Ban Biên tập Minh Huệ chỉnh lý
[MINH HUỆ 29-12-2000]
Từ trước tới nay vùng núi Himalaya vẫn luôn là vùng đất có nhiều người tu luyện, người dân ở đó có một cuộc sống chất phác, ai ai cũng giỏi múa hát, ngoài ra còn sùng bái Phật Pháp. Lúc bấy giờ có một người tu luyện tên là Milarepa. Chúng Phật Bồ Tát phải tu nhiều đời nhiều kiếp mới thành, nhưng Milarepa lại chỉ cần một đời là thành tựu được công đức tương đương với những Phật và Bồ Tát ấy, sau này trở thành thủy tổ của Bạch giáo Tạng Mật.
Tiếp theo Phần 8
“Lại một năm nữa, tất cả y phục mà ta vận đều đã rách nát, cái áo khoác da mà cô mẫu bán đất đưa cho ta cũng giống như da người chết rồi. Ta muốn lấy những thứ này may thành một cái nệm ngồi. Nhưng lại nghĩ, mệnh người vô thường, có thể tối nay ta sẽ chết, chi bằng tu định nhiều thêm một chút, liền lót cái áo rách đó xuống dưới thân ta, phần thân dưới lấy thứ gì đó che lại, lấy một mảnh da của cái túi đựng bột mỳ bị rách đặt lên, rồi lại phủ một mảnh vải rách lên chỗ cần che trên thân. Nhưng mảnh vải đó thực sự đã quá cũ nát rồi, không thể dùng được nữa. Ta muốn khâu nó lại một chút, nhưng lại không có kim chỉ. Cuối cùng ta đành phải dùng cỏ lau bện một cái dây, buộc ba thứ đó lại, cột vào thân trên và giữa eo, phần thân dưới cũng che đậy lại một chút. Cứ như vậy mà ngồi trên mặt đất. Ban đêm dùng cái áo da và tấm nệm rách để chống chọi qua đêm, ngày ngày ngồi tĩnh tọa tư duy. Vậy là lại một năm trôi qua.
Một hôm đột nhiên ta nghe có tiếng người làm ồn ào, rất nhiều người chạy đến trước cửa động. Họ nhìn vào trong động thấy một đống xanh rì có hình người, sợ hãi hét lên ‘Có quỷ, có quỷ’, nói xong quay đầu chạy như bay, người đi sau không tin nói: ‘Giữa thanh thiên bạch nhật sao lại có quỷ được? Các anh đã nhìn rõ chưa? Để chúng tôi đến xem xem nào’, họ đến gần nhìn cũng rất sợ hãi. Ta liền nói với họ: ‘Ta không phải là quỷ, ta là một hành giả tu định ở trong động này’, rồi kể chi tiết lai lịch của mình cho họ nghe.
Lúc đầu họ không tin, đến khi vào trong động xem kỹ một lượt, phát hiện chẳng có gì, chỉ có một ít cây gai, lúc đó họ mới tin. Do vậy, họ đã cho ta rất nhiều tảm ba (một loại bột mỳ) và thịt, còn nói với ta: ‘Chúng tôi thực sự khâm phục người tu hành như ông, xin ông hãy siêu độ cho những động vật mà chúng tôi đã sát sinh, tịnh trừ tội nghiệp của chúng tôi’, họ thành kính lễ bái rồi đi.
Bao nhiêu năm nay, đây là lần đầu tiên ta được nhận thức ăn do người làm, trong tâm vô cùng vui mừng, liền nấu thịt lên ăn. Thân thể lập tức cảm thấy rất thoải mái, sức khỏe cũng cải thiện, trí huệ cũng nhạy bén, đạo hành khởi lên chứng giải thâm sâu, rộng lớn, cũng sản sinh ra không lạc khác với trước đây. Ta nghĩ trong tâm: ‘Cúng dường rất nhiều tài sản cho vị pháp sư có cuộc sống an nhàn và sung túc trên thế gian cũng không thể tích nhiều công đức bằng cúng dường một bát cơm cho người tu hành chân chính, thế nhân người dệt hoa trên gấm thì nhiều mà người đưa than sưởi ấm trong ngày tuyết rơi thì ít, thật là đáng tiếc!’
Ta ăn tảm ba và thịt rất dè sẻn, một thời gian sau thịt chưa ăn hết xuất hiện rất nhiều giòi bọ, ta muốn vứt hết lũ giòi bọ này đi rồi lại ăn. Nhưng suy nghĩ kỹ, làm vậy là đi ngược lại Bồ Tát hành, ta không nên cướp đồ ăn của giòi bọ đang ăn để ăn, cho nên đành phải ăn cây gai như trước.
Một đêm, một tên trộm muốn lấy đồ ăn và đồ đạc của ta, hắn lén lút chạy vào trong động tìm kiếm. Ta không nhịn được cười ha hả, ta nói: ‘Này anh bạn, ban ngày ta còn chẳng tìm thấy gì, vậy mà ban đêm anh lại còn muốn tìm cái gì chứ?’ Anh ta nghĩ một lúc rồi cũng cười theo, một lúc sau cũng ái ngại mà bỏ đi mất.
