Ban Biên tập Minh Huệ chỉnh lý

[MINH HUỆ 28-12-2000]

Từ trước tới nay vùng núi Himalaya vẫn luôn là vùng đất có nhiều người tu luyện, người dân ở đó có một cuộc sống chất phác, ai ai cũng giỏi múa hát, ngoài ra còn sùng bái Phật Pháp. Lúc bấy giờ có một người tu luyện tên là Milarepa. Chúng Phật Bồ Tát phải tu nhiều đời nhiều kiếp mới thành, nhưng Milarepa lại chỉ cần một đời là thành tựu được công đức tương đương với những Phật và Bồ Tát ấy, sau này trở thành thủy tổ của Bạch giáo Tạng Mật.

Tiếp theo Phần 7


Nhạ Quỳnh Ba hỏi rằng: “Thưa thượng sư, lão gia ngài khổ tu như thế nào? Tu hành ở nơi nào vậy?”

Milarepa nói: “Sáng hôm sau con trai của người thầy dạy chữ chuẩn bị cho ta một túi bột mỳ và một túi đồ ăn, nói với ta rằng: ‘Thứ này là để cấp dưỡng cho ngài tu hành, xin ngài phát nguyện cho chúng ta, đừng quên chúng ta!’ Ta bèn nhận những món đồ ăn này tới tu luyện thiền định trong một cái hang trên một ngọn núi cao sau nhà cũ. Ta rất tiết kiệm khi quấy bột mỳ ăn. Thời gian lâu sau cơ thể ta trở nên vô cùng suy nhược, nhưng công phu lại tăng lên không ít. Cứ tu luyện như vậy vài tháng, cuối cùng ta cũng ăn hết toàn bộ số lương thực đó, cơ thể ta yếu đến mức không thể tiếp tục như vậy nữa. Ta thầm nghĩ hay là mình đến nơi chăn bò xin một ít bơ, đến nông trang xin ít bột mỳ, thì có thể giữ được cơ thể này không đến nỗi chết đói, mới có thể tiếp tục tu hành.

Ta bèn xuống núi, đến một nơi chăn thả gia súc gần nhất, ta nhìn thấy một cái lều làm bằng lông bò. Ta đứng trước lều nói: ‘Thí chủ! Hành giả Yoga tới xin ít bơ!’ Nào ai biết oan gia ngõ hẻm gặp nhau, vừa hay ta gặp ngay căn lều của cô mình. Cô mẫu vừa nghe thì đã nhận ra tiếng của ta, thế là nổi trận tam bành, lập tức thả chó dữ ra cắn ta. Ta vội vàng ném đá vào chú chó để tự vệ. Lúc này cô mẫu rút cây chống lều lông bò, chạy như bay đến trước mặt ta, lớn tiếng nhiếc móc: ‘Cái tên phá gia chi tử này! Kẻ thù của bè bạn họ hàng! Ma quỷ của quê nhà! Thứ vô liêm sỷ, ngươi đến làm gì? Chỉ có ông già nhà ngươi mới sinh ra thứ con trai như ngươi!’ Cô mẫu mắng ta không ngớt, tay còn cầm gậy quật tới tấp. Ta cắm đầu cắm cổ chạy đi, nhưng chẳng may vì không đủ dinh dưỡng nên cơ thể suy nhược, một hòn đá mắc vào chân lập tức khiến ta ngã xuống một dòng suối. Cô mẫu vẫn mắng mỏ không ngớt, dùng gậy đánh loạn cả lên, ta phải dùng hết sức bình sinh giãy giụa, mới đứng dậy được. Tay đỡ đòn, nước mắt giàn giụa hát với cô mẫu.

