Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở New York
[MINH HUỆ 16-11-2018] Tính đến nay, tôi đã làm việc toàn thời gian tại Tân Đường Nhân (NTD) được tám năm. Hai năm trước, nếu ai đó nói với tôi: “Bạn không thực tu.” Tôi có thể sẽ trả lời: “Thế thì bạn không hiểu tôi rồi. Bất cứ khi nào gặp mâu thuẫn, tôi sẽ hướng nội tìm. Tôi đã giảng chân tướng thông qua các bản tin. Tôi coi nhẹ mong cầu về một cuộc sống tốt đẹp của người thường. Sao tôi có thể không thực tu được?”
Mặc dù không muốn thừa nhận rằng mình không thực tu, nhưng tôi biết mình đề cao rất chậm. Tôi không biết vấn đề nằm ở đâu, nhưng đôi lúc tôi ngộ nhận rằng có lẽ đây là một loại trạng thái tu luyện “ổn định.”
Có một dạo, tôi thường xuyên nghe được những lời nhận xét tiêu cực về mình, điều này khiến tôi hình thành những suy nghĩ tiêu cực rất khó để loại bỏ. Cuối cùng tôi nhận ra rằng tu luyện của mình quả thật có vấn đề.
Một hôm, có một học viên tên Thiên (hoá danh) vốn đã lâu tôi không liên lạc, đột nhiên gửi tin nhắn chia sẻ với tôi. Vài năm trước, cô nghĩ mình đã rớt trong một khảo nghiệm và rất hối hận. Cô không dám đối diện với Sư phụ, không dám đối diện với Đại Pháp và có một đoạn thời gian cô ở trong trạng thái thoát ly Pháp. Thiên thường khóc và cảm thấy mình chẳng thể tu thành.
Nhưng lần này khi chia sẻ với tôi, cô dường như trở thành một người khác. Cô nói bây giờ cô tu vô cùng thiết thực ngay từ những chuyện nhỏ nên thấy rất vui. Sau khi chúng tôi hàn huyên thêm vài câu, bỗng nhiên cô ấy nói: “Tôi rất lo cho bạn.” Cô ấy chỉ ra một vài thiếu sót của tôi, một trong số ấy là tôi đã thụ động làm theo các học viên khác.
Tôi đã không hoàn toàn đồng ý. Như tôi đã nói ở trên, tôi không muốn thừa nhận rằng mình không tinh tấn, vì vậy tôi đã không coi trọng góp ý của cô ấy.
Nhưng hai ngày sau, một học viên khác cũng chỉ ra chính xác điều tương tự. Cô nói rằng tôi đã không chủ động và tu một cách bị động. Tôi ngay lập tức hỏi cô ấy: “Chị đã nói chuyện với Thiên à? Những điều chị nói giống hệt cô ấy nói” Cô ấy trả lời: “Không. Tôi không biết cô ấy. Nếu cả hai chúng tôi đều chỉ ra cùng một vấn đề, thì có lẽ bạn cần thực sự chú ý.”
Tôi hiểu rằng đối với các học viên không có gì là ngẫu nhiên. Đó hẳn là lúc tôi cần đề cao, nhưng vấn đề của tôi là gì?
Chú ý đến các vấn đề nhỏ
Sư phụ giảng:
“Chư vị không cần nghĩ tới chỗ lớn. Chư vị bảo ‘Tôi không có sai lầm gì lớn, rất kiên định với Pháp’. Nhưng mà, chư vị không được coi những việc nhỏ thành những việc chẳng đáng kể.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Miền Tây Mỹ quốc 2015)
Tôi nhận ra rằng đây chính là vấn đề của mình. Trong thời gian dài, khi các khảo nghiệm lớn đến, tôi đối đãi với chúng một cách nghiêm túc, như một người tu luyện. Nhưng khi những vấn đề nhỏ xuất hiện, tôi chỉ bất cẩn đối đãi bằng suy nghĩ người thường. Ở tầng thứ sâu hơn, đây là vấn đề chủ động tu hay bị động làm theo người khác.