Lại một năm nữa trôi qua, có một nhóm thợ săn người vùng Gia Nga Trạch quê hương của ta, đi săn chẳng được con nào nên chạy tới trước cửa động của ta. Trông thấy ta ngồi một đống xanh rì, vắt ba mảnh vải trên người, trông như một bộ xương khô đang ngồi ở đó, họ bèn sợ run rẩy giương cung lên nhắm vào ta, cất tiếng hỏi: ‘Ngươi là người hay là quỷ? Là thú vật hay là hình ảnh? Sao trông giống quỷ vậy?’
Ta ho khan một tiếng nói: ‘Ta là người, không phải quỷ.’
Những người này nghe thấy giọng ta, có người nhận ra nói: ‘Ông chẳng phải là Văn Hỷ sao?’
Ta nói: ‘Đúng vậy, ta chính là Văn Hỷ.’
‘Vậy sao, thế thì hôm nay xin ông cho chúng tôi ít đồ ăn, chúng tôi đi săn cả ngày mà chẳng được con nào, xin ông cho chúng tôi mượn ít đồ ăn, sau này chúng tôi sẽ trả lại cho ông.’
Ta nói: ‘Tiếc là ta chẳng có thứ gì cho các anh ăn cả.’
‘Vậy à, không sao đâu, xin hãy cho chúng tôi ăn thứ mà ông ăn là được rồi.’
‘Ở đây ta chỉ có cây gai thôi, các anh hãy nhóm lửa nấu cây gai lên ăn vậy.’
Nghe ta nói vậy, họ liền nhóm lửa nấu cây gai lên ăn. Họ nói: ‘Chúng tôi cần một ít bơ để cho vào nấu cùng.’
‘Có bơ thì tốt quá, ta đã không dùng bơ mấy năm nay rồi, trong cây gai cũng có dầu mà.’
‘Vậy xin ông hãy cho chúng tôi một ít đồ gia vị cũng được.’
‘Ta cũng không dùng gia vị mấy năm rồi, trong cây gai cũng có hương liệu làm gia vị rồi.’
Những người thợ săn nói: ‘Vậy thì dù thế nào cũng cho chúng tôi một chút muối.’
Ta nói: ‘Có muối thì còn nói làm gì nữa, ta không dùng muối mấy năm rồi, trong cây gai cũng có muối rồi.’
Những người thợ săn nói: ‘Ông ăn mặc thật chẳng ra làm sao, chẳng giống cuộc sống của con người chút nào! Dù ông có đi làm công cho người ta thì chí ít cũng được ăn no mặc ấm. Chao ôi, thế gian này không tìm nổi một người vừa nghèo khổ, vừa đáng thương như ông.’
Ta nói: ‘Xin các anh đừng nói vậy, ta là người thù thắng khó gặp nhất trong con người. Ta đã gặp đại dịch sư Mã Nhĩ Ba, đắc được câu chú lập thân thành Phật, sống trong vùng núi tịch lặng không người, buông bỏ những mong nghĩ trong đời này, tu hành thiền định, thành tựu tam muội, danh, tiếng, kính trọng, quần áo, ăn uống, tài sản, lợi không thể động đến tâm của ta. Do vậy ta đã buông bỏ được hết thảy phiền não nơi thế gian. Trên thế gian không có ai xứng là nam tử hán đại trượng phu giống như ta. Các anh mặc dù lớn lên ở vùng đất Phật Pháp thịnh vượng, nhưng đừng nói tu hành, ngay cả tâm ý nghe Pháp cũng không có, cả đời này của các anh chỉ bận rộn phạm tội làm điều ác, chỉ e xuống địa ngục không lâu, chỉ e thời gian không còn nhiều nữa. Các anh mới là những người đáng thương nhất, nghèo khổ nhất trên thế gian. Nội tâm của ta thường xuyên vui vẻ, yên định. Để ta hát cho các anh một khúc hát tu hành hoan lạc nhé.’
Họ đều rất hiếu kỳ, hào hứng lắng nghe ta hát:
‘Kính lễ đại ân thầy Mã Nhĩ Ba, nguyện xả thân này để cầu được gia trì; trong hang Hộ Mã Bạch Nhai, có ta thầy yoga Mật Lặc. Để cầu Vô Thượng Bồ Đề đạo, không quan tâm ăn mặc, xả thân này; bên dưới vui vì có tấm nệm mỏng, bên trên vui vì có áo bông Bát Ba (ghi chú: Bát Ba là tên một địa danh ở Nepal ngày nay) tu mang theo an lạc, bình ổn, cơ hàn bình đẳng hoan thân lạc; bỏ đi vọng niệm, tâm tính vui vẻ, luôn luôn thoải mái; thế này cũng vui, thế kia cũng vui, ta cảm thấy hết thảy đều vui, vì nói liệt căn vô duyên bối, ta vì cái lợi cuối cùng. Mệnh của ta không biết lúc nào hết, không có thời gian làm những việc trần tục, để chứng viên mãn quả vị Phật Đà, xin chớ quấy rầy việc ta tu thiền.’
Nghe ta hát xong, họ nói: ‘Ông hát hay quá! Niềm vui mà ông nói có lẽ là thật. Nhưng chúng tôi lại không làm được. Hẹn gặp lại.’ Rồi họ cùng nhau xuống núi.