Một cô gái bước ra cùng với cô mẫu nghe thấy tiếng hát của ta thì thương cảm không cầm được nước mắt. Cô mẫu cũng cảm thấy ngại ngùng, bèn quay vào trong lều, sau đó bảo cô gái lấy ra một túi bơ và pho mát đưa cho ta. Thế là ta lê từng bước một rời khỏi lều của cô mẫu, tiếp tục đến cái lều khác khất thực. Những người này ta không quen nhưng họ đều biết ta. Thấy ta đến, họ đều nhìn ta từ đầu đến chân, đều bố thí cho ta rất nhiều đồ ăn ngon. Lúc này ta thầm nghĩ: Dẫu sao cô mẫu đã đối xử với mình như vậy, thì bá phụ chắc chắn sẽ chẳng dễ dàng gì tha cho mình, thôi thì đi tới cái lều khác vậy. Ta bèn mang theo số lương thực xin được đi về phía bên kia của thôn trang.

Nào ai biết nhà của bá phụ bị đổ nên bác đã dọn xuống thôn dưới từ nhiều năm nay. Ta hoàn toàn chẳng biết gì mà cứ đi thẳng đến trước cửa nhà họ. Bá phụ nhìn thấy ta đến thì nhảy lên hét lớn: ‘Quân khốn nạn này! Tên phá gia chi tử này! Mặc dù ta đã già chỉ còn cái bộ xương, nhưng kẻ ta muốn tìm kiếm cả đời này chính là ngươi!’ Nói rồi ông nhặt đá ném như mưa về phía ta. Ta vội vàng quay đầu trốn chạy. Bác trai chạy như bay về nhà, lấy cung tên ra hét lớn: ‘Tên phá gia chi tử lòng lang dạ sói này! Ngươi hại cả cái thôn này chưa đủ hay sao? Làng nước ơi! Láng giềng ơi! Mau ra đây! Kẻ thù của chúng ta đã đến rồi!’ Rất nhiều người trẻ nghe bá phụ của ta hét lên như vậy bèn vội vàng chạy ra, giúp bác ném đá vào người ta. Hoá ra họ đều là những người trước kia chịu thiệt vì ta. Thấy tình hình không tốt, ta sợ bị họ đánh chết, nên đành giả vờ kết ấn phẫn nộ rồi hét lớn: ‘Bản tôn của thượng sư phái giáo sắc truyền thừa ơi! Biển rộng thệ ước Hề Lỗ Cát ơi! Kẻ tu hành gặp phải kẻ thù đến đòi mạng! Thỉnh Thần hộ pháp trả lại hắc tiễn cho bọn họ! Dẫu ta chết rồi thì Thần hộ pháp cũng không bao giờ chết!’

Mọi người nghe xong đều sợ hãi, vội vàng kéo bá phụ lại. Một vài người đồng cảm với ta cũng tới hoà giải, những người ném đá vào ta vội chạy lại gần cầu xin ta tha thứ. Họ đều bố thí cho ta rất nhiều lương thực, chỉ có bá phụ trước sau vẫn nhất quyết không chịu thoả hiệp với ta, cũng không bố thí cho ta bất cứ thứ gì. Ta mang đồ ăn đi chầm chậm trở về hang. Trên đường đi ta thầm nghĩ: Mình ở gần thôn này, chỉ khiến mọi người phẫn nộ và bất an, chi bằng mau rời khỏi nơi này!

Đêm hôm đó ta nằm mơ thấy dường như có điềm báo bảo ta ở lại vài ngày rồi hẵng đi. Nên ta quyết định ở tạm vài hôm.

Vài hôm sau, cô nương Kết Tái đến, mang theo rất nhiều đồ ăn và rượu đến thăm ta. Nhìn thấy ta thì ôm lấy ta khóc nấc lên thống thiết. Cô khóc lóc kể lại tường tận quá trình mẫu thân ta chết đi và tình hình em gái ta lưu lạc nơi xa. Nghe về quá khứ bi thảm của mẫu thân và em gái, ta chẳng thể kìm nén mà khóc lên thống thiết.

Sau đó ta cố nín khóc, hỏi Kết Tái rằng: ‘Giờ này muội vẫn chưa xuất giá sao?’

