Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 18-9-2018] Tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Sơn Đông và đã tu luyện được 20 năm. Tôi muốn chia sẻ một số bài học và trải nghiệm của mình về tầm quan trọng của việc trả nợ cho dù là nợ nhiều hay ít.

Năm ngoái tôi có một khoản tiền gửi ở ngân hàng sắp đến ngày đáo hạn. Một số ngân hàng thường đưa ra các ưu đãi để giữ khách hàng của họ, vì thế tôi đã hỏi xem liệu họ có bất kỳ ưu đãi nào không. Nhân viên ngân hàng cho biết họ không có, nhưng khi tôi nói rằng tôi sẽ chọn ngân hàng khác thì anh này đã nhanh chóng đi hỏi người quản lý. Sau đó anh ấy tươi cười quay lại và nói rằng họ rất vui được tặng cho tôi một ít quà còn sót lại từ chương trình trước, thay cho lời cảm ơn vì đã chọn dịch vụ của ngân hàng.

Tôi rất vui khi nghe điều đó và đã tiếp tục gia hạn tài khoản tiền gửi của mình. Sau khi hoàn tất thủ tục, tôi đi đến văn phòng của người quản lý để lấy quà. Cô lấy ra một bình dầu lạc 4.5 lít từ một cái tủ và đưa nó cho tôi. Cô ấy bảo tôi hãy đi cửa sau vì tránh để người khác trông thấy.

Đêm đó trong lúc đang phát chính niệm, có một niệm đầu chợt lóe lên trong đầu tôi: “Nếu tôi lấy gì đó không thuộc về mình chẳng phải là tôi đang đổi đức của mình với người khác sao?”

Khi tôi truy cầu một món quà miễn phí, chẳng phải đó là chấp trước tham lam sao? Tôi đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được 20 năm, tại sao tôi không nhận ra rằng những gì mình đang làm là sai?

Câu chuyện mà Sư phụ Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp, kể về một học viên đã đưa cho người con trai của mình ít tiền để mua vé số đột nhiên đến trong đầu tôi. Đứa trẻ đã thắng được một chiếc xe đạp và người cha tin rằng lấy chiếc xe đạp sẽ khiến cho anh phải mất đức. Vì thế anh đã quyết định đưa tiền ủng hộ cho đơn vị công tác của mình.

Tôi cảm thấy mình không thể trả lại bình dầu lạc vì ngay từ đầu tôi là người hỏi, và tôi sẽ mất mặt nếu phải mang trả lại nó vào ngày hôm sau.

Ý nghĩ này đã làm phiền tôi hết mấy ngày nhưng sau đó thì phai nhạt mất. Tuy nhiên, Sư phụ đã giảng: “nợ thì phải hoàn [trả]” (Chuyển Pháp Luân).

Một tháng sau, một số chuyện lạ đã xảy ra. Chuyện xảy ra khi tôi đang chạy xe đạp đến chỗ làm. Đường vắng tanh, nhưng đột nhiên tôi nghe thấy một tiếng “bang” có vẻ như tôi đã va vào thứ gì đó. Trước mặt tôi là một chiếc xe ô tô màu nâu. Tôi đã rất bối rối. Nó từ đâu đến vậy?

Tôi và cả chiếc xe đạp cùng nằm sõng soài trên đường. Vai và chân của tôi rất đau. Người lái xe bước ra khỏi xe và hỏi: “Giờ chúng ta phải giải quyết chuyện này sao đây?”

Tôi nhìn thấy cách cửa xe của anh ấy có một vết xước sơn nhỏ. Tôi biết mình đã làm điều gì đó không đúng nhưng không hiểu sao tôi lại nói: “Tại sao tôi không thấy xe của anh đang chạy đến nhỉ?”

Anh ấy có vẻ ngạc nhiên và đáp: “Chị không trông thấy xe của tôi ư? Nó khá to mà!”