Những người dân trong thôn tôi, Gia Nga Trạch hàng năm đều tổ chức đại hội đúc tượng Phật. Trong đại hội năm nay, những người thợ săn kia đều đồng thanh hát bài hát tu hành hoan lạc của ta. Mọi người đều khen ngợi bài hát này rất hay. Lúc đó em gái của Tỳ Đạt cũng đến lễ hội hành khất, nghe bài hát này xong, cô ấy nói: ‘Tác giả của bài hát này có lẽ là một vị Phật.’
Một thợ săn cười lớn nói: ‘Ha ha, là Phật hay là chúng sinh thì tôi không biết, nhưng bài hát này là của một người đói khổ đến nỗi chỉ còn da bọc xương, sắp chết đói rồi mà vẫn hát một cách vui vẻ đó.’
Tỳ Đạt nói: ‘Phụ mẫu ta mất từ rất sớm, bạn bè người thân đều coi ta là kẻ thù, anh trai cũng không biết đi đâu mất, chỉ còn lại một mình đứa con gái như ta khổ sở đi xin ăn, các anh còn lấy ta ra làm trò đùa nữa, chẳng phải tâm địa các anh quá độc ác sao?’ Nói rồi nức nở khóc. Lúc đó Kết Tái cũng ở lễ hội, thấy Tỳ Đạt khóc liền khuyên cô rằng: ‘Đừng khóc nữa, người hát bài hát này xem chừng rất giống huynh trưởng của muội. Mấy năm trước ta cũng từng nhìn thấy huynh ấy. Sao muội không đến hang Hộ Mã Bạch Nhai xem xem liệu có phải huynh ấy không? Ta cũng đi cùng với muội nhé!’
Tỳ Đạt nghe thấy rất có lý, liền mang một bình rượu và một ít tảm ba mà người ta bố thí cho Lạt Ma để đi đến Hộ Mã Bạch Nhai.
Tỳ Đạt đến hang Hộ Mã Bạch Nhai, đứng ngoài cửa hang ngóng vào trong, nhìn thấy ta đang ngồi đó, mắt trũng sâu thành hai cái hốc lớn, xương xẩu nhô ra từng cục, giống như đỉnh núi vậy. Toàn thân một chút thịt cũng không có, da và xương cứ như sắp sửa rụng ra, lỗ chân lông khắp người đều có màu xanh rì, tóc vừa dài vừa rậm, ta ngồi đó lù lù một đống rối bời, chân tay co quắp như thể sắp vỡ ra. Tỳ Đạt mới nhìn tưởng là quỷ, sợ đến nỗi muốn chạy mất, đột nhiên nghĩ đến câu ‘Anh trai cô sắp chết rồi’, liền nghi hoặc hỏi: ‘Ông là người hay là quỷ?’
‘Ta là Mật Lặc Văn Hỷ.’
Cô ấy vừa nghe đã nhận ra giọng ta, liền chạy vào động ôm lấy ta gọi: ‘Anh trai ơi, anh ơi’, rồi lăn ra ngất xỉu.
Ta nhận ra em gái Tỳ Đạt, vui buồn lẫn lộn. Nghĩ đủ mọi cách mới khiến cô ấy tỉnh lại. Cô ấy hai tay ôm mặt khóc, nói: ‘Mẫu thân nhớ anh đến nỗi chết rồi. Trong làng không còn ai muốn giúp đỡ em, không chịu nổi khổ sở, em đành phải đi khắp nơi xin ăn. Trong tâm luôn nghĩ: ‘Anh đã chết hay còn sống? Nếu còn sống thì cuộc sống chắc là vui vẻ lắm’. Ai ngờ anh lại ra nông nỗi này. Trên đời này còn có ai đáng thương hơn anh em chúng ta chứ?’ Nói rồi gọi to tên phụ mẫu, đấm ngực dậm chân, gào khóc thảm thiết.
Ta gắng sức khuyên nhủ cô ấy nhưng không có kết quả gì, bèn hát cho cô ấy nghe một bài hát rất bi thương.
Tỳ Đạt nói: ‘Nếu quả đúng như vậy thì cũng là hiếm có khó tìm, nhưng thực tế thì e không làm nổi. Nếu đúng là như vậy, tại sao những người theo học Phật không giống như anh? Cho dù không hoàn toàn trông giống như anh thì cũng hẳn phải có một số người giống anh. Kiểu người tu luyện như anh, em chưa từng nghe ai nói đến.’ Vừa nói vừa mang rượu và đồ ăn ra cho ta ăn. Ta ăn xong, lập tức cảm giác trí huệ thông suốt. Tối hôm đó, đạo hành đã có sự tăng trưởng vô cùng lớn.
Sáng hôm sau khi Tỳ Đạt đi rồi, thân và tâm ta đồng thời cảm nhận được sự đau nhói của niềm an lạc và thống khổ, trong tâm cảnh xuất hiện các loại biến hóa và dấu hiệu của thiện lẫn không thiện. Mặc dù cố gắng loại bỏ tu quan cũng không làm được. Mấy hôm sau, Kết Tái mang rất nhiều bơ, thịt và cả một vò rượu ngon, cùng Tỳ Đạt đến thăm ta. Vừa lúc gặp ta ra ngoài lấy nước về, trên người hầu như chẳng còn chút quần áo nào, toàn thân một màu xanh rì, họ không dám nhìn ta bèn quay đầu đi, đứng bên cạnh khóc.
Ta vào động ngồi xuống, họ liền mang tảm ba, bơ, rượu và thịt cho ta ăn.
