Ban Biên tập Minh Huệ chỉnh lý
[MINH HUỆ 25-12-2000]
Từ trước tới nay vùng núi Himalaya vẫn luôn là vùng đất có nhiều người tu luyện, người dân ở đó có một cuộc sống chất phác, ai ai cũng giỏi múa hát, ngoài ra còn sùng bái Phật Pháp. Lúc bấy giờ có một người tu luyện tên là Milarepa. Chúng Phật Bồ Tát phải tu nhiều đời nhiều kiếp mới thành, nhưng Milarepa lại chỉ cần một đời là thành tựu được công đức tương đương với những Phật và Bồ Tát ấy, sau này trở thành thủy tổ của Bạch giáo Tạng Mật.
Tiếp theo Phần 4
“Khi ta còn đang trát vữa lên tường và phòng thờ, thì thấy Ngokton Chodor từ đất Vệ dắt theo nhiều đệ tử mang đến rất nhiều đồ cúng dường để xin được làm đại lễ quán đỉnh Hevajra. Sư mẫu nói với ta: ‘Mã Nhĩ Ba chỉ yêu tiền! Một người khổ hạnh tu luyện như con mà ông ấy lại không chịu truyền Pháp. Ta sẽ nghĩ cách làm một món vật để con cúng dường cho thượng sư. Dẫu thế nào ta cũng phải giúp con được quán đỉnh. Con hãy dâng vật cúng dường này lên trước. Nếu ông ấy vẫn không truyền Pháp cho con thì ta sẽ cầu xin giúp con.’ Nói rồi sư mẫu lấy từ trong áo ra một viên bảo ngọc màu đỏ. Ta cầm lấy viên hồng ngọc phát sáng lung linh ấy bước vào Phật đường, quỳ lạy thượng sư và dâng viên bảo ngọc này lên. Ta nói: ‘Lần quán đỉnh này, dẫu thế nào cũng cầu xin thượng sư từ bi truyền cho con.’ Nói rồi ta bèn ngồi vào ghế thụ Pháp.
Thượng sư cầm viên đá hồng ngọc lại ngắm nghía rồi hỏi rằng: ‘Đại Lực, thứ này ở đâu ra vậy?’
‘Là sư mẫu cho con.’
Thượng sư mỉm cười: ‘Cho gọi bà ấy đến đây!’
Sư mẫu tới nơi, thượng sư bèn hỏi: ‘Làm sao bà có được viên hồng ngọc này?’
Sư mẫu liên tục dập đầu run rẩy nói: ‘Viên hồng ngọc này vốn dĩ không có liên quan gì đến thượng sư. Khi ta xuất giá phụ mẫu nói với ta rằng: Tính khí của thượng nhân có vẻ không được tốt lắm. Nếu như cuộc sống sau này gặp phải khó khăn, mà cần đến tiền thì hãy dùng tới viên đá hồng ngọc này, nên mới cho ta. Song thân còn bảo ta đừng để người khác nhìn thấy. Đây là tài sản bí mật của ta. Nhưng nay vị đồ đệ này quả thực quá đỗi đáng thương, vậy nên ta đã cho Đại Lực viên bảo ngọc này. Xin thượng sư chấp nhận viên bảo ngọc này mà khai ân truyền thụ quán đỉnh cho Đại Lực. Nhiều lần quán đỉnh trước đây, ngài đều đuổi Đại Lực ra ngoài, khiến cậu ấy vô cùng thất vọng. Lần này, cầu xin Nga Ba lạt ma (Ngokpa – tên gọi khác của Ngokton Chodor) và các đệ tử giúp ta cùng cầu xin thượng sư.’ Nói xong, bà liên tục dập đầu.
Nhưng thượng sư lại tỏ vẻ giận dữ, Nga Ba lạt ma và mọi người không ai dám nói năng gì, chỉ cùng sư mẫu hướng về phía thượng sư. Thượng sư nói: ‘Sao bà lại làm chuyện hồ đồ thế này, mang một viên hồng ngọc đẹp như thế này cho người ngoài hả?’ Nói rồi thượng sư bèn đội viên đá lên đầu nói: ‘Bà lầm rồi, mọi thứ của bà đều là của ta. Viên hồng ngọc này cũng là của ta! Đại Lực! Ngươi có tài sản gì thì mang ra đây, ta sẽ quán đỉnh cho ngươi! Viên bảo ngọc này là của ta! Không được tính là vật cúng dường của ngươi.’
Nhưng ta nghĩ rằng sư mẫu nhất định sẽ nói đi nói lại về nguyên nhân cúng dường viên đá hồng ngọc, mọi người cũng đều đang cầu xin giúp ta, nên ta vẫn đợi, mặt dày mà chẳng rời đi.
Thượng sư nổi trận lôi đình, nhảy xuống từ trên ghế mắng ta té tát: ‘Ta bảo ngươi cút ra ngoài sao ngươi còn không chịu đi. Đây là đạo lý gì vậy?’ Ngài giơ chân lên đạp loạn xạ lên người ta. Khi ta cúi gằm mặt xuống đất, thì chân ngài đạp lên đầu ta. Ta mê man như trời sập tối. Ngay tức khắc ngài đạp ta ngã lộn nhào. Ta đột nhiên ngước mặt lên thì thấy giống như trời đột nhiên bừng sáng, ánh vàng kim nhảy nhót khắp nơi. Sau khi đá thoả thích một hồi ngài lại cầm cây roi đánh ta một trận nhừ tử. Khi Nga Ba lạt ma can ngăn thượng sư, dáng vẻ thượng sư trông vô cùng đáng sợ. Ngài nhảy lên nhảy xuống trong đại sảnh. Ngài phẫn nộ ngùn ngụt như đã đến đỉnh điểm! Ta nghĩ: ‘Ngoài đau khổ ra ta chẳng có được gì cả, hay là tự sát vậy! Khi ta đang khóc lóc thảm thiết, sư mẫu cũng nước mắt giàn giụa an ủi ta: ‘Đại Lực, đừng quá thương tâm! Trên đời này không còn đệ tử nào tốt hơn con đâu. Trên thế giới này không thể tìm được nữa đâu. Nếu con muốn tìm một vị lạt ma khác ta nhất định sẽ giới thiệu cho con. Học phí và vật cúng dường ta sẽ cấp cho con!’ Theo lệ thường, sư mẫu phải tham dự Hội Cung Luân, nhưng lần này, ta đã khóc cả đêm, sư mẫu cũng ở bên ta cả đêm.