Sư phụ giảng:
“…chư vị có chủ động tu hay không, [hay là] chư vị là bị động bị dẫn dắt đi, biểu hiện ra vẫn là vấn đề chư vị tu hay không tu.” (Giảng Pháp tại Pháp hội San Francisco 2014)
“[Việc xảy ra mà] không chú ý, tin mà như không tin, tu luyện mà như không tu luyện, hoàn toàn không chịu trách nhiệm đối với bản thân – người như vậy có thể viên mãn được không?” (Giảng Pháp tại Pháp hội Australia [1999])
Tôi nhận ra rằng bản thân mình quả thật không thực tu. Có lẽ Sư phụ đã nhìn thấy tôi thật sự mong muốn đề cao nên cuối tháng 8 năm ngoái Ngài đã an bài cho tôi có cơ hội bắt đầu học thuộc Chuyển Pháp Luân cùng hai học viên khác. Mỗi ngày, chúng tôi học thuộc một đoạn. Mặc dù tiến độ hơi chậm, hiện giờ chúng tôi mới học thuộc đến Bài giảng thứ sáu sau hơn một năm, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục kiên trì.
Đề cao trong quá trình học thuộc Pháp
Việc học thuộc Pháp nhóm này đã giúp tôi nhận được rất nhiều lợi ích. Trước đây, tôi đã thử tự mình học thuộc Pháp, nhưng do thiếu sự kiên trì, tôi luôn dừng lại trước khi kết thúc Bài giảng thứ nhất. Ba chúng tôi giúp đỡ lẫn nhau và tôi thực sự trân quý cơ hội này.
Trong quá trình học thuộc Pháp, chấp trước nóng lòng cầu thành công của tôi dần nhạt đi. Trước đây trong công việc, nếu tôi không làm tốt, tôi sẽ trở nên thất vọng và tự hỏi: “Sau nhiều năm đào tạo, tại sao mình vẫn không chuyên nghiệp và vẫn làm không tốt?” Tôi cảm thấy thất bại và đôi khi thậm chí muốn bỏ cuộc. Tôi đã trải qua cảm giác thất vọng này khi cố gắng học thuộc Pháp. Nhưng sau đó tôi nghĩ rằng điều quan trọng không phải là kết quả mà là trân quý quá trình đồng hoá với Pháp, đọc thuộc đến đâu ngộ được đến đấy. Sau đó, bất kể tốc độ tôi ghi nhớ Pháp nhanh hay chậm như thế nào thì đó chính là một quá trình đề cao một cách thiết thực.
Tôi cũng đạt được nhận thức sâu hơn về ảnh hưởng của Văn hoá đảng và cách mà nó phản ánh trong chấp trước nóng lòng cầu thành công của tôi. Sư phụ giảng:
“Đều [chỉ] nghĩ đến làm cho nhanh, phải vậy không? Chỉ thấy cái lợi thiển cận. Tư tưởng ấy là văn hoá đảng do tà đảng nhồi nhét vào. Làm việc gì thì hãy làm nó cho tốt. Trong quá trình thực thi cái được nhìn là nhân tâm chư vị, chứ không nhìn bản thân sự thành công của chư vị.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2016)
Sau khi đọc lời giảng của Sư phụ, tôi tự nhủ: “Tại sao chúng ta lại chấp vào việc làm thành công cho nhanh như vậy?” Có lẽ vì chúng ta đã bị ĐCSTQ đầu độc bằng thuyết vô thần và tà thuyết luật rừng xanh rằng kẻ mạnh mới có thể sinh tồn. [Vậy nên] ở Trung Quốc, mọi người thường đánh giá thành công bằng kết quả cuối cùng và không ai quan tâm liệu quá trình ấy có phù hợp đạo đức hay pháp luật không. Điều này khiến người đến từ Trung Quốc dễ bị tập trung vào việc mong cầu thành công, chỉ quan tâm kết quả.
