[MINH HUỆ 26-10-2018] Sau khi ông Tôn Bình Hoa được trả tự do sau ba năm bị giam giữ phi pháp kể từ ngày 21 tháng 9 năm 2018, vợ ông cũng đã kiệt sức cả về tinh thần và thể chất. Trong suốt thời gian ông Tôn bị cầm tù, vợ ông đã phải một tay chăm lo con gái đang độ tuổi đi học, người cha bị bại liệt và người mẹ già yếu của ông.
Sức khỏe của ông sau khi ra tù cũng ở trong tình trạng rất tồi tệ. Do bị tra tấn, bị ép không được ngủ, ông bị giảm gần 40 kg. Việc giảm cân nghiêm trọng khiến cơ thể ông suy nhược, chỉ còn da bọc xương. Lưng của ông còng hẳn xuống do bị bắt ngồi xổm hàng giờ liên tục mỗi ngày. Trong ba năm tù giam, gia đình ông chưa bao giờ được phép đến thăm ông.
Tôn Bình Hoa năm nay 46 tuổi, sinh sống ở thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam bị bắt giam vào năm 2015 vì đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vì đã khởi xướng cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Cánh tay bị tê liệt 10 năm trước
Ông Tôn Bình Hoa lần đầu bị bắt tại Bắc Kinh vào ngày 23 tháng 12 năm 2000, vì đi thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Ông được trả tự do vào tháng 4 năm 2001. Vụ bắt giữ thứ hai diễn ra 37 ngày sau đó, và ông bị giam giữ trong 6 tháng. Do từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, ông chủ của ông đã không cho phép ông quay trở lại làm việc cho đến tháng 10 năm 2002.
Ông bị bắt lần thứ ba vào ngày 18 tháng 3 năm 2008, và bị giam giữ trong 6 tháng. Trong khi bị giam giữ, ông đã bị tra tấn rất tàn bạo. Một lần, cảnh sát kéo một cánh tay của ông qua vai và còng cánh tay kia xoắn sau lưng ông. Sau khi bị còng liên tục trong thời gian dài, cánh tay của ông bị mất cảm giác, bị liệt và không cử động được nữa.
Bị kết án tù vì kiếm tìm công lý
Để đòi lại công lý cho những oan sai và mất mát mà mình đã phải chịu đựng, ông Tôn đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân vào năm 2015; và chính quyền đã trả thù ông Tôn vì việc này. Họ bắt ông vào sáng ngày 22 tháng 9 năm 2015, khi ông đang lái xe đi làm. Họ tịch thu đồ đạc và chìa khóa của ông, lục soát nhà và nơi làm việc của ông, tịch thu sách và các băng rôn có thông điệp Pháp Luân Công. Các vật phẩm này được sử dụng làm bằng chứng chống lại ông tại tòa án.
Ông Tôn bị giam giữ trong đêm hôm đó và trường hợp của ông đã bị chuyển đến phòng kiểm sát địa phương. Ông bị chuyển đến nhà tù thành phố Nhạc Dương vào tháng 12 và gia đình ông không được phép vào thăm.
Ông đã bị kết án ba năm tù giam vào ngày 15 tháng 7 năm 2016. Ông cũng đã nộp đơn kháng cáo lên Tòa án thành phố Nhạc Dương, tuy nhiên, tòa án vẫn giữ nguyên bản án ban đầu. Không từ bỏ, ông Tôn đã đệ đơn lên Tòa án Nhân dân Tối cao tỉnh Hồ Nam ba lần nhưng không nhận được phản hồi. Ông bị đưa đến Nhà tù Vương Linh ở Chu Châu vào ngày 30 tháng 11 năm 2016.
Bị tra tấn trong tù
Vào tháng 2 năm 2018, khi một lính canh ra lệnh cho ông ngồi xổm, ông đã từ chối làm theo. Lính canh này đã đấm đá vào đầu ông nhiều lần. Các lính canh và tù nhân khác ấn ông xuống đất và lính canh này nhảy lên lưng ông.
Các lính canh cũng dán các khẩu hiệu vu khống Pháp Luân Công trên các bức tường trong phòng giam và trên giường của ông. Ông bị đánh đập tàn nhẫn sau khi xé những khẩu hiệu đó ra khỏi tường.
Lính canh ra lệnh cho một tù nhân đánh thức ông Tôn dậy mỗi giờ sau nửa đêm. Khi ông từ chối xem video vu khống Pháp Luân Công và không viết tuyên bố từ bỏ đức tin của mình, một lính canh đã ra lệnh cho các tù nhân tra tấn ông.
Để buộc ông từ bỏ Pháp Luân Công, cảnh sát đã ép không cho ông ngủ. Trong tháng 4, ông chỉ được phép ngủ một giờ trong 2 ngày liên tiếp. Ông bị buộc phải đứng hoặc ngồi xổm hơn 22 giờ một ngày và không được uống nước và sử dụng nhà vệ sinh trong một tuần. Sau đó, ông được phép ngủ từ một đến bốn giờ mỗi ngày.
Vào mùa hè, ông không được phép sử dụng nhà vệ sinh và cuối cùng đã tự làm bẩn mình. Tuy nhiên, ông không được phép tắm và giặt quần cho đến ngày hôm sau. Một lần khác vào mùa hè, cảnh sát không cho ông tắm trong ba tuần liền.
Một lính canh ra lệnh cho hai tù nhân tát vào mặt ông trong nửa giờ đồng hồ, làm ông bị gãy hai cái răng.
Ông Tôn thường nôn ra máu sau mỗi lần bị tra tấn. Không tin tưởng quản lý nhà tù, ông Tôn đã từ chối không uống bất kỳ loại thuốc nào mà họ đưa cho ông. Họ không muốn ông chết trong tù, nên cuối cùng đã ngừng tra tấn ông. Trước khi được trả tự do, cảnh sát cho phép ông được ngủ thường xuyên để hồi phục sức khỏe nhằm ngăn chặn việc bị tố cáo bức hại thân thể ông.
Bối cảnh
Năm 1999, Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo ĐCSQ lúc đó đã bỏ qua các ý kiến phản đối của các thành viên trong Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị và tiến hành cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong suốt 19 năm qua. Nhiều người đã bị tra tấn vì đức tin của họ và thậm chí bị giết để lấy nội tạng mang bán kiếm lời. Giang Trạch Dân là kẻ chủ mưu chịu trách nhiệm trực tiếp đối với cuộc đàn áp tàn bạo này.
Dưới sự chỉ đạo của Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh vượt ngoài pháp luật, có tên là “Phòng 610” vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này với quyền lực vượt trên cả lực lượng cảnh sát và hệ thống an ninh, tư pháp, nhằm mục đích bức hại Pháp Luân Công, với phương châm: vắt kiệt tài chính, bức hại thân thể, và hủy hoại thanh danh của học viên Pháp Luân Công.
Luật pháp Trung Quốc hiện nay cho phép công dân đệ đơn kiện đối với các vụ án hình sự, và nhiều học viên hiện đang thực hiện quyền nộp đơn khiếu kiến hình sự đối với kẻ độc tài Giang Trạch Dân.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/10/26/376249.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/11/4/173122.html
Đăng ngày 08-11-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.