Sáng hôm sau, thượng sư cho người gọi ta tới. Ta cứ nghĩ là tới truyền Pháp, bèn chạy đến. Thượng sư nói: ‘Hôm qua ta không quán đỉnh cho ngươi, trong tâm ngươi không vui phải không? Ngươi có nảy sinh tà niệm gì không vậy?’
Ta nói: ‘Niềm tin của con đối với thượng sư không hề dao động. Con đã nghĩ rất nhiều, đây là do tội nghiệp của con quá lớn, nên vô cùng thương tâm.’ Ta vừa nói vừa khóc. Thượng sư nói: ‘Khóc lóc trước mặt ta mà không biết hối lỗi là thứ đạo lý gì! Cút ngay!’
Sau khi ra ngoài ta như một kẻ tâm thần, vô cùng đau khổ. Ta thầm nghĩ: ‘Thật kỳ lạ! Khi mình gây tội thì học phí cũng có, đồ cúng dường cũng có. Vậy mà sao khi học Pháp tiền học phí mình không có nữa, vật cúng dường cũng không có, nghèo tới mức này. Chỉ cần mình có được một nửa số tiền như khi gây tội thì cũng đủ để có được khẩu quyết quán đỉnh rồi. Bây giờ vị thượng sư này nếu không có đồ cúng dường thì sẽ không truyền khẩu quyết cho mình. Giờ tới nơi khác cũng không có đồ cúng dường thì có tác dụng gì đây! Không có tiền bạc thì chẳng thể đắc Pháp và cũng chẳng thể đến tập trung được.’ Suy nghĩ miên man hồi lâu ta kết luận rằng: Kiếm tiền là số một! Vậy thì ta đi làm nô bộc cho nhà giàu, tích luỹ chút tiền làm vốn cầu Pháp được không? Hay ta lại làm việc ác, làm thuật chú để kiếm tiền nhỉ? Hay là ta về quê cho rồi! Nhìn thấy cha mẹ thật vui biết bao! Về quê cũng tốt, cũng chưa chắc đã kiếm được tiền! Aida! Dẫu là cầu Pháp hay cầu tài thì yêu cầu cũng như nhau. Ở mãi đây cũng không phải là cách hay. Nên ta quyết định rời đi. Lại chỉ vì lấy được vài thứ của thượng sư mà bị đánh bị mắng, cho nên ngay cả một chút đồ ăn ta cũng không mang theo, mà chỉ cầm theo sách vở và đồ đạc của mình rồi rời đi.
Khi bước chân trên đường, nghĩ tới ân đức của sư mẫu, trong lòng ta rất buồn. Khi ta đi nửa chặng đường đến Ly Trát Nhung (Drowo Lung) thì cũng đã đến giờ ăn trưa. Ta bèn xin ít bánh ăn và mượn người ta một cái nồi, rồi đốt lửa trên bãi đất cỏ ngoài trời đun chút nước uống. Ta thầm nghĩ: Mình làm ở chỗ thượng sư, dẫu vừa là hầu hạ thượng sư, vừa là kiếm tiền trang trải cho việc ăn uống của mình, nhưng món ăn tinh thần an ủi nội tâm mình chính là sự từ bi và yêu thương của sư mẫu. Sư mẫu đối xử với mình tốt như vậy, thế mà sáng nay mình lại không tạ từ sư mẫu, đi mà chẳng nói một lời nào, làm gì có cái lý như vậy? Ta vừa nghĩ như vậy nên bèn muốn quay trở về nhưng lại không có dũng khí làm vậy. Đợi tới khi ta trả lại nồi nước thì ông chủ nói với ta rằng: ‘Trẻ trung trai tráng như thế này mà chẳng làm nên trò trống gì, mà còn muốn xin cơm ăn? Nếu cậu biết chữ thì có thể tụng kinh cho người ta. Nếu không biết chữ thì làm công cho người ta cũng kiếm được miếng cơm ăn! Này, chàng trai, cậu có biết chữ hay không? Cậu có biết tụng kinh không?’
‘Mặc dù ta không hay tụng kinh nhưng biết thì ta cũng biết!’
‘Vậy thì đúng lúc quá rồi. Ta đang muốn tìm người tụng kinh. Vậy nhờ cậu tụng kinh cho ta năm, sáu ngày! Ta sẽ nuôi cậu ăn!’
Ta vui vẻ trả lời: ‘Được!’
Thế là ta ở nhà ông lão tụng ‘Bát Nhã Bát Thiên Tụng’ (Eight Thousand Stanzas). Trong kinh kể về câu chuyện của Bồ Tát Thường Đề. Đại Bồ Tát Thường Đề cũng nghèo giống ta, nhưng vì muốn cầu Pháp ông chẳng màng đến cả tính mệnh của mình. Ai cũng biết rằng moi tim mình ra thì chỉ có đường chết. Nhưng vì để cầu Pháp ông vẫn kiên quyết moi tim ra. So với chút khổ này của ta, quả thực chẳng được coi là khổ tu! Thế là ta nghĩ, thượng sư có lẽ sẽ truyền Pháp cho mình, không truyền Pháp cũng chẳng sao. Sư mẫu chẳng phải đã nói rằng sẽ giới thiệu mình với một vị lạt ma khác hay sao? Nghĩ tới đây ta bèn đứng lên quay trở về.
Về phía thượng sư, sau khi ta đi rồi, sư mẫu nói với thượng sư rằng: ‘Ngài đã đuổi một kẻ thù không đội trời chung đi rồi! Cậu ấy không còn ở đây nữa, bây giờ chắc Ngài vui vẻ lắm nhỉ!’
Thượng sư Mã Nhĩ Ba nói: ‘Bà đang nói tới ai?’
‘Ngài còn không biết nữa sao? Là Đại Lực, cái người Ngài gặp mà như kẻ thù, người mà Ngài đã mang lại đau khổ cho cậu ta!’
