Ban Biên tập Minh Huệ chỉnh lý

[MINH HUỆ 31-12-2000]

Từ trước tới nay vùng núi Himalaya vẫn luôn là vùng đất có nhiều người tu luyện, người dân ở đó có một cuộc sống chất phác, ai ai cũng giỏi múa hát, ngoài ra còn sùng bái Phật Pháp. Lúc bấy giờ có một người tu luyện tên là Milarepa. Chúng Phật Bồ Tát phải tu nhiều đời nhiều kiếp mới thành, nhưng Milarepa lại chỉ cần một đời là thành tựu được công đức tương đương với những Phật và Bồ Tát ấy, sau này trở thành thủy tổ của Bạch giáo Tạng Mật.

Tiếp theo Phần 10


Vị tiến sỹ Tháo Phổ này có một cô tình nhân ở thôn Bố Lâm. Ông ta bảo cô gái này bỏ thuốc độc vào trong pho mát rồi mang đi cúng dường tôn giả, định hạ độc chết tôn giả. Tháo Phổ đồng ý với điều kiện của cô gái là sẽ tặng cho cô ta một viên ngọc lớn. Cô gái tưởng ông ta nói thật, liền bỏ thuốc độc vào trong pho phát mang đến Nha Thành cúng dường tôn giả.

Lúc đó Tôn giả sớm đã biết rõ hết thảy sự việc. Tôn giả quan sát nhân duyên, biết chúng sinh có duyên đều đã được hóa độ. Mặc dù thuốc độc không thể làm hại ông, nhưng ngày mà ông niết bàn cũng sắp đến, nên ông sẵn sàng nhận đồ ăn cúng dường có độc này. Nhưng tôn giả biết, nếu trước khi ông nhận pho mát độc mà người phụ nữ này không nhận được viên ngọc, vậy thì cô ta sẽ không thể có được nó nữa, bởi vì tiến sỹ Tháo Phổ chắc chắn sẽ không đưa viên ngọc cho cô ta, cho nên Tôn giả nói với cô gái rằng: “Hiện giờ ta không cần ăn, xin cô hãy mang đến cho ta sau, có lẽ lúc đó ta sẽ cần ăn.”

Nghe tôn giả nói vậy, trong lòng cô ta vừa nghi hoặc, vừa sợ hãi, đoán chừng tôn giả đã biết trong pho mát có độc rồi, liền ra về với tâm trạng vô cùng bất an.

Cô gái gặp tiến sỹ Tháo Phổ kể cho ông ta nghe sự tình, còn nói tôn giả chắc chắn có thần thông cho nên không chịu ăn.

Tháo Phổ nói: “Hừm, nếu ông ta có thần thông thì sẽ không bảo cô lần sau lại mang đến cho ông ta, hoặc là sẽ bảo cô tự mình ăn chỗ pho mát có độc kia đi, ông ta không làm vậy mà bảo cô lần sau mang đến, rõ ràng là ông ta không có thần thông. Giờ cô hãy cầm lấy viên ngọc này đi, rồi cô lại mang pho mát đến cho ông ấy, lần này cô nhất định phải bảo ông ấy ăn hết đấy nhé”, nói rồi đưa ngọc cho cô gái.

Cô ấy nói: “Mọi người đều tin rằng ông ấy chắc chắn có thần thông, bởi vì ông ấy có thần thông nên hôm qua mới không ăn. Hôm nay lại mang đến, ông ấy cũng nhất định không ăn đâu. Tôi sợ lắm, không dám đi đâu, tôi thà không lấy viên ngọc này nữa. Xin ông hãy lượng thứ cho tôi, việc này tôi không thể làm giúp ông được.”

Tháo Phổ nói: “Trên đời này chỉ có loại người phàm phu tục tử mới tin rằng ông ta có thần thông, vì họ không xem kinh sách, không hiểu đạo lý, nên bị những lời dối trá của ông ta lừa gạt. Ta xem trong sách thấy nói người có thần thông có bộ dạng không giống ông ta. Ta dám bảo đảm rằng ông ta không có thần thông. Giờ cô lại mang pho mát có độc đến cho ông ta ăn, nếu chúng ta đạt được mục đích, ta nhất định sẽ không phụ cô. Chúng ta mến nhau lâu như vậy rồi, sau này cũng không cần phải sợ người khác đàm tiếu nữa, nếu việc này thành công ta sẽ kết hôn với cô, lúc đó không chỉ viên ngọc này thuộc về cô, mà những tài sản bên ngoài và tài sản trong nhà ta cũng đều giao cho cô quản, hai chúng ta sẽ sống cuộc đời sung túc, bách niên giai lão, cô thấy có được không?”

