Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại Thượng Hải, Trung Quốc

[MINH HUỆ 28-10-2018] Toà án Khu Tĩnh An ở Thượng Hải đã xét xử và kết án bà Nhậm Phượng Muội ba năm tù vào ngày 22 tháng 10 năm 2018. Bản án này đến sau một năm bà Nhậm bị bắt giữ vào ngày 18 tháng 10 năm 2017 vì tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Trong quá trình xử lý vụ án của bà Nhậm, công an và công tố viên đã từ chối gặp luật sư của bà để nghe ý kiến pháp lý của ông, trong khi Bộ luật Tố tụng Hình sự của Trung Quốc yêu cầu cơ quan điều tra tham khảo ý kiến của luật sư biện hộ về vụ án và cần phải có ghi chép chính thức cho việc này.

Bất chấp những nỗ lực tìm kiếm công lý của chồng và luật sư của bà Nhậm, tòa án vẫn kết án phi pháp bà trong phiên xử vào tháng 10.

Nhà bị lục soát sau khi bị bắt giữ, chồng không được vào thăm

Trong lúc bắt giữ bà Nhậm, công an đã lục soát nhà bà và lấy đi máy tính, máy in cùng các tài liệu liên quan tới Pháp Luân Công. Họ giam bà tại Trại tạm giam Khu Hồng Khẩu và không gửi thông báo tạm giam cho gia đình bà.

Chồng bà bị từ chối thăm bà khi ông gửi quần áo cho bà tại trại tạm giam. Khi ông đến đồn công an và Đội An ninh Nội địa để yêu cầu được gặp bà, họ đã liên tục từ chối đề nghị của ông.

Công an và công tố viên từ chối gặp luật sư trước khi chuyển hồ sơ vụ án lên toà

Chồng bà Nhậm đã thuê một luật sư để biện hộ cho bà. Khi hai người đến đồn công an địa phương, cảnh vệ không cho họ vào. Thay vào đó, anh ta đưa cho luật sư số điện thoại của một trong hai viên chức phụ trách vụ án. Người này đã từ chối gặp luật sư và chỉ tiết lộ hai người họ mang họ Vương và Trương. Anh ta cũng nói rằng đã chuyển hồ sơ của bà Nhậm lên Viện kiểm sát để phê chuẩn việc bắt giữ.

Luật sư lập luận rằng theo luật pháp, công an nên tham khảo ý kiến của ông trước khi chuyển hồ sơ đi.

Người này nổi giận và yêu cầu ý kiến của luật sư. Luật sư yêu cầu gặp mặt anh ta và trình ý kiến bằng văn bản, nhưng anh ta vẫn từ chối gặp.

Sau đó luật sư đi ăn trưa. Khi ông quay lại đồn công an vào buổi chiều, cảnh vệ lại từ chối cho ông gặp người phụ trách. Vì thế ông đã để lại ý kiến văn bản cho bảo vệ và bảo anh ta chuyển cho viên chức phụ trách.

Sau đó luật sư đã cùng chồng bà Nhậm đến Viện kiểm sát Khu Hồng Khẩu để gửi ý kiến văn bản của ông. Công tố viên phụ trách vụ án đã nói chuyện với luật sư qua điện thoại. Anh ta từ chối gặp luật sư hay cung cấp thông tin cá nhân của mình. Anh ta nói rằng luật sư có thể gửi thư về bất kỳ thông tin cá nhân nào cho viện kiểm sát.

Khi luật sư chưa nhận bất kỳ phản hồi nào từ công an hay công tố viên về ý kiến pháp lý của ông đối với vụ án, ngày 24 tháng 11 năm 2017, công tố viên đã thông báo với ông rằng việc bắt giữ bà Nhậm đã được phê chuẩn.

Sau đó công an đã chuyển hồ sơ vụ án của bà Nhậm lên viện kiểm sát vào ngày 16 tháng 1 năm 2018, cơ quan này đã chuyển cho Toà án Khu Hồng Khẩu vào ngày 5 tháng 2. Một tháng sau, Toà án Khu Hồng Khẩu đã chuyển hồ sơ của bà đến Toà án Khu Tĩnh An để tiếp tục truy tố.

Chồng bị hăm doạ vì viết thư thỉnh nguyện

Việc bà Nhậm bị bắt giữ và kết án là một đòn nặng giáng xuống gia đình bà. Chồng bà vừa mới nghỉ làm và chỉ nhận được khoản trợ cấp ít ỏi để duy trì cuộc sống. Trong tình trạng sức khoẻ kém, ông còn phải chăm sóc cho người mẹ 85 tuổi của mình.

Trong thư thỉnh nguyện ông viết gửi chính quyền để tìm cách giải thoát vợ mình, ông đã kể lại tình trạng u nang bụng của bà đã biến mất không lâu sau khi bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công. Với sức khoẻ tốt hơn và có nhiều sức lực hơn, bà đã làm nhiều việc nhà mà bà không thể làm trước kia.

Ông cũng cho biết bà đã trở nên chu đáo và thiện lương hơn sau khi tu luyện Pháp Luân Công. Bà đã chăm sóc tốt cho cha mẹ chồng và luôn giúp đỡ người khác.

Công an và viên chức uỷ ban dân cư đã sách nhiễu ông vào tháng 12 năm 2017 và hăm doạ sẽ bắt giữ ông nếu ông vẫn tiếp tục viết những lá thư như vậy.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/10/28/376318.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/11/3/173116.html

Đăng ngày 08-11-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share