Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại New York

[MINH HUỆ 14-11-2018] Kính chào Sư phụ! Xin chào các đồng tu!

Được tham gia làm việc cùng nhiều đồng tu trong kênh truyền thông, có cơ hội tu luyện và đề cao tâm tính bản thân, đồng thời truyền rộng chân tướng, cứu người và hoàn thành thệ ước của mình là một cơ hội hiếm có mà Đại Pháp trao cho tôi và cũng là một vinh dự mà Sư phụ ban cho tôi. Càng tu luyện, tôi càng nhận ra sự cần thiết phải trân quý cơ hội được tu luyện trong kênh truyền thông và tiếp tục đề cao bản thân.

Thay đổi các quan niệm con người và làm tan băng giá giữa các học viên

Trước đây tôi đã duy trì một mối quan hệ thân thiện với một đồng tu cũng là một đối tác của tôi trong công việc, và chúng tôi thường trao đổi cùng nhau. Tuy nhiên, trong một thời gian, vị học viên này đã phớt lờ tôi, xoay ghế của cô ấy đi và không màng đến lời chào hỏi của tôi; khi tôi nói chuyện với cô ấy về công việc, cô ấy nhìn chăm chú vào màn hình máy tính như thể tôi không có ở đó.

Tôi cảm thấy thật bất công và đã cố gắng nói chuyện với cô ấy. Cô ấy sẽ nói không có gì xảy ra hay mọi thứ vẫn ổn. Cô ấy từ chối nói thêm và tiếp tục làm mặt lạnh mỗi ngày. Sau một thời gian, cô ấy bắt đầu đến muộn, nghỉ làm và thậm chí biến mất trong vài ngày mà không xin nghỉ phép.

Tôi cảm thấy rất khó chịu; như thể là có tảng băng chắn giữa chúng tôi. Tôi đã chán nản vì tôi chưa từng gặp phải chuyện gì như vậy trong đời mình. Thậm chí tôi còn cảm thấy nếu cô ấy tát vào mặt tôi hay hét lên với tôi, như thế còn tốt hơn là bị làm mặt lạnh kiểu này. Chiến tranh lạnh là thứ gây tổn thương nhất.

Có nhiều lần tôi quyết định nói chuyện cho ra nhẽ với cô ấy, nhưng ngay khi tôi chuẩn bị làm vậy, cô ấy hoặc sẽ nghỉ cả ngày hoặc tôi sẽ bị những việc khác cắt ngang và lỡ mất cơ hội. Tảng băng ngày càng lớn hơn.

Khi tôi nhìn lại, tôi nhận ra rằng tôi là người đã xa lánh cô ấy trước. Chuyện bắt đầu từ khi tôi biết rằng cô ấy đang bảo vệ bản thân bằng cách nói dối tôi. Tôi có một quan niệm ngoan cố rằng người ta không bao giờ nên nói dối, đặc biệt là người tu luyện; làm sao mà họ có thể nói dối cơ chứ? Tôi có thể tha thứ nếu một người thường nói dối, nhưng không thể tha thứ nếu đó là một học viên.

Kể từ đó, tôi đã có một định kiến với cô ấy và chỉ nghĩ đến cảm xúc của chính mình; Tôi không cố gắng để thấu hiểu từ quan điểm của cô ấy, cũng không nỗ lực giúp cô ấy. Ngoài công việc ra, tôi không còn nói chuyện với cô ấy nữa. Vì cô ấy là người nhạy cảm, cô ấy có thể cảm thấy được sự xa cách của tôi.

Một quan niệm khác đã đeo bám tôi là thể ngộ của tôi về “Chân”. Tôi cho rằng Chân nghĩa là tôi luôn luôn nên nói những gì mình nghĩ và có sao nói vậy. Trên bề mặt, điều đó dường như đúng. Nhưng nó không phải là “Chân” của người tu luyện.