Cô gái này tưởng rằng những lời ông ta nói đều là thật, liền bỏ thuốc độc vào trong pho mát mang đến Nguyên Lạc Cát Tường cúng dường Tôn giả. Tôn giả mỉm cười đón nhận. Cô gái nghĩ trong tâm: Lời của tiến sỹ thật đúng, ông ấy thực sự không có thần thông gì.

Tôn giả mỉm cười nói với cô: “Cái giá cho việc làm này của cô – viên ngọc đó, cô đã cầm được chưa?”

Cô ta vừa nghe đã há hốc mồm, kinh ngạc không nói được lời nào. Vừa sợ hãi vừa xấu hổ, toàn thân run rẩy, sắc mặt xanh lét, vừa phủ phục khóc lóc run rẩy nói: “Ngọc tôi đã cầm ở tay rồi, nhưng xin ngài đừng ăn pho mát này, hãy đưa nó cho tôi.”

Tôn giả nói: “Cô cần nó làm gì?”

Cô ấy khóc thút thít nói: “Để kẻ gây tội là tôi ăn là được rồi.”

Tôn giả nói: “Một là ta không nỡ bảo cô ăn đi, bởi vì cô quá đáng thương, hai là nếu ta không nhận thứ cô tặng, ta sẽ đi ngược lại lời dạy của Bồ Tát, phạm vào đạo căn bản. Hơn nữa sự nghiệp tự, tha, độ sinh của ta đời này đều đã viên mãn rồi, thời điểm đến thế giới khác cũng đã đến rồi. Kỳ thực, thứ mà cô tặng không thể làm tổn thương ta được, ăn hay không ăn cũng không có quan hệ gì. Nếu ta ăn món pho mát mà lần trước cô tặng ta, vậy thì e là cô sẽ không lấy được viên ngọc này, cho nên ta không ăn. Hiện giờ cô đã có viên ngọc trong tay rồi, ta cũng có thể yên tâm ăn rồi, đồng thời anh ta cũng có thể thỏa mãn nguyện vọng của mình. Vả lại, mặc dù anh ta hứa hẹn sau khi cô làm xong sự việc này thì sẽ cho cô cái này cái kia, nhưng những lời đó đều không có cơ sở. Những gì mà anh ta nói về ta không có một câu nào là chân thực. Sau này cô và anh ta sẽ rất hối tiếc. Lúc đó hai người hãy thực sự sám hối, hãy học Phật Pháp thật tốt, nếu không ít nhất cũng phải nhớ sau này nếu gặp sự việc liên quan đến tính mệnh thì không nên tạo nghiệp nữa.

Anh ta và cô, hai người thường xuyên vứt bỏ hạnh phúc vui vẻ mà tự tìm cái khổ. Nghiệp mà các người gây ra lần này, ta phải phát nguyện tẩy tịnh cho các người. Vì sự an toàn của các người, việc làm lần này mặc dù sớm muộn gì cũng bị người khác biết đến, nhưng trước khi ta chết thì đừng nói với người khác. Ông lão già như ta trước nay lời nói rốt cuộc là thật hay giả, người chưa tận mắt nhìn thấy có thể không tin, lần này cô tận mắt thấy rồi thì cũng tin lời ta nói là thật rồi chứ.”

Nói rồi tôn giả liền ăn hết pho mát độc.

Cô gái trở về kể lại sự tình cho tiến sỹ Tháo Phổ nghe, Tháo Phổ nói: “Rau trong nồi không nhất định đều là ngon, lời người ta nói không nhất định đều là thật. Chỉ cần ông ta ăn pho mát độc đó thì ta đã đạt được mục đích rồi, cô nói ít thôi, nhớ giữ kín chuyện này chớ nói cho ai biết.”