‘Mọi người đều sợ Thần hộ pháp của huynh thì ai dám lấy ta. Dẫu có người muốn lấy ta thì ta cũng không muốn xuất giá! Huynh tu chính Pháp như vậy quả là khó gặp!’

Trầm ngâm một lúc, Kết Tái lại hỏi ta: ‘Nhà cửa và ruộng vườn của huynh giờ tính sao?’

Ta bèn hiểu ý của cô ấy, ta thầm nghĩ: ‘Mình đã rời bỏ gia đình, thế tục chuyên tu chính Pháp, hoàn toàn đều là nhờ ân đức của thượng sư Mã Nhĩ Ba. Còn về Kết Tái, nên để cô ấy phát một thiện nguyện về Phật Pháp. Điều này tốt hơn mọi thứ khác. Với những chuyện thế gian, cô ấy nên tự mình quyết định, ta phải nói rõ ràng suy nghĩ này cho cô ấy biết.’

Ta bèn nói với cô ấy: ‘Nếu muội gặp em gái Tỳ Đạt thì hãy để lại nhà cửa và ruộng vườn cho muội ấy! Trước khi chưa gặp Tỳ Đạt thì muội có thể thừa hưởng những gia sản này. Nếu quả thực Tỳ Đạt đã chết thì nhà cửa và ruộng vườn ta đều để lại cho muội.’

‘Lẽ nào huynh không cần sao?’

Ta nói: ‘Ta tu khổ hạnh, sống cuộc sống như chuột và chim khổng tước. Vậy nên điền viên chẳng có tác dụng gì với ta. Dẫu có toàn bộ tài sản trên thế giới này thì khi chết đi cũng như nhau mà thôi, ta chẳng thể đem theo được thứ gì. Nếu nay ta buông bỏ tất cả, thì không những tương lai có thể sống thoải mái, mà bây giờ ta cũng có thể sống thoải mái. Hành vi của ta và thế nhân là trái ngược nhau. Từ giờ trở đi, xin muội đừng đối đãi với ta như con người bình thường nữa.’

Cô ấy nói: ‘Vậy thì huynh không tán thành với tất cả những người tu Pháp khác hay sao?’

‘Người học Phật Pháp nếu ban đầu đến học kinh giảng Pháp là vì muốn đứng đầu thế giới, nếu môn phái của mình mà thắng thì sẽ thích thú, người khác mà thua thì sẽ vui mừng, một mực cầu danh cầu lợi, khoác lên danh xưng học Phật một cách rỗng tuếch, mặc một chiếc hoàng bào, thì ta phản đối kiểu người tu học Phật này. Nếu vui vẻ, thanh tịnh, chân thành, vậy thì người theo học tất cả các tông phái đều hướng về Bồ Đề, thì ta tuyệt sẽ không phản đối. Vậy nên mới nói, về căn bản là ta không tán đồng với những người không thuần tịnh.’

Kết Tái nói: ‘Từ xưa đến nay ta chưa từng nghe nói tới người học Phật cùng khổ rách rưới như huynh! Huynh tu theo cách một phái trong Đại Thừa phải không?’

‘Đây là Pháp thừa thù thắng nhất trong các Pháp thừa, xả bỏ bát pháp tại thế gian, tức là Pháp thượng thừa nhất sinh thành Phật.’

‘Những điều huynh nói và làm đều khác với các pháp sư khác. Xem ra, giữa hai pháp này chắc chắn sẽ có một cái là sai. Giả dụ hai pháp này đều sai, thì ta cũng vẫn thích môn pháp của huynh.’

Ta nói: ‘Pháp sư mà mọi người thích nơi trần tục, nhưng ta lại không thích. Mặc dù ý nghĩ, tôn chỉ của họ khác với ta, nhưng là thân mặc hoàng bào truyền bát pháp cho thế gian, rốt cuộc đều không có nghĩa thực. Dẫu cho không động vì bát phong, thì sự khác biệt khi thành Phật nhanh chậm tại thế gian cũng là một trời một vực. Điểm này thì muội không thể hiểu được. Tóm lại, nếu muội có thể lập chí, thì tốt nhất hãy nỗ lực tu Pháp. Nếu không đủ thì sao? Hãy về chăm sóc điền viên vậy!’