Sư phụ giảng:

“Đạo gia tu luyện Chân Thiện Nhẫn, trọng điểm tu Chân; vậy nên Đạo gia giảng tu chân dưỡng tính, nói lời chân, làm điều chân, làm chân nhân, phản bổn quy chân, cuối cùng tu thành Chân Nhân. Nhưng cũng có Nhẫn, cũng có Thiện; [còn] trọng điểm rơi vào tu Chân.” (Chuyển Pháp Luân – Bài giảng thứ Nhất)

Tôi đã dính mắc vào các tiêu chuẩn và quan niệm của người thường. Do đó, tảng băng đã hình thành khi tôi nhìn thấy học viên đó đang cố tự bảo vệ mình. Có vẻ là tôi khó mà giải quyết được vấn đề này.

Một buổi sáng khi đang trên đường đi làm, tôi ngước nhìn những vì sao và nghĩ: “Có vô vàn các vì sao, nhưng không có cái nào giống cái nào, và cũng vậy với những chiếc lá trên mặt đất. Sự đa dạng của các sinh mệnh đã tạo nên một vũ trụ trù phú. Thật là lố bịch khi mình đòi hỏi những người khác phải giống mình.”

Tôi học được rằng để hòa hợp với những người khác, tôi phải khoan dung và quan tâm đến những người khác và thực sự chiểu theo “Chân – Thiện – Nhẫn.”

Trước đó, tôi đã cố gắng chia sẻ điều này với các học viên khác, hy vọng chứng tỏ tâm bất bình của mình và những hành vi sai trái của người khác, nhưng các học viên nói: “Có thể đó là vì bạn nợ cô ấy, hoặc đó là để bạn đề cao chính mình đó.”

Những lời này giúp tôi buông bỏ ý tưởng thay đổi người khác và chỉ coi đây là đang trả nợ nghiệp; tôi có thể đã đối xử rất tệ với những người khác trong một tiền kiếp. Đồng thời, một trong những quan niệm khác của tôi đã thay đổi – quan niệm về không muốn mâu thuẫn với những người khác.

Là một người tu luyện, không thể tránh được mâu thuẫn; Thay vào đó, tôi nên coi việc gặp mâu thuẫn là hảo sự. Khi những người khác đối xử tệ với tôi, họ đang giúp tôi tiêu nghiệp và cấp cho tôi cơ hội đề cao. Tôi nên biết ơn cô ấy và nắm bắt lấy cơ hội để tu luyện chính mình.

Đối với tôi, “từ bi” của tôi còn cách xa tiêu chuẩn. Đó là lý do tại sao tôi không hiểu được những người khác và không có khả năng hóa giải mâu thuẫn.

Sư phụ giảng:

“Sức mạnh của thiện là hết sức lớn.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Singapore 1998)

“Nếu như chư vị thực sự phát từ thiện tâm, không có bất kể quan niệm cá nhân nào ở bên trong, lời chư vị giảng ra thực sự sẽ cảm động người ta.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Singapore 1998)

Sau khi tôi thay đổi những quan niệm của mình từ bên trong, tôi cũng chuyển biến trên bề mặt và xử lý mọi việc một cách ôn hòa. Nhưng tôi biết rõ rằng tôi đã không thực sự buông bỏ chấp trước và đôi khi vẫn cảm thấy khó chịu.

Tôi nhận ra rằng điều này cũng là một dạng can nhiễu. Tôi không nên chỉ nghĩ về tu luyện cá nhân mà nên nhìn vào điều này từ góc độ tổng thể, trong một bức tranh lớn hơn, nghĩ về chỉnh thể, và không trì hoãn việc cứu người. Tôi phát chính niệm nhiều hơn để loại trừ can nhiễu và đồng thời học Pháp nhiều hơn. Tôi dần dần đã buông bỏ được chấp trước.