Nhưng là người tu luyện chúng ta nên nhìn sự việc một cách phản đảo. Thành công hay thất bại là do Thần an bài. Chúng ta cần tập trung nỗ lực với tâm thuần tịnh. Nếu tâm tính của chúng ta đạt yêu cầu, việc chúng ta cứu người sẽ thuận lợi như nước chảy thành sông (Thủy đáo cừ thành – nước chảy thành sông: là câu thành ngữ Trung Quốc ý nói rằng thành công sẽ tự nhiên đến khi có đầy đủ các điều kiện cần thiết mà không cần phải nhất mực truy cầu). Trong quá trình học thuộc Pháp, tôi dần dần có thể đối đãi với thất bại trong công việc một cách lý tính, lần này làm không tốt thì lần sau lại tiếp tục, chỗ nào còn thiếu sót thì bù đắp lại, nghiêm chỉnh làm đến cùng.
Tôi biết rằng có rất nhiều đồng tu làm trong NTD cũng trường kỳ học thuộc Pháp. Khi tôi hỏi một học viên cách mà cô ấy học thuộc Chuyển Pháp Luân, cô nói rằng không định học thuộc, chỉ là đọc nhiều rồi thì tự nhiên thuộc thôi.
Tôi đã rất ngạc nhiên vì tôi vẫn luôn học thuộc Pháp. Tuy nhiên tôi cảm thấy rằng một số đoạn rất khó nhớ. Tôi nghĩ vì tâm trí mình thỉnh thoảng bị sao lãng trong lúc học, nên tôi chưa bao giờ nhìn ra nội hàm sâu hơn phía sau đoạn Pháp nào đó.
Hơn một năm qua, tôi cảm thấy tâm tính của mình dần ổn định lại, tôi không còn bị động chờ đợi mâu thuẫn lớn rồi mới hướng nội, mà có thể nhận thức được những vấn đề lớn phía sau những “chuyện nhỏ.”
Một ngày trong khi đang đả toạ, tôi cảm thấy trong tâm mình có một sinh mệnh vô cùng tường hoà và trầm tĩnh. Tôi cảm thấy đó chính là chân ngã của mình, nhưng tôi cũng cảm thấy bên ngoài nó có một lớp vỏ cứng. Sau đó khi tôi phát chính niệm tôi nhận ra rằng lớp vỏ cứng đó chính là các quan niệm hậu thiên và nhiều chấp trước khác nhau nơi con người. Chân ngã của tôi đang đột phá lớp vỏ này.
Chuyện nhỏ mà không nhỏ
Sư phụ giảng:
“Tu luyện ấy, thế nào gọi là ‘vô lậu’? Không có chuyện nhỏ đâu.” (Giảng Pháp tại miền Tây Mỹ quốc 2015)
Tôi thể ngộ rằng có rất nhiều việc nhỏ nhưng chấp trước ẩn giấu trong đó lại không hề nhỏ. Ví dụ, có vài hôm tôi cảm thấy mình học thuộc Pháp chưa được kỹ, nhưng đã đến giờ học cùng hai học viên khác. Tôi không muốn nói: “Tôi chưa thuộc lắm.” Thay vào đó tôi bắt đầu học thuộc với họ và nhìn vào sách mỗi khi tôi không thể nhớ câu tiếp theo. Họ không biết việc này và nghĩ rằng tôi ghi nhớ rất tốt. Điều này giống như gian lận trong các kỳ thi vậy. Ẩn sau sự gian lận và che đậy của tôi là chấp trước vào danh và sợ bị phán xét.
Tôi tình cờ nghe thấy hai người nói về một số vấn đề do một học viên khác gây ra và cuộc thảo luận của họ khá tiêu cực. Tôi đã không đồng tình và nghĩ rằng cách làm đó không có vấn đề, vì tôi cũng đang làm việc đó theo cách đó và nó không có gì sai cả. Tôi cảm thấy bất ổn, nhưng nhanh chóng nhận ra rằng suy nghĩ này không chính và thanh trừ nó.