Kết Tái nói: ‘Ta không cần nhà cửa ruộng vườn của huynh, huynh cứ để lại cho em gái mình đi! Ta muốn tu Phật Pháp, nhưng tu Pháp như anh thì ta không làm được.’ Nói xong cô ấy bèn rời đi.

Vài ngày sau, cô mẫu nghe nói ta không cần đến nhà cửa, ruộng vườn thì vô cùng kinh ngạc và nghĩ rằng: ‘Nghe nói cậu ta không cần ruộng vườn theo giáo huấn của thượng sư. Để ta đi xem có phải thật vậy không!’ Thế là cô mẫu mang rượu tới thăm ta. Vừa gặp ta cô mẫu đã nói: ‘Cháu à! Mấy hôm trước là cô mẫu không đúng, cháu là người học Phật, mong cháu nhẫn nại tha thứ cho cô mẫu! Cô mẫu có ý định trồng trọt thay cháu, hàng tháng cô mẫu sẽ nộp tô thuế cho cháu. Nếu không ruộng đất của cháu để hoang phế cũng đáng tiếc, cháu xem có được không?’

Ta nói: “Tốt quá ạ! Cháu chỉ cần mỗi tháng một khai lương thực là được rồi, còn lại thì xin tặng cho cô ạ!” (đơn vị đo trọng lượng của Tây Tạng, một khai bằng 25 kg). Cô mẫu rất mãn nguyện, vui vẻ rời đi.

Nhưng được hai tháng thì cô mẫu lại đến, nói với ta rằng: ‘Mọi người nói rằng trồng đất của cháu thì thần hộ Pháp của cháu sẽ phẫn nộ mà phát lời nguyền. Xin cháu đừng phát lời nguyền!’

Ta nói: ‘Sao cháu lại có thể phát lời nguyền được? Cô mẫu là người có công đức, xin cô mẫu cứ yên tâm trồng trọt và mang lương thực cho cháu là được rồi ạ.’

Cô nói: ‘Nếu đã như vậy, thì cô mẫu yên tâm rồi. Xin cháu hãy phát một lời thề được không?’

Ta thầm nghĩ: Cô mẫu có ý gì? Dẫu không có ý tốt thì cũng có thể tăng thêm duyên. Ta bèn đồng ý thề với cô mẫu. Cô mẫu vui mừng rời đi.

Ta tiếp tục tu hành tinh tấn trong hang núi. Mặc dù đã dốc hết sức mình, nhưng ta vẫn không thể xuất sinh công đức Noãn Lạc. Khi đang suy nghĩ xem phải làm thế nào, thì tối hôm đó ta nằm mơ, ta mơ thấy ta đang cày trên một thửa ruộng rất cứng, không sao cày được. Khi ta vừa mới nghĩ tới việc từ bỏ thì thượng sư Mã Nhĩ Ba đột nhiên hiển hiện giữa không trung nói rằng: ‘Con trai! Hãy dùng sức mà cày! Chỉ cần con dũng cảm tiến về phía trước, đừng sợ nó cứng thì sẽ thành công!’ Nói xong thượng sư Mã Nhĩ Ba bèn cày phía trước, ta cày phía sau. Quả nhiên khắp thửa ruộng đều mọc lên những đám mạ tươi tốt.

Sau khi tỉnh dậy, lòng ta vô cùng hân hoan. Nhưng ta lại nghĩ giấc mơ chỉ là hiển hiện mơ hồ mà thôi, phàm phu thì không nên chấp trước hay coi trọng. Mình vui thích chỉ vì một giấc mơ, há chẳng phải là điều ngốc nghếch hay sao? Mặc dù như vậy, ta biết rằng đây là một điềm báo. Nếu nỗ lực tinh tấn, ta nhất định có thể xuất sinh công đức.