Tôi đã mời học viên đó đi uống trà sau khi cô ấy trở về sau kỳ nghỉ. Chúng tôi nói chuyện trong hơn 2 giờ, và tôi lắng nghe những gì cô ấy nói. Tôi chân thành xin cô ấy tha lỗi nếu tôi đã làm cô ấy bị tổn thương và cũng đề nghị cô chỉ ra những thiếu sót của tôi để tôi có thể sửa chữa; Tôi muốn thấy cô ấy vui vẻ mỗi ngày.

Lần đầu tiên sau nhiều tháng, chúng tôi trò chuyện và cười vui. Lúc đó, tảng băng trong tâm tôi đã tan chảy, và cả tâm lẫn thân tôi trở nên vô cùng thoải mái và dễ chịu; thế giới trở nên ấm áp và yên bình.

Tôi biết ơn người học viên đó đã giúp tôi nhận ra những quan niệm con người này và loại bỏ chúng thông qua tu luyện; Tôi biết ơn vì đã học được cách giữ một thái độ khiêm tốn khi tiêu bỏ nghiệp lực và đề cao tâm tính.

Vượt qua “cay đắng” và “mệt mỏi”

Tháng 8, một biên tập viên kiêm biên dịch đã ra khỏi nhóm của tôi. Chúng tôi tìm được một người mới vào giữa tháng 9 và phải huấn luyện cô ấy từ đầu. Cả nhóm đã vật lộn trong hơn một tháng để khắc phục trong thời gian chuyển đổi và thêm một tháng nữa để huấn luyện thêm cho người mới.

Trong thời gian này, hai thành viên đặc biệt phải đưa tin về cuộc thi vũ múa và người mới đi tham dự Pháp hội. Không có ai thay thế trong cả tuần. Thêm vào đó, có một thay đổi về phía người biên tập video và đạo diễn của chúng tôi, và tôi phải đảm bảo chất lượng phát sóng trong khi xem lại cảnh quay cùng những người biên tập video. Hai tháng này dài như hai năm với tôi.

Tôi cảm thấy rằng tôi đang chạm đến giới hạn của bản thân. Khi các đồng tu hỏi thăm tôi, tôi chỉ có thể cười cay đắng và đáp lại bằng một từ “mệt mỏi”. Hơn nữa, tôi phải chăm lo mọi thứ ở nhà và phối hợp với một nhóm biên tập-biên dịch viên quốc tế. Có quá nhiều thứ phải lo. Khi người giám sát tổ chức một hoạt động văn hóa Mỹ và hỏi liệu tôi có tham gia không, tôi đã nói rằng tôi không có thời gian.

Chồng tôi nói: “Anh cảm thấy phát ốm khi nghĩ về mỗi thứ Bảy sắp tới.” Thứ Bảy là ngày bận rộn nhất của tôi, vì tôi phải làm một chương trình trong cả ngày. Khi thiếu nhân lực, tôi phải tự mình vừa biên dịch vừa hiệu đính. Khi tôi về nhà vào buổi tối, tôi ngay lập tức lên mạng để họp với các học viên không thuộc văn phòng, và tôi thường làm việc tới nửa đêm. Ngày Chủ nhật, tôi phải làm các việc nhà của cả một tuần.

Thực sự là khó khăn và mệt mỏi. Tôi phát hiện rằng việc nhắm mắt lại, có một giấc ngủ ngon và tỉnh giấc khi tôi muốn, đã trở thành một giấc mơ, một phần thưởng lớn nhất và là một điều xa xỉ đối với tôi.

Một ngày thứ Bảy, tôi quá mệt mỏi đến mức tôi không thể nói nên lời. Tôi trì hoãn chương trình ban ngày của mình và không tham gia cuộc họp thường kỳ vào ban đêm. Tôi nằm trên giường và cảm thấy đầu tôi như sắp nổ tung, cảm giác thật khó tả. Tôi cảm thấy tôi đã chạm đến ngưỡng giới hạn.