Tỳ Đạt nói với ta: ‘Anh à, trông anh không giống con người chút nào, hãy ra ngoài xin ít đồ ăn của người ta rồi về tu hành không được sao? Em cũng sẽ nghĩ cách kiếm cho anh một bộ quần áo để mặc.’
Kết Tái cũng nói: ‘Dù thế nào thì huynh cũng nên đi hóa duyên xin ít đồ ăn, ta cũng sẽ nghĩ cách tìm cho huynh một bộ quần áo.’
Ta nói: ‘Anh lúc nào chết còn chưa biết, đi hóa duyên chỉ lãng phí thời gian, có ý nghĩa gì đâu? Dù có chết đói chết rét thì cũng vì Pháp mà chết, anh sẽ không hối tiếc gì. Buông bỏ tu hành, chạy khắp nơi để kiếm đồ ăn, cố gắng tích lũy của cải, ăn ngon, mặc đẹp, ăn uống lu bù với bạn bè người thân, hát hò buôn chuyện, sống cuộc đời vui vẻ, cuộc sống như vậy chỉ uổng phí đời người, anh nhất quyết phản đối. Cho nên các em cũng không cần tìm quần áo cho anh nữa, anh cũng sẽ không đi hóa duyên. Ai cảm thấy thế nào đúng thì làm thế nấy.’
Tỳ Đạt nói: ‘Anh đúng là tự tìm cái khổ mà chịu, em không biết làm thế nào mới khiến anh hài lòng, xem ra anh cũng chẳng còn cách nào khác để hành hạ bản thân nữa, để khiến anh khổ hơn nữa đâu.’
Ta nói: ‘Anh đây có gì mà khổ, tam ác đạo mới thực sự là khổ, nhưng chúng sinh thật dễ làm điều ác, những kẻ tự mình đi tìm cái khổ mà chịu này quả là nhiều vô kể. Anh rất mãn nguyện với cuộc sống này của mình rồi’, liền hát một bài ca mãn nguyện cho họ nghe.
Kết Tái nghe ta hát xong, cảm khái nói: ‘Những điều trước đây huynh nói hoàn toàn thống nhất với những điều hiện nay huynh làm, thực khiến người ta khâm phục.’
Tỳ Đạt nói: ‘Dù anh có nói thế nào, nhưng thấy anh chẳng có một chút quần áo hay đồ ăn nào, em quả thực không cam tâm. Dù thế nào em cũng nghĩ cách tìm cho anh một bộ quần áo. Anh nói vì tu hành nên không đi tìm đồ ăn, có chết cũng không hối hận, nhưng trước khi anh chết, em vẫn phải nghĩ cách kiếm quần áo và thức ăn cho anh.’
Nói rồi họ cùng nhau đi mất.
Sau khi được ăn ngon, cảm giác đau đớn vì khổ lạc trên thân thể và những can nhiễu trong ý niệm ngày càng lớn, khiến ta không thể nào tu tiếp được nữa. Ta liền mở bức thư của Thượng Sư ra xem. Trên đó viết các loại chú quyết để trừ chướng tăng lợi, chuyển qua hoạn vi công đức, đặc biệt nhắc nhở ta hiện giờ nên ăn uống cho no. Nhờ năng lượng mà trước đây ta không ngừng cố gắng tu hành, khiến cho các yếu tố trên thân thể (chỉ bốn yếu tố lớn: đất, nước, lửa, gió, tức là những yếu tố được gọi là vật chất) đều tập trung ở trong mạch, vì ta ăn quá ít đồ ăn nên không có năng lượng để hóa giải những thứ này.
Ta liền uống chút rượu mà Tỳ Đạt mang đến và ăn chút thức ăn mà Kết Tái mang đến, rồi theo chỉ thị trong sách, theo tâm yếu, khí yếu và quan yếu, nỗ lực tu hành. Đả khai các nút kết của tiểu mạch trên thân, lại đả khai các nút kết của trung mạch, sản sinh ra cảm giác hoan lạc, minh mẫn, vô niệm chưa từng có trước đây. Cảnh giới đó không ngôn ngữ nào có thể hình dung được. Loại cảm thụ bất động này chứng ngộ công đức, kiên cố, quảng đại, chuyển khiếm khuyết thành công đức. Ta thông suốt được vọng niệm tức là pháp thân, hiểu được hết thảy pháp về niết bàn luân hồi đều là duyên khởi, hết thảy chủng thức tự tâm vốn cách hết thảy phương sở, những hành vi sai trái sẽ phải chịu luân hồi, còn hành động thiện lương giải thoát thì được về niết bàn. Mà thể tính sinh tử niết bàn đều là bất nhị không tính (chính là vấn đề bất nhị pháp môn được nói đến trong kinh Duy Ma Cật Sở). Cơ sở để sinh ra loại công đức này chính là nhờ khổ tu thanh tịnh tích lũy thành, sự trợ giúp để sinh ra loại công đức khác nhau chính là đồ ăn và khẩu quyết thâm sâu, thở tín tâm quyết định, hồi hướng Bồ Đề, hồi hướng Dĩ Tất.
