn “hành” và “nhẫn” không?

Sư phụ từng giảng một câu chuyện:

“Trong quá khứ có một người tu Đạo đi trên đường, vừa đi vừa uống rượu, đột nhiên nhìn thấy một người, người này chính là người có thể tu Đạo mà mình cần tìm, ông liền muốn độ người này, muốn thu nạp làm đồ đệ.“ (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây Mỹ quốc [1999])

“Ông nói rồi liền để cái bình rượu kích cỡ bằng bàn tay trên mặt đất, mở nắp ra, ngay lập tức nhảy vào trong bình rượu. Anh ta vừa nhìn thấy sư phụ nhảy vào trong, cũng học theo sư phụ nhảy một cái, cũng vào trong bình rượu. Những người xem náo nhiệt đều tới nằm bò nhìn vào trong miệng bình, ái chà, vừa nhìn thì thấy bên trong là một thế giới rộng lớn, lớn phi thường.” (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây Mỹ quốc [1999])

Pháp của Sư phụ giảng dùng mắt phàm mà nhìn thì chỉ là những con chữ trên trang giấy. Tuy nhiên, tầng tầng tầng tầng bên trong đó đều là tầng tầng thế giới và vũ trụ do Đại Pháp cấu thành, uy lực vô biên, Pháp lực vô biên, vô sở bất năng, làm sao lại không thể cải biến được chúng ta chứ?

Thế nhưng, để cải biến, thì bản thân chúng ta phải tự nguyện! Nếu không tự nguyện thì chính là tái tạo, không phải là bản thân chúng ta nữa, cũng không phải là phương thức cứu độ chúng sinh hiện thời của Sư phụ. Sư phụ chính là đang độ chúng ta cùng hết thảy sinh mệnh. Chúng ta chủ động tu luyện đến bước nào, thì tâm tính đề cao đến bước đó, tu cao bao nhiêu, thì có thể thấy được nội hàm của Pháp cao đến đó.

Sư phụ giảng:

“[…]kể rằng một tăng nhân kia đả toạ luyện công, nguyên thần [bay] đến thế giới Cực Lạc xem ngắm cảnh tượng [nơi ấy]; hết một ngày; rồi quay về nhân gian đã thấy sáu năm trôi qua. Vị ấy thấy được không? Đã thấy, nhưng điều vị ấy đã thấy không phải là chân tướng. Tại sao? Bởi vì tầng của vị ấy không đủ, [nên] chỉ có thể ở tầng của vị ấy mà hiển hiện cho vị ấy những thể hiện của Phật Pháp mà vị ấy nên được thấy. Bởi vì một thế giới kiểu như vậy chính là thể hiện cấu thành của Pháp; cho nên, vị ấy không thể thấy được chân tướng.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Vậy khi học Pháp thì chúng ta phải dùng tâm thái nào để đối đãi đây? Chúng ta đã tôn kính Pháp đầy đủ chưa? Nếu một người không thể thấy được nội hàm cao hơn trong Pháp, có thể là do người đó đã không thực tu, mà dùng nhân tâm để đối đãi Pháp. Đây chẳng phải là vấn đề thường thấy trong các học viên sao, cũng chẳng phải là vấn đề rất to lớn sao?

Từ phương diện khác mà nói, chúng ta có thật sự muốn dành quãng đời còn lại trong chốn u mê này không? Trong cõi người này, dù chúng ta có trở thành hoàng đế, hoàng hậu thì cũng để làm gì? Người Trung Quốc có câu: “Triêu văn Đạo, tịch khả tử!” Thời gian hạn hẹp. Nếu còn không vứt bỏ hết thảy nhân tâm và đi theo Sư phụ, thì quả thật sẽ chẳng còn nơi nào để đi nữa.

Chúng ta thường nói đến sức mạnh ý chí. Là đệ tử Đại Pháp, chúng ta có đủ ý chí hay chưa? Nếu chưa, hãy tự gia cường quyết tâm tu luyện hướng đến viên mãn và theo Sư phụ trở về nhà. Không nên dao động, hãy dũng mãnh tinh tấn đến bước cuối cùng. Nếu vẫn không thể vực dậy ý chí tu luyện, hãy nghĩ xem rốt cuộc chúng ta đang truy cầu điều gì? Rốt cuộc chúng ta thật sự muốn điều gì? Rốt cuộc chúng ta lựa chọn điều gì?

Buông bỏ chấp trước đồng hóa Đại Pháp

Làm thế nào để trở thành một người tu luyện đạt chuẩn? Chính là chúng ta tín Sư tín Pháp, hướng nội tìm một cách vô điều kiện, vứt bỏ hết những vật chất tư tưởng không thuần tịnh, không phù hợp với Pháp, không chấp trước vào kết quả, đừng bận tâm về việc cuối cùng mình sẽ đắc được gì.

Nếu chúng ta vẫn ôm giữ tâm lý xảo quyệt như: Chỉ cần đề cao tâm tính, thì mình sẽ không mất những thứ mình muốn, hoặc là sẽ được phúc phận to lớn nào đó, hay vượt qua khổ nạn hiện thời. Một số học viên đã xuất hiện trạng thái nghiệp bệnh kéo dài hoặc bị hãm trong ma nạn trùng trùng, là có mang chủng loại tâm lý này, chẳng qua là biểu hiện bên ngoài khác nhau mà thôi.

Là người tu luyện, chúng ta nên tự hỏi bản thân có thật sự tín Sư tín Pháp và đang đi trên con đường buông bỏ tất cả hay không. Trong môi trường tu luyện thật giả khó phân này, chúng ta phải có sự lựa chọn một cách tỉnh táo, dù không thể thực sự nhìn thấy những gì sẽ đạt được vào lúc tối hậu.

Thật ra, khi một người có thiện tâm thì sẽ sẵn sàng chịu đựng khó khăn, khổ nạn và bước đi trên con đường tu luyện. Khi mọi thứ sáng tỏ, ai cũng thấy phía trước là hào quang rực rỡ, thì ắt hẳn tất cả mọi người sẽ đều cố gắng, nhưng đó không được tính là chân tu!

Sau khi ngộ ra điều này tôi bắt đầu học thuộc Pháp.

Sau khi đọc các bài chia sẻ của đồng tu, tôi cũng đọc các bài giảng trong Giảng Pháp ở các nơi XI của Sư phụ và đạt được nhiều nhận thức mới.

Tôi cảm thấy vô cùng hối tiếc vì đã tu luyện kém cỏi suốt hơn 20 năm qua và lãng phí quá nhiều thời gian. Chúng ta nên loại bỏ hết thảy chấp trước và quay trở về ngôi nhà chân chính của mình với tâm thuần tịnh.

Trên đây là một chút nhận thức của cá nhân, muốn viết ra để cùng đồng tu giao lưu, có chỗ nào không đúng, xin đồng tu chỉ ra.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/12/1/377864.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/1/9/174566.html

Đăng ngày 24-01-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share