Vừa dứt lời thì mặt thượng sư đột nhiên trắng bệch, nước mắt như mưa. Thượng sư chắp tay mà cầu nguyện rằng: ‘Hỡi các vị thượng sư các đời truyền miệng! Hỡi những vị Không hành mẫu và hộ pháp! Xin hãy mang đệ tử ngoan của con quay trở lại!’ Nói xong thì ông trầm ngâm im lặng.
Sau khi trở về, trước tiên ta tới bái lạy sư mẫu, sư mẫu vô cùng vui mừng: ‘Ai da! Lần này thì ta yên tâm rồi. E rằng lần này thượng sư có lẽ sẽ truyền Pháp cho con rồi. Khi ta nói với ông ấy, lão gia đã hét lên rằng: ‘Xin hãy mang đệ tử ngoan của con quay trở lại!’ Ông ấy còn rơi cả nước mắt! Đại Lực! Con đã khơi dậy được lòng từ bi của ông ấy rồi!’ Ta thầm nghĩ chỉ là sư mẫu an ủi mình mà thôi. Nếu quả thực Ngài rơi nước mắt, lại còn gọi mình là đệ tử ngoan thì dĩ nhiên sẽ hài lòng với biểu hiện của mình, chứ không chỉ nói: Gọi cậu ta quay về nhưng vẫn không quán đỉnh và truyền khẩu quyết cho mình. Vậy thì ‘ngoan’ cũng chỉ là hạng bét mà thôi. Nếu mình không đi nơi khác, thì đau khổ cũng sẽ tìm đến! Đúng lúc đang thầm nghĩ như vậy thì sư mẫu nói thượng sư: ‘Đại Lực không nỡ bỏ chúng ta mà đi, cậu ấy đã quay trở về! Gọi cậu ta đến trước mặt ngài bái lạy có được không?’
Thượng sư Mã Nhĩ Ba nói: ‘Ồ! Cậu ta đâu phải vì không nỡ bỏ rơi chúng ta, cậu ấy không nỡ bỏ rơi bản thân mình mà thôi!’
Khi ta đến bái lạy thượng sư nói: ‘Ngươi đừng sốt ruột, cũng đừng suy nghĩ lung tung. Nếu dốc tâm cầu Pháp thì nên vì Pháp mà xả bỏ sinh mệnh. Hãy xây cho ta một toà nhà ba tầng, xây xong ta sẽ quán đỉnh cho ngươi. Lương thực của ta cũng không nhiều, cũng không thể để người khác ăn bám. Nếu trong tâm ngươi nghĩ không thông, muốn ra ngoài đi đây đó thì ngươi có thể đi bất cứ lúc nào!’
Ta bước ra ngoài không nói một lời.
Ta chạy đến chỗ sư mẫu, nói với sư mẫu rằng: ‘Con rất nhớ mẹ con, thượng sư lại không chịu truyền Pháp cho con. Ngài vẫn muốn con xây nhà xong mới truyền Pháp, nhưng đợi đến khi xây nhà xong, Ngài lại quyết định không truyền nữa, còn đánh, còn mắng con. Con quyết định sẽ về quê, mong thượng sư và sư mẫu hai vị bình an vô sự, bách sự cát tường.’ Nói rồi ta thu dọn hành lý chuẩn bị lên đường.
Sư mẫu nói: “Đại Lực à! Con nói không sai. Ta nhất định sẽ giúp con tìm một vị thượng sư thật tốt. Nga Ba lạt ma là đại đồ đệ của thượng sư. Ông ấy đã đắc được khẩu quyết. Ta sẽ nghĩ cách gửi con đến học Pháp chỗ Nga Ba lạt ma, con đừng vội làm chi, tạm thời cứ ở đây vài ngày.’ Vậy nên ta đã nán lại không rời đi.
Vào ngày mồng 10 hàng tháng Thượng sư Na Nặc Ba học giả Đại Phạn chí tôn chắc chắn sẽ tổ chức Hội Cung Luân rộng khắp (Tức là mỗi tháng sẽ tụ họp một lần, những người tu luyện mật thừa sẽ cúng dường chư Phật trong buổi hội họp này và cùng tụng niệm giáo lý.) Thượng sư Mã Nhĩ Ba cũng thường tổ chức hội cúng dường vào mồng 10 hàng tháng. Hôm đó lại là mồng 10, theo lệ thường sẽ có Hội Cung Luân, sư mẫu sẽ dùng một túi lúa mạch lớn, ủ ra ba loại rượu: Một loại là rượu nặng, một loại là rượu nhẹ, một loại bình thường. Sư mẫu sẽ mời Thượng sư uống nhiều rượu nặng, những vị lạt ma còn lại uống loại rượu bình thường. Ta và sư mẫu sẽ uống rượu nhạt, hơn nữa chỉ giả vờ nhấm nháp một chút mà thôi.
Hôm đó kính rượu rất nhiều, các lạt ma đều uống say tuý luý. Thượng sư cũng say mèm. Đợi đến khi thượng sư say ngất ngây, sư mẫu bèn lén vào phòng ngủ của thượng sư. Sư mẫu lấy ra một bức hình và con dấu trong một cái thùng nhỏ, và thân trang nghiêm của đại sư Na Nặc Ba (đồ trang sức dùng trên người của thượng sư) cùng viên đá hồng ngọc. Sư mẫu sớm đã chuẩn bị một bức thư giả, đóng trộm con dấu của thượng sư và âm thầm đặt trở lại cái thùng. Sư mẫu đưa phong thư giả cùng viên đá hồng ngọc và thân trang nghiêm bọc trong một túi vải xinh đẹp và dùng nến phong kín miệng lại, giao cho ta nói: ‘Con cứ nói rằng đây là thượng sư cho con làm vật cúng dường cho Nga Ba lạt ma. Giờ con hãy đi ngay tới chỗ Nga Ba lạt ma đi!’
Ta khấu đầu bái biệt sư mẫu, mang theo phong thư đi tới đất Vệ. Hai hôm sau thượng sư hỏi sư mẫu: ‘Giờ này Đại Lực đang làm gì?’
‘Cậu ta đi rồi! Những việc khác ta không biết!’
‘Cậu ta đi đâu?’