Lúc này ta đã định tới hang Hộ Mã Bạch tu hành. Vừa hay lúc đó cô mẫu mang tới 3 đấu bột mỳ, một chiếc áo da rách, một mảnh vải, một miếng mỡ bò và mỡ trâu trộn lẫn với nhau tới thăm ta. Cô mẫu phẫn nộ oán trách mà rằng: ‘Những thứ này là giá của cháu bán ruộng. Cháu cầm lấy những thứ này, rồi xin hãy đi tới một nơi mà tai cô không nghe thấy, mắt cô không nhìn thấy. Bởi vì mọi người trong thôn đều nói: Văn Hỷ hại chúng ta thê thảm tới mức này, bây giờ bà lại gọi cậu ta về, tương lai người trong thôn có thể đều bị cậu ta giết tận! Nếu bà không bảo cậu ta đi, thì chúng ta sẽ giết bà cùng với cậu ta! Cho nên cô đến đây để nói cho cháu biết là tốt nhất xin cháu hãy tới một nơi thật xa! Giả sử cháu nhất định ở lại đây, họ e rằng không giết cô, mà ngược lại lại muốn giết cháu!’

Ta hiểu rằng người trong thôn chắc chắn sẽ không nói như vậy. Nếu ta là một người tu hành chân chính, ta quyết sẽ không vì bị cô tước đoạt ruộng đất mà nguyền rủa cô mẫu. Ta thề sẽ không phát lời nguyền, chứ không phải là muốn để cô lừa gạt chiếm ruộng đất của ta. Trong lòng ta nghĩ như vậy. Ta còn nói với cô mẫu rằng: ‘Cháu là một người tu luyện, điều người tu luyện cần nhất chính là tu đức nhẫn nhục. Nếu không thể nhẫn nại trước nghịch cảnh, thì sao có thể tu đức nhẫn nhục đây? Nếu tối nay cháu chết đi, không chỉ là ruộng đất chẳng có ích gì, mà bất kỳ vật gì trên thế giới cũng đều vô ích. Muốn thành Phật phải lấy việc tu đức nhẫn nhục làm điều then chốt, cô mẫu chính là đối tượng giúp cháu tu đức nhẫn nhục. Sở dĩ cháu có thể gặp được chính Pháp, cũng là ân đức của bá phụ và cô mẫu, vì để báo đáp ân đức khai thị của hai người, cháu phát nguyện hy vọng tương lai các vị sẽ trở thành Phật. Không những ruộng đất cháu không cần mà ngay cả nhà cửa cháu tặng lại cho cô mẫu cũng được.’ Nói xong ta bèn hát một bài.

Nhờ ân đức của thượng sư, tiêu diêu ẩn cư nơi núi rừng, hoạ phúc của đệ tử, Sư tôn đều hay biết. Thế nhân bận lòng vì sự nghiệp, sinh tử khó thoát, nếu tham pháp tại thế gian, tuyệt đối có thể giải thoát cái gốc của sinh mệnh. Thế nhân bận hành ác, cuối cùng khổ nạn, tham luyến và sân si, dẫn con người vào chảo lửa. Tìm kiếm tài vật, việc, xung đột thường tự chiêu mời, rượu ngon như thuốc độc, uống vào khó giải thoát.

Cô mẫu ham tiền, nếu tâm tham không mệt, so đo vật thế gian, e lạc lối quỷ đói. Những lời của cô mẫu, đều là lời thị phi, người đa ngôn mới vậy, chẳng có lợi cho cô. Mọi điền sản của cháu, đều tặng cho cô mẫu, người theo pháp được tẩy tịnh, Phật điện ở trong tâm. Từ bi khổ độ linh, lửa khổ nghiệp rủi ro, ta là người hướng thượng, chẳng thể động tâm mình, Người thụ ơn từ bi, nguyện gia trì đệ tử, tiêu diêu nơi sơn động.