Ta tiếp tục nỗ lực tu hành, dần dần cảm thấy ban ngày thân thể có thể biến hóa tùy ý, có thể bay lên không trung và triển hiện các loại thần thông. Ban đêm trong mộng có thể du hành đến đỉnh thế giới, có thể đập tan sông hồ, có thể hóa thành hàng trăm nghìn hóa thân, đến vùng đất của chư Phật để nghe Pháp Yếu, thuyết pháp cho vô lượng chúng sinh. Thân thể ta có thể vào nước, lửa, có được các loại Thần biến không thể tưởng tượng được. Trong tâm ta nảy sinh hoan hỉ, vừa vận dụng, vừa tiếp tục tu trì thần thông. Không lâu sau, ta thực sự có thể bay trên không trung, ta liền bay đến đỉnh Nhã Môn Khứ Tự để tu quan, sản sinh chuyết hỏa noãn lạc chưa từng có.
Khi bay trở lại hang Hộ Mã Bạch Nhai, qua xóm Nhung Nga, có hai cha con đang cày ruộng, họ vốn thuộc về nhóm người ủng hộ bác trai. Người cha đang giơ cuốc lên cuốc đất, cậu con trai đang dắt trâu cày ruộng. Cậu con trai ngẩng đầu nhìn thấy ta đang bay trên không trung, lập tức hô lên: ‘Cha ơi nhìn kìa, trên trời có một người đang bay kìa’. Cậu ta quên mất công việc đồng áng, ánh mắt dõi theo tư thế của ta bay trên không trung. Cha cậu ấy nói: ‘Có gì hay đâu mà nhìn, Dưỡng Sát Cát Cẩm Bạch Trang Nghiêm Mẫu ở Gia Nga Trạch sinh được một đứa con trai là ác quỷ, vô cùng độc ác, người ta gọi nó là ‘Ác Quỷ Mật Lặc’, chính là nó đấy. Chớ để hình ảnh của nó làm mê mờ con, hãy chăm chỉ cày cấy đi.’ Ông già kia sợ nhìn thấy ta, liền lẩn trốn hết chỗ này đến chỗ khác. Cậu con trai nói: ‘Nhìn thấy người sống đang bay thật thú vị quá. Nếu con có thể bay được, thì dù có bị cắt chân cũng bằng lòng.’ Thế là cậu ấy bỏ dở việc đồng áng, mắt chăm chú ngắm nhìn ta trên không trung.
Lúc đó ta nghĩ rằng mình đã có khả năng có thể mang lại lợi ích cho chúng sinh, ta nên đi hồng Pháp độ chúng sinh mới phải. Nhưng Bản Tôn xuất hiện nói với ta: ‘Nên làm theo lời căn dặn của Thượng sư tu hành đến hết đời mới phải, trên thế gian này không có sự việc nào có thể có lợi cho hồng Pháp cứu chúng sinh hơn việc tu luyện.’ Ta liền nghĩ trong tâm: Trách nhiệm tu hành suốt đời để làm gương cho những người tu hành sau này sẽ có lợi ích to lớn cho chúng sinh và giáo Pháp trong tương lai. Do vậy ta quyết định vẫn tu hành trong núi suốt đời.
Ta lại nghĩ: ‘Ta ở nơi đó đã nhiều năm rồi, người biết đến ta ngày càng nhiều. Hôm nay đứa trẻ này còn nhìn thấy ta đang bay, sau này e rằng người đến xem sẽ ngày càng đông. Nếu tiếp tục ở đây thì có bị rơi vào thế gian bát pháp, bị dụ dỗ bởi quỷ trên trời và những lời khen tụng danh tiếng, cuối cùng tất địa (nghĩa là thành tựu) có thể chấm dứt. Hay là đến thắng địa (Khứ Ba) của Thượng sư thọ ký để tu hành.’ Ta liền khoác cái nồi đất nấu cây gai lên vai rời khỏi hang Hộ Mã Bạch Nhai.
Vì trường kỳ khổ tu nên thể lực của ta không đủ, quần áo rách tơi tả buông thõng xuống đất. Đi không cẩn thận bị xảy chân trượt ngã trên đường. Dây buộc bị đứt làm cái nồi đất cũng rơi vỡ mất. Trong nồi còn có một nắm cây gai còn tươi, rơi tung tóe trên đất. Nhìn thấy cảnh này, ta nghĩ đến đạo lý ‘vô thường’, nảy sinh tâm xuất lý tinh tiến. Vừa hay phía sau sườn núi có một người thợ săn đang ăn, chạy đến xem thấy ta đang cầm cái nồi vỡ trên tay, bèn hỏi: ‘Cái nồi đã vỡ rồi, ông còn cầm nó làm gì? Thân thể ông vừa gầy vừa xanh xao, ông bị làm sao vậy?’
Ta thuật lại vắn tắt cho anh ta nghe quá trình tu hành của mình. Anh ta nghe xong nói: ‘Người như ông thật hiếm có khó gặp, mời ông lên trên cùng ăn với chúng tôi được không?’ Ta liền cùng họ lên sườn núi. Ở đó còn có mấy người thợ săn đăng ngồi, một người trong đó nói: ‘Này anh bạn, tôi thấy mắt anh rất sáng, nếu anh không khổ tu mà dành thời gian làm các việc thế gian, thì nhất định có thể cưỡi sư tử dễ như cưỡi ngựa, nhà anh sẽ có những gia súc và người ở tốt nhất, hưởng thụ vinh hoa phú quý, không ai dám ăn hiếp anh. Anh có thể sống những ngày hạnh phúc. Nếu không thì chí ít anh làm kinh doanh cũng có thể tự nuôi sống bản thân, sống cuộc sống thoải mái. Dù không may nếu có làm người ở cho người ta, cũng có thể được ăn no mặc ấm, tóm lại đều tốt hơn nhiều so với tình trạng của anh hiện nay. Trước đây có thể anh không biết làm thế nào, sau này anh làm theo lời chúng tôi nói thì nhất định sẽ tốt.’