‘Cậu ta lăn lộn xây nhà, ông không những không truyền Pháp, mà còn thích đánh mắng cậu ta. Bây giờ cậu ta đi rồi, đi tới chỗ thượng sư khác rồi. Cậu ta vốn định nói với Ngài, nhưng lại sợ lão gia đánh cậu ta, nên không dám nói mà đi rồi. Ta chẳng thể nào giữ chân được cậu ta.’
Sư mẫu nói xong, thượng sư Mã Nhĩ Ba mặt mày lập tức biến sắc xám xịt và hỏi rằng: ‘Cậu ta đi hôm nào?’
‘Đi hôm qua rồi!’
Thượng sư trầm ngâm một chút rồi nói: ‘Đồ đệ của ta sẽ không đi xa đâu!’
Ta đã đi tới núi Khổng Khánh (Mount Kyungding) đất Vệ, thượng sư Nga Ba đang giảng “Hỷ Kim Cương Bổn Tục” cho rất nhiều vị lạt ma khác. Ông đang giảng đến câu:
‘Thuyết Pháp là ta, Pháp cũng là ta, người nghe Pháp cũng lại là ta, ta là vì thành tựu chủ thế giới, xuất thế gian chính là ta, tức là ta sinh hoan hỷ, đại tự tại.’
Khi giảng tới đây, ta từ nơi xa đến bèn bái kiến thượng sư Nga Ba. Thượng sư bỏ mũ xuống đáp lễ nói: ‘Đây là tư thế bái kiến của Mã Nhĩ Ba thượng sư, cơ duyên tu Pháp rất tốt, tương lai người này sẽ thành tựu vương của mọi Pháp. Mọi người hãy đi xem xem đó là vị nào?’ Một vị tỳ kheo chạy tới nhìn ta. Ông ấy vốn đã biết mặt ta, bèn nói: ‘Ồ! Hoá ra là ngươi! Sao ngươi lại đến đây?’
Ta nói với ông ấy rằng: ‘Bởi vì thượng sư Mã Nhĩ Ba vô cùng bận rộn, không có thời gian truyền Pháp cho ta, cho nên ta tới đây thỉnh Pháp. Thượng sư Mã Nhĩ Ba bảo ta mang thân trang nghiêm của Na Nặc Ba và ấn đá hồng ngọc tới, là bằng chứng cho phép cầu Pháp.’
Vị tỳ kheo ấy liền chạy về chỗ thượng sư Nga Ba nói: ‘Đại Lực đến rồi!’ và rành rọt nhắc lại một lượt những gì ta nói.
Thượng sư Nga Ba vô cùng vui mừng nói: ‘Thân trang nghiêm của và ấn ngọc của thượng sư Na Nặc Ba đến chỗ ta, quả thực như hoa Ưu Đàm Bà La nở, quả là hiếm có, không thể tưởng tượng nổi! Chúng ta nên cung kính nghênh đón. Bây giờ tạm thời dừng thuyết Pháp. Các ngươi hãy mau vào trong chùa mang lọng quý, cờ chiến thắng, đồ trang nghiêm và nhạc cụ ra đây, rồi bảo Đại Lực đợi ở bên ngoài một chút.’
Vị tỳ kheo đó bèn bảo ta đợi ở ngoài một chút. Sau này nơi ta đỉnh lễ được gọi là ‘Dốc đỉnh lễ’.
Một lát sau, trong tiếng chào đón long trọng của lọng quý, cờ phướn và tấu nhạc vang lên, mọi người đẩy ta vào trong đại điện. Đỉnh lễ xong xuôi, cúng dường lễ vật xong, thượng sư Nga Ba rơi nước mắt đội thân trang nghiêm lên đầu. Sau khi cầu xin được gia trì, Ngài lại dùng những vật phẩm kỳ diệu vây quanh để cúng dường. Sau đó mới mở phong thư ta mang tới, trong thư viết rằng:
‘Kim Cương pháp thân Nga Ba biết rằng, ta bế quan nhập định, không có thời gian hướng dẫn Đại Lực, nên lệnh cho cậu ta tới nơi của con cầu Pháp, con nên quán đỉnh và truyền lại khẩu quyết cho cậu ta. Nay tặng con thân trang nghiêm và đá hồng ngọc của đại sư Na Nặc Ba để biểu thị đóng dấu cho phép.’
Nga Ba lạt ma đọc thư xong, bèn nói với ta: ‘Đây là mệnh lệnh của thượng sư, quán đỉnh và khẩu quyết, dẫu thế nào cũng phải truyền lại cho con. Ngày trước rất lâu rồi ta cũng muốn gọi con tới chỗ ta học Pháp, lần này con đã tự mình tới đây, quả là ân huệ của thượng sư.’ Nói tới đây, đột nhiên Ngài dừng lại nói rằng: ‘À! Đại Lực! Ta nhớ ra rồi! Ở Kham, Tagpo, Kongpo và Yarlung có rất nhiều đệ tử của ta. Nhưng những kẻ xấu ở làng Yehpo và Yemo thường ngăn không cho họ tới cúng dường ta. Con hãy giáng mưa đá vào chúng, sau đó ta sẽ quán đỉnh và truyền khẩu quyết cho con.’
Ta nghe thấy thì trong lòng thất kinh, thầm nghĩ: Ta quả thực là kẻ tội đồ ác nghiệp chồng chất! Đến nơi nào cũng phải hành ác! Ta đến đây vốn không phải là vì muốn làm mưa đá hại người, mà là tới để học chính Pháp. Không ngờ vừa đến lại phải tạo nghiệp. Nếu như không làm mưa đá thì sẽ vi phạm ý chỉ của thượng sư, chắc chắn là Pháp sẽ chẳng thể cầu được. Nếu ta thực sự làm mưa đá thì lại tạo nghiệp một lần nữa. Ai da! Thôi đành tuân theo lời dặn dò của sư phụ làm mưa đá một lần nữa vậy.