Tôn giả truyền lời cho các thiện nam thí chủ khắp nơi ở Đình Nhật Áp Long và những người chưa từng gặp ông ở những nơi khác đến triệu kiến. Các đồ đệ của ông cũng đang chuẩn bị Pháp hội, nghe tin này, rất nhiều người đều không tin, mọi người đều tụ tập đến. Tôn giả liên tục thuyết thiên pháp cho mọi người. Giải thích tường tận đạo lý nhân quả trong thế tục. Khi ông thuyết pháp, rất nhiều đệ tử có căn cơ cao đều tận mắt nhìn thấy vô lượng Phật, Bồ Tát trên không trung đang nghe Tôn giả thuyết pháp. Có người nhìn thấy trên trời, dưới đất đầy người và những sinh mệnh không phải người đang hân hoan nghe Pháp. Mọi người cũng nhìn thấy trong không trung xuất hiện cầu vồng ngũ sắc, những áng mây màu sắc tràn ngập hư không, hoa ngũ sắc rơi như mưa từ trên trời xuống, mùi hương kỳ lạ thơm ngát, những âm thanh êm dịu cũng vang vọng xuống từ không trung.

Trong số đệ tử nghe Pháp, có người hỏi tôn giả: “Chúng con thấy trên trời dưới đất đâu đâu cũng có người trời đang nghe pháp, được tận mắt nhìn thấy những điềm lành hiếm có này, rốt cuộc là lý do gì vậy?”

Tôn giả trả lời: “Thiên nhân và thiện thần đang ở trên trời nghe ta thuyết pháp, cúng dường ta thắng diệu ngũ dục. Vì các con đều là các hành giả Yoga và những thiện nam có thiện căn, cho nên các con cũng cảm thấy hân hoan, nhìn thấy được rất nhiều điềm lành này.”

Có người lại hỏi: “Tại sao chúng con không thể nhìn thấy những thiên nhân ấy?”

Tôn giả nói: “Trong số các thiên nhân có rất nhiều người là Bồ Tát từ trần thế lên và những người đắc quả vị rồi nhưng không chuyển đi, muốn tận mắt thấy họ thì nhất định phải có thiên nhãn thông, thấp nhất thì cũng phải hội tụ đủ hai loại vốn liếng là phúc và huệ, hai chướng ngại là phiền não và lý trí không quá nặng thì mới được. Nếu có thể nhìn thấy Phật, Bồ Tát, vậy thì cũng có thể nhìn thấy những gia quyến khác. Nếu muốn nhìn thấy Phật, Bồ Tát, nhất định phải sám hối các tội lỗi, chăm chỉ tu hành, tương lai nhất định sẽ có thể nhìn thấy Phật Đà thù thắng nhất, tự tâm.”

Tôn giả thuyết pháp xong, trong dân chúng nghe Pháp, những người căn cơ cao đều chứng ngộ được đạo lý pháp thân tự tâm; người căn cơ trung bình khởi giác ngộ thù thắng về lạc, minh, vô niệm, tiến vào đại đạo; tất cả người tham dự đều khởi tâm đại Bồ Đề.

Tôn giả nói: “Các tăng ni, tục, nhân, thiên nhân đến nghe Pháp hội lần này đều từng phát thiện nguyện vào đời trước, cho nên hiện giờ mọi người mới có thể tụ hội ở đây, đây là Pháp hội nhân duyên Phật Pháp. Lão già ta đây giờ đã suy yếu rồi, đời này chúng ta có thể gặp lại không, thực sự rất khó nói. Nhưng Pháp mà ta giảng cho các vị đều là chân thực, hy vọng các vị theo Pháp mà tu trì. Trong chùa của ta, khi ta hiện thân thành Phật, các con đều sẽ là những đệ tử đầu tiên được nghe Pháp, cho nên các con nên lấy làm vui mừng.”

Các đệ tử ở Áp Long liền hỏi dụng ý dặn dò của tôn giả, có phải vì việc độ sinh đã hoàn tất phải niết bàn không? Mọi người thỉnh cầu Sư tôn nếu thực sự phải niết bàn, dù thế nào cũng phải niết bàn ở Áp Long, nếu không ít nhất cũng phải đến Áp Long một lần. Họ khóc lóc nức nở kiên trì thỉnh cầu tôn giả phải đến Áp Long, người ở Đình Nhật Khúc Ba và các nơi khác cũng thỉnh cầu Tôn giả đến địa phương của họ.