Một ông lão khác nói: ‘Thôi đi, cậu chớ nói lung tung, vị này là một người chân tu, làm sao nghe được lời nói của người phàm tục chúng ta, mau ngậm cái miệng nhiều lời lại, thưa ngài, giọng của ngài thật hay, xin ngài hãy hát cho chúng tôi nghe một bài.’
Ta nói: ‘Các người nhìn ta cảm thấy ta vô cùng đáng thương. Nhưng trên thế gian này e là không tìm được ai có cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ hơn ta đâu.’
Ta rời nhóm thợ săn đi về hướng Khúc Ba, đi qua Ba Khố, đến Đình Nhật, bèn nằm nghỉ một lát ở bên đường. Có mấy cô nương trang điểm xinh đẹp chuẩn bị đi tham dự Pháp hội, đi qua thấy ta nằm đó với thân thể gầy gò như que củi, một cô nương nói: ‘Các cô mau đến xem, người này thật đáng thương, chúng ta phải phát nguyện rằng kiếp sau không được có thân thể như người này.’
Một cô nương khác nói: ‘Thật đáng thương, ai nhìn thấy bộ dạng này cũng sẽ thương tâm.’
Họ không ngờ rằng trong tâm ta cũng đang nghĩ, những chúng sinh vô tri này thật đáng thương, bất chợt khởi lên lòng thương xót vô hạn đối với họ, liền đứng dậy nói với các cô gái rằng: ‘Ồ, xin các cô đừng nói vậy, cũng không cần cảm thấy buồn như vậy. Nói thật là các cô có phát nguyện muốn có một thân thể như ta cũng không dễ đâu. Các cô xót thương cho ta ư, thương hại cho ta ư? Ta nói với các cô rằng tà kiến mới thực là đáng thương, ngu tri mới thực là đáng đau xót.’
Một cô gái nghe xong liền nói với một cô bên cạnh: ‘Ông ấy chính là Milarepa! Chúng ta chỉ nhìn người khác mà không nhìn thấy mình nên mới nói những lời không hợp lý này, chúng ta nên sám hối với ông ấy.’
Hai người họ liền đến trước mặt ta quỳ xuống xin sám hối, còn dâng tặng ta bảy chiếc vỏ sò nhỏ, những cô gái còn lại cũng cùng nhau quỳ xuống trước ta, xin ta thuyết Pháp.
Ta đến Bố Lâm, nghe nói tình hình cụ thể ở Khúc Lâm và Ký Phổ, bèn quyết định đến hang Thái Dương ở Ký Phổ tu hành, ta ở lại hang Thái Dương mấy tháng, giác chứng đều tiến bộ rất nhanh. Người dân ở Bố Lâm thường xuyên mang thức ăn đến cúng dường ta, lác đác có rất nhiều người đến thăm ta, dần dần ta cảm thấy việc tu định có một chút trở ngại, liền muốn đến tu hành ở nơi thâm sơn không người mà sư phụ chỉ thị.
Lúc này Tỳ Đạt đã kiếm được một ít lông dê, dệt thành một tấm vải lông, cô mang vải lông chạy đến hang Hộ Mã Bạch Nhai tìm ta, nhưng ta đã đi rồi, cô liền đi xung quanh hỏi tin tức của ta. Có người nói: ‘Ở Thượng Phương Cống Thông có một hành giả Yoga trông giống ma thảo trùng, từ Ba Khố đi qua đó về phía Nam.’ Tỳ Đạt nghe xong biết đó là ta, liền đi về phương Nam tìm ta. Đi đến Bố Lâm, vừa hay gặp Đại Thích Sư Ba Nhật đang mở Pháp hội. Trên Pháp tọa của Ba Nhật Thích Sư có phủ một tấm nệm cao mấy tầng, một cái ô lớn trang trọng treo trên đỉnh đầu, những dải lụa ngũ sắc bay phấp phới. Các đệ tử Lạt Ma bận rộn thổi tù và, uống rượu, thưởng trà; Người đến Pháp hội vô cùng đông đúc, thật là một thịnh hội náo nhiệt. Tỳ Đạt thấy cảnh tượng này, trong lòng nghĩ: ‘Người khác học Phật thì được hoàn cảnh hưởng thụ này, còn anh mình học Phật lại thật đặc biệt. Ngoài việc tự tìm cái khổ ra thì không có chút gì hay cả, còn bị người ta chê cười, người thân cũng vì thế mà mất mặt. Lần này gặp anh ấy, mình nhất định phải thuyết phục anh, nghĩ cách đưa anh đến làm đệ tử lạt ma cho vị Ba Nhật này.’
