Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại Đại lục

[MINH HUỆ 02-4-2018] Một thời gian rất dài tôi học Pháp thường buồn ngủ. Buổi tối hàng ngày khi học được chừng một nửa bài giảng tôi đã mơ màng buồn ngủ, các đồng tu thấy vậy cũng lo lắng, nhắc tôi phải tìm thật kỹ xem bản thân có vấn đề ở đâu và giúp tôi tìm Pháp của Sư phụ về “Thiện giải”, nhắc nhở tôi phải nhằm vào từng chấp trước mà phủ định toàn bộ những cam kết đã ký với cựu thế lực trong lịch sử. Nhưng tình trạng lúc ổn lúc không. Tối qua khi học Bài giảng thứ sáu trong “Chuyển Pháp Luân” thì phần sau đã mơ màng ngái ngủ, tôi vẫn kiên trì học, hy vọng có thể đột phá. Có thể thấy, hiệu quả học Pháp như thế nào.

Khi đọc đến phần “Tâm nhất định phải chính” trong sách “Chuyển Pháp Luân”, cuối cùng Sư phụ giảng: “Chư vị chớ cho rằng những lời tôi vừa giảng là không [nghiêm] trọng; mọi người phải hết sức chú ý, thông thường xuất hiện vấn đề chính ở điểm này, thông thường vấn đề xuất hiện chính ở chỗ này. Tu luyện là cực kỳ gian khổ, là nghiêm túc phi thường; chư vị hơi không chú ý là có thể [bị] rớt xuống ngay, huỷ [hoại] chỉ trong một sớm; do vậy tâm nhất định phải chính.”

Tôi đột nhiên bừng tỉnh. Ồ, Sư phụ đang giảng vấn đề gì vậy? Giở lại trang trước, ồ, Sư phụ giảng rằng tu luyện phải chuyên nhất, “Tu luyện xưa nay đều nói ‘bất nhị pháp môn’, nếu chư vị chân tu một môn, thì chư vị chỉ xem kinh [sách] của môn ấy.” (Chuyển Pháp Luân) Tôi chợt suy nghĩ, lẽ nào tôi có việc liên quan tới bất nhị pháp môn? Đâu có, tôi đâu có học pháp môn nào khác. Tôi bắt đầu suy nghĩ.

1. Mới đắc Pháp, trải qua khảo nghiệm bất nhị pháp môn

Còn nhớ khi mới bước vào tu luyện được nửa tháng, đơn vị tôi tổ chức đi du lịch, chúng tôi tới một đạo quán ở núi Thanh Vân. (Cảm giác là vì những người này không cạo đầu, nhưng bên trong rõ ràng có thờ Phật). Các đồng nghiệp của tôi vừa thắp hương vừa dập đầu, tôi không làm như vậy. Vì trong Pháp Sư phụ cũng giảng rồi, tôi biết bên trên tượng Phật ngày nay đã không còn Pháp thân của các vị giác giả nữa. Nhưng vì thể diện nên tôi song thủ hợp thập trước tượng Phật, trong tâm nghĩ: “Ta chỉ bái lạy Sư phụ Lý Hồng Chí.”

Lúc này một vị đạo sỹ bước tới nói với tôi: “Tôi vẫn luôn quan sát anh, anh không giống với những người khác. Anh lại đây, ta đọc cho anh một đoạn kinh.” Tôi rất cảnh giác, vội nói: “Cảm tạ ngài, tôi có Sư phụ rồi.” Ông ấy lại nói: “Thần của nhà anh theo anh đến à, anh cứ lại đây, ta đọc cho anh một đoạn kinh.” Tôi tiếp tục từ chối, kiên quyết nói với ông ấy: “Xin lỗi, tôi đã có Sư phụ rồi.” Người ấy không hài lòng, sắc mặt hơi khó coi, tôi vẫn kiên quyết nói: “Cảm ơn ông, tôi đã có Sư phụ rồi”. Cứ giằng co như vậy vài lần, thấy tôi kiên quyết không tiếp nhận, ông bèn tặng cho tôi một dây lụa đỏ. Tôi hỏi: “Cái này để làm gì?” Ông ấy nói tôi có thể buộc trên cây cầu nguyện bên ngoài. Tôi nghĩ rằng dẫu sao thì mình cũng không phải mang đi, thì cứ đi buộc thôi, mình cứ từ chối ông ấy hết lần này tới lần khác, thì cũng không nể mặt ông ấy cho lắm. Đúng lúc đó, một đồng nghiệp của tôi cứ nài nỉ xin ông một dải lụa đỏ, nhưng ông ấy không để tâm đến cậu ta. Khi ra khỏi cửa, cậu đồng nghiệp vừa bất bình vừa tức giận: “Không hiểu kiểu người gì, tôi xin thì ông ấy không cho, người ta không lấy thì ông ấy cứ bắt nhận.”