Ngay khi tôi loại bỏ suy nghĩ tiêu cực này, một ý nghĩ khác lại nổi lên: “Sao họ lại có thể nhận xét một cách tiêu cực về người khác như vậy được?” Tôi đã không hướng nội mà lại để cho tâm phàn nàn tăng trưởng. Đến cuối ngày hôm đó, tôi tĩnh tâm xuống và tự hỏi bản thân: “Mình đang phàn nàn về điều gì? Ý kiến của họ động chạm đến chấp trước nào của mình?” Tôi bắt đầu hướng nội tìm chính mình để xem tại sao tôi lại bị động tâm như vậy.
Cuối cùng tôi nhận ra rằng tôi cũng có vấn đề tương tự mà họ đang nói đến. Tôi ngay lập tức bảo vệ bản thân, vì không muốn thừa nhận vấn đề của mình. Trong thực tế tôi rất quan tâm đến thái độ của họ và quá hăm hở bảo vệ bản thân, [điều đó] cho thấy rằng tôi đang chứng thực bản thân thông qua công việc của mình.
Một ví dụ khác là khi tôi thấy có người cần giúp đỡ, tôi sẽ đặt công việc mà mình đang làm sang một bên và giúp cô ấy trước. Sau đó tôi tình cờ nghe thấy cô ấy phàn nàn rằng tôi giúp chẳng ra sao. Tôi cảm thấy cô ấy nói không đúng. Tại sao cô ấy không cảm kích sự giúp đỡ của tôi? Sau đó tôi nhớ tới những lời giảng của Sư phụ:
“Khi đều có thể rất thản nhiên đối mặt với uỷ khuất dẫu lớn đến mấy, đều có thể bất động tâm, đều không tìm cớ cho mình, có rất nhiều việc thậm chí chư vị không cần tranh biện, bởi vì trên con đường tu luyện này của chư vị không có việc ngẫu nhiên nào cả; có lẽ khi nói chuyện với nhau làm xúc động chư vị, có lẽ cái nhân tố để phát sinh mâu thuẫn với chư vị có quan hệ đến lợi ích chính là do Sư phụ đưa vào.” (Giảng Pháp tại Manhattan [2006])
Tôi nhận ra rằng điều này xảy ra là để phơi bày những chấp trước của tôi về việc không chấp nhận lời chỉ trích và mong muốn được tán dương, ngay cả khi chỉ là một lời cảm ơn đơn giản. Những việc này đều không hề nhỏ.
Đôi khi tôi cảm thấy khó chịu khi thấy lời nói và hành động của người khác không phù hợp với Pháp hoặc có mang văn hoá đảng. Khi tôi tự hỏi bản thân rằng liệu mình có những vấn đề này không, câu trả lời là tôi quả thật cũng có.
Sư phụ giảng:
“Dù thế nào đi nữa, đã là người tu luyện thì nhất định phải dùng phương thức của người tu luyện, dùng tư tưởng của người tu luyện mà suy xét vấn đề, quyết không thể dùng tư tưởng của người thường để suy xét vấn đề. Chư vị gặp phải vấn đề nào thì cũng không phải là giản đơn, không phải ngẫu nhiên, đều không phải là vấn đề người thường, nhất định có quan hệ với tu luyện, có quan hệ với đề cao của chư vị.” (Giảng Pháp tại Pháp hội thành phố Los Angeles [2006])
Không quên sứ mệnh cứu người
Là một phóng viên, tôi đã tiếp xúc với không ít chúng sinh. Tôi nhận thức sâu sắc rằng việc các đệ tử Đại Pháp có làm tốt hay không thực sự liên hệ tới việc chúng sinh có được đắc cứu hay không.
Hàng năm cứ vào dịp Tết và các ngày lễ khác, chúng tôi lại sản xuất những video chúc Tết Sư phụ. Nhiều người thường mà tôi phỏng vấn là người nhà của các học viên, họ đều biết ơn Sư phụ và Đại Pháp. Một số người đã khóc và những người khác nói rằng họ rất mong Sư phụ sớm trở về Trung Quốc.