Ta chẳng còn cách nào, đành phải chuẩn bị làm chú thuật, sau khi gia trì bằng chân ngôn, ta hướng đến ngôi làng kia. Vừa làm chú thuật xong, khi mưa đá sắp rơi, vì để tránh mưa đá, ta vội vàng tìm đến nhà một bà lão ở nhờ. Đột nhiên trên bầu trời sấm chớp chằng chịt, mây đen ùn ùn kéo đến từng tầng từng tầng. Khi trận mưa đá lớn còn chưa đến, khi trận mưa đá nhỏ vừa đổ xuống thì bà lão đã khóc mà rằng: ‘Trời ơi! Mưa đá đã đánh nát hết lúa mạch của ta rồi, sau này ta biết sống bằng thứ gì đây!’
Lời của bà lão khiến nỗi khổ tâm dâng lên trong tim ta: ‘Ôi! Ta đúng thực là kẻ đại ác!’ Ta bèn nói với bà lão: ‘Bà ơi, ruộng của bà ở đâu, trông như thế nào? Bà mau vẽ một bức hình cho ta xem đi!’ Bà lão nói: ‘Thửa ruộng của ta trông như thế này!’ Nói rồi bà bèn vẽ một hình tam giác trông như cái môi bè ra. Ta lập tức kết ‘chỉ thị ấn’, dùng một cái vung úp lên hình tam giác ấy. Ruộng của bà nhờ vậy mà được bảo toàn, không bị mưa đá tàn phá. Nhưng ở một góc nhỏ, vì che không kín, nên có một chòm nhỏ đã bị trận cuồng phong mưa bão thổi không còn vết tích. Rất lâu sau, mưa đá mới dừng. Ta chạy ra ngoài xem, trên hai ngọn núi có hai thôn đều dâng lũ lớn, cuốn trôi tất cả ruộng nương không còn sót lại chút gì. Chỉ có thửa ruộng của bà lão không tổn thất là bao, mạ vẫn vô cùng xanh tốt. Nhưng cũng kỳ lạ là, sau này bất kỳ trận mưa đá nào cũng không đổ xuống thửa ruộng ấy. Bà lão cũng không bao giờ phải bỏ tiền mời lạt ma làm chú thuật chống mưa đá nữa.
Trên đường trở về, ta gặp hai ông lão du mục, trâu và dê của họ đều bị nước lũ cuốn trôi. Ta nói với họ: ‘Sau này đừng cướp đệ tử của Nga Ba lạt ma nữa. Nếu vẫn còn cướp giật ta sẽ tới làm mưa đá!’
Khiếp sợ trước trận mưa đá lần này, quả nhiên người ở hai nơi này không bao giờ dám cướp bóc nữa, dần dần sinh ra lòng tin và sự cung kính đối với thượng sư Nga Ba và trở thành những thí chủ của thượng sư Nga Ba.
Trên mảnh đất đầy cỏ kình gai, ta tập hợp rất nhiều xác chết của những chú chim nhỏ và rất nhiều chú chuột núi bị mưa đá đánh chết. Ta dùng quần áo bọc những thi thể này lại, đựng được cả một túi, rồi cõng về nhà. Về đến chùa, vừa gặp thượng sư, ta bèn bày ra cả một đống lớn thi thể chim thú trước mặt ông nói: ‘Thượng sư lão gia ơi! Con là đến cầu chính Pháp, ai biết rằng lại tạo ác nghiệp, xin thượng sư từ bi nhìn kẻ đại tội đồ như con đây!’ Nói xong ta khóc lóc vô cùng thống thiết.
Thượng sư Nga Ba nói rất hiền hoà: ‘Đại Lực! Không phải sợ, đệ tử của Na Nặc Ba và Mã Nhĩ Ba, có Pháp ở đây gia trì, có thể khiến kẻ đại tội được siêu độ giải thoát trong Pháp thanh tịnh.’ Thế là chỉ trong nháy mắt đã khiến mấy trăm muông thú đều có được khẩu quyết đắc độ, ta cũng có! ‘Tất cả chúng sinh bị trận mưa đá lần này đánh chết, sau này khi con tu thành Phật, sẽ vãng sinh vào miền tịnh thổ của con và là những chúng sinh đầu tiên nghe Pháp của con. Những chúng sinh này trước khi chưa thể vãng sinh, thì dựa vào sức mạnh của ta cũng sẽ không bị đọa vào nẻo ác. Nếu không tin, thì con hãy xem đây!’ Thượng sư yên lặng trong khoảng khắc, loáng một cái thi thể của tất cả muông thú đều hồi sinh. Đột nhiên chúng đi lại, con thì chạy, con thì bay, loáng cái đã chạy đi hết sạch.
Ta nhìn thấy đạo hạnh chân thực ly kỳ thù thắng như vậy, trong tâm tràn ngập niềm vui và ngưỡng mộ. Ta còn hối hận lúc đó giết quá ít, nếu không chẳng phải là đã có thể độ được thêm nhiều chúng sinh hay sao!
Thế là Nga Ba lạt ma đã truyền Pháp cho ta, ta vui mừng được đại quán đỉnh và có được khẩu quyết trên thành đàn kim cương.
Ta đã tìm thấy một hang đá, lối ra của động đá hướng về phía Nam. Từ miệng hang có thể nhìn thấy nhà ở của thượng sư. Ta tu bổ lại động đá một chút, bèn bắt đầu ở trong động tinh tấn suy ngẫm về Pháp mà thượng sư đã truyền. Nhưng vì thượng sư Mã Nhĩ Ba không đóng dấu cho phép, cho nên mặc dù ta đã nỗ lực tu tập mà vẫn không hiệu nghiệm.
Một hôm, thượng sư Nga Ba hỏi rằng: ‘Đại Lực! Lẽ ra con sớm đã nên có cảm nhận như thế này như thế kia rồi. Bây giờ con làm sao vậy?’
‘Con không có cảm giác gì!’
‘Gì cơ? Con nói gì cơ? Trong khi truyền thừa Pháp này, nếu là giới luật thì không được vi phạm, công đức cảm thụ chứng ngộ, không có thứ gì là không thể lập tức thành tựu. Huống hồ con đến chỗ ta cũng là vì niềm tin!’ Thượng sư lại trầm tư một hồi, dường như tự nói với mình: ‘Nếu không có sự cho phép của thượng sư Mã Nhĩ Ba, con cũng sẽ không đưa cho ta dấu ngọc thể hiện sự cho phép! Ai! Thật là kỳ lạ, đây là đạo lý gì vậy nhỉ?’ Sau đó Ngài lại nói với ta: ‘Con thử lại tư duy tinh tấn xem sao!’