Tôi đang vội đi đến chỗ làm nên đã đề nghị đưa cho người tài xế 300 nhân dân tệ để sửa xe của anh. Anh ấy nói anh ấy sẽ cần ít nhất 600 nhân dân tệ. Tôi nói tôi không mang theo mình nhiều tiền đến vậy và đã móc toàn bộ số tiền trong ví của mình để đưa cho anh ấy, tổng cộng là 450 nhân dân tệ. Tôi nói: “Tôi đã đưa toàn bộ những gì mình có, không còn gì nữa.”

Anh ấy không còn cách nào nên phải nhận nó. Anh ấy ghi lại số điện thoại của tôi và sau đó bỏ đi.

Vài ngày sau vụ việc, trong lúc đang đạp xe đi đến chỗ làm tôi đã dừng lại gần một công viên để mua một túi trà. Túi trà có giá 50 nhân dân tệ, và tôi đã đưa tờ 100 nhân dân tệ. Trong lúc đang chờ lấy lại tiền thừa, người bán hàng móc ra trong túi của mình một vốc tiền và chầm chậm đếm.

Ông ấy nói: “Có phải chị đã đưa cho tôi 50 nhân dân tệ?”

Tôi giải thích: “Tôi vừa mới đưa cho ông 100 tệ. Tại sao ông lại bảo tôi chỉ đưa cho ông có 50 tệ? Nếu tôi nói dối, tôi sẽ không phải là một người tốt.”

Tôi chắc chắn rằng ông ấy đã nhớ sai, nhưng ông ấy đã lớn tuổi và nhìn thật thà. Ông cảm thấy không vui vì đã nhớ sai tiền, và nói: “Chị chỉ trả tôi có 50 tệ. Sao chị còn muốn trả lại tiền thừa?”

Tôi thấy ông ấy sắp khóc vì bị buộc tội oan. Nhưng do đang vội phải đi làm nên tôi đã nói: “Thôi được rồi, ông cứ để đó đi. Tôi không muốn uống trà nữa. Xem như tôi đã biếu ông số tiền đó.”

Trên đường đến chỗ làm tôi đã nghĩ về vụ việc này. Có vài chấp trước mà tôi cần phải bỏ nhưng chúng là gì? Tôi tiếp tục nghĩ. Sau đó thùng dầu lạc đã xuất hiện trong đầu tôi.

Có vẻ như tôi đã tìm thấy chấp trước và mọi thứ sẽ kết thúc. Nhưng khoản nợ của tôi vẫn chưa kết toán xong.

Một ngày kia tôi đã mua một chiếc áo sơ mi khi ra ngoài mua sắm. Sau đó tôi vội về nhà vì gia đình đang chờ tôi về nấu bữa tối. Khi đạp xe đến phía tây của trung tâm mua sắm, tôi nghe có ai đó gào to: “Chào cô, tôi cầu xin cô!”

Tôi dừng lại và nhìn thấy một cặp vợ chồng nghèo. Người phụ nữ vừa khóc vừa nói với tôi. “Cô ơi, làm ơn giúp chúng tôi! Chúng tôi là nông dân ở một thị trấn gần đây. Một người cao tuổi trong nhà chúng tôi phải vào bệnh viện. Chúng tôi không còn tiền. Chúng tôi chưa ăn gì cả ngày nay. Cô có thể cho chúng tôi vài đồng tiền lẻ để mua thức ăn được không?” Người đàn ông thì quệt nước mắt.

Tôi nói: “Tôi vừa mua một cái áo, nhưng tôi nghĩ mình vẫn còn 50 tệ. Anh chị có thể nhận lấy nó.” Tôi lấy tiền và đưa cho họ. Họ rất biết ơn.

Những chuyện này đã xảy ra cách đây hơn một năm, nhưng tôi sẽ không quên bài học này. Người xưa có câu: “Tích thiện chi gia tất hữu dư khánh,tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương“ (Nhà tích thiện ắt có niềm vui, nhà tích ác ắt có tai ương). Quả đúng vậy.

Tôi đã nợ 600 nhân dân tệ do làm hỏng xe của người đàn ông nọ, và tôi đã phải trả nó làm ba lần, tổng cộng là 600 nhân dân tệ – không hơn không kém.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/9/18/373988.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/10/17/172886.html

Đăng ngày 11-11-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share