Sau khi về chia sẻ với đồng tu, tôi biết rằng mình đã trải qua khảo nghiệm bất nhị pháp môn, tôi không nhận thứ trong pháp môn đó. Hơn nữa trong lời của ông ấy cũng chứng thực một chuyện là Sư phụ quả thực đang ở bên cạnh tôi. Vậy nên tôi vẫn luôn cảm thấy bản thân mình không có vấn đề bất nhị pháp môn.

2. Thứ gọi là “năm tuổi”

Vào khoảng Tết năm ngoái, con gái tôi (chưa tu luyện Đại Pháp) liên tiếp mua về cho tôi đồ lót giữ nhiệt, quần lót, tất màu đỏ chót, dây chuyền màu chu sa, còn nhắc tôi: “Mẹ à, năm sau là năm tuổi của mẹ, mẹ phải mặc toàn màu đỏ từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, khăn lụa màu đỏ mẹ có không? Giày đỏ nữa?” Tôi tiếp nhận sự chu đáo và hiếu thuận của con gái và “mỉm cười chấp nhận” mọi thứ như một lẽ tự nhiên.

Một lần khác khi tôi nhắc đến chuyện này với đồng tu, đồng tu bèn nói: “Đã tu luyện rồi, còn thay đổi năm tuổi như người thường nữa sao?” Tôi không cho rằng câu này là đúng, nói: “Năm tuổi mặc màu đỏ xưa nay đều như vậy”, “Sao lại phải mặc màu đỏ?” “Năm tuổi không thuận lợi, nên phải mặc màu đỏ.” “Mặc màu đỏ không phải là để tránh tà hay sao? Đây không phải thứ của Đạo gia hay sao?” “Ồ, đúng là có ý nghĩa này? Tôi vẫn cứ nghĩ là năm tuổi mặc màu đỏ là một phong tục truyền thống, mà không nghĩ được sâu sa như vậy.” Đồng tu nói: “Chị thử đào sâu thêm một chút xem, chị còn chấp trước gì vào năm tuổi không?” Tôi bắt đầu nghĩ và thấy rằng mình có.

Tôi đã từng trải qua một việc khiến tôi coi trọng “năm tuổi” theo bản năng và bám rễ thâm căn cố đế. Vào năm tuổi lần trước vì tôi không tin thứ tà này, nên trong nhà toàn mua màu đỏ, tôi lại toàn mua màu xanh lá cây, kết quả là năm tuổi ấy rất không tốt. Mấy năm trước là năm tuổi của chồng tôi, một đốt ngón tay vô tình bị máy chém đứt, sau này ông ấy lại bị xuất huyết não đột ngột. Những điều này đã để lại dấu ấn sâu sắc cho tôi, nên trong tiềm ý thức của tôi, năm tuổi thì phải tuân theo tập tục mà tổ tiên truyền lại, là mặc màu đỏ. Đồng tu nói vậy, tôi mới biết, hoá ra thuyết trừ tà của tiểu đạo trong Đạo gia đã trộn lẫn với tập tục và văn hoá truyền thống. Tôi nghĩ tôi đã là người luyện công thì không thể làm vậy, nên đã thay hết ra, nhưng tôi cũng chỉ phát chính niệm qua loa vài lần mà không coi trọng tới việc này nữa.