Lời của thượng sư khiến ta vô cùng sợ hãi, nhưng lại không dám nói rõ ngọn ngành. Ta đành thầm tính: Dẫu thế nào cũng cần thượng sư Mã Nhĩ Ba cho phép mới phải, một mặt mình vẫn phải tinh tấn nỗ lực tu trì không mệt mỏi.
Lúc đó thượng sư Mã Nhĩ Ba đã dựng một ngôi nhà cho con trai mình và viết thư cho lạt ma Nga Ba rằng: ‘Nhà của con ta cần gỗ, hãy chuyển hết những cây gỗ linh sam chỗ con qua đây. Sau khi xây nhà xong, sẽ tụng kinh Đại Bàn Nhược Kinh đồng thời tổ chức lễ chúc mừng. Lúc đó con phải tới tham gia. Đại Lực là kẻ ác. Hiện giờ cậu ta ắt hẳn ở chỗ con, nhớ dẫn cậu ta cùng tới cũng được. Ký tên: Mã Nhĩ Ba.’
‘Nga Ba lạt ma bèn mang bức thư tới chỗ ta và nói với ta rằng: ‘Sao trong thư thượng sư lại nói con là kẻ ác? Rốt cuộc là đã xảy ra chuyện gì vậy? Có vẻ như con không được thượng sư cho phép!’
Ta đành phải nói rõ tường tận sự thật: ‘Đúng vậy! Thực sự là con không được thượng sư cho phép.’
‘Ồ! Hoá ra là như vậy! Vậy thì hai người đã làm một việc vô nghĩa rồi. Không được thượng sư cho phép thì không khởi được công đức là đương nhiên. Ồ! Vậy thì cũng chẳng có cách nào! Ông ấy muốn ta và con cùng đi.’
Ta nói: ‘Vâng! Con cũng chỉ biết đi thôi!’
‘Vậy thì, đợi ta chuyển gỗ xong, rồi sẽ chọn một ngày tốt đến đó. Giờ con vẫn có thể tiếp tục tu ở đây.’ Nga Ba lạt ma rất ôn tồn nói với ta.
Vài ngày sau, mọi người ở chỗ Nga Ba lạt ma biết ta sắp rời đi, đều tới tán ngẫu với ta, nói về việc chúc mừng tân gia và chúc mừng con trai thượng sư Mã Nhĩ Ba đã trưởng thành. Trong đó có một vị lạt ma vừa về từ chỗ thượng sư Mã Nhĩ Ba đã tới tìm ta. Ta bèn hỏi ông ấy: ‘Mọi người có hỏi đến ta không?’ Vị lạt ma ấy nói rằng: ‘Sư mẫu từng hỏi: Đại Lực của ta đang làm gì? Ta trả lời bà ấy rằng: Cậu ấy đang tu định. Sư mẫu lại hỏi: Ngoài việc tu định ra, cậu ấy còn làm việc gì nữa không? Ta nói: Cậu ấy chỉ ngồi tĩnh toạ một mình trong động đá mà thôi. Sư mẫu nói thêm: Ngài đừng quên mang thứ này đi. Khi cậu ấy còn ở đây, cậu ấy chỉ thích chơi thứ này. Ngài hãy mang cho cậu ấy đi! Nói rồi bà bèn đưa cho ta mấy con xúc xắc bằng đất.’ Một vị lạt ma bèn đưa mấy quân xúc xắc cho ta. Ta cầm quân xúc sắc trong tay, bất giác nhớ đến sư mẫu.
Sau khi vị Lạt Ma ấy rời đi, ta nghịch mấy quân xúc xắc và thầm nghĩ: ‘Xưa nay mình chưa hề chơi xúc xắc trước mặt sư mẫu, sao sư mẫu lại nói mình chỉ thích chơi thứ này. Phải chăng sư mẫu không còn thích mình nữa?’ Ta bèn nghĩ tới ông nội mình từng vì mấy quân xúc xắc này mà phải lưu lạc tứ xứ. Nghĩ lung tung mãi, bất giác ta sơ ý khiến mấy quân xúc xắc rơi xuống, vỡ thành hai mảnh. Một tờ giấy ở giữa rơi ra. Cầm lên, ta thấy trên đó viết rằng: ‘Đệ tử à! Thượng sư sẽ quán đỉnh và truyền khẩu quyết cho con. Con hãy theo Nga Ba lạt ma cùng về nhé!’ Đọc xong ta vô cùng vui mừng, bèn chạy nhảy tưng bừng trong động đá. Vài ngày sau, Nga Ba lạt ma nói với ta: ‘Đại Lực! Con cũng phải chuẩn bị lên đường thôi!’
Nga Ba lạt ma, ngoài việc để lại những vật gia trì mà thượng sư Mã Nhĩ Ba ban tặng, còn lại ông mang tất cả tượng Phật, kinh điển, pháp lý, chuông lắc và tất cả vàng, ngọc, quần áo lụa là, đồ dùng hàng ngày… Ông chỉ để lại một con dê mẹ già, thọt một chân. Chú dê núi này không những đã già mà tính tình cũng quái gở và thích ở một mình. Xưa nay nó không hề đi chung với những chú dê khác, nên đành phải để chú ta lại. Còn lại toàn bộ tài sản ông đều chuẩn bị hết đi cúng dường cho thượng sư Mã Nhĩ Ba.
Nga Ba lạt ma cho ta bốn cuộn lụa và nói với ta rằng: ‘Con là một đệ tử tốt. Con hãy mang bốn cuộn lụa này đi, làm lễ bái kiến thượng sư.’ Phu nhân của thượng sư Nga Ba cũng cho ta một túi điểm tâm bằng bơ và nói với ta: ‘Con hãy mang thứ này đi cúng dường sư mẫu!’
