Bài viết của Anh Tử, phóng viên báo Minh Huệ tại Ottawa, Canada
[MINH HUỆ 6-9-2018] Bộ phim tài liệu “Thư từ Mã Tam Gia” đã được trình chiếu trong bốn ngày, từ ngày 3–6 tháng 9 tại Rạp Bytowne, Ottawa. Khán giả đã xúc động sâu sắc bởi câu chuyện của nhân vật chính Tôn Nghị, trong khi đối mặt với việc tra tấn, cầm tù và những khổ nạn gia đình, vẫn kiên trì hành xử theo Chân – Thiện – Nhẫn.
Bộ phim tài liệu “Thư từ Mã Tam Gia” được trình chiếu tại Rạp Bytowne ở Ottawa, Canada từ ngày 3-6 tháng 9 năm 2018
Bộ phim mở đầu bằng một bức thư viết tay được tìm thấy trong hộp đồ trang trí Halloween, được cô Julie Keith, một phụ nữ ở tiểu bang Oregon, mua tại một trung tâm thương mại ở Hoa Kỳ. Bức thư là lời kêu gọi giúp đỡ của một tù nhân lương tâm tại Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia, một trại lao động khét tiếng ở tỉnh Thẩm Dương, Trung Quốc. Cô Keith đã đăng bức thư trên phương tiện truyền thông xã hội, câu chuyện nhanh chóng được giới truyền thông trên toàn thế giới đưa tin và tạo nên một phản ứng dây chuyền, dẫn đến việc bãi bỏ hình thức cải tạo thông qua hệ thống lao động cưỡng bức của Trung Quốc, ít nhất là ở cái tên, vào năm 2013.
Tác giả của bức thư, ông Tôn Nghị, đã bị giam giữ tại trại lao động chỉ vì đức tin vào Pháp Luân Công. Mạo hiểm mạng sống của mình, ông đã đưa câu chuyện của mình ra thế giới qua một bức thư bí mật, và gần đây ông một lần nữa mạo hiểm sinh mạng khi làm bộ phim tài liệu này để phơi bày cụ thể hơn về cuộc khủng hoảng nhân quyền ở Trung Quốc.
Dưới sự giám sát của chính quyền Trung Quốc, ông Tôn Nghị đã quay những cảnh về cuộc đời ông ở Trung Quốc, và phỏng vấn các cựu tù nhân khác ở Mã Tam Gia. Cùng với câu chuyện của mình, ông Tôn Nghị đã chia sẻ những bản vẽ của mình về những hình thức ngược đãi mà ông từng phải chịu đựng và chứng kiến tại Trại Lao động Mã Tam Gia.
David Kilgour: Bộ phim này cần được trình chiếu trên khắp thế giới
Ông David Kilgour, cựu Quốc vụ khanh phụ trách Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
Ông David Kilgour, cựu Quốc vụ khanh phụ trách Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, sau khi xem bộ phim đã phát biểu: “Tôn Nghị ắt hẳn là người can đảm nhất trên thế giới v.v.. Tôi vô cùng cảm kích. Tôi hy vọng người Trung Quốc sẽ sao chép bộ phim này (bộ phim bị cấm tại Trung Quốc) và bí mật lan truyền nó khắp cả nước. Tôi hy vọng bộ phim cũng sẽ được trình chiếu trên khắp thế giới.”
Ông Kilgour đã đề nghị các Nghị sỹ của nước mình xem bộ phim này. Ông cũng muốn nhắc nhở công chúng rằng, rất có thể nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc là do những người lao động khổ sai, những người bất đồng chính kiến bị giam giữ bất hợp pháp làm ra.
Khán giả xúc động đến rơi lệ
Hai chị em sinh đôi Judy và Lorrie Heron
“Đây là một bộ phim có sức ảnh hưởng rất lớn. Tôi rất vui khi bộ phim này được sản xuất. Tôi đã xúc động đến rơi lệ”, bà Judy Heron, một trong hai chị em sinh đôi làm việc tại Ngân hàng Hoàng gia Canada chia sẻ.
