Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 11-8-2018] Ông Lưu Phúc Bân, một người dân ở Khu tự trị Mông Cổ Đỗ Nhĩ Bá Đặc, tỉnh Hắc Long Giang, đã liên tục bị từ chối cho tại ngoại để chữa trị bất chấp tình trạng nguy hiểm của ông. Ông Lưu đã bị bắt giữ vào năm 2009 bởi đức tin của mình vào Pháp Luân Công và bị kết án tù 10 năm vào tháng 5 năm 2010.
Pháp Luân Đại Pháp, còn gọi là Pháp Luân Công, là một môn tu luyện cả tâm lẫn thân hiện vẫn đang bị Đảng Cộng sản Trung Quốc(ĐCSTQ) bức hại .
Kể từ tháng 6 năm 2017, ông Lưu đã nôn tất cả mọi thứ ăn vào. Tất cả triệu chứng đó cho thấy nội tạng của ông đã bị hỏng và ông không thể tự chăm sóc được bản thân. Gia đình ông đã liên tục cố gắng đàm phán với quản lý nhà tù để bảo lãnh ông tại ngoại chữa trị y tế nhưng đều bị từ chối. Ông Lưu hiện đang trên bờ vực cái chết.
Sau đây là một bức thư thỉnh cầu do vợ của ông Lưu, bà Lý Thục Xuân, viết gửi cho các công tố viên của Huyện tự trị Mông Cổ Đỗ Nhĩ Bá Đặc:
Kính gửi Các Văn phòng Luật Công an và Công tố viên huyện Đỗ Nhĩ Bá Đặc,
Tôi là Lý Thục Bân, và chồng tôi là Lưu Phúc Bân. Tôi viết thư này để cho các ông biết về sự phá hoại mà cuộc đàn áp đem đến cho chồng và gia đình tôi. Chúng tôi đã bị bức hại phi pháp bởi đức tin vào Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu luyện đã mang lại rất nhiều lợi ích cho chúng tôi.
Sức khoẻ và hạnh phúc
Trước khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi bị bệnh tim, cường giáp và viêm phế quản ở tuổi 25. Khi đó, con gái bốn tuổi của tôi là Lưu Thuỵ cũng có sức khoẻ kém. Thu nhập hàng tháng của chồng tôi là 780 nhân dân tệ, chỉ vừa đủ trả chi phí thuốc men cho tôi và con gái. Chúng tôi phải thường xuyên vay tiền từ gia đình và bạn bè để sống.
Mẹ tôi đã giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp cho chúng tôi và nói rằng Pháp Luân Đại Pháp có thể chữa lành bệnh tật và mang đến sức khoẻ tốt cho chúng tôi. Thời điểm đó, con gái tôi bị ho khan mãn tính bị đề kháng với mọi loại thuốc mà bác sỹ kê. Tôi đã quyết định đọc cho con gái nghe cuốn Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Đại Pháp, và ba ngày sau, cháu bé đã ngừng ho.
Từ đó trở đi, vợ chồng tôi đều duy trì đọc Chuyển Pháp Luân và luyện năm bài công pháp mỗi ngày. Chúng tôi cũng tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp để trở thành người tốt. Dần dần, mọi bệnh tật của tôi đều được chữa lành, và con gái tôi cũng lớn lên khoẻ mạnh.
Chúng tôi đã bắt đầu một công việc kinh doanh nhỏ, công việc kinh doanh này không những đã giúp chúng tôi trả hết nợ mà còn có được một khoản tiền tiết kiệm. Pháp Luân Đại Pháp đã mang đến cho gia đình chúng tôi sự may mắn và một cuộc sống hài hoà và hạnh phúc.
Sự tàn phá của cuộc đàn áp
Từ khi cuộc đàn áp bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, cuộc sống gia đình hạnh phúc của chúng tôi đã bị đảo lộn. Hai ngày sau khi Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo ĐCSTQ chính thức phát động cuộc đàn áp, chúng tôi đi đến công viên lúc 5 giờ sáng như thường lệ để luyện công và đã bị bắt giữ.