Cô mẫu nghe ta hát vậy bèn nói: ‘Người giống như cháu đây mới là người tu hành thực sự!’ Và vô cùng mãn nguyện đi xuống núi.

Sau khi ta hứng chịu những kích động này, ta lại càng nổi lên cái tâm chán ghét với thế gian. Bởi lẽ ta quyết định từ bỏ nhà cửa và ruộng vườn nên ngược lại trong tâm cảm thấy an nhiên vô sự. Vậy nên ta lập tức nghĩ tới việc tu hành trong hang đá Hộ Mã Bạch. Động đá này là nơi ta bắt đầu tu hành cho đến ngày đạt được thành tựu sau này. Cho nên sau này được mọi người gọi là “Động đá phát túc”.

Ngày hôm sau, ta mang theo đồ ăn và tất cả những thứ vụn vặt bên mình, ngay khi mọi người còn chưa dậy, trời còn chưa sáng, ta đã đi bộ tới động đá Hộ Mã Bạch. Động đá này rất thích hợp làm nơi cư ngụ. Sau khi đến nơi, ta trải một tấm thảm cứng ra, phía trên lót một miếng lót nhỏ làm đệm ngồi thiền. Sau khi sắp xếp mọi thứ xong xuôi, ta bèn hát một bài hát về thệ nguyện:

Trước khi ta chưa chứng đạo, chí thệ nguyện vẫn thường ở đây. Dẫu nay chết vì đói vì lạnh, cũng không ham ăn ham mặc. Thà bệnh tật đến chết, cũng không xuống núi chữa trị, nhẫn khổ thà xả mệnh, cũng không xuống núi tìm thuốc. Cho đến giây phút ấy, không vì thân sắc này, mà cầu lợi nơi thế gian. Duy chỉ có tâm khẩu ý, dành quả vị đại giác.

Cầu xin thượng sư tôn, cùng chư phật mười phương, ban cho đại gia trì, nay chẳng phạm lời thề. Cầu xin thần vũ trụ, và chư thần hộ Pháp, giúp cho thiện duyên này, nay lời thề được toại nguyện.

Tiếp đó ta phát lời thề rằng: ‘Nếu con không thành tựu, không chứng ngộ được sự thù thắng, thì dẫu cho phải chết vì đói cũng không xuống núi tìm cơm ăn, dẫu cho chết vì lạnh cũng không xuống núi tìm áo mặc, dẫu cho chết vì bệnh cũng không xuống núi tìm thuốc uống. Ta quyết tâm xả bỏ sinh mệnh đời này và mọi thứ liên quan đến thế tục. Tam nghiệp bất động (thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp là tam nghiệp, thân khẩu ý sẽ không bị mê hoặc, dao động bởi tất cả, nên gọi là tam nghiệp bất động), nhất tâm tu thành Phật, thỉnh xin thượng sư, các chư thần hộ Pháp trong vũ trụ gia trì thành tựu cho nguyện này của con. Nếu vi phạm lời thề này, lưu lại thân người không tu chính Pháp, thì chẳng bằng như đã chết. Vậy nên hễ con vi phạm lời thề, thỉnh các vị chư thần hộ Pháp nhiều như biển cả lập tức đoạn tuyệt sinh mệnh của con. Sau khi con chết đi, cầu xin sư tôn gia trì ta được đầu thai làm thân người có thể tu chính Pháp.’

Từ lúc lập lời thề, hàng ngày ta chỉ ăn một chút, ngày qua ngày vẫn tiếp tục khổ tu.