Tôn giả nói: “Ta không đến Áp Long, ta ở Bố Lâm và Khứ Ba chờ chết là được rồi. Hiện mọi người chúng ta đều phát một thiện niệm đi, nguyện tương lai đều sẽ gặp nhau tại Không Hành tịnh thổ.” Các đệ tử liền nói: “Nếu như tôn giả thật sự không thể đi, vậy đành xin tôn giả phát nguyện gia trì cho tất cả những nơi mà tôn giả từng qua và tất cả chúng sinh ở đó, xin tôn giả phát nguyện gia trì chúc phúc, cát tường.”

Tôn giả nói: “Các con đều có tín tâm như vậy, khiến ta vô cùng cảm động, ta đã có thiện tâm thuyết pháp cho các con rồi, tương lai ta tất nhiên sẽ phải phát nguyện mang niềm vui, hạnh phúc đến cho hết thảy chúng sinh.” Thế là tôn giả liền hát một bài ca phát nguyện.

Dân chúng nghe Pháp vô cùng mừng vui, nhưng lại không dám tin, nghĩ rằng tôn giả chắc sẽ không niết bàn đâu. Đồ đệ ở Áp Long và Bố Lâm đều đến trước mặt tôn giả thỉnh cầu gia trì và chúc nguyện. Sau đó dân chúng nghe Pháp đều ra về. Những cầu vồng ngũ sắc trên trời cũng dần dần tan biến.

Dân chúng ở Bố Lâm thành khẩn xin đại đệ tử của tôn giả Nhã Ba Tịch Quang thỉnh cầu tôn giả đến Mao Bồng ở hang Độc Long Đỉnh cư ngụ, tôn giả liền đến đó ở một thời gian, thuyết pháp cho các thí chủ ở thôn Bố Lâm. Một hôm, tôn giả nói với tất các đồ đệ: “Nếu có thắc mắc gì về Pháp thì nên mau chóng hỏi ta, ta sắp đi rồi”, vậy là các đệ tử liền chuẩn bị Hội Cung Luân (nghi thức cúng lễ của Mật giáo) mọi người hỏi tôn giả về Pháp, đưa ra những vấn đề còn thắc mắc. Cuối cùng Trí Cống Ba và Tát Vấn Nhật Ba nói với tôn giả: “Thưa Thượng sư lão nhân, theo lời của ngài thì ngài sẽ nhanh chóng niết bàn, chúng con quả là không thể tin nổi. Xin ngài ở lại thế gian lâu hơn, có thể có lợi cho chúng sinh hơn.”

Tôn giả nói: “Thọ mệnh ở thế gian của ta đã hết rồi, những chúng sinh nên hóa độ cũng đã hóa độ xong rồi. Phàm là vạn vật đều có sinh tất có tử, kỳ thực, sinh chẳng qua cũng chỉ là bề ngoài của tử mà thôi.”

Mấy hôm sau, tôn giả quả nhiên có hiện tượng mắc bệnh, đệ tử Nhạn Tổng Nhã Ba liền tụ tập tất cả thí chủ và các đệ tử đến khẩn cầu thượng sư, Bản Tôn Không Hành hộ pháp, cử hành Hội Cung. Đồng thời nói với tôn giả: “Thưa thượng sư, ngài biết pháp trường thọ và các phương pháp trị bệnh, hiện giờ xin ngài mở lượng từ bi sử dụng một chút có được không?”

Tôn giả nói: “Căn bản mà nói, hành giả yoga không thể dùng được pháp gì, hết thảy cảnh giới thuận, nghịch đều không phải là đạo, ốm cũng được, chết cũng được. Nhất là Milarepa ta đã tu xong Pháp của đại ân thượng sư Mã Nhĩ Ba rồi nên hiện giờ không thể nhờ vào Pháp Cứu Thần Lai; ta có thể biến kẻ thù thành bạn thân thiết thì còn phải tu Pháp Cứu Bồ Tát làm gì nữa? Còn nói những yêu ma quỷ quái, chúng đã sớm bị ta bắt hàng phục rồi, đều đã biến thành hộ pháp bảo hộ cho Phật giáo rồi, cho nên niệm chú hàng yêu khua chiêng gõ mõ cũng chẳng ích gì. Ta đã chuyển ngũ độc (tức là năm loại phiền não tham, sân, si, ngạo mạn, đố kỵ) thành ngũ trí Như Lai (ngũ trí gồm thành sở tác trí, đại viên kính trí, bình đẳng tính trí, diệu quan sát trí, pháp giới trí. Ngũ Như Lai là Bất Động Phật, Bảo Sinh Phật, A Di Đà Phật, Bất Không Thành Tựu Phật, Đại Nhật Như Lai Phật), còn phải uống sáu vị thuốc thì có tác dụng gì? Hiện giờ thời gian đến rồi, Phật thân huyễn hóa thứ tự, trong Pháp tính quang minh phải nhập viên mãn này không thể thay đổi.