Chúng tôi bị giam trong sân của Cục Công an. Nhiều học viên Pháp Luân Đại Pháp đã bị đưa đến đó. Công an buộc chúng tôi đứng dưới nắng nóng cả ngày. Tối hôm đó chúng tôi được thả ra và được bảo không được tập Pháp Luân Đại Pháp nữa.
Họ không thể đưa ra được những lý do hợp lý cho việc cấm chúng tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, vốn đã mang lại cho chúng tôi rất nhiều lợi ích. Từ hôm đó, công an thường xuyên đến khu vực của chúng tôi để kiểm tra. Thỉnh thoảng họ gõ cửa nhà chúng tôi vào giữa đêm. Thậm chí hàng xóm của chúng tôi cũng bị làm phiền. Họ yêu cầu chúng tôi phải báo cáo lên đồn công an nếu có việc đi phải ra ngoài thị trấn.
Chồng tôi lại bị bắt giữ vào ngày 28 tháng 10 năm 1999 khi ông đến thăm những người bạn đã từng tu luyện Pháp Luân Công từ trước khi cuộc đàn áp bắt đầu. Ông bị ép phải viết các tuyên bố từ bỏ tu luyện và mãi đến 28 ngày sau mới được thả về nhà.
Ngày 22 tháng 1 năm 2001, một ngày trước Tết Cổ truyền Trung Quốc, chính quyền huyện Đỗ Nhĩ Bá Đặc đã tổ chức một “lớp tẩy não”. Chồng tôi đã bị nhốt trong Trại tạm giam Thạch Nhân Câu trong 15 ngày để tẩy não. Khi ấy tôi đang mang thai con trai được sáu tháng.
Tôi đã đi nói lý với họ, nhưng thay vì thả chồng tôi ra, họ lại chuyển chồng tôi đến trại tạm giam huyện Đỗ Nhĩ Bá Đặc và bị giam ở đó trong 58 ngày. Chồng tôi chỉ được thả sau khi chúng tôi trả 2000 nhân dân tệ như là tiền bảo đảm ông sẽ ngừng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.
Vào ngày 14 tháng 4 năm 2002, một nhóm công an lại đột nhập vào nhà tôi. Sau khi lục soát, họ đã lấy đi các tài sản cá nhân của chúng tôi và bắt vợ chồng tôi. Để ép tôi phải nói ra ai đã đưa cho tôi tài liệu Pháp Luân Đại Pháp, họ còng tay tôi chặt đến nỗi chiếc còng cắt vào cổ tay tôi. Những ngón tay của tôi trở nên nhợt nhạt vì thiếu máu.
Ôn Trung Cách, trưởng Đội An ninh Nội địa, đã dùng báo cuộn tròn đánh vào mặt tôi. Đêm đó tôi được thả, nhưng họ đã tra tấn tàn bạo chồng tôi. Lính canh Vương Trung Cách đã xúi giục các tù nhân hình sự trong trại tạm giam đánh đập ông ấy.
Họ mắc một ống sắt vào bộ phận sinh dục của ông. Một tù nhân nói: “Nếu không thú tội, ông sẽ không thể có con nữa khi chúng tôi xử lý ông xong.” Ba tháng sau ông ấy bị kết án ba năm lao động cưỡng bức vì tội “phá hoại trật tự xã hội” và bị chuyển đến Trại lao động Đại Khánh.
Vào một tối tháng 9 năm 2002, hai công an là Lưu Phương Vũ và Kiếm Long Sấm đã xông vào nhà chúng tôi. Họ giật con trai 16 tháng tuổi ra khỏi tay tôi và ném nó xuống đất. Sau đó họ bắt giữ tôi.
Cha chồng tôi đã đến thăm tôi ở trại tạm giam cùng với con trai và con gái của tôi, khi đó đã tám tuổi. Các lính canh đã đe dọa bố tôi: “Nếu ông không hợp tác, chúng tôi sẽ bắt cả ông.”
