Bài viết của Phương Liên, một học viên tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc

[MINH HUỆ 15-8-2018] Tôi phụ trách công tác ngân quỹ, kế toán và mua hàng tại một trường mẫu giáo đã được ba năm. Tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp hơn hai mươi năm. Sư phụ đã dạy chúng ta làm người tốt ở bất kỳ nơi nào: ở trong nhà, ngoài xã hội hoặc tại nơi làm việc.

Tôi đã và đang nỗ lực tuân theo nguyên lý cơ bản Chân – Thiện – Nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp tại cơ quan làm việc.

Giữ vững đạo đức nghề nghiệp

Khi mới vào làm việc ở trường mẫu giáo, tôi không phụ trách về tài chính. Lúc đó, tôi đi cùng với người kế toán cũ để mua thực phẩm, nhu yếu phẩm hàng ngày và văn phòng phẩm cho nhà trẻ. Đôi lúc chúng tôi quên vài món đồ khi phải mua nhiều thứ. Mặc dù người kế toán chịu trách nhiệm về việc mua hàng, nhưng cô ấy luôn đổ lỗi cho tôi đã không hỗ trợ đầy đủ cho cô ấy. Trong những tình huống như thế, tôi chỉ tự nhắc nhở bản thân mình phải mua cho đủ mọi thứ vào lần sau và không cảm thấy mình bị đối xử bất công.

Có lần khi chúng tôi quên mua một món đồ nhưng cô ấy không muốn lái xe quay lại cửa hàng mà chúng tôi vừa mua. Tôi đề xuất một cửa hàng khác gần hơn, nhưng khi đến nơi, chúng tôi phát hiện rằng ở đó không có món hàng mà chúng tôi cần. Người kế toán phàn nàn rằng chúng tôi sắp trễ giờ ăn trưa. Vì vậy tôi đã bảo cô ấy quay lại trường học để ăn trưa, còn tôi sẽ đi lấy xe đạp điện và quay lại cửa hàng đầu tiên để mua món đồ ấy. Mặc dù bỏ lỡ bữa ăn trưa nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc.

Tôi ở độ tuổi 50, còn cô ấy khoảng 30 tuổi. Tuy nhiên, cô ấy bị phẫu thuật ở chân, nên tôi luôn để cô ấy ngồi trong ô tô mỗi khi tôi đi vào cửa hàng mua đồ. Là một học viên Pháp Luân Đại Pháp, tôi nên luôn luôn cân nhắc đến người khác trước.

Trong học kỳ hai, cô ấy nói với Hiệu trưởng rằng cô ấy không sẵn lòng đi giao bữa ăn nhẹ cho chi nhánh của trường mẫu giáo vì đoạn đường khá xa và quy định đỗ xe khá rắc rối. Do đó, Hiệu trưởng đã hỏi tôi rằng liệu tôi có thể đảm nhận công việc này không và tôi đã trả lời có. Tôi lái xe đạp điện đi giao bữa ăn nhẹ từ đầu này đến đầu kia của thành phố trong gần sáu tháng, bất kể thời tiết khắc nghiệt, cho tới lúc chi nhánh của trường mẫu giáo này tự nấu được bữa ăn nhẹ.

Một lần nọ, tôi nhận thấy số tiền trên một trong những phiếu biên nhận đã bị thay đổi. Số tiền “360 tệ” trông như là số tiền nguyên gốc “260 tệ”. Tôi nghi ngờ người kế toán vì cô ấy là người duy nhất tiếp cận các giấy biên nhận này. Tôi băn khoăn rằng không biết mình có nên hỏi cô ấy không. Nhưng tôi cũng tự hỏi liệu việc này có tạo nên căng thẳng quá mức không vì chúng tôi phải làm việc cùng nhau mỗi ngày.