Con người thế nhân do quả báo đã làm điều ác trước đây, đời này chịu khổ đau trong sinh, lão, bệnh, tử, cho dù uống thuốc để chữa trị hay cầu Phật tu Pháp, cũng không thể giải thoát khỏi đau khổ. Dù quốc vương có uy quyền thế nào, dũng sỹ có sức mạnh thế nào, người giàu có của cải nhiều thế nào, mỹ nhân có sắc đẹp thế nào, người thông minh có tài trí thế nào, diễn giả có tài ăn nói thế nào, người ta cuối cùng đều phải chết, hết thảy điều này đều không thể thoát khỏi thành, trụ, hoại, diệt. Nếu các con sợ đau khổ, thích an lạc, ta có một phương pháp có thể giúp các con không phải chịu thống khổ và luôn hưởng an lạc.“

Các đệ tử nói: “Vậy xin thượng sư hãy nói cho chúng con.”

Tôn giả nói: “Hết thảy Pháp trong luân hồi, thành rồi phải hoại, tụ rồi phải tan, sinh rồi phải tử, yêu rồi phải ly. Có thể giác ngộ được từ đây thì nên vứt bỏ hết thảy những tác nhân gây ra khổ: không cầu tài, không cầu danh, đi theo con đường mà thượng sư đã đặt ra, theo đó mà tu hành Vô sinh pháp yếu. Các con phải biết tu hành Vô Sinh không quan, là hết thảy sự thù thắng nhất trong tu hành. Ngoài ra còn có những lời quan trọng khác, sau này ta sẽ nói cho các con.”

Hai đại đệ tử Nhã Ba Tịch Quang và Tổng Nhã Ba nói với tôn giả: “Thưa thượng sư, nếu sức khỏe của ngài tốt, chẳng phải ngài có thể ở lại thế gian và cứu độ được thêm chúng sinh nữa hay sao? Nếu ngài không nhận lời thỉnh cầu của chúng con thì hãy ở lại thế gian 100 năm, nhưng dù thế nào xin ngài hãy tu Bí mật chân ngôn thừa, uống một chút thuốc đi vậy, để ngài hồi phục sớm một chút”, họ cứ khẩn cầu như thế mãi.

Tôn giả liền nói: “Nếu không phải là thời khắc nhân duyên đã đến, ta sẽ có thể làm theo lời của hai con. Nhưng nếu không phải vì lợi dụng duyên cớ đó mà cầu thọ mệnh cho bản thân, lợi dụng chân ngôn Nghi quỹ mời Phật, Bồ Tát đến, thì cũng bằng như bảo hoàng đế từ trên ngai vàng xuống làm người hầu vậy, như vậy là có tội. Cho nên các con không nên vì bản thân mình, vì đời này mà tu Chân ngôn pháp. Nếu là vì lợi ích của chúng sinh mà tu Chân ngôn pháp, vậy thì rất tốt. Ta vì hết thảy chúng sinh, suốt đời ở nơi núi sâu không người tu tập được Nghi quỹ có ý nghĩa nhất, cho nên ta cũng không thể dùng được bất cứ Nghi quỹ nào khác nữa. Cảnh giới của ta đã đạt đến thống nhất với Pháp cảnh bản tính, cảnh giới không thể phân khai, không cần phải tu thêm bất cứ pháp nào tại thế gian nữa. Ta theo khẩu quyết lương yếu của thượng sư Mã Nhĩ Ba, ngũ độc trong người ta đã bị xóa trừ hết rồi, cho nên ta không thể dùng được bất cứ loại thuốc nào. Nếu các con không thể hỗ trợ ta, thì không thể được coi là người học chân chính. Nếu như thời gian chưa đến, gặp nghịch cảnh cản trở Bồ đề đạo, vậy thì nên uống thuốc hay tu pháp đều nên làm. Như lúc trừ bỏ nghị duyên chuyển thành trợ duyên này, không phải là không có. Vì để siêu độ những chúng sinh có căn cơ thấp, Thế tôn Thích Ca Mâu Ni cũng từng dùng thuốc chữa bệnh của Kỳ Bà Đồng Tử (Jivaka Kumara). Nhưng một khi nhân duyên đến, bản thân Phật Đà cũng phải niết bàn. Hiện giờ nhân duyên của ta đã đến rối, cho nên căn bản không thể uống thuốc hay tu Pháp nữa.”