Mang theo những thứ này cho thượng sư và sư mẫu, ta cùng Nga Ba lạt ma và dân chúng rời đi. Khi sắp đến thung lũng Birches, thượng sư Nga Ba bèn nói: ‘Đại Lực, con hãy đi bảo với sư mẫu trước, rằng chúng ta đã đến rồi, xem liệu có thể cho ta một ly rượu được không!’ Ta bèn vâng mệnh đi trước. Gặp được sư mẫu, ta dâng túi điểm tâm bằng bơ lên và nói: ‘Nga Ba lạt ma đến rồi, xin sư mẫu ban cho Ngài ấy một ly rượu mừng ạ.’
Sư mẫu nhìn thấy ta thì rất mừng và nói: ‘Thượng sư đang ở trong phòng ngủ, con tới chào Ngài một tiếng!’ Ta thấp thỏm đi vào phòng ngủ của thượng sư. Thượng sư đang ngồi trên giường nhập định, mặt hướng về phía Đông. Ta bèn thi lễ với thượng sư và dâng lên bốn cuộn lụa. Thượng sư không nhìn ta, mà quay đầu về phía Tây. Ta lại chạy sang hướng Tây và tiếp tục hành lễ. Thượng sư lại quay đầu sang phía Nam. Ta đành phải nói: ‘Thượng sư, lão gia Ngài vì trách giận con mà không chịu thụ lễ. Nhưng Nga Ba lạt ma đã mang tất cả thân, khẩu, ý và vàng, bạc, ngọc ngà, súc vật cùng những tài sản khác cúng dường cho Ngài. Ông ấy hy vọng Ngài ban cho một ly rượu mừng. Xin Ngài từ bi cho ông ấy được toại nguyện!’ Thượng sư Mã Nhĩ Ba nghe xong lập tức tỏ ra vô cùng tự đại cao ngạo, bất giác phẫn nộ lớn tiếng quát nạt: ‘Khi ta mang bí mật Tam Tạng, tâm yếu Tứ Thừa, khẩu quyết thù thắng từ Ấn Độ về một cách không thể tưởng tượng được, thì đến chào đón ta dẫu một con chuột cũng chẳng có. Giờ này Nga Ba lạt ma là thứ gì. Mang đến một chút tài sản, lại muốn một đại dịch sư như ta tới chào đón! Chẳng thà đừng đến còn hơn! Hãy cút ngay đi cho ta!’
Ta ra khỏi phòng kể lại với sư mẫu những lời của thượng sư. Sư mẫu nói: ‘Tính nết thượng sư quả thực quá tệ! Nga Ba lạt ma là một người rất giỏi giang, chúng ta cần nghênh đón. Hai người chúng ta cùng đi nghênh đón thôi!’ Ta nói: ‘Nga Ba lạt ma không dám hy vọng thượng sư, sư mẫu đích thân tới chào đón, chỉ hy vọng ban cho ông ấy một ly rượu.’
Nhưng sư mẫu nói: ‘Ừ! Không, không! Ta vẫn phải đi!’ Sư mẫu bèn dẫn vài lạt ma mang theo rất nhiều rượu cùng ra nghênh đón.
Khi mở tiệc chúc mừng, dân chúng của ba thôn trong thung lũng đều cùng nhau quy tụ mở tiệc rượu, chúc mừng con trai của thượng sư Mã Nhĩ Ba. Trong tiệc rượu thượng sư Mã Nhĩ Ba hát một bài ca cát tường.
Thượng sư Mã Nhĩ Ba sau khi hát xong bài hát chúc mừng thì Nga Ba lạt ma cúng dường mọi thứ lên trên, bèn nói rằng: ‘Thưa thượng sư! Thân khẩu ý của con tất cả đều thuộc về lão gia Ngài. Lần này, trong nhà chỉ còn lại một con dê cái thọt chân. Nó là tổ mẫu của đàn dê, nhưng bởi vì quá già, lại bị thọt chân nên đành phải giữ nó lại. Ngoài ra, con đều mang tất cả đến, đều để cúng dường cho thượng sư. Xin Ngài truyền quán đỉnh và khẩu quyết sâu xa, thù thắng cho con. Đặc biệt là hy vọng Ngài truyền cho con khẩu quyết cao thâm Nhĩ Thừa Phái. (Việc truyền pháp của phái này bí mật một cách cực đoan, do thượng sư đích thân truyền thụ bằng miệng, đệ tử tự mình nghiêng tai lắng nghe. Cho nên gọi là Nhĩ Thừa Phái)’. Nói xong ông lại bái lạy thượng sư.
Thượng sư Mã Nhĩ Ba cười nói rằng: ‘Ồ! Ồ! Quán đỉnh và khẩu quyết sâu xa, thù thắng và con đường tắt Kim Cương Thừa. Theo khẩu quyết này, không phải là tu hành suốt bao nhiêu kiếp thì bản thân đã có thể thành Phật, đây là phần khẩu truyền đặc biệt trong khẩu quyết. Là thượng sư, là lời dặn dò không hành. Ngươi đã muốn cầu Pháp, thì con dê cái đó của ngươi mặc dù vừa già lại bị thọt, nhưng không mang đến thì không thể nói là ngươi đã cúng dường toàn bộ. Khẩu quyết này của ta vẫn không thể truyền cho ngươi, còn những thứ khác ta đã sớm truyền cho ngươi rồi!’ Nói xong mọi người đều cười ồ lên ha hả.
Nga Ba lạt ma nói: ‘Nếu con cúng dường chú dê già này thì lão gia Ngài có chịu truyền Pháp cho con không?’ Thượng sư Mã Nhĩ Ba nói: ‘Nếu ngươi tự mình mang đến đây, ta sẽ truyền cho ngươi.’
Ngày hôm sau, sau khi tan hội, Nga Ba lạt ma một mình quay về, mang con dê mẹ già đến cúng dường cho thượng sư. Thượng sư Mã Nhĩ Ba vô cùng vui vẻ nói: ‘Người học Chân Ngôn Thừa (thần thông) bí mật phải giống đệ tử như ngươi đây. Kỳ thực, một con dê núi thì có ích gì với ta? Chỉ là vì tôn vinh Pháp và coi trọng Pháp nên mới làm như vậy, phải làm vậy!’ Sau đó thượng sư Mã Nhĩ Ba bèn truyền quán đỉnh và khẩu quyết cho Nga Ba lạt ma.