Khi tôi hỏi cô ấy rằng cô ấy có thay đổi con số trên biên nhận không, cô ấy đã thừa nhận. Cô ấy nói cô ấy đang gặp một số khó khăn về tài chính và cô ấy đã lấy 100 tệ cho mình. Cô ấy cho biết cô là một người mẹ đơn thân có một con trai học cấp ba. Tôi bảo rằng tôi hiểu việc đó và sau đó nói về nguyên lý “bất thất, bất đắc.” Cô ấy đã đồng ý với tôi. Tôi không bao giờ nói với ai khác về sự việc này.

Một hôm, Hiệu trưởng bất ngờ bổ nhiệm tôi vào vị trí kế toán và phân công cô ấy công việc khác. Thoạt đầu cô ấy rất rất tức giận và nghi ngờ tôi có thể đã báo với Hiệu trưởng về lỗi trên tờ biên nhận ấy. Tôi đã giải thích rằng tôi không báo cáo về sự việc của cô ấy. Sau đó cô ấy đã nhận ra rằng, nếu tôi báo cáo thì cô ấy đã bị thay đổi vị trí công việc từ lâu.

Trong thời gian làm việc với tôi trong ba năm, cô ấy đã thay đổi rất nhiều. Lúc đầu, cô ấy thỉnh thoảng la mắng người khác, phàn nàn và gây gổ với giáo viên, nhưng cuối cùng cô ấy đã không còn như thế nữa.

Có lần cô ấy hỏi tôi: “Có phải là bây giờ cháu lịch sự hơn sau khi học hỏi từ cô không?”

Tôi đáp: “Thực sự là thế, tốt hơn rất nhiều.”

Không tham lam

Sự trung thực của tôi khiến Hiệu trưởng trường học rất tin tưởng vào tôi. Ông ấy đưa cho tôi một chiếc thẻ ngân hàng bởi vì ông ấy biết rằng tôi sẽ mua hàng một cách có cân nhắc. Có lần, một người bán rau quả nói rằng ông ấy sẽ lại quả cho tôi mỗi tháng từ 800- 1000 tệ nếu ông ấy có thể bán được cho trường chúng tôi với giá cao hơn.Tôi nói với ông ấy rằng bởi vì tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và thực hành nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn, nên tôi không thể nhận hối lộ. Tôi sẽ không lấy một xu nào từ ông ấy, nên tôi đề nghị ông ấy để cho tôi giá tốt. Sau đó, tôi nói với ông ấy về cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp và khuyên ông ấy thoái Đảng cộng sản Trung Quốc và các tổ chức liên đới của nó.

Trong xã hội ngày nay, đạo đức trượt dốc quá nhiều. Hễ khi tôi đi mua hàng và đề nghị ghi biên nhận, người ta thường hỏi rằng tôi muốn ghi số tiền là bao nhiêu. Tôi luôn nói với họ hãy ghi số tiền thực.Tôi thường nhân cơ hội này để giảng chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp và nhắn nhủ họ rằng Sư phụ của chúng tôi yêu cầu chúng tôi làm người tốt.

Một trong những đồng nghiệp của tôi thường vắng mặt, đôi khi thời gian kéo dài đến hai tuần hoặc hai mươi ngày. Tôi sẽ làm luôn phần việc của cô ấy, và Hiệu trưởng không bao giờ trả công thêm cho tôi. Tuy nhiên, tôi là một người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, nên tôi làm việc chăm chỉ và không phàn nàn.

Sư phụ giảng,

“cái gì của chư vị thì sẽ không mất, cái gì không của chư vị thì chư vị [dù có] tranh [giành] cũng không được.” (Chuyển Pháp Luân)

Từ đó, tôi đã từ bỏ chấp trước truy cầu lợi ích, thứ mà đã ngăn cản tôi làm tốt công việc của mình. Và như thế, tôi sẽ tiếp tục nghiêm khắc với bản thân và tu luyện tinh tấn.

Xin từ bi chỉ ra nếu những gì tôi viết chưa phù hợp với Đại Pháp.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/8/15/372479.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/8/27/171669.html

Đăng ngày 11-09-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share