Hai đại đệ tử lại thỉnh hỏi: “Nếu tôn giả nhất định phải vì lợi ích của người mà đến thế giới tha phương, vậy thì xin ngài nói cho chúng con phương pháp cúng dường cho ngài khi ngài xuống cõi niết bàn, xử lý thi thể ngài thế nào, xây dựng tháp cho ngài thế nào. Ngoài ra, xin ngài hãy nói cho chúng con làm thế nào tu tập hành đạo theo nghe, tư, tu.”

Tôn giả nói: “Ta theo ân đức của thượng sư Mã Nhĩ Ba, hết thảy sự nghiệp trong luân hồi niết bàn đều đã sạch trơn rồi. Hành giả yoga mà ba nghiệp thân, khẩu, ý trong Pháp tính đã giải thoát thì không nhất định để lại thân thể; các con không cần tạc tượng, cũng không cần xây tháp. Ta không chấp trước vào tượng hay chùa chiền, đã không có miếu thờ thì cũng không cần dặn dò ai làm trụ trì. Trên núi cao, các con hãy tu hành vì thương xót chúng sinh trong lục đạo, đây chính là bức tượng thù thắng nhất suốt bốn mùa. Hiểu rõ hết thảy Pháp vốn là thanh tịnh tức là đã tu tháp, xây cột rồi. Tâm khẩu như một, lời cầu nguyện từ sâu thẳm trong nội tâm chính là sự cúng dường thù thắng nhất.

Nếu làm bạn với người cam chịu phiền não và chấp trước nặng nề, làm những việc gây tổn hại cho chúng sinh, vậy chính là làm trái với những quy tắc mà người học Phật nên có. Nếu là để xa rời ngũ độc và mang lại lợi ích cho chúng sinh, trên bề mặt dường như là đang làm việc ác, kỳ thực lại là đang hành theo Phật Đạo, điều này không quan hệ.

Nếu chỉ để hiểu về Phật Pháp mà không tu hành thực tế, thì dù có nghe nhiều cũng lại trở thành trở ngại, kết quả chắc chắn sẽ bị rớt xuống vực sâu trong tam ác đạo. Cho nên phải hiểu rằng mệnh người vô thường, phải nỗ lực gìn giữ và bảo vệ nghiệp thiện ác mà mình biết, dù phải mất mạng cũng quyết không được làm việc ác. Nói một cách đơn giản, người học Phật phải biết hổ thẹn với bản thân mới có thể hành đạo. Các con theo đó mà tu hành, có thể sẽ tương phản với những điều tôn chỉ hoang đường nào đó trong kinh sách, nhưng làm như vậy là phù hợp với bổn ý của Phật, Bồ Tát. Hết thảy những điều cốt yếu tóm lược lại là như vậy. Ta cũng cho rằng như vậy là đủ rồi. Nếu các con có thể làm theo lời ta nói, ta cũng mãn nguyện rồi. Các con cũng có thể đi đến tận cùng của hết thảy luân hồi niết bàn. Nếu không, dùng con mắt và phương thức thế tục để thỏa mãn tâm nguyện của ta đều không có lợi ích gì.”

Chúng đệ tử cảm động sâu sắc, mọi người đều ghi nhớ trong tâm những lời giáo huấn này.

Không lâu sau, tôn giả sinh bệnh nặng. Lúc đó, tiến sỹ Tháo Phổ cải trang làm người đến cúng dường mang rất nhiều rượu thịt ngon đến cho tôn giả, cười mỉa mai rằng: “Ôi dào, một bậc đại thành tựu như tôn giả thì không nên mắc bệnh nặng như vậy! Sao ông lại bị bệnh tật hành hạ như vậy? Nếu có thể san sẻ bệnh tật sang cho người khác, thì ông có thể san sẻ cho các đại đệ tử, nếu có thể chuyển được bệnh tật thì xin ông hãy chuyển nó cho tôi vậy. Ông hiện giờ hết đường xoay sở rồi, kết thúc thế nào đây?”