Tỳ Đạt hỏi mọi người ở pháp hội về tin tức của ta, có người nói với cô ấy rằng ta ở Kỳ Phổ, do vậy Tỳ Đạt liền đi qua Bố Lâm đến Kỳ Phổ, cuối cùng tìm được ta, vừa gặp mặt liền nói với ta: ‘Anh à, pháp mà anh tu là một pháp dạy người ta ăn không có mà ăn, mặc không có mà mặc, thực là đáng hổ thẹn, khiến em thực sự không còn mặt mũi nào mà nhìn người khác nữa. Chỗ khác thì không nói, thân dưới của anh chẳng có thứ gì che đậy, thật khó coi quá, giờ xin anh hãy lấy tấm vải lông này làm một cái khố vậy.’
‘Anh xem những người học Phật khác, như Đại Thích Sư Ba Nhật ấy, phía dưới ông ấy là tấm nệm dày mấy tầng, phía trên ông ấy che ô đại bảo, trên người ông mặc toàn lụa là gấm vóc, vừa uống trà, vừa thưởng rượu, các môn đồ và đệ tử của ông ấy thổi tù và. Mọi người tề tựu quanh ông ấy, lễ vật dâng lên nhiều vô kể. Như vậy mới là có lợi cho đại chúng, người thân và bạn bè, mọi người đều hài lòng, thỏa mãn. Cho nên em thấy ông ấy mới là người tu Pháp tốt nhất trong những người tu Pháp, anh xem có cách nào trở thành môn đồ của ông ấy không, dù làm một lạt ma nhỏ bé nhất cũng có thể sống thoải mái. Nếu không thì với cái Pháp này của anh và cái mạng này của em, anh em chúng ta e là chẳng sống được lâu.’ Nói rồi òa lên khóc.
Ta nói với Tỳ Đạt: ‘Em đừng nói như vậy, em thấy xấu hổ vì cái thân mình trần như nhộng của anh, nhưng anh lại cho rằng đó là thân thể mà con người vốn dĩ có, để lộ ra thì không có gì đáng xấu hổ cả, khi phụ mẫu sinh ra anh thì chính là như vậy, vậy có gì mà xấu hổ? Những người thông minh, tài trí tưởng rằng không thể tạo tội nghiệp lại không biết xấu hổ mà tạo tội nghiệp, khiến phụ mẫu lo phiền, trộm cắp tài sản của Thượng Sư Tam Bảo, lại vì muốn thỏa mãn dục vọng cá nhân mà nghĩ đủ mọi cách lừa gạt chúng sinh, hại bản thân, hại người khác. Loại người này khiến người và Thần khinh thường. Hành vi của loại người này mới là đáng xấu hổ, họ không chỉ đời này đáng xấu hổ mà tương lai cũng đáng xấu hổ. Vả lại, nếu em cho rằng thân thể do phụ mẫu sinh ra là đáng xấu hổ, vậy thì lúc đầu khi phụ mẫu sinh ra em, trong đầu em không hề có khái niệm về hai bầu vú, tại sao bây giờ em lại cảm thấy xấu hổ vì hai bầu vú này?’
‘Em tưởng rằng anh không có gì để ăn, không có gì để mặc, cực khổ tu hành như vậy là vì anh không tìm thấy đồ ăn, không tìm thấy quần áo để mặc, vậy là sai rồi. Sở dĩ anh khổ tu như vậy, một là vì anh sợ nỗi khổ bị rơi vào tam ác đạo, hai là vì anh nhìn thấy luân hồi thực đáng sợ giống như người sống bị ném vào chảo lửa vậy. Những hỗn loạn nơi thế tục, tranh quyền đoạt lợi của thế nhân, hết thảy bát pháp thế gian, đối với anh chỉ giống như thứ đồ ăn ôi thiu mà người bệnh nôn mửa ra, khiến anh ghét bỏ và ghê tởm. Nhìn thấy những thứ này, anh cảm thấy giống như nhìn thấy máu thịt của phụ mẫu mình bị giết chết vậy, trong lòng cảm giác nỗi buồn khó tả, ba là vì Mã Nhĩ Ba Thượng sư giáo huấn anh rằng: Phải vứt bỏ thế gian bát pháp và náo loạn, không vì cái ăn cái mặc mà tranh giành với người khác, phải sống ở nơi thâm sơn không người, đoạn tuyệt hết thảy hy vọng và suy nghĩ đời này, chuyên tâm tinh tấn tu hành, cho nên anh cực khổ tu hành cũng là vì tuân theo lời dạy của Thượng sư.’
‘Anh tuân theo lời giáo huấn của Thượng sư mà tu hành, không chỉ có lợi cho bản thân, mà rốt cuộc cũng có lợi cho tất cả chúng sinh. Con người sống trên đời có thể chết bất cứ lúc nào, bị bát pháp thế gian làm cho phiền não, chi bằng tìm cầu sự giải thoát cuối cùng. Còn về việc em bảo anh đến làm đồ đệ cho Ba Nhật Lạt Ma, câu này thật đáng cười. Nếu anh muốn xuất hiện ở thế gian thì ít nhất cũng không thua kém Ba Nhật Lạt Ma. Vì anh muốn lập tức thành Phật, cho nên mới tu khổ hạnh. Em gái Tỳ Đạt à, em cũng nên buông bỏ bát pháp thế gian, tu Phật cho tốt, cùng với anh trai em lên núi tuyết tu hành, tương lai đối với hết thảy lợi ích của con người, sẽ giống như ánh mặt trời rực rỡ chiếu khắp thế gian.’