Mỗi cái tết tôi đều mua cho mình thêm một chiếc áo lông vũ. Khi sắp đến năm mới, tôi nghĩ: “Áo lông vũ trong nhà màu gì cũng đều có rồi, năm nay mua màu gì nhỉ? Ừ, năm tuổi thì mua màu đỏ vậy”. Khi thực sự mua áo tôi vẫn còn đôi chút do dự, tôi là người tu luyện, năm tuổi còn cần mặc màu đỏ nữa không? Thay đổi quan niệm, trong Pháp giảng rằng Tế Công hoà thượng chỉ vì nhét cho no bụng mà nhặt được thứ gì liền ăn thứ nấy. Hoà thượng giới huân, mà ông vẫn ăn thịt đấy thôi. Chỉ cần buông cái tâm này xuống, thì mặc màu đỏ có hề gì? Thế là tôi mua chiếc áo lông vũ về nhà. Ngày tết con gái nói: “Vừa thấy mẹ trang điểm là biết ngay năm nay là năm tuổi của mẹ.” Kỳ thực con gái tôi không biết rằng tôi không hề đeo sợi dây chuyền màu đỏ chu sa mà cháu mua cho tôi. Trên cổ tôi đeo một chiếc bùa hộ thân chân tướng, tôi để chiếc dây chuyền ở nhà mẹ. Theo cảm nhận của bản thân, tôi vẫn đặt Đại Pháp vẫn ở vị trí quan trọng.

Ngày mồng năm tôi giúp đồng tu đổ mực màu cho máy in, hai chúng tôi đều không hiểu, đồng tu vừa thao tác sai thì mực bắn hết ra ngoài, trên mặt đất, trên tường, còn có cả bộ quần áo màu đỏ tươi của tôi. Lúc đó trong đầu tôi đột nhiên nảy ra một ý nghĩ: Chẳng có chuyện gì ngẫu nhiên cả, điều này chẳng phải đang nói với mình rằng không nên mặc màu đỏ hay sao? Tôi cũng không nghĩ gì thêm, sau khi về tới nhà tôi vội vàng cởi áo ra mang đi giặt. Kết quả là giặt thành một thứ màu loang lổ, thân trước vẫn đầy những vết mực lớn nhỏ, tôi cũng chẳng hứng thú, bèn nghĩ, cũng tuyệt đấy chứ, những vết mực này trông rất tự nhiên, mặc cũng chẳng hề gì.

3. Xem ngày kết hôn cho con gái

Cha mẹ bạn trai của con gái tôi cứ muốn gặp tôi nói chuyện, tháng Giêng tôi và con gái sẽ ra ngoại thành gặp mặt nhà trai. Trước khi đi vài ngày, con gái phát hiện ra tôi không đeo sợi dây chuyền màu chu sa mà cháu mua cho tôi, cháu không phản đối tôi tu luyện, nên cũng không nói gì. Lần này tới nhà bạn trai, con gái dặn dò tôi: “Mẹ ơi, mẹ đừng khuyên tam thoái cho cha anh ấy, bác ấy chắc chắn không chấp nhận đâu.” Tôi nghĩ nếu đã vậy thì tôi cứ chuẩn bị thật tốt, để nhà trai chứng kiến sự tu dưỡng của người tu luyện, trải thảm cho việc giảng chân tướng sau này. Con gái bảo tôi đổi sợi dây chuyền màu đỏ chu sa, tôi nghĩ là cũng không thể phụ tấm lòng hiếu thảo của con gái, nhưng bùa hộ mệnh tôi cũng phải đeo, tôi cần phải luôn khắc ghi rằng mình là người tu luyện. Vừa hay trên váy có mấy nút dây lưng, tôi bèn treo bùa hộ thân ra ngoài.

Đợi tới khi đi thăm nhà trai trở về, thì chiếc bùa hộ mệnh của tôi biến mất. Các đồng tu nói tôi rằng: “Chị bất kính với Đại Pháp, nên mới đánh mất bùa hộ mệnh.” Tôi cũng biết mình đã sai, nhưng lại không biết vì sao, nên tiếp tục tìm sâu hơn.

Kết quả chuyến thăm thân rất tốt đẹp, ông bà thông ra vô cùng hài lòng với biểu hiện của con gái tôi. Điều này cũng nằm trong dự liệu của tôi. Tố chất của người tu luyện Đại Pháp người thường sao có thể bì được? Vài hôm sau nhà thông gia gọi điện muốn định ngày kết hôn của tụi trẻ. Tôi nói: “Thế bà quyết định đi”.