Tôn giả cười bình thản nói: “Ta vốn dĩ không cần phải mắc bệnh này. Nguyên nhân không thể không mắc bệnh, anh nên biết rõ chứ. Thông thường nguyên nhân sinh bệnh của kẻ phàm phu khác với bản chất sinh bệnh của bậc hành giả Yoga, duyên khởi không giống nhau. Bệnh của ta hiện nay thực ra là biểu hiện của sự trang nghiêm của Phật Pháp.”

Tiến sỹ Tháo Phổ nghĩ trong tâm: Tôn giả hình như đang nghi ngờ ta, nhưng không dám khẳng định. Bởi vì tôn giả nói rằng có thể dịch chuyển được bệnh, điểm này không thể nào đáng tin được, trong thiên hạ này ở đâu có chuyện có thể chuyển được bệnh cho người khác chứ? Do vậy ông ta nói: “Tôi không biết rõ bệnh của tôn giả, nếu bệnh là do ma quỷ nhập lên thân thì nên tu theo pháp đuổi ma, nếu là do tứ đại (phong, hỏa, địa, thủy) không điều hòa thì nên uống thuốc điều chỉnh cơ thể. Nếu bệnh thực sự có thể chuyển sang thân người khác thì xin tôn giả hãy chuyển nó sang người tôi.”

Tôn giả nói: “Có một người mắc đại tội, ma quỷ trong tâm chạy ra làm tổn hại đến ta, làm cho nội tạng của ta không ổn định nên mới mắc bệnh. Bệnh này anh không có khả năng để tiêu trừ nó. Bệnh này của ta mặc dù có thể chuyển lên thân của anh, nhưng chỉ e anh không chịu nổi lấy một giây, cho nên tốt nhất là không nên chuyển.”

Tháo Phổ nghĩ bụng: “Ông già này căn bản không thể chuyển được bệnh cho ai đâu, cho nên cố ý nói những lời bóng bẩy này, để không bị mất mặt thôi.” Vậy nên cứ nài nỉ thỉnh cầu Tôn giả phải chuyển bệnh sang cho anh ta.

Tôn giả liền nói: “Anh đã kiên quyết thỉnh cầu như vậy thì ta sẽ tạm thời chuyển bệnh sang cánh cửa bên kia. Nếu chuyển cho anh thì anh không chịu nổi đâu, anh thấy được không?” Tôn giả liền dùng thần lực chuyển những đau khổ vì bệnh tật sang cánh cửa đối diện. Cánh cửa lúc đầu phát ra tiếng kẽo kẹt, như thể sắp bị nứt ra vậy, một lúc sau nó thực sự vỡ ra thành rất nhiều mảnh vụn. Nhìn lại tôn giả, quả nhiên dáng vẻ trở nên khỏe khoắn vô bệnh.

Tiến sỹ Tháo Phổ nghĩ trong tâm: “Đây chỉ là trò ma thuật che mắt, không thể lừa gạt được ta.” Liền nói: “A, điều này thật hiếm có, nhưng tôn giả chuyển bệnh cho tôi có tốt hơn không?”

Tôn giả nói: “Anh đã khổ sở yêu cầu thì ta sẽ chuyển một nửa bệnh của ta cho anh. Nếu chuyển toàn bộ bệnh thì anh chắc chắn không chịu đựng nổi.” Tôn giả chuyển một nửa nỗi khổ bệnh tật cho anh ta. Tiến sỹ Tháo Phổ lập tức đau đến nỗi ngất xỉu, toàn thân run rẩy, thở không ra hơi. Một lúc sau khi thấy anh ta sắp sửa hết hơi rồi, tôn giả liền thu lại phần lớn bệnh tật đã chuyển qua cho anh ta, lại hỏi anh ta: “Ta mới chuyển cho anh một phân nhỏ thôi, anh thấy thế nào? Có chịu nổi không?”