Còn bà Lorrie Heron làm việc tại Bộ Y tế nói thêm rằng: “Thật vô cùng, vô cùng cảm động, và rất có sức nặng! Tôn Nghị là một người đàn ông mạnh mẽ. Ông ấy đã trải qua đau khổ, vượt qua sinh tử và mạo hiểm cả mạng sống của mình để phơi bày sự thật tại Trung Quốc.“
“Điều khiến tôi quan ngại nhất là, tôi biết ông ấy chỉ là một trong rất nhiều nạn nhân ở Trung Quốc. Còn quá nhiều người tu luyện Pháp Luân Công hiện vẫn đang bị bức hại. Cuộc bức hại này thật phi lý!”
Bà Jean Good, một giáo viên nghỉ hưu, đã nhận xét rằng: “Bộ phim thật tuyệt vời! Được sản xuất chuyên nghiệp và vô cùng xuất sắc. Tôi rất thích bộ phim này.” Bà mong rằng nhiều người hơn nữa có thể xem bộ phim và tìm hiểu về cuộc bức hại ở Trung Quốc.
Ông Mike Trần, một khán giả người Trung Quốc, đã ca ngợi lòng can đảm của ông Tôn Nghị. “Anh ấy đã chịu đựng mọi khổ nạn. Chỉ vì kiên định với đức tin của mình, anh đã phải hy sinh rất nhiều.”
Ông Trần khen ngợi cô Julie Keith đã công bố bức thư này. “Hành động của cô ấy rất sáng suốt. Những người lớn lên ở xã hội phương Tây coi trọng quyền tự do và tín ngưỡng tựa như quyền được hít thở không khí vậy. Vì thế, mặc dù bản thân hoặc gia đình họ không bị bức hại, nhưng họ mong muốn giúp đỡ những nạn nhân của cuộc bức hại ở Trung Quốc.”
Đạo diễn phim: Sự kiên định sẽ mang lại thay đổi
Trong hai ngày đầu tiên, đạo điễn Leon Lee đã gặp gỡ khán giả và trả lời các câu hỏi sau buổi chiếu phim.
Khi trả lời một câu hỏi, ông Leon Lee, từng đạt giải thưởng Peabody, đã đề cập đến ba nguyên nhân tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại bức hại Pháp Luân Công:
ĐCSTQ coi bất cứ tôn giáo nào cũng là mối đe dọa và đã tiến hành bức hại một cách có hệ thống tất cả các tôn giáo tín ngưỡng từ năm 1949, sau khi lên nắm quyền. Sau năm 1980, chỉ có một số tín ngưỡng được phép duy trì nhưng dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ.
Nguyên nhân thứ hai là nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn của Pháp Luân Công là điều mà ĐCSTQ không thể dung nhập, bởi chính quyền này dựa vào tuyên truyền và bạo lực để duy trì quyền lực của mình. Nếu mọi người dân Trung Quốc đều thực sự tin vào nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn, thì họ sẽ nói điều chân thật và hành xử thiện với nhau. Đây không phải là điều mà ĐCSTQ muốn.
Nguyên nhân thứ ba nằm ở sự đố kỵ cá nhân của cựu tổng bí thư Giang Trạch Dân, bởi vì Giang lên nắm quyền sau Vụ thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989. Đặng Tiểu Bình yêu mến Giang bởi vì Giang đã tàn bạo chống lại học sinh sinh viên. Nhưng các quan chức cao cấp khác lại xem thường Giang, bởi họ cảm thấy ông ta đã lợi dụng thời cơ để nâng cao quyền lực. “Vì Giang cảm thấy bị đe dọa rất lớn và ông ta luôn muốn tìm người trung thành với mình. Bởi vậy, Pháp Luân Công đã trở thành một mục tiêu hoàn hảo”, ông Lee cho biết.
Bộ phim sẽ được trình chiếu tại Calgary, Montreal và các thành phố khác ở Canada. Và sau ngày 14 tháng 9 sẽ tiếp tục được chiếu tại Los Angeles và các rạp chiếu phim khác ở Hoa Kỳ.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/9/6/373446.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/9/9/171822.html
Đăng ngày 11-09-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.