Tôi đã bị kết án một năm vì tội “phá hoại trật tự xã hội” và bị giam tại Trung tâm Cai nghiện thành phố Cáp Nhĩ Tân, nơi tôi bị tra tấn đến gần chết.
Lẽ ra tôi được thả vào tháng 9 năm 2003, nhưng án giam của tôi bị kéo dài thêm ba tháng. Khi tôi được thả, con trai tôi khi đó đã 2,5 tuổi đã hoàn toàn không còn nhớ gì về tôi. Nó trông hoảng sợ khi nhìn tôi và cố trốn sau lưng bà ngoại.
Cha mẹ chồng tôi trông kiệt sức vì chăm sóc cho hai cháu nhỏ và luôn lo lắng cho sự an toàn của chúng tôi. Tôi đau khổ khi nhìn thấy những gì mà họ đã phải chịu đựng. Sau khi được thả, công an liên tục sách nhiễu nhà tôi.
Trại lao động cưỡng bức Đại Khánh đã dùng mọi cách để tra tấn các học viên Đại Pháp: “treo lên bằng dây thừng,” “ghế cọp,” và “đổ nước lạnh hay nước nóng.” Họ dùng tù nhân và tội phạm để tra tấn chồng tôi và các học viên Pháp Luân Công khác.
‘Treo lên bằng dây thừng’
Chồng tôi bị biệt giam ngay khi bị đưa đến trại lao động cưỡng bức vào tháng 5 năm 2002. Các lính canh lột sạch quần áo của chồng tôi và bắt đầu tra tấn bằng cách treo chồng tôi lên. Hai tay chồng tôi bị trói chặt ra sau lưng bằng dây nylon mỏng và nó đã xiết chặt đến nỗi tay chồng tôi bị chảy máu. Chồng tôi bị ép ngồi xổm với hai cẳng chân dựng đứng và một cây gậy gỗ chèn bên dưới bắp tay khiến cho chồng tôi đau đớn cực độ. Chồng tôi cũng bị cấm ngủ trong nhiều ngày.
Sau đó, các lính canh ra lệnh cho những tù nhân hình sự giám sát chồng tôi 24 giờ mỗi ngày và cấm ông ấy ngủ trong nhiều ngày liền. Các tù nhân hình sự và phạm nhân đã đá và đánh ông ấy khi ông nhắm mắt lại dù chỉ trong một giây.
‘Ghế cọp’
Vương Trung, đội trưởng Đội 2 đã ra lệnh cho các lính canh trói chồng tôi lên “ghế cọp.” Họ đánh mạnh vào mặt và tai ông đến nỗi xương trong tai bị gãy và hai tai bị sưng phồng.
Chà mạnh vào mặt
Các lính canh xúi giục những tù nhân hình sự dùng tay của họ chà vào mặt chồng tôi mạnh đến nỗi thịt trên mặt ông ấy bị rách.
Biệt giam
Ngày 16 tháng 10 năm 2003, Trại lao động cưỡng bức thành phố Đại Khánh đã bắt đầu một phiên tra tấn tàn bạo lên các học viên Pháp Luân Đại Pháp. Các lính canh đã trói chồng tôi, và những học viên Lô Bính Sâm, Hỗ Hồng Ký và Quách Pháp Đông vào “ghế cọp” và đánh đập họ tàn bạo. Sau đó, các học viên bị biệt giam. Chồng tôi bị thương nặng.
Bị xịt nước lạnh áp lực mạnh
Vào mùa đông, các học viên bị lột hết quần áo và bị nhốt vào một căn phòng có các cửa sổ đều mở. Sau đó họ bị buộc phải nhìn lên và các lính canh dùng các vòi xịt áp lực cao để xịt nước lạnh vào mũi họ khiến họ bị ngạt không thở nổi. Học viên Lô bị ngạt thở và chết tại chỗ, nhưng trại lao động nói dối gia đình ông rằng ông chết do bị đột quỵ.