Tiến sỹ Tháo Phổ sau khi tự mình trải qua nỗi đau khổ này, trong tâm trào dâng lòng hối hận mãnh liệt. Anh ta quỳ xuống khấu đầu dưới chân Tôn giả, nước mắt đầm đìa khóc rằng: “Hỡi tôn giả, hỡi thánh nhân, con thành tâm hối hận rồi. Mong ngài thứ lỗi cho con. Con mang toàn bộ gia sản cúng dường cho tôn giả, tội nghiệp quả báo của con mong tôn giả hãy nghĩ cách tiêu trừ.” Tháo Phổ khóc lóc vô cùng thống thiết.

Tôn giả thấy anh ta thực tâm hối cải thì vô cùng vui mừng, liền lấy lại một chút bệnh tật còn lại trên thân thể anh ta, rồi nói với anh ta rằng: “Cả đời ta chưa từng cần đến đất đai, tài sản, hiện giờ ta sắp chết rồi lại càng không cần những thứ đó. Anh hãy giữ lại. Sau này dù có mất mạng cũng không được làm điều ác nữa. Tội nghiệp quả báo mà anh đã làm lần này, ta đồng ý tiêu trừ giúp anh là được.”

Tháo Phổ nói với tôn giả: “Lý do con hành ác trước đây đa phần đều là vì tiền tài, giờ đây con cũng không cần bất cứ tài sản nào nữa. Mặc dù bản thân tôn giả không cần, nhưng các đệ tử của tôn giả tu hành đều cần có tư lương, xin ngài hãy nhận thay cho họ.” Dù ông ấy thỉnh cầu, tôn giả vẫn không nhận. Sau đó các đệ tử của ông đã nhận, họ mang tài sản này ra cúng dường tập thể. Đến nay vùng Khứ Ba vẫn có cúng dường tập thể này.

Tiến sỹ Tháo Phổ sau đó quả nhiên đã vứt bỏ được những tham sân si trong cuộc đời, trở thành một người tu hành rất tốt.

Tôn giả nói với các đệ tử: “Sở dĩ ta phải ở đây chính là phải khiến cho người mắc đại tội này thực tâm hối cải, được giải thoát khỏi đau khổ. Đến nay việc này đã xong rồi, ta nên đi được rồi. Vốn dĩ người đại tu hành viên tịch trong thôn xóm cũng giống như hoàng đế băng hà ở nhà bình dân vậy, cho nên ta phải đến Khứ Ba tìm nơi viên tịch.”

Đệ tử Sắc Vấn Nhã Ba liền nói: “Thưa Thượng sư, ngài tuổi cao mà bệnh nặng như vậy, nếu đi thì thực sự quá vất vả, để chúng con làm một cái kiệu đưa ngài đi.”

Tôn giả nói: “Ta không nhất định là thật sự mắc bệnh, ta chết cũng không phải thật sự chết, chỉ là biểu hiện bề ngoài như mắc bệnh, sắp chết mà thôi! Cần phải kiệu gì chứ? Hỡi các đồ đệ trẻ, các con hãy đến Khứ Ba trước đi.”

Khi các đệ tử trẻ đã đi đến Khứ Ba, Tôn giả đã ở trong động Sý Kết Nha đợi họ rồi. Rất nhiều đồ đệ lâu năm nói: “Chúng tôi đã cùng tôn giả đến.” Một người khác nói: “Tôn giả đã nghỉ ngơi trên hang Độc Long Đỉnh.” Còn các thí chủ ở thôn Khứ Ba đến sau lại nói: “Chúng tôi trông thấy tôn giả thuyết pháp trong hang Triêu Tạp Đỉnh.” Lại có một số thí chủ khác nói: “Chúng tôi đến cùng lúc với tôn giả.” Còn có rất nhiều người lại nói: “Nhà của mỗi chúng tôi đều có một tôn giả đến nhận cúng dường.” Những người từ Khứ Ba đến trước tiên nói: “Tôn giả hãy đến Khứ Ba trước, chúng con cùng đến hầu hạ tôn giả.” Thế là người đến sau, người trông thấy tôn giả thuyết pháp, người cúng dường cho tôn giả, bên nào cũng cho là mình đúng, tranh luận không thôi, không biết ai sai ai đúng. Tôn giả nghe xong cười nói: “Các con đều đúng, ta làm vậy chẳng qua chỉ để đùa các con mà thôi.”

Xem tiếp Phần 12


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2000/12/31/5862.html

Đăng ngày 15-09-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

 

Share