Chẳng bao lâu, nhà thông gia gọi điện thoại tới nói đã chọn xong ngày, hỏi tôi thế nào? Tôi tính thời gian, đoán rằng nhà họ chắc không đi xem ngày. Trong quan niệm của tôi, những chuyện đại sự như cưới xin, thành hôn, lên kèo đều phải chọn một ngày hoàng đạo may mắn, đều phải tính toán. Tôi xem bói từ nhỏ, trước khi tu luyện tôi đã xem bói vô số lần, dẫu rằng mỗi lần bói đều khác nhau, nhưng vô hình trung tôi vẫn tin, hễ gặp chuyện buồn, chuyện khó thì niệm đầu tiên của tôi là bói một quẻ. Sau khi tu luyện từ trong Pháp tôi biết được rằng: “Là người tu luyện, đường đời từ nay về sau sẽ được cải biến; Pháp thân của tôi sẽ an bài lại cho chư vị.” (Chuyển Pháp Luân). Tôi biết là không được xem bói nữa.

Nhưng con gái tôi là người thường, là một người mẹ, tôi cần giúp con mình tính toán thật kỹ lưỡng. Nhưng người tu luyện không được xem bói, làm thế nào đây? Đột nhiên tôi nghĩ, thử lên mạng tra cứu xem. Cứ thế, tôi lên mạng tìm ngày hoàng đạo và định ngày kết hôn cho con. Bây giờ nghĩ lại, tôi chẳng phải là kiểu người mà Sư phụ giảng hay sao: “Sư phụ không cho mình đến bệnh viện khám, [thì] mình tìm khí công sư để khám” (Chuyển Pháp Luân). Nhưng lúc đó tôi tìm mọi lý do để bao biện cho mình.

Một buổi tối, tôi nằm mơ, trong mơ tôi đi làm ở một cơ quan, nhưng lại toàn đi vào đường cùng ngõ hẻm, có nơi thậm chí còn không có đường phải trèo qua. Tôi nghĩ thể nào cũng có thể tìm được đường lớn, nên cứ tìm mãi tìm mãi. Đến khi trời đã tối, tôi vẫn chưa tìm thấy đường lớn, chẳng còn cách nào khác, tôi đành phải hỏi người khác. Mọi người bảo với tôi rằng: “Thôn chúng tôi không có đường thông với đường lớn, phải tới uỷ ban của thôn đăng ký”. Tôi nghĩ: “Mình đi đăng ký gì nhỉ? Không đi!” Sau này người ấy nói: “Nếu không thì bà thử sang thôn Bắc tìm xem.” Thế là tôi tỉnh giấc, sau khi tỉnh dậy tôi còn nghĩ: Đây chẳng phải là Sư phụ điểm hoá tôi lại đi vào tiểu đạo thế gian hay sao?

4. Trên đường gặp hiểm nguy, đột nhiên tỉnh ngộ

Trên đường đi làm buổi sớm, tôi vẫn còn nghĩ về những chuyện này, nghĩ đi nghĩ lại tôi quả thực có vấn đề về phương diện bất nhị pháp môn, không chỉ là có, mà còn không ít lần phạm phải. Trước khi trở lại con đường tu luyện, một đồng nghiệp là cư sỹ ở cơ quan phát động quyên góp xây chùa, tôi nghĩ đây là việc thiện nên cũng hưởng ứng. Sau này một nhà cung ứng nói rằng sẽ thỉnh về sá lợi của mấy vị tu hành Tây Tạng, tôi hiếu kỳ cũng đi xem và bái lạy. Khi con gái tôi sắp thi vào cấp ba, thần hồn nát thần tính, tôi cũng dẫn con và bạn học của cháu đi chùa. Càng nghĩ tôi càng cảm thấy vấn đề của mình thật nghiêm trọng, tôi đã đặt chân vào mấy pháp môn liền. Vậy mà tôi vẫn còn cho rằng mình không có vấn đề bất nhị pháp môn. Trong nhận thức của tôi thì tôi không học kinh sách của môn đó thì không được coi là tiếp xúc với môn đó. Hoá ra, không phải như vậy, tôi đã tiếp nhận những thứ trong môn của họ, thì cũng được tính như chấp nhận họ rồi. Giờ tôi mới biết rằng tôi đã sai, tôi thầm nói với Sư phụ: “Sư phụ ơi, con biết sai rồi, con không nhận những thứ của Pháp môn đó.”