Mấy hôm sau, vài vị lạt ma đến từ phương xa và vài người chỗ thượng sư cùng tập trung lại làm Hội Cung Luân. Thượng sư Mã Nhĩ Ba để một cái roi rất dài bằng gỗ hoàng đàn bên cạnh, mắt mở to nhìn chằm chằm vào Nga Ba lạt ma tay kết ấn phẫn nộ, nói với giọng đanh sắc: ‘Ngokton Chodor! Ngươi truyền quán đỉnh và khẩu quyết cho Văn Hỷ, một kẻ ác như vậy là vì sao?’ Vừa nói vừa nhìn chiếc roi bên cạnh, tay Ngài cũng dần dần với ra lấy cái roi. Nga Ba lạt ma run rẩy sợ hãi, vừa cúi đầu vừa nói: ‘Là lão gia Ngài đưa cho con một bức thư, cho phép con truyền Pháp cho Văn Hỷ. Đồng thời Ngài còn tặng cho con thân trang nghiêm của đại sư Na Nặc Ba và con dấu ngọc hồng bảo. Con chỉ là phụng mệnh truyền Pháp cho Đại Lực thôi ạ. Kính mong lão gia Ngài lượng thứ!’ Nói xong Nga Ba lạt ma nhìn quanh không biết phải làm thế nào mới có thể khiến thượng sư nguôi giận.
Thượng sư kết ấn phẫn nộ uy hiếp chỉ vào ta mà nói: ‘Tên tội đồ này! Những thứ này sao ngươi có được?’ Lúc đó tim ta đau như dao cắt, toàn thân run rẩy, dường như chẳng thể nói được lên lời! Ta run rẩy đành phải miễn cưỡng đáp lại: ‘Đó…đó…đó là sư mẫu cho con ạ!’ Thượng sư vừa nghe xong, ngay lập tức nhảy từ trên ghế xuống, cầm cây roi quất vào người sư mẫu. Sư mẫu sớm đã biết chuyện này sẽ xảy ra nên đứng tít tận bên ngoài. Vừa thấy tình hình không tốt, bà bèn chạy ngay vào trong phòng. Xoạch xoạch cửa phòng đóng lại. Thượng sư vừa giận dữ hét lên vừa chạy đuổi theo, dùng cây roi quất mạnh liên hồi vào cánh cửa. Quất một hồi lâu ông mới quay lại ghế ngồi nói rằng: “Ngokton Chodor! Ngươi đã làm chuyện không có đạo lý như vậy thì hãy mau mang thân trang nghiêm của đại sư Na Nặc Ba và ngọc ấn ra đây!” Vừa nói Ngài vừa lắc đầu thở phì phò vô cùng giận dữ. Nga Ba lạt ma vội vàng dập đầu, lập tức đi lấy ngọc ấn và thân trang nghiêm.
Lúc này ta và sư mẫu đều chạy ra ngoài. Nhìn thấy Nga Ba lạt ma đi ra, ta bèn khóc nói với ông ấy rằng: ‘Sau này nhờ Ngài chỉ dẫn cho con!’ Nga Ba lạt ma nói: ‘Thượng sư không cho phép mà ta lại chỉ dẫn cho con thì cũng giống với lần này thôi, đều không ích gì cho cả hai chúng ta. Nên ta vẫn mong là con sẽ ở đây, đợi sau khi thượng sư cho phép, thì dẫu thế nào ta cũng giúp con!’
Ta bèn nói: ‘Nghiệp chướng của con quá nặng, thượng sư và sư mẫu đều phải chịu khổ vì con thế này. Đời này kiếp này con chẳng thể tu Pháp thành tựu, chi bằng tự sát còn hơn!’ Nói xong tôi bèn rút ra một con dao nhỏ định tự sát (Người Tạng đa phần đều mang theo một con dao nhỏ). Nga Ba lạt ma ôm chặt lấy ta, nước mắt tuôn rơi xối xả mà rằng: ‘A! Đại Lực, người bạn của ta! Cớ sao lại phải làm vậy! Giáo pháp của Thế Tôn coi trọng Kim Cương Thừa bí mật. Mà giáo nghĩa của Kim Cương Thừa bí mật lại nói rằng: Ẩn, giới, xử chính là khi Phật Đà thọ mệnh còn chưa hết, thì dẫu xoay lại mà nhận thức Pháp cũng đều là đang phạm phải tội giết Phật.’ (Thực hiện được một trong các cách thành tựu Pháp sẽ có thể tu thành là điều thuận tiện khi Mật Tông tu tịnh thổ. Nếu Pháp này thành tựu có thể đắc được sinh tử tự tại). Trên đời không có tội nào lớn hơn tự sát. Trong Hiển Giáo cũng nói rằng: Không có tội nào nặng hơn tự chặt đứt sinh mệnh của mình. Con phải suy nghĩ cho thật kỹ, mà buông bỏ ý niệm tự sát này! Thượng sư có lẽ cũng sẽ truyền Pháp cho con, dẫu không truyền thì cũng không sao, cầu Pháp ở chỗ lạt ma khác cũng được. Khi ông đang nói, tất cả các vị lạt ma đều bày tỏ sự thông cảm với ta. Có người an ủi ta, có người tới chỗ thượng sư xem có cơ hội cầu xin truyền Pháp hay không. Lúc đó tâm ta vững như bàn thạch, nếu không chắc chắn sẽ suy sụp vì đau khổ! Milarepa ta nửa đời tích đức như núi, vì cầu chính Pháp mà phải chịu nỗi thống khổ lớn như vậy!”
Sau khi tôn giả Milarepa kể đến đây, trong số những người nghe Pháp không một ai là không rơi lệ, có người còn sinh tâm chán ghét và muốn xa lánh thế sự. Có người nghe xong quá đỗi bi thương mà ngất lịm!
Nhạ Quỳnh Ba nghe bèn hỏi Phật Miparela: “Tôn giả thượng sư! Cuối cùng thì vì sao thượng sư Mã Nhĩ Ba lại truyền Pháp cho Ngài, gia trì cho Ngài vậy?”
Xem tiếp Phần 6
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2000/12/25/5801.html
Đăng ngày 08-09-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.