Hãng truyền thông chúng ta có làm tốt hay không cũng có ảnh hưởng rất lớn. Có vị chuyên gia tại Trung Quốc từng nói với tôi rằng: “Chúng tôi đều đang xem NTD. Các bạn giỏi lắm. Cố lên!” Tuy nhiên, một khách du lịch đến từ Trung Quốc mà tôi từng gặp đã nói một vài điều không hay. Tôi cảm thấy rằng việc mình nghe được những phản hồi tiêu cực này chứng tỏ bản thân cũng có nhân tố phải tu về phương diện này.
Sư phụ giảng:
“…không được giống như công cụ tuyên truyền của tà đảng. Có một số sự tình vì để nó hướng khởi tác dụng về một phương diện nào đó bèn nói sự việc không đúng nữa; cái đó không tốt. [Nếu] có thể khởi tác dụng lớn cỡ nào thì để nó có tác dụng lớn cỡ nấy; không được cố theo lòng người mà làm một cách không thật; như thế sẽ mất uy tín.” (Giảng Pháp tại hội thảo luận Đài truyền hình Tân Đường Nhân [2009])
Báo cáo tin tức là một cơ hội để tu “Chân.” Tôi cố gắng hết sức để xác minh các chi tiết và đảm bảo độ chính xác của bản tin. Báo cáo tin tức cũng là một quá trình để loại trừ văn hóa đảng, không cường điệu hay phóng đại sự thật, vốn là cách phát ngôn của Đảng.
Sứ mệnh của NTD chúng tôi là “thuần chân, thuần thiện, thuần mỹ,” mục tiêu của chúng tôi là cứu người. Báo cáo tin tức cũng là một quá trình tu bỏ tình của bản thân tôi [về phương diện] không làm việc theo hứng thú cá nhân.
Năm ngoái, bộ phận tin tức đã bắt đầu sản xuất một loạt phim với tiêu đề: “Bách niên hồng họa” (Trăm năm thảm hoạ đỏ), vạch trần lịch sử thảm sát và bức hại người dân của ĐCSTQ. Các phóng viên từ các hạng mục khác đã tìm kiếm đương sự trong rất nhiều các cuộc vận động và phỏng vấn được những tư liệu trực tiếp quý giá. Một học viên khác đã dành nhiều giờ đọc qua các tư liệu lịch sử ngoài việc hoàn thành các bản tin hàng ngày được giao và làm tròn trách nhiệm với gia đình. Tôi cũng sản xuất vài tập trong đó, nhưng quá trình để sản xuất ra [một tập] phim quả thật gian nan. Cuối năm ngoái chúng tôi mới làm xong kỳ đầu tiên. Năm nay người quản lý không xúc tiến sản xuất kỳ hai do khối lượng công việc lớn và thiếu nguồn nhân lực. Tôi cũng không chủ động yêu cầu vì ngại khó ngại khổ. Tôi cảm thấy mình không có nhiều hiểu biết về các chủ đề lịch sử và quá trình sản xuất thì khá phức tạp.
Gần đây tôi tìm thấy một vài bình luận của một người xem năm ngoái. Anh ấy viết rất nhiều, nói rằng sau khi xem những sự thực lịch sử này anh cảm thấy vô cùng đau lòng cho dân tộc Trung Hoa. Anh ấy đã nhắn tin khắp nơi kêu gọi các bạn trên mạng “Hãy để những người xung quanh bạn xem được bộ lịch sử đầy máu và nước mắt này.” Anh ấy cũng cắt video thành những tệp âm thanh [mp3] có dung lượng nhỏ và tải chúng lên mạng để cho người dân Trung Quốc có thể [dễ dàng] tải xuống.