Bị tước đoạt tự do cá nhân
Hai năm sau chồng tôi bị chuyển đến Trại lao động cưỡng bức thành phố Tuy Hoá và được thả ra vào ngày 28 tháng 1 năm 2005. Sau khi chồng tôi về nhà, công an Lưu Phương Vũ và Hỗ Kiếm Long thường đến nhà chúng tôi để sách nhiễu. Họ thường gọi điện thoại đến nhà chúng tôi nếu họ không đên được. Trong suốt thời gian diễn ra Thế Vận Hội 2008, họ giám sát bên ngoài nhà chúng tôi cả ngày. Chúng tôi bị giám sát suốt ngày và hoàn toàn mất đi tự do cá nhân.
Con gái bị xịt nước tiêu, bị bắt giữ và quấy rối tình dục
Ngày 13 tháng 7 năm 2009, Vu Tú Lệ, trưởng uỷ ban khu phố, đã đến nhà chúng tôi ngay khi vợ chồng tôi vừa đi làm về. Bà ta nói rằng chỉ muốn xem một chút và sau đó rời đi.
Ngay khi con gái chúng tôi về nhà ăn trưa, các công an Lâm Gia Uy, Hỗ Kiếm Long, Lưu Phương Vũ và hơn 30 người thuộc Đội An ninh Nội địa huyện Đỗ Nhĩ Bá Đặc đã xông vào nhà chúng tôi. Lâm còng tay chồng tôi ra sau lưng và móc vào khung cửa sổ.
Khi tôi phản kháng, hai người trong số họ đã kéo tay tôi. Khi con gái 16 tuổi của tôi muốn ngăn họ bắt giữ chúng tôi, công an đã xịt nước tiêu vào mặt cháu và đẩy cháu ngã xuống nền đất. Người cha già của tôi run lên vì sợ hãi, và con trai 8 tuổi của tôi chạy đi trốn.
Em trai chồng tôi là Lưu Phúc Trạch và vợ là Triệu Minh Tĩnh cũng bị bắt giữ vào lúc đó.
Con gái tôi bị đưa đi mà không cho mang giày. Tài sản của chúng tôi, bao gồm một máy tính, máy in, một đầu ghi CD, hơn 10.000 nhân dân tệ tiền mặt và xe của em rể tôi đã bị tịch thu.
Khi con gái tôi bị thẩm vấn tại đồn công an, một công an đã có những hành động khiếm nhã với cháu. Con tôi nghiêm khắc nói: “Nếu ông chạm vào tôi, con gái của ông sẽ bị quả báo, và ông sẽ bị tai nạn xe hơi.” Ngày hôm sau cháu đã được thả về. Một tháng sau, Lưu Phúc Trạch được thả ra sau khi trả 1000 nhân dân tệ.
Bị kết án nặng
Ngày 20 tháng 5 năm 2010, Triệu Minh Tĩnh và tôi bị kết án hai năm lao động cưỡng bức; chồng tôi bị kết án 10 năm tù. Hiện ông ấy đang bị giam tại Nhà tù Thái Lai ở tỉnh Hắc Long Giang. Cha tôi đổ bệnh do căng thẳng và cuối cùng đã qua đời khi tôi đang bị giam.
Con gái tôi đã dẫn em trai 8 tuổi đến hai nơi khác nhau thể thăm tôi và chồng tôi.
Chính quyền che dấu tình trạng nguy kịch của chồng tôi
Tháng 6 năm 2017, chồng tôi bị biệt giam vì vi phạm nội quy nhà tù. Không có lỗ thông hơi tại nơi giam giữ, và cái nóng của mùa hè khiến ông ấy không thể ăn bất kỳ thứ gì. Các lính canh đã bức thực ông ấy, nhưng ông ấy nôn ra mọi thứ và bị tiêu chảy ngay sau khi bị bức thực. Trưởng khu Chu Minh Đạt đe doạ họ sẽ nhét một cái ống cho ăn bằng mũi và bức thực ông hàng ngày, nên ông buộc phải ăn. Nhưng ông vẫn bị nôn sạch mọi thứ sau khi ăn uống.