Tôi kiệt sức, nhưng không thể ngủ; tôi đã kiệt sức, nhưng tôi càng nghĩ nhiều về nó, nó càng trở nên tồi tệ hơn. Tôi nghĩ đến việc nghe các bài giảng Pháp của Sư phụ

Sư phụ giảng:

“Tuy nhiên tiểu hoà thượng làm cơm ở nhà bếp lại không nhất định là người tiểu căn cơ. Tiểu hoà thượng ấy càng chịu khổ thì càng dễ khai công, còn đại hoà thượng kia càng hưởng thụ càng khó khai công, bởi vì [ở đây] có vấn đề chuyển hoá nghiệp lực. Tiểu hoà thượng thường xuyên vừa khổ vừa nhọc, hoàn nghiệp sẽ nhanh, nên khai ngộ mau chóng; có lẽ đến một hôm vị này lập tức khai công.” (Chuyển Pháp Luân – Bài giảng thứ Bảy)

Tôi thay đổi suy nghĩ của mình bằng cách coi bản thân là một người tu luyện và ngưng cảm giác “mệt mỏi” lại. Thực ra đây chỉ là những cảm xúc của con người. Nếu tôi dừng suy nghĩ về nó, nó sẽ không ảnh hưởng đến tôi.

Sư phụ giảng:

“Trong quá trình tu luyện chính là tiêu nghiệp, chính là chịu khổ. Chư vị không chịu khổ thì nghiệp kia vẫn không tiêu được, cho nên những thống khổ trên thân thể ấy, cái đó không nhất định là chuyện xấu. Những phiền toái trong cuộc sống chư vị đụng phải ấy, cái đó cũng không nhất định là chuyện xấu, chư vị chịu đựng qua rồi, mà chư vị không biết. (Pháp Luân Đại Pháp nghĩa giải – Kiến nghị tại Hội nghị Phụ đạo viên Pháp Luân Đại Pháp Bắc Kinh 1994)

Tiêu nghiệp và chịu khổ là những việc tốt vì chúng giúp tôi đề cao; đây nên là suy nghĩ của một người tu luyện.

Với những suy nghĩ này trong đầu, tôi chỉ ngủ khoảng hai hoặc ba tiếng. Ý tưởng về việc xin nghỉ phép cũng xuất hiện một vài lần: Tôi nên xin nghỉ phép như thế nào? Tôi có nên xin nghỉ liên tục hay ngắt quãng? Còn làm việc tại nhà thì sao?

Cuối cùng, tôi cảm thấy rằng tôi không nên có suy nghĩ muốn nghỉ ngơi và thoải mái. Chẳng phải đây chỉ là “cay đắng” và “mệt mỏi” sao? Các học viên ở Trung Quốc Đại lục vẫn kiên định tu luyện và làm điều mà các học viên Đại Pháp cần làm trong khó nạn; so sánh ra thì tôi đang ở trong một môi trường tương đối thoải mái ở nước ngoài, và có rất nhiều học viên ở đây để giúp đỡ lẫn nhau. Tôi còn phàn nàn về điều gì đây? Tôi cảm thấy xấu hổ khi nghĩ về điều này.

Câu đầu tiên trong Hồng Ngâm là “Khổ kỳ tâm chí” Ngay cả những người thường cũng nói rằng “Trời trước khi giao phó trách nhiệm lớn lao cho một cá nhân, trước tiên sẽ khiến người đó phải chịu nhọc cái gân cốt, khổ cái tâm trí.” Tu luyện là nghiêm túc, là minh bạch chịu đựng khổ nạn. Đây là chọn lựa của tôi.

Sư phụ giảng:

“Kỳ thực ý tứ căn bản tôi nói là muốn bảo mọi người rằng, sinh mệnh chư vị chính vì việc này mà tới! (các đệ tử vỗ tay nhiệt liệt); thật sự không có lựa chọn khác đâu! Đây là đệ tử Đại Pháp. Còn người thường, họ có thể chuyển sinh theo lục đạo luân hồi hay [trong] các giới; chư vị thì không thể, chư vị chính là [vì] sự việc Đại Pháp này. Cho nên, thực thi không tốt, thì lưu lại cho chư vị chính là hối hận. Nhất là những đệ tử tu lâu, không được giải đãi.” (Giảng Pháp tại Washington D.C năm 2018)

Sư phụ đã giảng:

“Tu tại tự kỷ, công tại sư phụ.” (Chuyển Pháp Luân – Bài giảng thứ Nhất)

Tôi đã đi làm ngày hôm sau như thường lệ và không còn cảm thấy mệt mỏi sau hai ngày.