Dẫu rằng tâm ta nắm giữ đại thủ ấn, nhưng vì đồ ăn quá ít, thể lực không đủ, hơi thở chẳng điều hoà, nên không thể sinh noãn lạc (“tướng ấm áp” và “tướng lạc quan” là tướng cộng hưởng của mọi thiền định, “ngốc hoả định” lại càng hiển lộ), ta thấy trong người vô cùng lạnh lẽo. Ta chỉ nhất tâm cầu xin thượng sư. Một đêm, trong cảm giác mơ hồ về ánh sáng, dường như ta nhìn thấy thượng sư Mã Nhĩ Ba, có rất nhiều cô gái vây quanh cúng dường ngài. Trong đó có một người nói: ‘Vị Milarepa đó nếu chẳng thể sinh noãn lạc thì làm thế nào?’ Thượng sư Mã Nhĩ Ba nói: ‘Cậu ấy nên tu hành như thế này, thế này.’ Nói rồi bèn làm tư thế tu cho ta xem. Sau khi tỉnh dậy, ta bèn làm theo phương pháp kết ấn Lục Táo (Một thế ngồi đặc thù). Để cầu sinh thân lạc, điều hoà hơi thở, dĩ mệnh căn phong (tức là sinh khí, nơi trông chờ của bát thức mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, căn ý, Như Lai tạng) mà bó khẩu nghiệp, dùng tượng Phật Pháp Nhĩ tiện cho việc hàng phục những vọng tưởng, tâm vô cùng thản đãng tự tại. Sau khi tu luyện như vậy, quả nhiên ta đã sinh được noãn lạc.

Mới một năm qua đi, mà trong tâm ta đã nghĩ tới việc muốn ra ngoài đi dạo, tới điền trang một chút. Khi chuẩn bị muốn đi, đột nhiên ta nghĩ tới lời thề của mình trước kia.

Bản thân ta lại càng thêm khích lệ mình phải ngày đêm tinh tấn không ngừng, đạo hạnh ngày một tăng lên. Cứ như vậy ba năm lại trôi đi.

Mặc dù cả năm ta chỉ ăn một chút bột mì, nhưng vài năm sau thì lương thực cũng hết, cuối cùng chẳng còn chút gì mà ăn. Ta thấy nếu cứ tiếp tục như vậy thì chỉ còn đường chết đói. Ta nghĩ tới thế nhân dùng thân người trân quý mà theo đuổi tiền tài không mệt mỏi, đắc được một chút thì vui thích, mất đi một chút thì khổ não, quả thực đáng thương. Làm giàu có cho vàng bạc trong Tam thiên đại thiên thế giới, so với sự nghiệp thành Phật, quả thực chẳng đáng kể gì. Nếu không thể thành Phật mà xả bỏ thân thể này một cách vô ích, thì quả là quá đáng tiếc thay. Thế nên phải chăng ta cần đi tìm một chút đồ ăn để duy trì sinh mệnh này? Đồng thời ta lại nhớ tới lời thề trước kia, rốt cuộc có nên xuống núi không? Suy đi tính lại, ta cảm thấy lúc này cần phải rời đi, không phải vì ham chơi, mà là vì cần nguồn lương thực thiết yếu để tu Pháp. Cho nên làm vậy không những không được tính là đã vi phạm lời thề, mà còn là việc nên làm. Vì để cầu một chút lương thực cho khổ hạnh, ta đã đi tới trước động đá Hộ Mã Bạch.

Nơi ấy ngước mắt nhìn thấy rộng rãi, ánh mặt trời ấm áp, nước suối trong veo, khắp mặt đất cỏ xanh tốt và cây tầm gai dại xanh mướt. Ta vừa nhìn thì trong lòng vô cùng vui thích, thầm nghĩ: ‘Thế này thì chẳng cần xuống núi nữa, có thể ăn cây tầm gai ở đây rồi.’ Từ đó về sau ta ăn cây tầm gai để sống qua ngày và tiếp tục tu hành.

Sau đó rất lâu, quần áo bên ngoài cũng rách nát không còn một mảnh vải. Bởi vì chỉ ăn mỗi cây tầm gai mà không có bất kỳ đồ ăn nào khác, nên người ta chỉ còn sót lại da bọc lấy xương, tóc và lỗ chân lông vì chỉ ăn cây tầm gai mà đều đổi thành màu xanh.