33 ngày trôi qua trước khi chúng tôi nhận thông báo rằng chồng tôi đang trong tình trạng nguy kịch, và chúng tôi lập tức yêu cầu nhà tù cho chồng tôi được tại ngoại để điều trị. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán với quản lý nhà tù không có kết quả. Tình trạng của ông hoàn toàn không cải thiện. Hai tháng sau chúng tôi yêu cầu chuyển ông đến một bệnh viện lớn hơn với cơ sở vật chất tốt hơn. Tuy nhiên, quản lý nhà tù cho biết các bác sỹ trong bệnh viện tại thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ đã chẩn đoán ông bị chứng chán ăn tâm thần nhẹ và nó không nghiêm trọng.
Họ đã nói dối về tình trạng của chồng tôi vì chúng tôi đã thấy chẩn đoán của bác sỹ thông qua cửa sổ của chiếc xe bệnh viện nhà tù. Giấy tờ thông báo rằng chồng tôi bị bệnh nặng và nên được chuyển đi ngay lập tức. Do yêu cầu mạnh mẽ của chúng tôi, cuối cùng chồng tôi đã được chuyển đến Bệnh viện huyện Thái Lai vào ngày 30 tháng 9 năm 2017.
Ngày 18 tháng 10 năm 2017, chồng tôi lại bị chuyển đến Cục Hành chính Bệnh viện thành phố Cáp Nhĩ Tân. Chồng tôi bị chẩn đoán bệnh viêm túi mật, sỏi mật, khí đường ruột, tràn dịch màng ngoài tim, tràn dịch màng phổi, cổ trướng, viêm ở phía bên phải hàm trên, thiếu máu nặng, thấp albumin, chán ăn, thần kinh, mất cân bằng điện giải, cộng với viêm dạ dày cạn và viêm thực quản trào ngược.
Chồng tôi tiếp tục nôn mửa sau khi ăn uống. Bệnh viện yêu cầu chúng tôi ký vào một thông báo chuyển ông đến một bệnh viện có cơ sở tốt hơn. Chúng tôi lại yêu cầu Nhà tù Thái Lai cho phép chuyển ông đi, nhưng quản lý nhà tù chỉ cho phép ông quay trở lại Bệnh viện huyện Thái Lai. Họ nói rằng chúng tôi phải trả 200,000 nhân dân tệ nếu chuyển ông ấy đến một bệnh viện khác.
Yêu cầu tại ngoại chữa trị bị từ chối
Cuối cùng vào ngày 24 tháng 1 năm 2018, chúng tôi cũng được gặp ông ấy tại Cục Hành chính Bệnh viện thành phố Cáp Nhĩ Tân. Chồng tôi nhìn hốc hác và thậm chí gần như nói không nổi. Các bác sỹ đã ngừng mọi liệu pháp chữa trị, kể cả dung dịch dinh dưỡng. Ông ấy sốt cao đến 40 độ sau khi tiêm truyền và nôn sau khi ăn.
Việc này đã diễn ra hơn bảy tháng. Khi chúng tôi hỏi tại sao họ ngừng chữa trị và tại sao chúng tôi không được thông báo về tình trạng này mãi đến tận một tháng sau đó, bệnh viện nói rằng họ đã thông báo cho Nhà tù Thái Lai ngay khi họ ngừng chữa trị, và nhà tù cũng yêu cầu Bệnh viện Thái Lai đưa ông ấy quay trở lại.
Một lần nữa chúng tôi lại yêu cầu cho chồng tôi được tại ngoại chữa trị, nhưng quản lý nhà tù đã từ chối.
Tháng 6 năm 2018, chồng tôi bị chuyển trở lại Nhà tù Thái Lai. Từ tháng 6 năm 2017 đến tháng 8 năm 2018, tình trạng sức khỏe của chồng tôi trở nên xấu đi. Tất cả nội tạng đều bị hỏng. Mặc dù chúng tôi liên tục đàm phán với quản lý nhà tù để chồng tôi được tại ngoại điều trị, nhưng họ đều từ chối. Chúng tôi không biết tình trạng hiện giờ của ông ấy ra sao.
Cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Đại Pháp là không có cơ sở pháp lý
Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân có quyền tự do tín ngưỡng và quyền này được Hiến pháp Trung Quốc bảo vệ.
Cục trưởng Tổng Cục Báo chí và Xuất bản – Liễu Bân Kiệt, đã phát hành Thông cáo số 50 vào ngày 1 tháng 3 năm 2011, tuyên bố bãi bỏ hai thông tri 99 và 100 được ban hành vào năm 1999:
“Số 99: Thông tri về tái khẳng định quan điểm đối với việc xuất bản các ấn phẩm về Pháp Luân Công. Số: [1999]933. Ban hành ngày 22 tháng 7 năm 1999.”
“Số 100: Thông tri về lệnh cấm xuất bản các sách Pháp Luân Công và tăng cường quản lý các xuất bản phẩm. Số: [1999]989. Ban hành ngày 5 tháng 8 năm 1999.”
Tài liệu này hiện có trên website chính phủ thuộc cấp chính quyền cao nhất ở Trung Quốc.
Trong tài liệu “Quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhân dân về cấm các tổ chức tà giáo, ngăn chặn và trừng phạt các hoạt động tà giáo,” và Pháp Luân Đại Pháp không được đề cập đến trong tài liệu này. Sự thật là, không có luật nào ở Trung Quốc tuyên bố Pháp Luân Đại Pháp là tà giáo cả.
Lời của tôi
Cuộc đàn áp đã kéo dài 19 năm. Vô số học viên Pháp Luân Đại Pháp đã bị bức hại, và hàng ngàn người bị tra tấn đến chết. Không có chính phủ nào trên thế giới lại bẻ cong luật pháp như chính quyền ĐCSTQ. Những sai lầm là rõ ràng và nghiêm trọng, phạm vi thì rộng và thời gian thì dài.
Cuộc đàn áp 19 năm này đã gây ra khổ nạn thảm khốc cho gia đình tôi. Vợ chồng tôi bị bỏ tù vô số lần. Chúng tôi là những công dân tuân thủ pháp luật chỉ muốn thực hành theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn để làm người tốt. Chúng tôi đã vi phạm điều luật nào?
ĐCSTQ bức hại các học viên Pháp Luân Đại Pháp, và bất kỳ ai có lương tâm đều có thể thấy rõ rằng ĐCSTQ đang chống lại nhân loại.
Hỡi công an và các quan chức thực thi pháp luật: Các vị là những người hiểu rõ luật. Người Trung Quốc bình thường mong các vị đưa ra quyết định hợp lý và có lương tâm nhất. Các vị không nên phạm tội trái với lương tâm. Trong phạm vi chức trách và quyền hạn của mình, xin hãy tử tế và nhân đạo hơn. Nếu mọi người có thể mở rộng tâm mình và đối xử với người khác bằng từ bi, tất cả chúng ta có thể sống trong hài hoà hạnh phúc.
Thiện ác hữu báo, đó là Thiên lý. Các vị có thể giúp ngăn chặn cuộc bức hại này! Tôi thành tâm mong rằng các vị sẽ duy trì công lý và chọn một tương lai tốt đẹp hơn cho chính mình và gia đình.
Hỡi các công tố viên: Hãy lắng nghe lời tôi và đồng ý cho chồng tôi được tại ngoại để chữa trị. Sự giúp đỡ của các vị sẽ được đánh giá cao!
Các bài liên quan:
Gia đình đòi thả tự do cho học viên bị giam giữ
Một cư dân Đại Khánh suy sụp thể chất trong tù vẫn đang đợi được thả để điều trị y tế
Một người đàn ông đang tuyệt thực không được điều trị y tế
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/8/11/372308.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/9/1/171729.html
Đăng ngày 14-09-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.