Tỳ Đạt nghe xong bèn nói: ‘Bát pháp thế gian mà anh nghe nói chính là hạnh phúc của con người, anh em chúng ta sao phải vứt bỏ chúng chứ? Anh biết rõ bản thân không làm được như Ba Nhật Lạt Ma, anh muốn trốn tránh nên cố ý nói những lời xem ra rất có đạo lý này. Anh bảo em cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc, chạy đến đỉnh núi tuyết để chịu rét, chịu đói thì em không làm đâu. Từ nay về sau, bản thân em còn không biết mình đi đâu. Anh à, xin anh đừng có như con nai rừng bị chó đuổi chạy loạn khắp nơi nữa, cứ ở lại nơi này được không? Anh cũng có thể tu hành, mà em cũng dễ tìm được anh, người ở đây xem ra cũng tin tưởng anh, cho nên tốt nhất là cứ ở lại đây. Nếu không, xin anh ở lại vài ngày, lấy tấm vải lông này làm thành cái khố quây, để che phần thân dưới lại. Em đi rồi mấy hôm sẽ quay lại.’
Ta đồng ý với Tỳ Đạt ở lại đó vài ngày, cô ấy liền đến thôn Bố Lâm xin ăn.
Tỳ Đạt đi rồi, ta liền chia tấm vải thành mấy mảnh, lấy mảnh vải lớn làm một cái mũ lớn bao quanh đầu, lại dùng một mảnh vải làm một đôi giày, rồi dùng một mảnh vải làm 20 cái bao chụp ngón tay để lồng vào 10 đầu ngón tay, ngón chân, lại làm một cái bao nữa chụp lên chỗ kín của ta.
Mấy hôm sau Tỳ Đạt quay lại, hỏi ta quần áo đã may xong chưa, ta nói may xong rồi, liền đưa mấy thứ đó ra cho cô ấy xem.
Cô ấy vừa xem xong đã la lên: ‘Anh à, anh thật không phải là con người nữa, chẳng còn chút xấu hổ nào, anh đem tấm vải lông mà em vất vả xin ăn đổi được làm thành một đống vải vụn, thật lãng phí quá. Có lúc anh dường như chẳng có chút thời gian rảnh nào, chỉ bận rộn tu hành, có lúc anh lại có rất nhiều thời gian rảnh để làm những việc nực cười này. Chao ôi, anh thật là không giống con người chút nào.’
Ta nói: ‘Anh là một người chân chính, người có một sự nghiệp ý nghĩa, anh là người biết xấu hổ nhất, nên anh rất tuân thủ các giới luật và lời thề. Vì em gái anh cảm thấy chỗ kín của anh để lộ ra trông khó coi, cảm thấy xấu hổ, mà anh lại không cắt nó đi được, cho nên mặc dù để lỡ việc tu hành, anh vẫn đáp ứng yêu cầu của em, anh bèn nhẫn nại làm những thứ này. Anh lại nghĩ nếu chỗ kín bên dưới để lộ ra khiến em xấu hổ, vậy thì tất cả đầu ngón tay, ngón chân hẳn cũng khiến em cảm thấy xấu hổ. Cho nên anh cũng làm một cái chụp cho mỗi bộ phận. Anh không hề phá nát tấm vải lông này, anh dùng nó làm những cái chụp để che đi. Xem ra, có vẻ như anh còn biết xấu hổ hơn cả em đấy, nếu chỗ kín của anh đáng xấu hổ, thì chỗ kín của em có đáng xấu hổ không? Tích lũy những thứ đáng xấu hổ chi bằng không có thì tốt hơn.’ Cô ấy nghe xong không thốt lên được lời nào, tức đến nỗi xây xẩm mặt mày.
Ta nói tiếp: ‘Con người nơi thế gian coi những thứ không đáng xấu hổ thành đáng xấu hổ, những thứ đáng xấu hổ lại không cảm thấy xấu hổ. Làm những việc lừa gạt hại người, làm chuyện bậy bạ, vậy mà lại không cho là đáng xấu hổ.’
Sắc mặt của Tỳ Đạt vẫn xây xẩm, cô ấy đưa thức ăn và rượu xin được cho ta nói: ‘Cho dù thế nào, anh vẫn cứ không làm theo lời em bảo. Nhưng anh vẫn là anh trai của em, xin anh hãy ăn những thứ này. Em sẽ lại xuống núi tìm đồ ăn tiếp.’ Nói rồi lại đi, ta nghĩ trong lòng: ‘Lẽ nào trong tâm Tỳ Đạt thực sự không thể được Pháp hóa độ sao?’ Ta liền nói với Tỳ Đạt: ‘Em đừng đi vội, đợi ăn hết những đồ ăn này rồi hãy đi. Trong thời gian ở đây, cho dù em không tu Pháp, em cũng tránh khỏi phải xuống núi tạo nghiệp, hãy ở lại đây vài hôm.’
Tỳ Đạt đồng ý ở lại, trong thời gian đó, ta cố gắng nói cho cô ấy nghe về đạo lý nhân quả thiện ác. Cô ấy dần dần có nhận thức đúng đắn về Phật Pháp, tính tình cũng có cải biến một chút.“
Xem tiếp Phần 10
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2000/12/29/5843.html
Đăng ngày 13-09-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.