Ta bỗng nhớ tới bức thư trong chiếc túi gấm mà thượng sư cho ta, ta nâng bức thư lên đỉnh đầu, niềm vui không tả xiết. Mặc dù không có một chút đồ ăn, nhưng cứ như ta đã được ăn một món rất ngon vậy. Ta cảm thấy vô cùng dễ chịu và mãn nguyện. Ta muốn mở bức thư ra xem, nhưng có một điềm báo nói rằng thời khắc mở bức thư chưa đến nên ta không mở ra. Cứ như vậy lại một năm qua đi.

Một hôm, một nhóm người đi săn dắt theo chó đang săn mồi thì chẳng săn được thứ gì, vô tình đi tới trước động của ta, vừa nhìn thấy ta thì vô cùng sợ hãi hét lớn: ‘Ông là người hay là ma?’

Ta nói: ‘Ta là người, là một người tu hành!’

Họ nói: ‘Sao ông lại thành ra bộ dạng này? Sao cả người lại xanh lét như vậy?’

‘Vì ta ăn tầm gai quá lâu rồi nên mới thành ra như vậy.’

‘Lương thực ông tu hành ở đâu? Cho chúng tôi ăn lương thực của ông với, sau này chúng tôi sẽ trả ông tiền. Nếu ông không lấy được đồ ăn ra chúng tôi sẽ bắn chết ông.’ Họ bèn nhìn một lượt khắp động, uy hiếp ta rất ghê gớm.

‘Ngoài tầm gai ra, ta chẳng có gì khác. Nếu có thì cũng chẳng phải giấu. Vì ta tin rằng với người tu hành, chỉ có người cúng dường đồ ăn, chứ quyết không ai đi cướp đồ ăn của người tu hành.’

Một người thợ săn trong số họ nói: ‘Cúng dường cho người tu hành thì có ích gì?’

Ta nói: ‘Cúng dường cho người tu hành thì có phúc khí.’

Ông ta cười nói rằng: ‘Được rồi! Được rồi! Tôi sẽ cúng dường ông một lần!’ Nói xong, ông ta bèn ôm ta từ chỗ ngồi ném xuống đất, rồi lại nhấc ta quăng lên, ném xuống rồi lại quăng lên. Quăng quật như vậy khiến thân thể yếu ớt của ta tự nhiên không thể chịu nổi, đau khổ muôn phần. Mặc dù họ làm nhục ta như vậy, nhưng trong tâm ta vẫn sinh tâm từ bi với họ, vô cùng thương xót họ, nước mắt cứ tự nhiên rơi xuống.

Một người thợ săn khác không hành hạ ta mà ngồi một bên bèn nói: ‘Này, các người không được làm như thế. Ông ấy quả thực là một hành giả tu khổ hạnh đấy! Dẫu ông ấy không phải là một người tu hành, mà sỉ nhục một người gầy như que củi thế này cũng không được coi là anh hùng, hảo hán! Huống hồ bụng chúng ta cũng sẽ bị đói vì ông ấy. Những chuyện không hợp đạo lý thế này tốt nhất là đừng có làm!’ Rồi ông ta quay sang nói với ta: ‘Hành giả Yoga! Ta thực sự bái phục ông. Ta không làm phiền ông, xin ông hồi hướng bảo hộ ta.’ Người thợ săn làm nhục ta lại nói: ‘Ta đã cúng dường ông lên xuống rồi đó. Ông cũng nên hồi hướng bảo vệ ta.’ Nói rồi cười ha hả bước đi.

Ta vẫn không niệm chú, có thể Tam Bảo sẽ trừng phạt họ, có thể đó là báo ứng cho ác nghiệp của bản thân ta. Nghe nói không lâu sau đó xảy ra chuyện, pháp quan đã xử tử hình người thợ săn đó. Ngoài người thợ săn nói là đừng bắt nạt ta ra thì những người còn lại đều chịu án rất nặng.

Xem tiếp Phần 9


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2000/12/28/5842.html

Đăng ngày 13-09-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

 

Share