Trân quý cơ hội tu luyện trong hạng mục truyền thông

Một số học viên hỏi lý do tại sao tôi không tìm kiếm thêm nhiều người tham gia vào nhóm. Trên thực tế, không có nhiều ứng cử viên để lựa chọn. Hơn nữa, nếu các nhân viên thường đến rồi lại đi, khán giả sẽ cảm nhận được sự không đồng đều về chất lượng, và nó sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của kênh truyền thông. Ngoài ra, có thêm nhiều người trong nhóm không có lợi cho việc điều phối, nhưng quan trọng hơn cả là nếu một khối lượng công việc của hai người được giao cho nhiều người hơn, sẽ chẳng còn mấy uy đức. Xét cho cùng, chúng tôi không phải là một công ty truyền thông của người thường.

Chúng tôi có thể làm tốt nếu chúng tôi bảo trì chính niệm và phối hợp với nhau trong những thời điểm khó khăn và căng thẳng. Hơn nữa, tài nguyên của Đại Pháp còn hạn chế và nên được sử dụng hợp lý. Trong cuộc chiến giữa chính và tà ở không gian khác, truyền thông là lực lượng tiên phong và ưu tú; cần có những người lính tinh nhuệ để giành chiến thắng trong chiến trận. Sự ổn định nhân sự và sự tiến bộ về kỹ năng của họ là rất quan trọng để truyền thông phát triển và đóng vai trò hiệu quả trong việc cứu người.

Trên thực tế, Sư phụ luôn quan sát chúng ta và những điều kỳ diệu thường xuất hiện.

Một lần, một clip được tải lên hệ thống chưa đầy hai phút trước khi phát sóng. Chúng tôi không tự tin việc có thể kịp phát sóng không. Tôi lặng lẽ cầu xin Sư phụ giúp đỡ và tập trung vào phát chính niệm. Hai phút đó cảm giác như rất dài. Tôi nhắm mắt và không dám nhìn vào màn hình cho tới khi tôi cảm thấy xung quanh yên ổn và biết rằng chương trình phát sóng đã diễn ra suôn sẻ.

Trải nghiệm sống động nhất là khi chúng tôi nhận được clip chỉ 6 giây trước khi phát sóng.

Mỗi ngày là một cuộc chiến, và đôi khi nó có thể là nhiều cuộc chiến khi chúng tôi làm các tin tức truyền hình. Để chiến thắng trong trận chiến, chúng tôi phải luôn giữ đầu óc thanh tỉnh và chính niệm mạnh mẽ, và chắc chắn rằng chúng tôi đang ở trong trạng thái tu luyện tốt.

Khi tôi xem buổi hòa nhạc của Dàn nhạc giao hưởng Shen Yun, tôi sẽ thường quan sát nhạc trưởng, vai trò của người này rất thu hút tôi. Ông ấy cần hiểu đầy đủ về tiết mục và các nhạc cụ khác nhau trong chương trình, và cũng phải biết trạng thái của từng thành viên trong dàn nhạc. Trong suốt buổi biểu diễn, ông ấy phải thực hiện đủ loại điều chỉnh và thay đổi nhỏ để đáp lại phản ứng của khán giả. Hơn nữa, ông phải huy động được cảm xúc của mọi thành viên trong dàn nhạc để đạt được hiệu quả phối hợp tối đa trong khi vẫn giữ được phong thái thoải mái để mang đến cho khán giả niềm vui lớn nhất.