Niệm đầu vừa xuất ra, thì đột nhiên một chiếc xe bánh bao đi cùng chiều chạy như bay xuyên lên vỉa hè chật hẹp, đâm thẳng vào ngõ của đầu nhà bên phải, cách chỗ chiếc xe đạp điện đang lao như bay chỉ có một khoảng hơn một mét. Mọi thứ đều đến quá nhanh, về căn bản là tôi chẳng thể tránh được, tôi lập tức siết chặt hai bên phanh, hai chân chống đất, chiếc xe bánh bao và mép đường tạo thành một góc 30 độ, bánh xe trước của tôi đã nằm trong góc độ này, trục trước của chiếc xe đạp điện của tôi dường như áp sát trục sau của chiếc xe bánh bao, thời khắc ấy tôi đã kịp phanh lại. Quả là kinh hồn động phách! Chiếc xe bánh bao cũng chẳng dừng lại, lao thẳng vào chòm đất trống trước cửa nhà, lái xe thất kinh thò đầu ra khỏi cửa nhìn về phía sau. Tôi vẫn giữ nguyên tư thế lúc phanh gấp, cả người và xe hầu như không bị xước xát gì, chỉ là không hiểu sao chân trái lại đau dữ dội. Tôi nhớ mình là người tu luyện, nhưng vẫn chẳng thể kìm nén nhìn lái xe một cách hằn học, như ngầm nói rằng: Lái xe thế à. Đột nhiên nhớ lại ví dụ Sư phụ từng giảng: “Người lái xe phóng nhanh, nhưng anh ấy phải chăng cố ý đâm người ta? Anh ta chẳng phải vô ý là gì?” (Chuyển Pháp Luân) Đột nhiên tôi thay đổi ý niệm, chân cũng không cảm thấy đau nữa.

Sau đó, tiếp tục nghĩ tới vấn đề của mình, Trời ơi! Tôi đột nhiên nhớ ra rằng một giây trước khi xảy ra sự việc, tôi còn vừa mới nhận sai với Sư phụ. Nếu tôi vẫn không ý thức được vấn đề của mình thì hậu quả của việc này e rằng là bị tước đoạt mất sinh mệnh hay sao?! Tình huống vừa rồi, suýt chút nữa là tôi bị chiếc xe bánh bao ép đường, kết quả sau đó lại là chiếc xe đạp điện của tôi ngã lăn kềnh giữa chiếc xe bánh bao và mép đường, sau đó thì người mới ngã ra, chân nằm giữa chiếc xe đạp điện và mép đường, còn người thì đã nằm sõng soài trong vườn hoa ốp đá hoa cương. Ngẫm đến mà rùng mình, may mà Sư phụ lại điểm hoá cho tôi một lần nữa. Kỳ thực, suốt cả chặng đường, Sư phụ vẫn luôn dùng mọi cách điểm hoá cho tôi, chỉ là tôi cứ luôn cho rằng đây là chuyện nhỏ, mà không tìm sâu ở bên trong, không triệt để nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề, mà còn tìm đủ lý do để né tránh những chuyện này, hoàn toàn là dùng tâm người thường mà làm việc của người thường. Vậy mà tôi còn tự tô vẽ rằng: Phù hợp tối đa với người thường, thật xấu hổ với Đại Pháp, xấu hổ với Sư phụ!

Sau sự việc trên, tôi lập tức viết ra những chuyện này, tôi muốn nhắc nhở những đồng tu cũng hồ đồ như tôi rằng, có lẽ chúng ta đều lựa chọn chính xác khi đối mặt với những chuyện đúng sai trọng đại, nhưng lại thường coi nhẹ những “việc nhỏ” từng ly từng tý trong cuộc sống, nhưng tu luyện lại không có việc nhỏ.

Chúng ta hãy cùng ôn lại bài giảng Pháp của Sư phụ:

“Nhưng mà, chư vị không được coi những việc nhỏ thành những việc chẳng đáng kể. Tà ác sẽ chui vào sơ hở, rất nhiều học viên là vì việc nhỏ mà thậm chí đã ra đi rồi” (Giảng Pháp tại Pháp hội Miền Tây Mỹ Quốc)

Các đồng tu, chúng ta nhất thiết phải coi đây là bài học làm gương!


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2018/4/2/363641.html

Đăng ngày 01-09-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share