Từ những lời của anh ấy, tôi có thể đoán được rằng anh không phải là học viên. Một chúng sinh sau khi thức tỉnh đã nóng lòng muốn người khác hiểu được chân tướng như vậy. Thế mà, tôi – một đệ tử Đại Pháp lại chẳng hề vội vã hay lo lắng, biết rõ tầm quan trọng của loạt phim chân tướng này nhưng lại thụ động chờ người quản lý nói thì mới làm.
Sư phụ giảng:
“Tất nhiên, khi không có hoạt động tập thể, thì việc đệ tử Đại Pháp cứu độ chúng sinh là tự mình cần chủ động mà làm đi, những việc đó không thể đợi người điều phối an bài cho.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York năm 2010)
Nói tới đây, tôi xin phép quay lại sự việc mà tôi đã đề cập ở đầu bài chia sẻ.
Năm ngoái, chỉ trong một tuần mà hai học viên đều gửi tin nhắn cho tôi để chỉ ra cùng một vấn đề, đó là sự phối hợp của tôi trong kênh truyền thông, kỳ thực là sự phối hợp bị động. Tôi đã không hướng nội, vì vậy tôi phải mất một năm để hiểu những gì mà họ đang cố nói với mình.
Phía sau sự bị động này chính là tư tâm giảo hoạt. Tôi luôn đợi người quản lý giao nhiệm vụ, vì tôi cảm thấy như vậy tôi sẽ không phải đối mặt với quá nhiều mâu thuẫn. Hơn nữa, nếu tôi chủ động đề xuất, liệu người quản lý có tiếp nhận hay không? Nếu đề xuất của tôi không tốt, liệu anh ấy có cách nhìn khác về tôi không? Chấp trước bảo vệ bản thân một cách mạnh mẽ này đã khiến tôi né tránh trách nhiệm cứu người.
Sau khi nhận ra điều này, tôi đã chủ động đề xuất việc sản xuất kỳ II. Người quản lý cảm thấy việc này vô cùng cấp thiết, vì vậy chúng tôi đã lập tức bắt tay vào làm.
Sư phụ giảng:
“Đệ tử Đại Pháp làm kênh thông tin để làm gì? [Để] cứu người. Chư vị đừng quên, chư vị là cần cứu người, làm tốt hạng mục thông tấn cũng là để cứu người. Giảng chân tướng, cứu chúng sinh, đó chính là điều chư vị cần làm, trừ đó ra thì không có điều chư vị cần làm, trên thế gian này không có điều chư vị cần làm.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2015)
Mỗi khi nhìn thấy các đồng tu lặng lẽ quét dọn vệ sinh hay bận rộn trong nhà bếp và cả những đồng tu làm kinh doanh ngoài trời bất kể nắng mưa, trong tâm tôi lại tràn đầy kính trọng và cảm kích. Tất cả chúng ta đều có cùng một sứ mệnh: thành tựu kênh truyền thông, trợ Sư Chính Pháp và cứu độ chúng sinh.
Tôi vẫn còn nhiều chấp trước cần tu bỏ và nhiều vấn đề tới nay tôi vẫn chưa nhận thức ra. Tôi nhất định sẽ nỗ lực thực tu, quy chính lại trong Pháp.
Nếu có học viên nào cảm thấy sự tu luyện của mình đề cao quá chậm và không biết làm thế nào để đột phá, tôi thật lòng khuyên bạn nên học thuộc Pháp.
Sư phụ giảng:
“…thấy thật khó làm, nói là khó làm, chư vị cứ làm xem cuối cùng có làm được chăng. Nếu chư vị có thể thật sự thực hiện được như vậy, thì chư vị sẽ phát hiện rằng ‘liễu ám hoa minh hựu nhất thôn’!” (Chuyển Pháp Luân)
Con xin cảm tạ Sư phụ! Cảm ơn các bạn đồng tu!
Xin các đồng tu hãy chỉ ra bất kỳ điểm nào còn thiếu sót trong bài chia sẻ của tôi.
(Bài chia sẻ tại Pháp hội Tân Đường Nhân và Đại Kỷ Nguyên năm 2018)
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/11/16/377060.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/11/21/173339.html
Đăng ngày 12-12-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.