Sư phụ giảng:

“Các đệ tử Đại Pháp, mỗi người đều muốn thành đệ tử chân tu, đều muốn thành một đệ tử Đại Pháp kiên định, đi trên con đường của Thần, tu luyện đầy đủ.” (Giảng Pháp tại Washington D.C năm 2018)

Tôi thường tự hỏi: “Kiên định và vững chắc trong tu luyện” nghĩa là gì? Thể ngộ của tôi tại tầng thứ hiện tại là có lẽ nó giống như một người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng Shen Yun. Có khả năng gánh vác tránh nhiệm to lớn là phản ánh sự tu luyện tâm tính vững chắc của một người trong thời gian dài.

Có nhiều lần không có tin tức để đưa tin. Nhưng thời gian không dừng lại và chúng tôi thể để trống màn hình khi khán giả đang xem. Khi tôi có thể bình tĩnh suy nghĩ, tôi luôn luôn có thể tìm được giải pháp phù hợp vào đúng thời điểm, và những thứ chúng tôi cần sẽ xuất hiện như thể chúng đã được chuẩn bị sẵn cho chúng tôi.

Có những lần khác khi chúng tôi đưa tin những sự kiện mà các kênh truyền thông khác bỏ qua. Ngay khi chúng tôi đưa tin, nó nhanh chóng theo hiệu ứng đô mi nô mà trở thành tin nóng hổi. Không cần phải săn đuổi tin tức. Khi chúng tôi buông bỏ những sở thích cá nhân, cái thích và không thích và tình cảm của con người, tâm chúng tôi sẽ trở nên rộng mở và có thể nhìn xa hơn về phía trước.

Tu luyện không chỉ là cay đắng và mệt mỏi; có nhiều điều kỳ diệu và huyền bí hơn mà người thường không bao giờ có thể trải nghiệm.

Ngoài ra còn có sự ấm áp giữa các đồng tu. Khi tôi làm việc ca sớm và không có gì để ăn sáng, các học viên sẽ mang cho tôi một quả trứng luộc bằng nước trà khi họ lên văn phòng. Điều này có thể nghe giống một cử chỉ nhỏ, nhưng lần nào tôi cũng đều thấy cảm động.

Sư phụ giảng:

“Chư vị đã vượt qua những năm tháng gian nan như thế rồi, bước đi tới hôm nay, không hề dễ dàng! Chư vị không biết trân quý ư? Cả tôi cũng trân quý chư vị! Cả chư Thần cũng trân quý chư vị! (các đệ tử vỗ tay nhiệt liệt) Do đó bản thân càng nên phải trân quý chính mình.” (Giảng Pháp tại Washington D.C năm 2018)

Tôi rất vinh dự được tham gia vào các dự án truyền thông, để tu luyện ở đây, hoàn thành thệ ước tiền sử của mình và cứu chúng sinh. Tôi trân quý tất cả những điều này.

Có một học viên người Úc mà tôi luôn cảm ơn vì đã vị tha và luôn giúp đỡ mọi người. Nhưng mỗi lần cô ấy đều sẽ nói: “Bạn không cần phải cảm ơn tôi. Tôi là người phải cảm ơn Sư phụ, cảm ơn Tân Đường Nhân, và cảm ơn tất cả những cơ hội đã đến với tôi để giúp tôi đề cao trong tu luyện, cứu chúng sinh và hoàn thành thệ ước của mình!”

Xin cho phép tôi được dùng những lời của cô ấy để bày tỏ lòng biết ơn đối với Sư phụ và cảm ơn tất cả các đồng tu.

Trên đây là kinh nghiệm tu luyện gần đây của tôi. Nếu có điều gì không phù hợp, xin vui lòng chỉ rõ.

Cảm tạ Sư phụ! Cảm ơn các đồng tu!

(Bài chia sẻ tại Pháp hội Tân Đường Nhân và Đại Kỷ Nguyên 2018)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/11/14/377037.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/11/19/173308.html

Đăng ngày 11-12-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share